Chúa Nhật 04 Phục Sinh: VỊ MỤC TỬ ĐÍCH THỰC
Chúa Nhật 04 Phục Sinh: VỊ MỤC TỬ ĐÍCH THỰC
1. Ngài mang sứ mệnh từ Thiên Chúa. 02
“Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga.10,2).
Ngài “đường đường chính chính” công khai “qua cửa chuồng chiên” để thực thi sứ mệnh của mình. Ngài thực hiện mọi hành động giữa thanh thiên bạch nhật. Không “quanh co, lòn lách, mờ ám” khi hành động. Vì Ngài làm nhân danh Thiên Chúa. Vì Ngài làm theo thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai phái Ngài đến với nhân loại.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH A
(Ga.10,1-10)
****
VỊ MỤC TỬ ĐÍCH THỰC
1 "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ." 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”
________________
SUY NIỆM
Chúa Giê-su, Vị Mục Tử đích thực.
1. Ngài mang sứ mệnh từ Thiên Chúa.
“Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga.10,2).
Ngài “đường đường chính chính” công khai “qua cửa chuồng chiên” để thực thi sứ mệnh của mình. Ngài thực hiện mọi hành động giữa thanh thiên bạch nhật. Không “quanh co, lòn lách, mờ ám” khi hành động. Vì Ngài làm nhân danh Thiên Chúa. Vì Ngài làm theo thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai phái Ngài đến với nhân loại.
2 . Ngài dẫn dắt đoàn chiên.
“Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trướcvà chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh”.(Ga.10,4).
“Ngài đi trước” và “đoàn chiên theo sau”. Đó là Tình Yêu. Người đi trước dẫn dắt đoàn chiên, và đoàn chiên “tự nguyện” theo sau. Chỉ có Tình Yêu mới có sự “tự nguyện” đi theo. Trong sự tự nguyện luôn có sự “tự do” và “tin tưởng”.
Nếu “đoàn chiên” đi trước, người chăn chiên đi sau, đó là hình ảnh của sự “cưỡng bức”. Nó giống với hình ảnh của một đoàn người đi trước và người cầm súng đi phía sau, đó là hình ảnh “áp giải". Giống như áp giải tù binh, áp giải tội phạm, áp giải người dân vào trại tập trung chẳng hạn.
Người mục tử đứng phía sau “nổ súng”, bắn chỉ thiên (nếu không có súng “thiệt” thì dùng súng... “miệng”: răn đe, hù họa, lên án, nguyền rủa...) để đoàn chiên phía trước phải nghe theo, hành động như thế cũng khó tìm một từ nào khác để thay thế từ “áp giải” – “áp giải” vào chuồng, “áp giải’ ra đồng... chắc khó mà chấp nhận đó là một hình ảnh đẹp của một mục tử.
Chúa Giê-su dẫn dắt chứ không phải “áp giải” đoàn chiên về với Chúa Cha. Vì đoàn chiên “nghe tiếng” Ngài và tự nguyện theo Ngài.
Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. (Ga.10,16)
3. Là cửa ra vào của đoàn chiên.
Sứ mệnh của Chúa Ki-tô là qui tụ muôn dân muôn nước về với Chúa Cha, về với Thiên chúa, về với Cội Nguồn, về với Nguồn Sống.
Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.(1Pr.2,25).
Pha-ri-sêu và những người mục tử giả hiệu đã không muốn và không thể thực hiện tốt vai trò mục tử của mình, vì mục đích của đời họ không phải là “dẫn dắt mọi người tìm về Thiên Chúa”. Họ chú tâm chạy theo quyền lợi của họ.
“Các ngươi khoá cửaNước Trời không cho thiên hạ vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không thể để cho họ vào” (Mt 23, 13).
Chúa Giê-su, không những Ngài không “khóa cửa” mà Ngài còn chính là “Cửa” để khai thông lối vào Nước Trời, lối vào Sự Sống Vĩnh Hằng.
“Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10, 7).
Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.(Ga.10,9).
“Đồng cỏxanh tươi”, chứ không phải “đồng khô cỏ cháy”, nơi có màu xanh sự sống và những dòng suối mát trong lành. Nơi đoàn chiên no mồi tung tăng nô đùa, và giải khát bên những dòng suối tinh khiết.
Nơi con người no thỏa vật chất và tinh thần, không đói khát và không sống nô lệ trong những dục vọng thấp hèn và những tham vọng đen tối.
Đoàn chiên có đồng cỏ để được nuôi dưỡng, vui đùa, có mái chuồng để nghỉ ngơi ấm cúng.
