You are here:

HỪNG ĐÔNG NGHẸN MÂY XÁM NGANG ĐẦU

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 


HỪNG ĐÔNG NGHẸN MÂY XÁM NGANG ĐẦU

Ánh mặt trời lên cao hơn con sào. Tiếng chim véo von bên những rặng tre trước nhà thờ. Mặt trời hào phóng vãi từng chùm sợi vàng óng ả qua tán lá cây bần. Trên cánh đồng phía xa xa, những bàn chân vội vã ra đồng.

 

 

 

 

 

 

HỪNG ĐÔNG NGHẸN MÂY XÁM NGANG ĐẦU
 

Ánh mặt trời lên cao hơn con sào. Tiếng chim véo von bên những rặng tre trước nhà thờ. Mặt trời hào phóng vãi từng chùm sợi vàng óng ả qua tán lá cây bần. Trên cánh đồng phía xa xa, những bàn chân vội vã ra đồng. Thấp thoáng những chiếc nón trắng nhấp nhô giữa mênh mông biển lúa như những chiếc nấm xinh xinh mọc lên giữa cánh đồng. Dòng kênh cuồn cuộn chảy, mấy chú cá tung tăng bơi lội, quẫy mạnh làm tung bọt nước trắng xoá. Ánh nắng rực rỡ chói chang tràn xuống cánh đồng. Trên con đường mịn màng thơm mùi mạ non mấy em bé tung tăng. Những chú trâu thong thả bước từng bước nặng nề theo chân những bác nông dân vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ.

Cha Kỉnh ăn vội bữa sáng còm của mình với mẫu bánh mỳ và trái bắp tẻ vừa luộc chín. Cha mặc chiếc áo trắng, đi chân trần trên ruộng sớm mai. Con đường đồng ruộng hẹp hơn đường thành phố, lại trơn trợt khó đi nên không thể mang đôi dép yêu thương của mình được. Trên tay cầm tràng chuỗi mân côi bằng đá trắng mà cha được bà ngoại mình tặng cách đây hai mươi bảy năm. Vừa đi cha vừa đọc kinh cầu nguyện cho xóm đạo của mình.

Xóm Đạo Lao Công không phải là giáo xứ lớn của giáo phận, chỉ vỏn vẹn vài chục hộ gia đình mà trải rộng mênh mông trên cánh đồng. Để có thể đến được với giáo dân của mình, cha Kỉnh phải băng ruộng, có khi giữa trời nắng đẹp, cũng có khi dưới cơn mưa rào. Hôm nay, bác Hai Liên sẽ dẫn cha đi thăm gia đình của anh Khương và gia đình anh Lượm.

-         Bác Hai ơi! Chuẩn bị xong chưa? Cha Kỉnh phủi bẹp bẹp đôi chân dính bụi bờ mẫu, ngồi xuống trước hàng tư nhà bác Liên.

-         Trời đất! Con mời cha lên nhà trên, cha ngồi đây cô bác họ rầy con chết à. Bác Liên mời cha lên nhà trên và rót tách trà mời cha.

-         Ông nhà con mới đi làm, bữa nay ổng phụ lót gạch nhà người ta. - Bác Liên vừa rót trà vừa nói chuyện với cha Kỉnh.

Ánh mắt cha nhìn về phía xóm kén - cửa cống xả khóa nước thông rạch bà Xiểng với sông Vàm Cỏ Đông. Có một nhóm con chiên bổn đạo từ mấy năm nay đã thưa thớt việc nhà thờ nhà thánh rồi. Cha thở dài…

-         Bác Hai, hôm nay con với bác đi nhà anh Khương và anh Lượm nghen bác. Luống rày thấy mấy ổng bả ít đi nhà thờ quá. Lại mấy đứa nhỏ không đi học giáo lý nữa. Không biết có chuyện gì buồn vui không mà lại ra như vậy.

-         Dạ, thưa cha, nhà mấy ông đó thì từ lâu rồi vẫn vậy đó cha. Khi trước cha Phêrô còn ở đây cũng vậy hà. Nói khuyên bao nhiêu cũng không nghe hết ráo. Riết rồi thây kệ luôn chứ biết sao...

