Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô Năm A: TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô Năm A: TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
Tình yêu cuộc sống.
Có một câu chuyện giúp ta ngẫm nghĩ thêm về tình yêu cuộc sống sau đây :
Trước năm 1975, tại một viện mồ côi trong một ngôi làng nhỏ ở nước ta, một tai nạn khủng khiếp xảy ra khi một khối bê tông ngã xuống, khiến hai em chết ngay tại chỗ và gây thương tích cho nhiều em.
SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ
(Ga.6,51-58)
****
BÁNH HẰNG SỐNG
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" 53 Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
SUY NIỆM
Tình yêu cuộc sống.
Có một câu chuyện giúp ta ngẫm nghĩ thêm về tình yêu cuộc sống sau đây :
Trước năm 1975, tại một viện mồ côi trong một ngôi làng nhỏ ở nước ta, một tai nạn khủng khiếp xảy ra khi một khối bê tông ngã xuống, khiến hai em chết ngay tại chỗ và gây thương tích cho nhiều em. Trong số đó có một bé gái 8 tuổi bị thương rất nặng. Ban quản trị viện mồ côi liền đến quân đội Hoa Kỳ đồn trú gần đó xin cầu cứu. Cuối cùng, họ cử một bác sĩ và một y tá đến đem theo dụng cụ y khoa. Họ nói rằng nếu không cứu chữa kịp thời thì sanh mạng của bé lâm nguy, bé sẽ chết vì mất rất nhiều máu, và cần phải truyền máu ngay. Cuộc thử nghiệm cho thấy, không có ai trong số hai người Mỹ đó có nhóm máu giống như bé, nhưng rất nhiều trẻ mồ côi có mặt tại đó có cùng nhóm máu như bé. Có một điều trở ngại cho họ là không ai có thể giải thích cho các em biết rằng người truyền máu sẽ không bị bị thiệt mạng, trái lại sẽ cứu sống bạn các em, để các em tình nguyện hiến máu. Vì vị bác sĩ người Mỹ chỉ biết vài tiếng Việt lơ lớ, trong khi cô y tá lại biết một ít tiếng Pháp lõm bõm, còn người Việt ta thì cũng biết chút đỉnh hai ngôn ngữ nầy. Nhưng nhờ kết hợp lời nói với điệu bộ, nên sau cùng họ đã chọn ra một em xin tình nguyện hiến máu cứu bạn mình. Em đã giơ cánh tay run rẩy mình lên trước sự ngạc nhiên và im lặng của các bạn mình sau lời kêu gọi của cô y tá.
Không một phút chần chờ, họ đặt cậu Hân lên trên chiếc băng ca, dùng bông gòn thoa cồn trên cánh tay em rồi đưa kim vào tĩnh mạch. Cậu nằm im không nói một lời nào. Một lát sau, cậu bé cất tiếng nấc nhưng rồi nhanh chóng lấy tay che mặt. Bác sĩ đến hỏi: “Em có đau không?” Cậu lắc đầu, nhưng sau đó lại tiếp tục cất tiếng nấc. Thoạt đầu cậu cố ngăn được tiếng nấc, nhưng sau đó cậu đã khóc, và khóc nứt nở. Bác sĩ hoang mang, không biết điều gì đã xảy ra cho em. Nhưng sau khi tìm hiểu, cô y tá khám khá ra rằng sở dĩ cậu khóc vì nghĩ rằng mình sẽ chết. Vì cậu lầm tưởng rằng một khi truyền hết máu để cứu bạn, thì cậu sẽ không còn máu nữa và cậu sẽ chết. Đến đây cô y tá hỏi cậu rằng: “Vì sao em biết mình sẽ chết sau khi truyền máu cho bé gái kia mà em vẫn tự nguyện làm chuyện đó?” Cậu trả lời rằng vì “Nó là bạn con”. Cô y tá vô cùng cảm động trước lòng quả cảm và sự hy sinh của cậu. Cô giải thích rằng cậu sẽ không chết đâu nhưng cậu đã cứu mạng của bạn mình. (Internet).
Ai cũng có tình yêu cuộc sống. Khát khao được sống. Cuộc sống cao quý biết bao. Cho dù có bao nhiêu sóng gió, cuộc đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu.
Cho dù lắm đau khổ, người ta vẫn cố vượt qua. Có biết bao thiệt thòi, người ta vẫn chấp nhận để vui sống.
Chúng ta có thể tìm thấy những nỗi đau khôn cùng của nhiều người bất hạnh ở những bệnh viện, những người tàn tật…chúng ta cũng thật ngạc nhiên trước nghị lực mà nhiều người đã vượt qua để vui sống và sống hữu ích.
Nạn tự tử.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày trên thế giới có khoảng 3.000 người thực hiện hành vi tự tử.
