Lễ Chúa Ba Ngôi: TÌM VỀ CỘI NGUỒN

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Lễ Chúa Ba Ngôi: TÌM VỀ CỘI NGUỒN

Khi nói đến mầu nhiệm  Chúa Ba Ngôi, ai cũng nghĩ ngay đến một mầu nhiệm cao siêu và khó hiểu. Nên những nhà thần học, triết học thông thái thì tìm những lý luận sắc bén để diễn giải sao cho thuyết phục, còn những người truyền đạt giáo lý thì tìm những hình ảnh thực tế để minh họa sao cho dễ hiểu. Lý lẽ cao siêu quá thì đại chúng nghe như chuyện trên mây, xa lạ, không thấy dính líu gì đến cuộc sống của họ, còn hình ảnh minh họa đơn sơ quá, bình dân quá, thì làm mất đi sự cao cả của mầu nhiệm, và có khi có nguy cơ tạo nên sự nhận định lệch lạc biến điều thiêng liêng trở nên quá trần tục.


SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ CHÚA BA NGÔI
(Ga.3,16-18)
****

TÌM VỀ CỘI NGUỒN

 

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
 

SUY NIỆM

Khi nói đến mầu nhiệm  Chúa Ba Ngôi, ai cũng nghĩ ngay đến một mầu nhiệm cao siêu và khó hiểu. Nên những nhà thần học, triết học thông thái thì tìm những lý luận sắc bén để diễn giải sao cho thuyết phục, còn những người truyền đạt giáo lý thì tìm những hình ảnh thực tế để minh họa sao cho dễ hiểu. Lý lẽ cao siêu quá thì đại chúng nghe như chuyện trên mây, xa lạ, không thấy dính líu gì đến cuộc sống của họ, còn hình ảnh minh họa đơn sơ quá, bình dân quá, thì làm mất đi sự cao cả của mầu nhiệm, và có khi có nguy cơ tạo nên sự nhận định lệch lạc biến điều thiêng liêng trở nên quá trần tục.

Mạc khải của Chúa Giê-su về Chúa Ba Ngôi.


“Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an” (1Cor.13,11).

Đọc xuyên suốt trong Tân Ước, chúng ta không thấy Chúa Giê-su  dành một bài học nào với những lý luận cao siêu để giảng dạy về Chúa Ba Ngôi, mà Chúa Giê-su chỉ nói về tình yêu của Chúa Ba Ngôi qua những việc làm mà Thiên Chúa đã thực hiện vì  yêu thương con người. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện rất rõ ràng qua Lịch Sử Cứu Độ.

Con người luôn khát khao Tình Yêu và Bình An. Khát khao yêu và được yêu. Khát khao được sống hòa bình không thù hận. Khát khao những điều hạnh phúc mà cuộc sống hữu hạn trần gian không thể vươn tới. Nói chung, đó là khát khao được an bình hồn xác. Khát khao được “sống và sống dồi dào”.

Và, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đong đầy những ước vọng chân chính của con người, vì “Thiên Chúa là nguồn yêu thươngbình an”(1Cor.13,11).

Chúa Giê-su đã dạy cho con người nhận ra Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa Tình Yêu, cội nguồn của nhân loài và mọi loài, và đó là tất cả những gì mà Chúa Giê-su nhắm tới trong cuộc đời trần thế của Ngài. Ai không nhận ra được Tình Yêu của Thiên Chúa người đó không thể  yêu mến Thiên Chúa. Không yêu mến Thiên Chúa thì làm sao có niềm  tin vào Thiên Chúa được. 

Chúa Cha

Tình yêu Thiên Chúa thật thân mật và gần gũi, đến mức con người là thân phận cát bụi lại có quyền gọi Thiên chúa là Cha.

“Lạy Cha chúng con ở trên trời...”

