Bản án cho chính mình | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
- Chi tiết
- Chuyên mục: Chuyện đạo đời
- Được đăng ngày Thứ bảy, 28 Tháng 8 2021 21:48
- Viết bởi Anton Tiếng
- Lượt xem: 724
Bản án cho chính mình | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
- Hãy tìm một cái chum lớn, đốt lửa xung quanh, rồi bắt phạm nhân vào trong chum, bất kể phạm nhân có gian xảo như thế nào, cũng không thể chịu được sức lửa đâu.
Bản án cho chính mình
Võ Tắc Thiên là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử của Trung Quốc, để bảo vệ sự thống trị của mình. Bà ta đã sử dụng những chính sách cai trị tàn bạo , đồng thời ban thưởng cho những người mật báo. Nếu như sự việc "mật báo viên" báo là đúng thì sẽ được thăng quan; còn nếu như vu khống thì người mật báo cũng khó mà bị xử tội.
Điều đó đã làm cho ngày càng có nhiều người làm việc mật báo. Chính vì Võ Tắc Thiên dùng chính sách đó nên thuộc hạ của bà ta luôn nghĩ cách vu cáo những người thù địch với mình, đồng thời phát minh rất nhiều những hình phạt tàn nhẫn để cưỡng bức phạm nhân nhận tội. Trong số đó, người nổi tiếng nhất, độc ác nhất phải kể đến hai người là Chu Hưng và Lai Tuấn Thần. Bọn chúng lợi dụng vu cáo, khống cáo và hình phạt tàn khốc sát hại biết bao nhiêu văn võ bá quan chính trực trong triều và ngoài dân chúng. Thực ra, Võ Tắc Thiên chỉ là lợi dụng những người này, đến khi bọn chúng không thể lợi dụng, không còn giá trị nữa, thì bà ta cũng sẽ loại bỏ hoặc giết bọn chúng.
Một lần kia, một bức mật báo được đưa đến tay Võ Tắc Thiên, trong thư lại cáo giác Chu Hưng liên kết với người khác mưu phản. Võ Tắc Thiên xem xong bức thư thì nổi giận đùng đùng, lệnh cho Lai Tuấn Thần điều tra vụ việc này. Trong lòng Lai Tuấn Thần rất ngờ vực. Hắn ta nghĩ, Chu Hưng là một tên xảo quyệt gian trá, chỉ dựa vào một bức mật thư thì không thể làm cho hắn ta nói thật được, thế nhưng nếu như khó khăn điều tra ra, thì bản thân mình khó mà chịu trách nhiệm được. Hắn ta mắc công suy nghĩ cả ngày trời, cuối cùng đã nghĩ ra được một cách.
Một hôm, Lai Tuấn Thần chuẩn bị một bàn rượu thịnh soạn, mời Chu Hưng đến nhà mình. Hai người vừa uống rượu vừa nói chuyện. Khi hết ba tuần rượu, Lai Tuấn Thần bèn thở dài nói :
- Bình thường người anh em hay xử án, thường xuyên gặp phải tình trạng phạm nhân không nhận tội, không biết lão huynh có cách gì hay không ?
Chu Hưng đắc ý nói :
- Điều này còn không dễ ư ?
Nói rồi nâng chén rượu lên uống một hơi. Lai Tuấn Thần giả bộ rất cấp thiết, nói :
- Ồ, xin lão huynh mau mau chỉ giáo.
Chu Hưng cười nói :
- Hãy tìm một cái chum lớn, đốt lửa xung quanh, rồi bắt phạm nhân vào trong chum, bất kể phạm nhân có gian xảo như thế nào, cũng không thể chịu được sức lửa đâu. Người anh em nghĩ mà xem, còn có phạm nhân nào không dám khai cung nữa không ?
Lai Tuấn Thần gật đầu khen phải, lập tức lệnh cho người mang tới một cái chum lớn, theo lời của Chu Hưng, đốt lửa xung quanh, sau đó quay lại nghiêm khắc bảo Chu Hưng :
- Có người mật báo ngươi mưu phản, bên trên lệnh cho ta điều tra. Xin lỗi nhé, giờ xin mời ngài hãy vào trong chum cho.
Chu Hưng nghe vậy, liền đánh rơi ngay chén rượu trong tay xuống đất, Chu Hưng quỳ xuống, liên tiếp gật đầu :
- Tôi có tội, tôi có tội, tôi xin khai.
Lai Tuấn Thần lập tức xử cho Chu Hưng tội chết. Võ Tắt Thiên nghĩ tới công lao của ông ta ngày xưa nên xá cho tội chết, bắt đi đày.
Một tên ác ôn như Chu Hưng, một khi mất hết quyền lực, thì những người từng có thù với hắn ta, những người bị hắn ta mưu hại sẽ tìm hắn báo thù. Trên đường đi đày, Chu Hưng đã bị người ta giết chết.