Ngày 10.9hàng năm là ngày Phòng chống tự tử trên toàn thế giới với mục tiêu thúc đẩy các quốc gia hành động để ngăn chặn hành vi tự tử.
Tổ chức Y tế Thế giới cùng Hiệp hội Phòng chống tự tử quốc tế và nhiều tổ chức khác rất quan tâm đến vấn đề này và sẵn sàng hỗ trợ cho công tác phòng chống hành vi tự tử, bao gồm cung cấp đầy đủ dịch vụ điều trị và chăm sóc cho những người đã từng có hành vi tự tử.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, các chính phủ cần đưa ra khung chính sách cho chiến lược quốc gia về phòng chống tự tử. Tại mỗi nước cần phải có chương trình truyền thông và hoạt động cụ thể trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này để làm giảm số người có hành vi tự tử. (Internet).
Ngày xưa, khi còn học trung học, tôi nhớ có một đề thi: “Em hãy cắt nghĩa và phê bình câu nói sau đây: ‘Người tự tử là người hèn nhát, mà người hèn nhát thì không dám tự tử’”. Ngày xưa còn nhỏ, khi “bình luận” rất khác, sự suy nghĩ ngày xưa rất khác bây giờ, vì tuổi đời chưa trải qua nhiều ghềnh thác cheo leo của cuộc sống. Chưa hiểu nhiều về đau khổ, nên con tim chưa đủ cảm thông, chưa đủ bao dung. Khi trong dòng đời, có những lúc ta thật sự lạc lỏng, cô đơn, với nỗi lòng không có ai để chia sẻ, với tình cảnh trái ngang khó lòng tháo gỡ, ta mới hiểu vì sao có những người đã từ chối cuộc sống.
Không ai dám nói rằng mình có thể chịu đựng mọi nỗi đau thương trong cuộc sống. Người tự tử họ vẫn rất khát khao được sống, nhưng có những nỗi đau thân xác và tâm hồn quá sức chịu đựng đối với họ, sự chọn lựa của họ có khi rất cô đơn và không thật đối với nội tâm của họ. Họ từ chối cuộc sống vì không còn chút ánh sáng len lỏi trong tâm hồn họ. Không phải cuộc sống không đáng yêu, mà vì họ không còn nhận ra điều gì đáng yêu trong cuộc sống . Tất cả đã hoàn toàn trong tăm tối.
Ăn để sống.
“Yêu cuộc sống” thì phải sống mới yêu được. Muốn sống thì phải ăn. Con người rất cần lương thực. Người ta thường nói: “Có thực mới vực được đạo”, chuyện “miếng cơm manh áo” là một thực tế không thể không quan tâm được, đến nỗi, đối với nhiều người, nó là ưu tiên hàng đầu cho cuộc sống.
Con người ngày một đông, nguồn thực phẩm có chiều hướng ngày một khan hiếm. b
Tình trạng thiếu hụt thực phẩm, được báo động từ lâu, đã bắt đầu rõ nét từ đầu năm nay - nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt cảnh báo về nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang thành hình, trong đó đặc biệt lưu tâm đến khu vực châu Á.
Nguyên nhân khủng hoảng lương thực toàn cầu đến từ sự thiếu hụt nguồn cung trong lúc mức cầu gia tăng
Thực tế qua những con số
Theo báo cáo mới nhất của Earth Policy Institute (Viện Chính sách Trái Đất có trụ sở tại Washington DC), từ đầu 2011, giá lúa mì đã tăng cao chưa từng thấy tại Anh, những vụ cướp bóc thực phẩm lan rộng tại Algeria, Nga phải nhập khẩu ngũ cốc nuôi gia súc vì thiếu cỏ dự trữ cho chúng, Ấn Độ vất vả đương đầu với giá tiêu dùng tăng 18% gây tình trạng bất ổn, Trung Quốc lo mua từng số lượng lớn lúa mì và bắp từ bên ngoài do thị trường nội địa khan hiếm, Mexico nhập khẩu nhiều bắp để tránh tình trạng thiếu hụt như mấy năm trước.
Cùng lúc, Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) cũng báo động giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt một cách đáng chú ý từ tháng 12 năm ngoái và đến tháng 1 năm nay, giá tiếp tục tăng: chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm trong tháng qua đã lên tới gần 231 điểm, tức là còn cao hơn cả so với thời điểm được coi là “nóng” nhất hồi tháng 6/2008 của cơn khủng hoảng lương thực thế giới - khi chỉ số này là 224 điểm.
Nhìn đến mức tiêu thụ của hành tình thì dân số địa cầu vào năm 2010 đã tăng gấp đôi so với thời điểm của năm 1970. Các nông gia trên thế giới mỗi ngày phải đáp ứng thêm cho nhu cầu của 219.000 thực khách. Trong khi đó, mức tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới cũng đã nhân lên gấp đôi trong thời gian từ 1990 đến 2005. Ngoài ra, như cầu thực phẩm của hơn một nửa nhân loại ngày càng được “nâng cấp” tức là bữa ăn của khoảng 3 tỷ người ngày càng thêm phong phú cả về chất lượng lẫn khối lượng.