Có triết thuyết nào, có ngôn từ nào diễn tả Đấng Tối Cao đẹp hơn thế không ? Có hạnh phúc nào dành cho thụ tạo lớn hơn thế không ? Chỉ với tiếng “Cha ơi !”,là ta đã thấy ngập tràn “yêu thương và bình an”. Chỉ với hai tiếng “Cha ơi” ta suy ra biết bao điều huyền diệu của Tình Cha mà ngôn ngữ cuộc đời không thể nào tả hết. Chỉ với tình cha ở trần thế thôi, ta còn chưa diễn tả trọn đầy, huống chi Tình Cha nơi Thiên Chúa làm sao ta suy thấu.

Chúa Con

Tình yêu Thiên Chúa không ở trên mây, cũng không ở trong những trang sách được thêu dệt bằng những ngôn từ hoa mỹ từ  những bộ óc giàu tưởng tượng. Tình yêu Thiên Chúa là Chaở ngay trần thế, hiện thực, được con người mắt thấy tai nghe. Đó chính là Giê-su, Thiên-Chúa-làm-người-và-ở-cùng-chúng-ta. Và, con người nhận ra tình yêu Chúa Cha nơi chính Chúa Con, Chúa Giê-su, Ngôi Hai xuống thế làm người.

“Ai thấy Thầy là Thấy Chúa Cha... Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”  (Ga.14,9-11).

Cuộc đời của Chúa Giê-su là trang sử Tình Yêu  của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.(Ga.3,16).

Chúa Giê-su đã tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ nhân loại. Ngài chết vì quá yêu nhân loại.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga.15,13).

Tình yêu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại cũng chính là tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại. Tình yêu đó là một, cũng như Chúa Cha và Chúa Con là một. Đó là Tình Yêu Thiên Chúa.

“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga.10,30).

Chúa Thánh Thần

Những gì diễn ra trong thế giới hôm nay cho thấy con người đang xa dần tôn giáo.

Có phải cái chết của Chúa Giê-su rồi sẽ trở thành vô nghĩa và Tình Yêu Thập Giá sẽ chỉ còn là một kỷ niệm xa xăm ? Có phải hình ảnh của Thiên-Chúa-làm-người đã bị xóa nhòa và do đó hình ảnh Thiên Chúa là Cha rồi sẽ chỉ còn lại trong những pho sách cổ ? Có phải Tình Yêu Thiên Chúa rồi sẽ chỉ còn đọng lại trong lòng những con người hay tưởng tượng và mơ ước ?

Không ! Chúa Thánh Thần, sức mạnh của ngọn lửa Tình Yêu vẫn luôn cháy rực trong lòng thế giới qua những con tim cháy bỏng tình yêu mến Thiên Chúa trên khắp mọi nẻo đường truyền giáo.

Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ tắt lịm, ngược lại, mãi mãi bùng cháy, và bùng cháy mạnh mẽ.

“Khi Đấng bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất nơi Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga.15.26).

Lòng người có thể nguội lạnh. Thế giới có thể nguội lạnh. Nhưng ngọn lửa Thánh Thần vẫn rực cháy để nhân loại bùng cháy lên trong tâm hồn niềm tin yêu hy vọng, ý nghĩa cuộc sống, hướng đi chân thiện của cuộc đời.

Ánh sáng Lời Chúa không bao giờ tắt. Thánh Thần sẽ làm bùng cháy mãi mãi Ánh Sáng Chúa Ki-tô trong thế giới này cho đến ngày cùng tận. Vì Lời Chúa được công bố nơi Chúa Giê-su là Lời Hằng Sống. Và Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, hiệp nhất cùng Chúa Cha, Chúa Con, soi sáng cho con người thêm khôn ngoan để thấm nhuần Lời Chúa, thêm sức mạnh và can đảm để con người thực thi Lời Chúa, hầu con người được sống và sống dồi dào.

Khi nào Thần Khi sự thật đến, người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga.16,13-15).

Nguồn yêu thương và bình an


Những gì chúng ta hiểu được qua lời giảng dạy của Chúa Giê-su về Chúa Ba Ngôi, tóm gọn lại, là Tình Yêu Thiên Chúa. Và, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, ta được bình an vui sống. Nói như thánh Phao-lô: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em”.

