You are here:

ĐỨC MARIA: MẸ THIÊN CHÚA

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

ĐỨC MARIA: MẸ THIÊN CHÚA

1. Suy đi nghĩ lại trong lòng

Xem phim The Passion of the Christ, ta thấy đạo diễn Mel Gibson thường cho thể hiện  lại hình ảnh quá khứ có liên quan đến sự việc hiện tại để làm nổi bật ý nghĩa của cốt truyện.

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ MẸ THIÊN CHÚA
(Lc.2,16-21)
****
ĐỨC MARIA: MẸ THIÊN CHÚA
 


(16) Khi ấy những người chăn chiên liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

 (21) Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

_____________

SUY NIỆM

ĐỨC MARIA: MẸ THIÊN CHÚA

1. Suy đi nghĩ lại trong lòng

Xem phim The Passion of the Christ, ta thấy đạo diễn Mel Gibson thường cho thể hiện  lại hình ảnh quá khứ có liên quan đến sự việc hiện tại để làm nổi bật ý nghĩa của cốt truyện.

Một trong những ghép nối mang tính so sánh ấy là hình ảnh nhẹ nhàng, rất đời thường, nhưng lại mang ý nghĩa sâu xa về “lòng mẹ” mà đạo diễn Mel Gibson làm cho người xem rất cảm động, đó là lúc Mẹ Maria đỡ Chúa Giê-su dậy khi Ngài vác Thánh Giá ngã xuống đất, đồng thời hiện lên giây phút ấy, hình ảnh Mẹ Maria đã chạy đến ôm bé Giê-su vào lòng, khi trẻ Giê-su vấp té vào thời hai mẹ con còn sống trong mái ấm gia đình tại Na-gia-rét.

Hình ảnh của tuổi thơ Chúa Giê-su thật đẹp, thoáng hiện trong phim chỉ vài giây, trong cơn đau vì vấp ngã, trong tiếng vỗ về của mẹ Maria, cho ta thấy sự yếu đuối “rất thật” của “Thiên-Chúa-làm-người” cần được sự bảo vệ của một người mẹ, như mẹ Maria. 

Không có một nghi vấn nào nơi Mẹ Maria, ngoài nghi vấn duy nhất khi được sứ thần truyền tin sẽ cưu mang Đấng cứu thế : Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”(Lc.1,26-28). Một câu hỏi rất hồn nhiên, rất chân thật, rất hợp lý hợp tình, từ môi miệng của một cô thôn nữ ngây thơ trong trắng.

Rồi từ đó, tuyệt nhiên không còn có một nghi vấn nào khác về sự hiện diện của Thiên-Chúa-làm-người trong tâm hồn cô thôn nữ Maria nữa, trong khi, có rất nhiều việc xảy ra - mà toàn là loại “việc ấy xảy ra thế nào được” – nhưng cô thôn nữ Maria không hề đặt ra câu hỏi “vì sao ?” : - Vì sao Thiên-Chúa-làm-người lại có thể yếu ớt té ngã ? – Vì sao một Thiên-Chúa lại phải lẫn trốn (sang Ai Cập) ? Vì sao Thiên Chúa lại bị nhiều người đời chống đối ? Vì sao Thiên Chúa lại phải chịu cuộc khổ nạn ?  Vì sao Thiên Chúa không ra tay biểu dương sức mạnh của Ngài …? Và còn nhiều nữa, những câu hỏi “vì sao ?”.

Nhưng không có câu hỏi nào đại loại như vậy được thốt lên trong đời Mẹ Maria, vì “bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc.2,19).


Trong đời sống con người, ai biết suy đi nghĩ lại trong lòng, đều là những người có nội tâm sâu xa, biết đi tìm Chân lý. Nói một cách khác, để “ngộ” ra Chân lý, ai cũng phải biết “suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Với Mẹ Maria, “suy đi nghĩ lại trong lòng” là sự chiêm niệm, cầu nguyện không ngừng với Thiên Chúa.

Khi được sứ thần truyền tin Ngôi Hai xuống thế làm người, đó là một sự thật về Mầu Nhiệm Nhập Thể. Sự thật ấy là một Mầu Nhiệm, nên không dễ dàng gì hiểu được đối với trí óc con người. Sự “suy đi nghĩ lại trong lòng” giúp Mẹ Maria từng bước nhận ra được Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người, vượt xa cách cân đong đo đếm theo kiểu “tình yêu” của con người đối với nhau và cả tình yêu của con người đối với Thiên Chúa !

Nhiều khi, trong cuộc sống, có ai đó yêu thương ta quá, ta cũng lấy làm lạ, khó hiểu, có khi bán tín bán nghi, và không khỏi  tự hỏi: -  Sao họ thương mình đến thế nhỉ ? Có một lần một Giáo lý viên  thuyết trình  về đề tài “lòng tốt” trong một cuộc họp mặt một nhóm thanh niên cả đạo lẫn đời, Giáo lý viên ấy nhắc đến tấm gương phục vụ của Giám mục Jean Cassaigne (1895-1973) chăm sóc bệnh nhân phong cùi tận tụy đến mức đã chết vì bệnh phong cùi. Lúc ấy có một em đã hỏi: - “Vì sao ngài tốt như vậy ?”. Thật khó trả lời hai chữ “vì sao” trong trường hợp này, nếu người hỏi không hề biết gì về Tình Yêu Giê-su.

