Lễ Thăng Thiên A: Thiên Đàng Ở Tại Lòng Ta
Lễ Thăng Thiên A: Thiên Đàng Ở Tại Lòng Ta
“Cõi trời” trong quan niệm dân gian.
“Cõi trời”, nói chung chung, thường được người đời quan niệm là cõi phúc. Nơi có đầy đủ những điều như lòng người khao khát , mong ước.
Thế nhưng, vì quan niệm hạnh phúc khác nhau, nên “cõi trời” cũng thiên hình, vạn trạng. Nói đến được vào cõi trời, là lạc vào “cõi tiên”, lạc vào “bồng lai tiên cảnh”, với người đẹp, cảnh đẹp và bao điều hoan lạc vui thú triền miên…
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH A
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
(Mt.28,16-20)
****
THIÊN ĐÀNG Ở TẠI LÒNG TA
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
SUY NIỆM
“Cõi trời” trong quan niệm dân gian.
“Cõi trời”, nói chung chung, thường được người đời quan niệm là cõi phúc. Nơi có đầy đủ những điều như lòng người khao khát , mong ước.
Thế nhưng, vì quan niệm hạnh phúc khác nhau, nên “cõi trời” cũng thiên hình, vạn trạng. Nói đến được vào cõi trời, là lạc vào “cõi tiên”, lạc vào “bồng lai tiên cảnh”, với người đẹp, cảnh đẹp và bao điều hoan lạc vui thú triền miên…
Ngày xưa, có câu chuyện về cõi Thiên Thai như sau :
Thiên Thai là tên của chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệuđời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, không còn ai quen thuộc, thì ra họ xa nhà đã bảy đời rồi. Buồn bã, hai người tìm đường trở lại núi Thiên Thai, nhưng than ôi, đường xưa lạc lối nên không tìm lại được cõi tiên nữa...(xem Bài đọc phụ thêm).
Thế nên, Cõi trời, cõi thiên thai, kiểu con người hình dung, vẫn chưa thế đáp ứng khát vọng thật sự của con người. Lưu Nguyễn đã lạc vào cõi “thiên thai” rồi, “cõi trời” rồi, mà vẫn còn nhớ về cõi trần, nơi tuy dù là “bể khổ”, vẫn còn đó biết bao kỷ niệm khó quên, nơi có cội nguồn, tình yêu, và cũng có nụ cười tuy dù hòa tan cùng nước mắt. “Xin dâng này máu đang tươi, này đây nước mắt nụ cười chen nhau” (HMT).
Và, nếu “cõi trời”, hay Thiên Đàng… chỉ dừng lại ở những niềm vui mà con người ôm ấp trong cái khung của khát vọng kiếp người, nó sẽ chỉ là một cuộc săn đuổi hạnh phúc triền miên không có hồi kết thúc, vì nó không bay lên cao đượcđể vượt ra khỏi những trói buộc của khát vọng thuộc về hạ giới.
“Cõi trời” trong Đức Tin Ki-tô Giáo.
“Trời”, nơi Chúa Giê-su tiến vào không phải là sự xa vắng, nhưng như là một màn che khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện. Đó là sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện không bao giờ bỏ rơichúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang. ( ĐGH. Gioan-Phaolô II - Hội nghị Hồng Y Thế Giới 05.2001).
“Chúa ở cùng chúng ta”. – Có Chúa trong đời ta. Đó chính là “cõi trời”. Đó chính là Thiên Đàng của con người. Thiên Đàng ở tại lòng ta.
Chính nhờ sự hiện diện của Chúa Giê-su trong ta. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Ki-tô sống trong ta”, ta mới bay lên cao được, để ngắm nhìn và bước vào “cõi trời” đích thực của Chúa Giê-su Phục Sinh vinh hiển.
Như những tông đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Ki-tô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha. (ĐGH. Gioan Phaolô II).
“Nhìn lên dung mạo Chúa Ki-tô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha”ở ngay trong cuộc sống này, ở ngay hôm nay, ở ngay trong chính lòng ta.