Hiểu được như vậy, chúng ta làm gì ?

Tìm về cội nguồn

Làm sao con người sống được nếu lìa xa nguồn cội – nguồn yêu thương và bình an ? Làm sao ta có thể yêu thương Thiên Chúa nếu lìa xa Thiên Chúa ? Làm sao ta có thể sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha nếu ta không tìm về tình Ngài ? Làm sao ta có thể ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa nếu ta không hiểu tất cả là hồng ân của Ngài, tất cả là từ nguồn yêu thương và bình an?

Trong dân gian có Đạo Hiếu, Đạo Ông Bà. Người ta tôn thờ và tri ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đã sinh ra mình, đã cho mình cuộc sống và tình yêu thương đùm bọc.

Những chuyến đò về vùng quê trong dịp Tết Tân Mão vừa qua luôn đông nghẹt khách

Khi xa quê, người ta nhớ về Quê Cha Đất Tổ, ước ao ngày về. Nhất là những ngày lễ lớn, Tết, giỗ... Người ta cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi được trở về mái ấm gia đình, dù nơi đó cuộc sống  còn nhiều thiếu thốn và gian khổ.

Ngày nay, vì cuộc sống, nhiều người đành phải rời xa quê miền quê heo hút, đến những thành phố lớn tìm kế sinh nhai, nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Vào dịp Tết, ai cũng về thăm nhà, vượt qua con đường thật xa, tiền xe tăng giá gấp đôi, gấp ba, chỗ ngồi phải chen lấn chật chội, cả chuyến về lẫn chuyến đi đều rất vất vả, tốn kém, nhưng lòng ai cũng nôn nao, mong ngóng ngày về quê. Vì nơi đó là nguồn tình thương, nơi mà người ta sinh ra và lớn lên để nên người.

Ở Việt Nam, ba ngày Tết, những ngày đầu năm mới, là những ngày thiêng liêng của dân tộc, người Công Giáo dành ngày Mùng Hai Tết để “Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ”, còn ngày Mùng Một Tết là ngày Tạ Ơn Chúa, “mừng tuổi Chúa”, cầu bình an cho năm mới.

Tìm về cội nguồn tổ tiên ông bà là Đạo Hiếu cao quý, nhưng đó chỉ là cội nguồn trong cuộc sống trần thế. Quy luật truyền sinh mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người nằm trong sự an bài huyền nhiệm của Ngài.

Niềm tin Ki-tô hữu đưa chúng ta đi xa hơn, tìm về tận đầu nguồn của sự sống đích thực, đầu nguồn của tình yêu và bình an đích thực, đó là Thiên Chúa, đó là Chúa Ba Ngôi.

Dân Chúa

Khi người ta biết kính nhớ tổ tiên , người ta sẽ tìm thấy được hạnh phúc trong không gian của dòng tộc, Còn khi người ta biết tôn thờ Thiên Chúa, người ta sẽ tìm thấy được hạnh phúc gấp vạn lần hơn  trong không gian của đại gia đình Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em.
  
Thật hạnh phúc, khi từng phút giây trong cuộc đời, ta luôn được gần Chúa Ba Ngôi, gần Thiên Chúa , gần Cha chúng ta. Ngài thật gần gũi. Ngài ở trong ta. Ta sống hạnh phúc và bình an trong Ngài. Và mọi biến cố trong đời ta, mọi diễn biến trong đời ta, ta luôn lên tiếng gọi : “Cha ơi !”.

Để chứng thực anh em là con cái , Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi !”. (Gl.4,6).

Lạy Chúa,

Xin cho cuộc đời con được như lời cầu chúc của thánh Phao-lô:

“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần”.  (2Cor.13,13).

Nhân danh Cha, và ConThánh Thần. A-men.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
Bài viết năm 2011
_________________

Nếu bạn muốn đọc bài viết năm 2014, mời bạn vào Địa Chỉ:

http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/nhan-ra-tinh-yeu-thien-chua-nvt.html