Câu nói của bác Liên làm cho cha Kỉnh thoáng mủi lòng. Họ đạo nầy thành lập từ rất lâu đời trên hai thế kỷ mà số bổn đạo chưa tới hai trăm, kể cũng đáng lo lắm chứ! Có thể từ những chuyện nhỏ nhặt nào đó trong nhà, trong xóm cũng khiến cho người ta buồn rồi chểnh mảng công chuyện đạo hạnh. Cha Kỉnh mới về xứ cũng chưa nắm được hết tâm tư của người dân hay lề thói sống đạo xưa nay của vùng này. Đối với một linh mục mới được bổ nhiệm làm cha sở đầu tiên thì bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi.

-         Bác thấy có gì đáng nói về gia đình hai anh đó không vậy?

-         Dạ tụi nó nguội lạnh hồi nào giờ. Hồi trai trẻ hai thằng đó cũng ít đi nhà thờ lắm cha. Rồi tụi nó lấy vợ ngoại theo đạo, không làm gương sống đạo nên cả nhà cũng nguội lạnh hết ráo.

-         Vậy mình phải làm sao giúp họ sống đạo chứ!...

Ngoài ruộng nắng lên coi bộ gắt, cha Kỉnh hối bác Liên đi liền. Bác Liên đi trước dẫn đường cho cha. Hồi nào giờ cha không rành đường trong xứ đạo này nên khó khăn vất vả qua cầu, lội ruộng, nhảy mương. Chí đã quyết thì cha đi, sự thôi thúc vô hình của lòng cảm thương người giáo dân, lòng nhiệt tâm đem Chúa cho mọi người nâng bước cha trên con đường ruộng gập gềnh, chao chao… Cha vẫn cầm tràng chuỗi trong tay: “Kính mừng Maria đầy ơn phước…”. Con đường có tiếng kinh nguyện đỡ cô đơn sợ hãi hơn. Đồng trống mênh mông vài ngôi nhà tường vôi trắng hiện lên bên mấy cây rơm cỡ lớn. Tiếng bò rống làm vang động thôn làng yên bình. Dưới ruộng mấy chú nông phu chăm chỉ cấy mạ sau mấy đợt mưa lớn làm trôi giống, ruộng thưa thớt yếu ớt rung rinh sau mỗi bước đi của người thợ cấy. Nước rung dưới chân mạ mơn man....

Chiếc cầu ván bắt qua con kênh rung lên bần bậc khi chiếc xe honda cũ của bác Tư chở mấy con vịt ra chợ ngã tư bán cho mối hàng. Tiếng chào hỏi nhau  của mấy người dưới ruộng làm ấm áp chút tình chân chất nhà quê trong một góc trời quá đỗi thầm lặng. Qua chiếc cầu cũ, bước lên triền đê cửa sông là tới nhà anh Lượm. Hôm nay anh đi phụ hồ, chị thì đi làm công ty ngoài thị xã. Đứa con gái lớn chạy ra mở cửa cổng rỉ sét nghe cót két lưới rào mắt cáo:

-         Ba mẹ con đi khỏi rồi bà ơi!

-         Mầy không chào cha hả? Bác liên gắt nhẹ.

-         Dạ, con chào cha! Ông cha mới hả bà?

-         Ờ, cha mới dìa có mấy tháng thôi.

Đứa con gái ẳm em bỏ lên võng đung đưa cho thằng nhỏ ngủ. Nó cựa quậy leo tuốt xuống rồi chạy lại bên đống đồ chơi bày bừa bộn trên sàn nhà. Bác Liên thoáng thấy thằng bé đeo chiếc ảnh gì đó trên ngực nên hỏi:

-         Ủa, em bây đeo cái gì vậy Loan? - Loan là tên con bé

-         Dạ, là Phật Quan Âm. Hôm bữa nó khóc quá nên mẹ con xuống Chùa xin tượng Quan Âm cho nó đeo mấy bữa là nó hết khóc và hết bệnh luôn.