Riêng với châu Á
Trả lời câu hỏi về Việt Nam, nước xuất khẩu gạo hàng thứ nhì thế giới, chuyên gia Matthew Roney của Viện Chính sách Trái Đất quả quyết mối nguy của sản lượng gạo trong tương lai ở Việt Nam gắn liền với biến đổi khí hậu, qua đó hiện tượng nước biển dâng tràn vào ruộng đồng là một. Kết quả nghiên cứu cho thấy cuối thiên niên kỷ này nhiều vùng đất trên các châu lục sẽ chìm ngập dưới hai mét nước biển, khu vực châu thổ sông Mê Kông, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, bị bao phủ bởi hơn một mét nước mặn, sản lượng gạo sẽ giảm hẳn một nửa hoặc hơn.
Nguyên nhân và mức độ
Trước khi nổ ra các cuộc bạo loạn vì lý do “cơm áo” tại Haiti hay Philippines vào mùa xuân 2008, Ngân hàng Thế giới thẩm định có khoảng 870 triệu người trên hành tinh bị đói và suy sinh dưỡng. Con số này giờ đây lên đến 900 triệu. Đâu là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng về lương thực hiện nay và đe dọa khủng hoảng về lương thực tại một số nơi trên thế giới nghiêm trọng tới mức độ nào?
Nguyên nhân khủng hoảng lương thực toàn cầu đến từ sự thiếu hụt nguồn cung trong lúc mức cầu gia tăng. Theo Viện Chính sách Trái Đất, ngoài sự kiện ngày càng bớt người tăng gia canh tác đi, nguyên nhân thứ hai dẫn đến khủng hoảng lương thực là cầu tăng mà cung không đủ đáp ứng. Mức cầu tăng là vì cứ mỗi năm dân số địa cầu tăng thêm 80 triệu người, mức tiêu thụ ngũ cốc, thịt trứng theo đó tăng cao. Giá cả tăng thì nông dân ghìm sản phẩm lại đề chờ bán giá cao hơn. c
Lý do thứ ba, một số quốc gia tiên tiến, điển hình là Mỹ - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, đã dành ra 30% số lượng ngô sản xuất đại trà để chế biến ethanol dùng chạy xe thay vì để ăn.
Đó là những yếu tố dẫn đến sự mất quân bình trong cung cầu thực phẩm trên thế giới. Một số tác nhân được nói đến từ lâu, là hiện tượng biến đổi khí hậu do thiên nhiên và do con người, tác động vào sản lượng và gây khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhìn từ góc độ sản xuất: đất đai canh tác ngày càng khan hiếm do các hiện tượng đất bị xói mòn, nhiễm mặn, sa mạc hóa… Các mạch nước ngầm đang bị cạn và còn bị chia sẻ cho thành phố. Thêm vào đó, đương nhiên còn phải kể đến hiện tượng trái đất ngày càng bị hâm nóng, khí hậu bị đảo lộn, gây nhiều thiên tai và thiệt hại mùa màng. Hiện tượng nước biển dâng tràn gây hiện tượng nhiễm mặn trên đất trồng lúa tại châu Á mà đồng bằng sống Cửu Long của Việt Nam là một thí dụ điển hình.
Một điểm đáng quan ngại khác là năng suất nông nghiệp đã bước vào giai đoạn bão hòa: ví dụ như tại Nhật Bản năng suất trồng lúa liên tục gia tăng trong nhiều thập niên, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá là từ 14 năm nay, chỉ số năng suất này đã bị chững lại. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang tiến gần đến mức thu hoạch tối đa tương tự như tại Nhật Bản.
Những tác nhân đó xảy ra cùng lúc khiến sản lượng lương thực thế giới bị sút giảm nhiều phần rất đáng kể. (Internet).
Chiến tranh
Vì quyền lợi, vì miếng ăn, người ta cấu xé lẫn nhau. Trong quan hệ đời thường, trong quan hệ quốc tế. Vì “miếng ăn”, người ta thấy quan hệ kiểu “cá lớn nuốt cá bé” giữa các nước với nhau là rất rõ rệt.
Một thế giới không tình yêu, thì tất nhiên không ai tin ai. Không ai tin ai thì phải phòng thủ. Thế là thế giới đua nhau chế tạo hay mua trữ vũ khí.
Ta có thể nhìn sơ qua một phần kho vũ khí của thế giới hôm nay:
Mỹ đang sở hữu tổng cộng 882 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) cùng các máy bay ném bom có tầm hoạt động lên tới hàng nghìn km. Trong khi đó, thống kê tương tự của Nga là 521. Bên cạnh đó, Washington hiện có 1.800 đầu đạn hạt nhân và 1.124 thiết bị phóng, trong khi con số tương ứng của Matxcơva là 1.537 và 865.