______________
Chút Suy Tư
Ác giả ác báo
+ 1. Nguồn phát sinh tội ác.
"Thượng bất chánh hạ tất loạn". Võ tắc Thiên, người đàn bà ở đỉnh cao quyền lực và cũng ở đỉnh cao tội ác để bảo vệ quyền lực của mình, chính là đầu mối của muôn thứ tội ác trong triều đại của bà.
Xưa và nay vẫn thế. Nhìn về thời cận đại một chút, ta thấy tên trùm phát xít Hitler cũng như thế. Hiện đại hơn, tội ác lan tràn cả thế giới. Lớp lớp người dưới tay ông ta làm biết bao tội ác khủng khiếp đối với nhân loại.
+ 2. Những kẻ độc ác hiểu nhau và loại trừ nhau.
Người hiền thường bị lừa bịp vì không hiểu được dã tâm của kẻ độc ác. Ta vẫn thường nghe những câu ta thán đại loại như :"Không thể tưởng tượng người đó hành động như vậy !". "Sao có thể dã tâm tới như vậy!".
Nhưng những kẻ từng cùng làm những chuyện độc ác thì hiểu nhau ngay.
Hắn ta - Lai Tuấn Thần - nghĩ, Chu Hưng là một tên xảo quyệt gian trá, chỉ dựa vào một bức mật thư thì không thể làm cho hắn ta nói thật được (trích truyện).
Nên, sống gần người ác, phải nhận ra người ác, đừng lầm lẫn, để tránh hiễm nguy.
Sống trong chế độ độc tài, phải hiểu chế độc tài, đừng ngây thơ, để khỏi đắm đuối vì những lời hứa hẹn.
Những kẻ độc tài khó chấp nhận những lời xây dựng tích cực khác hơn ý muốn của họ, vì chỉ có họ là đúng.
Những chế độ độc tài khó chấp nhận những lời dân than oán đi ngược bức tranh hạnh phúc mà họ đã tô điểm bằng ngôn ngữ, vì chỉ có họmới có quyền định nghĩa hạnh phúc theo ý họ.
"để bảo vệ sự thống trị của mình. Bà ta đã sử dụng những chính sách cai trị tàn bạo" (trích truyện).
3. Sự độc ác quay lại chính mình.
Khát khao của con người là điều Thiện. Xót xa thay cuộc đời này luôn tồn tại cái Ác. Cái Ác đôi khi xem ra mạnh mẽ và lấn át điều Thiện. Bởi thế, khát vọng sâu xa của con người được gởi gấm qua nhiều bài học nhằm hướng con người đi con đường Chân Thiện. Những bài học đó có khi qua những câu chuyện cố tích, qua những câu chuyện văn học đương đại, qua Giáo Huấn các tôn giáo, và nhất là qua những Lời Hay Ý Đẹp, Danh Ngôn, Tục Ngữ, Ca Dao...
Tích Thiện phùng Thiện, tích Ác phùng Ác.
Ác giả ác báo, Thiện giả thiện lai.
Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ Tâm kia mới bằng ba chứ Tài (ND).
Tự đào hố chôn mình...
Để kết, mượn đoạn văn sau đâu để cùng suy nghĩ thêm câu chuyện hôm nay.
Người phương Tây còn nói một câu theo tinh thần của Kinh Thánh :"Kẻ nào đào hố bẫy ai thì kẻ đó sẽ rơi xuống hố” (Tv.9,16). Để lý giải phương ngôn này văn hào Leo Tolstoi đã viết một câu chuyện: Vào một ngày tuyết rơi, những đứa trẻ hân hoan chạy ra ngoài vui đùa cùng nhau. Nhưng có một cậu bé thì lại có suy nghĩ quái ác, trong khi các bạn đang chơi nó liền đào một cái hố trong tuyết, rồi phủ hờ lên miệng hố một lớp tuyết mỏng để ngụy trang. Thế rồi nó ùa chạy lại chơi với các bạn, thâm tâm nghĩ rằng chỉ lúc nữa sẽ có đứa rơi xuống hố. Rồi mải vui chơi, đùa nghịch nó đã sa vào cái hố do chính nó đào… (Internet)
- "Hãy tìm một cái chum lớn, đốt lửa xung quanh, rồi bắt phạm nhân vào trong chum" - "Xin lỗi nhé, giờ xin mời ngài hãy vào trong chum cho". (trích truyện).
"Kẻ nào đào hố bẫy ai thì kẻ đó sẽ rơi xuống hố” (Kinh Thánh.Tv.9,16)
Đó cũng là "Bản án cho chính mình vậy !"
MAI NHẬT THI