-         Chúa Bà ơi! Ba mẹ bây thiệt hết sức! Ai thuở đời đạo Thiên Chúa mà đeo Phật?

-         Con hổng biết nữa, giờ nó hết rồi nên chắc sẽ tháo ra thôi bà.

Lòng cha Kỉnh chùng xuống vài giây. Cha tự hỏi điều gì đang xảy ra trong ngôi nhà này? Họ lạc mất đức tin? Họ có xấu không khi quàng vào cổ thằng bé lên hai tuổi ảnh Phật? Họ có còn tin Chúa chữa lành không? Trong hoàn cảnh đứa bé xảy ra chuyện, sao họ không vô nhà thờ mà chạy ngay lên Chùa? Hay nhà thờ chỉ còn tồn tại như một tượng đài văn hóa? Hoặc nhà thờ đã hóa nên xa lạ từ lúc nào đó trong lòng người giáo dân?...Bao nhiêu ý nghĩ xoáy vào con tim của cha Kỉnh, cười sự ngây thơ của giáo dân miệt đồng ruộng và đau lòng vì điều đó nói lên rằng mẹ Giáo hội ở quá xa họ khi họ cần…

 

Sau khi ghi chép một vài thông tin về gia đình, cha Kỉnh và bác Liên bước lên triền đê phía bên kia để đến nhà anh Khương. Chiếc lá bần rụng xuống chao chao gợn sóng làm hốt hoảng đàn cá lìm kìm vẫy vẫy…

***

Ngôi nhà tường rêu cũ hiện ra trước mặt cha Kỉnh, mấy con chó sủa inh ỏi cả xóm làm mấy người đàn bà đang xay bột dừng tay đứng lên coi chuyện gì. Họ nói gì đó với nhau rồi mạnh ai nấy ngồi xuống xay bột. Một người đàn ông khắc khổ độ chừng bốn mươi ngoài. Vẻ sạm nắng, khuôn mặt gợn nhiều nếp nhăn khiến cho người đàn ông như già hơn gần chục tuổi.

-         Chào Mợ Hai, chào cha.

-         Khương, bây rầy mấy con chó cái coi!

-         Lú ky! Đi chỗ khác mầy! Đi vô!  Vừa nói anh vừa vỗ tay bốp bốp ra dấu cho con chó sợ. Hai con chó - cái tên ‘Lú ky’ nghe thật buồn cười. Thuở đời người sang trọng họ nuôi chó giống Nhật hay Trung thì mới ưu ái gọi ‘Lucky’. Vậy mà ổng cũng học làm sang, đặt tên nghe trọ trại nhà quê ba chớp ba sáng ‘Lú ky’ cho có vẻ oách.

Trong ngôi nhà xây cũ kỹ xềnh xoàng đặt một bàn thờ kính cẩn cao ráo. Tượng Chúa chịu nạn treo đỉnh cao nhất nhìn buồn hiu. Váng nhện đóng tòng teng dưới cánh tay Chúa. Chắc lâu lắm rồi không ai quét dọn bàn thờ. Mấy cây nến đổ quàng đổ xiêng thật tội. Chúng muốn làm trọn bổn phận thắp sáng cầu nguyện mà cũng hổng ai cho nên buồn quắt buồn queo…

-         Khương, bây lấy sổ gia đình Công giáo cho cha ghi!

-         Dạ! Anh ấy lục lọi một mớ giấy tờ cũ mới không tìm ra được cuốn sổ. Vẻ mặt cha Kỉnh hơi nhăn lại. Mọi sự cố gắng của anh Khương cuối cùng cũng được đền đáp. Cuốn sổ ướt vàng khè sau mấy đợt mưa dột, bìa gần bong ra luôn.

-         Được rồi, mừng quá, đây nè cha.

-         Anh để tôi ghi một lát. Thôi để tôi sẽ đổi sổ mới cho anh!