Vì chuồng chiên có cửa, chiên có thể ra vào qua cửa tự do và bình an, nên chuồng chiên không phải là một ngục tù bao la, nơi mà đoàn chiên bị nhốt trong không gian tù túng, được bố thí dăm ba bó cỏ rơm vàng úa, một ít ngụm nước đủ để sống còn. Lê dài kiếp sống lây lất qua ngày. Không biết gì về bầu trời cao rộng bao la, và đồng xanh trải rộng đến tận chân trời xa thẳm.
4. Khung cửa Tình Yêu
Ngày xưa, để bảo vệ vùng lãnh thổ sinh sống, người ta làm những bức tường thành kiên cố. Dọc theo những thành lũy này, có những “cổng thành” cực kỳ quan trọng. tại Cổng thành, người ta kiểm soát người ra vào nghiêm ngặt, nhất là khi có chiến tranh. Lịch sử còn để lại Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng ở Trung Quốc.
Những thành lũy ấy, có nơi đã trở thành những bức tường bọc kín không có “cổng” ra vào, nó bít kín mọi lối đi, ngăn chia hoàn toàn với thế giới quanh nó. Nhiều khi, nó trở thành một thứ “bức tường ô nhục”, vì sức mạnh quyền lực trần thế nào đó, nó làm cho con người không đến được với nhau. Có khi là người trong một Đất Nước, một Dân Tộc. Thí dụ bức tường Đông Đức-Tây Đức trước đây.
Tâm hồn con người cũng có những bức tường vây bọc tương tự như vậy. Với ai đó, có thể mãi mãi khép kín, không còn “cổng chào” nào đón tiếp “kẻ thù” hay những con người mà ta không yêu mến.
Tình yêu của Chúa Giê-su là nơi quy tụ tất cả “mọi con chiên nghe tiếng Ngài” về xum họp chung một Đoàn Chiên.
Tiếng Ngài là lời Ngài, là Lời Chúa, là Lời Yêu Thương soi rọi mọi tâm hồn, liên kết mọi tâm hồn. Lời Chúa “mở cửa tâm hồn” của mọi người để mọi người đến với nhau, để về chung một đoàn và trở nên một với nhau.
5. Chết vì đoàn chiên để bảo vệ đoàn chiên.
Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạnh sống cho đoàn chiên. (Ga.10,11).
Vị Mục Tử Đích Thực đã đến với con người chỉ vì một mục đích duy nhất là cho con người đến được bến bờ hạnh phúc vĩnh hằng.
Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào”. (Mt 10, 10).
Những mục tử hôm nay...
Ngày nay, người chủ chiên tốt lành không chắc hẳn phải đương đầu với một đàn chó sói. Nhưng họ có thể phải đương đầu với một điều gì đó còn tệ hại hơn – một bè lũ tội phạm.
Philip Lawrencelà một hiệu trưởng tại trường Công Giáo Thánh George ở Luân Đôn. Vào một ngày trong tháng 12 năm 1995, ông đã bị đâm ngay bên ngoài trường học của ông, trong khi đang cố gắng bảo vệ một trong số các học sinh đang bị một tên côn đồ tấn công, và ông đã chết vì những vết thương quá nặng. Ông đã được các thính giả của chương trình Thời Đại Ngày Nay ở đài phát thanh BBC bình bầu là Nhân Vật Ấn Tượng nhất trong Năm. Ông nhận được 23.130 phiếu bầu, trên cả ông John Major, người sau này làm Thủ tướng (18.260 phiếu).Ông đúng là một mục tử của “đoàn chiên học sinh” yêu quý của ông. (Internet).
(Ảnh: Philip Lawrence và học sinh của ông).
“Một điều gì đó còn tệ hại hơn...”.
Ở quanh những mục tử...
Của thế giới suy đồi đạo đức. Của “lòng nhân’ đã hóa lạnh lùng. Của cuộc sống thác loạn, hưởng thụ...
Ở trong chính tâm hồn những mục tử...
Sự tục hóa của những giá trị thiêng liêng. Những “phù sa tiền của danh vọng” bồi đắp tâm hồn làm tâm hồn hóa ra nông cạn. Nó bóp chết niềm tin ngay trong lòng của những người đi gieo giống...
Lạy Chúa,
Xin cho con mãi mãi biết nghe tiếng Ngài,
Vị Mục Tử Đích Thực,
Vị Mục Tử mẫu mực,
Trong suốt cuộc đời con. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
(Bài viết năm 2011)
_________________
Nếu bạn muốn đọc thêm bài viết năm 2014, xin mời bạn vào Địa Chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/nguoi-lanh-dao-mau-muc-nvt.html