Vì sao ư ? Có rất nhiều lần trong đời ta, ta tự hỏi vì sao, không phải do hoài nghi, mà vì thành tâm tìm Chân lý. Nhiều người đã tìm đến được bến bờ Đức Tin nhờ “suy đi nghĩ lại trong lòng”.


Mọi sự “suy đi nghĩ lại trong lòng” đều phải có một trung tâm. Mọi sự “suy đi nghĩ lại trong lòng” đều phải xoay quanh quỹ đạovâng phục Thiên Chúa.

2. Sự vâng phục Thiên Chúa.

Mẹ Maria suy đi nghĩ lại trong lòng, không phải là suy nghĩ vu vơ, mà suy nghĩ trên nền tảng “xin vâng”. Mọi suy nghĩ của Mẹ Maria không ra ngoài quỹ đạo “Tin Yêu vâng phục Thiên Chúa”.

Mẹ đã tin “lời của sứ thần sẽ được thực hiện”, và Hài Nhi Giê-su là Con Thiên Chúa. Sứ mạng của Mẹ Maria là chăm sóc và bảo vệ Giê-su. “Lòng mẹ” trong trái tim của mẹ Maria không chỉ là “lòng mẹ” như “lòng mẹ” của những người phụ nữ thường tình trên trần gian này, vì con của Mẹ không phải chỉ là một con người phàm phu tục tử, mà là “Con Đấng Tối Cao” – “Con Thiên Chúa”. (Lc.1,26-38), nên“lòng mẹ” trong trái tim của Mẹ Maria là tấm lòng của một người phụ nữ siêu việt, đã được đong đầy tình yêu của Thiên Chúa, vì không ngừng “suy đi nghĩ lại trong lòng” để tìm hiểu và thấu hiểu Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại qua từng biến cố của đời Mẹ.

Sự “suy đi nghĩ lại trong lòng” của Mẹ Maria, do đó, cũng chính là để tìm hiểu và thấu hiểu chính con mình, người con độc nhất Giê-su mà cung lòng mẹ đã cưu mang và đồng hành từ Hang Đá nơi Bê-lem đến Thập Giá đồi Can-vê.

Nhận ra Thiên Chúa qua người con Giê-su, cũng chính là con đường Thiên Chúa dành cho nhân loại, con đường ấy, có một người đi tiên phong, hoàn hảo, không ai khác hơn là Mẹ Maria, Mẹ Giê-su, Mẹ Thiên-Chúa-làm-người – Mẹ Thiên Chúa.

Như  bà Isave thốt lên như một lời tuyên xưng niềm tin khi Mẹ Maria đến thăm bà: “Bởi đâu tôi được ơn trọng này là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi” (Lc 1,43).

3. Đức Maria: Mẹ Thiên Chúa

Đối với một người mẹ, đứa con của mẹ mãi mãi vẫn là đứa con bé nhỏ trong tầm mắt mẹ. Nên lúc nào mẹ cũng muốn thương yêu, chăm sóc, và không ngừng lo lắng cho con mình. Ta vẫn thường nghe nhiều đứa con trách mẹ: “Con lớn rồi mà mẹ cứ xem con như trẻ nhỏ !”.

Trong tình yêu, ai cũng muốn chăm sóc người mình yêu mến, vì sự chăm sóc là tiếng nói của tình yêu.

Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giê-su - con của Mẹ Maria - vẫn mãi mãi bé nhỏ trong tầm mắt Mẹ, vì lòng mẹ không hề nhỏ lại cho dù con mình đã lớn.

Ngay khi đứa con vừa hiện diện trong cung lòng của một người phụ nữ, thì tình mẹ đã bắt đầu và không bao giờ có kết thúc.

Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giê-su mãi mãi - là Mẹ Thiên Chúa.  Và, mãi mãi, cũng là Mẹ Nhân Loại, vì Chúa Giê-su là Trưởng tử của nhân loại mới. "Người đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự..." (Pl 2:7-8).

Tấm lòng Mẹ Maria yêu thương con trẻ Giê-su thế nào, chắc chắn sẽ yêu thương nhân loại như vậy !

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời !

Cầu cho chúng con là kẻ có tội,
khi này và trong giờ lâm tử. Amen

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

_______________

Mời bạn xem Video slide nơi đây    MẸ THIÊN CHÚA

https://youtu.be/E8wcQKPelgc

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

12937005
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
2350
9505
46293
12810320
85203
331506
12937005

Your IP: 3.145.130.31
Server Time: 2024-05-09 06:18:54