Đứa con gái nhỏ của anh Khương ra chào cha Kỉnh và bác Liên rồi lẻn vô buồng mất tiêu. Mùa này nóng bức, anh Khương loay hoay cắm cái ổ điện cho quạt máy mà nó cứ lỳ ra đó. Ảnh định vụt chửi thề thì bác Liên khẽ liếc ổng hiểu ý nên không buông ra tiếng chửi tục.

-         Mợ Hai thấy đó, nhà cửa con bề bộn quá. Đã vậy thằng Hai nó còn gây nợ tùm lum nữa chớ!

-         Bây nói nghe coi, nó mới hăm mấy mà nợ nần cái gì mậy?

Tợp một hớp nước trà đứa con gái nhỏ bưng lên đặt trên bàn, anh Khương thở dài.

-         Nó cờ bạc gì đó, rồi bữa nó khóc nói xin ba cứu con…

-         Rồi, tao hiểu rồi.

-         Mợ biết đó, mấy thằng thanh niên xóm này cũng vậy, thiếu nợ tùm lum tùm la hết ráo…

-         Rồi bây khuyên dạy nó làm sao để nó vậy?

Anh khương nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông, rít một hơi thuốc lá im lặng không nói gì. Cánh lục bình trôi lênh đênh nhấp nhổm theo đợt sóng chạy qua.

-         Anh Khương, tụi nhỏ như vậy khổ lắm. Mình muốn giúp đỡ nhưng buông ra thì bị lôi kéo cờ bạc nên chẳng biết phải làm gì.

-         Dạ, con cũng hết lời khuyên nó. Chuyến này con phải bán đất trả nợ cho nó tới mấy chục triệu lận cha ơi.

Dưới quê này con số bạc triệu đã là ghê sợ lắm rồi, đàng này thằng nhỏ nợ tới gần sáu chục triệu thì quả là nổi kinh hoàng. Cha Kỉnh tâm sự nhiều với anh Khương về đời sống đạo, kêu cầu Chúa.

-         Anh Khương nhớ nhắc các cháu đi học giáo lý và đi lễ chiều Chúa nhật nghen!

-         Dạ, con cũng nhắc nhở nó hoài hà mà nó không nghe...Giờ con cũng hết biết hải làm sao rồi cha ơi...

***

Tương lai của một xứ đạo chẳng phải là những người trẻ này sao? Một em bé Công giáo đeo tượng Quan Âm, một chàng thanh niên Công giáo siêng đập đá hơn tới nhà thờ, nợ nần tứ phía? Cha Kỉnh đối diện với thực tế chắc chắn thấy lo lắng cho tương lai ấy. Liệu nó có tốt đẹp như người ta tưởng tượng trong lời cầu nguyện truyền giáo, lời kinh hàng ngày trong ngôi giáo đường có tường rào chạy dọc dài khép kín không? Cứ như thực tế hiện nay thì các em này sẽ đi tới đâu, khi chạy miết theo lối sống thực dụng chỉ chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên những giá trị tinh thần.

Đúc kết kinh nghiệm, ông cha ta đã từng khẳng định: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng tựa như uốn cây tre, phải uốn từ lúc tre còn non. Nhưng xem ra giáo xứ Lao Công với chiều dài trên hai trăm năm, có mấy chục năm trong vùng kháng chiến không quan tâm đến nhiều. Vậy, từ bấy lâu nay, thanh thiếu niên xóm đạo Lao Công này dựa vào chuẩn mực nào? giá trị đạo đức nào để sống theo và tôn trọng với tư cách là một con người?

Cha Kỉnh bước vấp một cục đất cày té chúi nhủi. Cha nhăn mặt vì cái đau bất ngờ của bờ ruộng khô…

PHẠM QUỲNH ANH
Viết từ ô cửa xóm đạo.
Truyện 02: Hừng đông nghẹn mây xám ngang đầu.

Đang có 94 khách và không thành viên đang online

12692959
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
4268
9010
52468
12578560
172663
303367
12692959

Your IP: 3.138.114.38
Server Time: 2024-04-19 10:10:55