Mỹ và Nga được yêu cầu cung cấp số liệu chính về các kho vũ khí hạt nhân, như một phần trong Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) mới, được hai nước thông qua hôm 5/2. Những số liệu tính tới ngày 5/2 được thu thập từ việc trao đổi dữ liệu bước đầu giữa hai bên, vốn được yêu cầu thực hiện trong vòng 45 ngày kể từ khi hiệp ước START mới có hiệu lực.
Hiệp ước này hạn chế mỗi nước chỉ được có 1.550 đầu đạn đã triển khai và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, cũng như các máy bay ném bom tầm xa ở trạng thái tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải tiếp tục cắt giảm kho vũ khí theo đúng nội dung của hiệp ước.
Hiệp ước hạt nhân đầu tiên trong vòng hai thập kỷ được coi là có ý nghĩa sống còn với an ninh toàn cầu, vì nó giúp giảm khoảng 30% số đầu đạn cũ theo mức hạn chế được đặt ra năm 2002, đồng thời thiết lập một trình tự thanh sát mới được sắp xếp hợp lý, nhằm đảm bảo tính trung thực.
Quy mô của các kho vũ khí đã được hạn chế theo hiệp ước mặc dù vậy vẫn có thể chứa đủ các loại vũ khí để làm nổ tung thế giới rất nhiều lần. Tổng thống Mỹ từng miêu tả hiệp ước mới như một bước đi vừa phải để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng ông biết mục tiêu này không thể đạt được một cách nhanh chóng, và bởi thế cần phải có sự kiên nhẫn và bền bỉ. (Internet).
Bánh Hằng Sống.
Như thế, chúng ta đã thấy rõ rằng :
Là người, ai cũng tha thiết sống. Sở dĩ người ta không còn muốn sống, vì cuộc sống không còn hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải chỉ là chuyện được “cơm no áo ấm”, mà còn là chuyện “ấm lòng”, chuyện “tình thương”. Trong khi con người sợ thiếu lương thực vật chất, con người tìm mọi cách để được sung túc, no đủ, thậm chí đi đến giành giựt cấu xé nhau, vì con người đã coi nhẹ, và có khi còn lãng quên “Lương thực tinh thần”, lương thực tình thương. Con người không thể sống mà không có sự chia sẻ.
“Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4).
Lời Chúa tóm gọn trong Giới Luật Yêu Thương, và Yêu Thương thể hiện trọn vẹn trong “Bánh Hằng Sống”.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính làthịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.(Ga.6,51).
Thịt Máu của Chúa Giê-su là nguồn sống từ Thiên Chúa, từ suối nguồn vô tận, nên Thịt Máu ấy mới có thể ban cho con người sự sống đời đời.
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.(Ga.6,57).
Thịt Máu ấy là tấm bánh tình yêu được chia sẻ cho mọi người để mọi cùng được sống, cùng được hưởng hạnh phúc, cùng được hưởng vinh quang Thiên Chúa.
Chiếc bánh Thịt Máu Chúa Giê-su được chia sẻ cho nhau để liên kết con người trong yêu thương hiệp nhất.
Bởi vì Tình Yêu luôn là sự hiệp nhất.
Ngày nay, con người gần như “chỉ sống nguyên bởi bánh”- thứ bánh của cải trần thế - bánh ấy làm sao lấp đầy cơn đói của dục vọng và lòng tham. Cơn đói ấy vô tận và dẫn đưa con người vào cõi chết.
“Cơn đói của dục vọng và lòng tham” đã “phân tán con người” và đưa con người vào cuộc sống vô nghĩa và bất hạnh. Và vì thế, có những người đi tìm hạnh phúc ở trong cõi chết, và có những người đang ở trong cõi chết, mà tưởng mình đang hạnh phúc !
Chỉ có Bánh Hằng Sống - Tấm Bánh Chia sẻ Tình Thương - Tấm Bánh Hòa Bình - là Máu Thịt Chúa Giê-su, mới đem lại cho con người được no thỏa mọi cơn đói khát, giúp con người dồi dào sinh lực để sống sung mãn trong cõi sống thanh cao rạng ngời của Vinh Quang Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Xin cho con luôn biết khao khát đón rước Chúa vào lòng,
bồi dưỡng hồn xác con với Lương Thực Hằng Sống.
Cho con ngay từ bây giờ, trên cõi đời này,
được sức mạnh của sự sống đời đời,
để con đến được bến bờ,
Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
Bài viết năm 2011
_____________________
Nếu bạn muốn xem thêm bài viết năm 2014, mời bạn vào Địa Chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/banh-boi-troi-dich-thuc-nvt.html