Chúa Giê-su Phục Sinh hiển vinh để mọi người chúng ta tìm thấy con đường về “cõi trời”, như Ngài về “cõi trời.”
Không phải Chúa Giê-su lên trời để bỏ chúng ta, mà Ngài bước sang một sự hiện diện mớivới chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Ngài luôn ở cùng chúng ta luôn mãi cho đến tận cùng. (ĐGH. Gioan Phao lô II).
“Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoanđể mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọnganh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phúanh em được chia sẻ cùng dân thánh” (Ep.1,17-18).
Nếu con người không nhận ra được đâu là niềm hy vọng đích thực của cuộc đời mình, đâu là gia nghiệpđể ta nhắm tới… thì làm sao tìm thấy được “cõi trời”, cõi thiên thai trong cuộc đời được.
Nếu “niềm hy vọng” chỉ là thứ “hy vọng hảo huyền”, nếu “gia nghiệp” chỉ là những thứ “gia nghiệp phù du”, thì cõi thiên thai cũng chỉ là vòng lẫn quẫn vui buồn của kiếp nhân sinh đày đọa !
Nhưng, ngoài Chúa Giê-su ra, hy vọng nào trong cuộc đời này là “hy vọng vững chắc”, gia nghiệp nào là “gia nghiệp đời đời”?
Nếu không có “thần khí khôn ngoan” mà “Thiên-Chúa-ở-cùng-ta” trao ban cho con người, con người không không biết chọn lựa, con người sẽ mất tất cả, cuộc sống hôm nay và cả ngày mai. “Trần thế” và “cõi thiên thai” cả hai đều đánh mất !
Chúa Giê-su, chính là “cõi trời” của chúng ta. Ngài chính là “hy vọng” và “gia nghiệp” đời ta.
Thiên Đường ở tại lòng ta.
Có một giai thoại vui về “Nước Trời” như sau:
Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được ở với Đức Giê-su.
Cậu bé nói :
- Chẳng bao lâu nữa con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giê-su và ở với Người mãi mãi.
Nhà truyền giáo đáp:
- Nhưng nếu Đức Giê-su phải rời khỏi Thiên Đàng, con sẽ làm gì ?
- Con sẽ đi theo Người.
Nhà truyền giáo lại nói:
- Nhưng nếu giả sử Đức Giê-su đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gi ?
Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh va một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp :
- Ồ, ở đâu có Đức Giê-su, thì ở đó không thể có hỏa ngục. Chúa Giê-su ở đâu, thì ở đó là Thiên Đàng.
Vâng ! Thật giản dị, dễ hiểu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúng ta vẫn thường hát : “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”.Ở đâu có Đức Chúa Trời, thì ở đấy là Thiên Đàng vậy !
Vào một đêm huyền diệu, Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng nhân loại. Đêm Giáng Sinh.
Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”(Mt.1,23).
Sau cuộc đời trần thế, Ngài dẫn đưa nhân loại về đâu ? Ngài thất vọng về trời và bỏ rơi nhân loại ư ?
Không ! Ngài vẫn ở cùng như loại. Trước sau như một, Đức Giê-su vẫn là “Em-ma-nu-en”, “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt.1,23)
Và, ở đâu có Ngài, ở đấy là Thiên Đàng. Ngài ở trong lòng ta, Thiên Đàng ở trong lòng ta.
Và, chúng ta ước mong sau, đem Thiên Đàng, “cõi trời đích thực” vào trong lòng mọi người. Là Chính Giê-su, Thiên Đàng cho mọi tâm hồn.
Lạy Chúa,
Là ước mơ bay bổng, bay cao…
Không phải là vào vũ trụ ngàn sao…
Mà vào không gian bao la nghìn trùng của Tình Yêu Chúa.
Là Thiên Đàng hạnh phúc đời con. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
Bài viết năm 2011
___________________
Nếu bạn muốn đọc thêm bài viết năm 2014, mời bạn vào Địa Chỉ:|
http://canhdongtruyengiao.net/khong-phan-loai/chua-trong-long-ta-nvt.html