Chúa Nhật 17 Thường Niên A: SỰ LỰA CHỌN KHÔN NGOAN

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật 17 Thường Niên A: Sự Lựa Chọn Khôn Ngoan

Nói đến kho báu, hay viên ngọc quí… chúng ta nghĩ ngay đến những thứ của cải vật chất quí hiếm mà bình thường ai cũng muốn được sở hữu nó. Chúng ta cũng nghe nhiều câu chuyện về kho báu, chứa vàng bạc, trân châu, ngọc bích, mà người ta thi nhau tìm kiếm, tranh giành…

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN A
(Mt.13,44-52)
****

SỰ CHỌN LỰA KHÔN NGOAN


44 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45 "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

 47 "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

 51 "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa hiểu." 52 Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."

______________

SUY NIỆM

Kho báu viên ngọc quí

Nói đến kho báu, hay viên ngọc quí… chúng ta nghĩ ngay đến những thứ của cải vật chất quí hiếm mà bình thường ai cũng muốn được sở hữu nó. Chúng ta cũng nghe nhiều câu chuyện về kho báu, chứa vàng bạc, trân châu, ngọc bích, mà người ta thi nhau tìm kiếm, tranh giành…

Thế nhưng, trong cuộc đời, không phải chỉ có những kho báu vật chất như vàng bạc, châu báu mới là những thứ quí giá. Có những thứ còn quí giá hơn nhiều và giá trị của chúng không có gì có thể sánh ví được. Đó là những giá trị tinh thần, những giá trị tâm linh, vượt trội và vượt thời gian, không có ngôn ngữ nào so sánh cân xứng với giá trị của chúng.

Kho báu, ngọc quí… đối với nhiều người, có thể là một lý tưởng cao cả, một tình yêu trong sáng, lòng bao dung, sự hy sinh…

Như người ta  cũng thường hay nói : “Có được một người bạn tri kỷ, như có được một kho tàng”. “Người vợ hiền như một viên ngọc quí”…

Vì thế, kho báu, viên ngọc quí… có “quí báu” hay không, còn tùy cách nhìn của mỗi người, cách suy nghĩ của mỗi người, nói một cách ngắn gọn, nó tùy sự khôn ngoan của mỗi người.

Kho báu đích thực (viên ngọc quí đích thực) hay là ảo ảnh.

Có những thứ mà nhiều người cho là ngọc quí, là kho báu, có khi hoàn toàn ngược lại, nó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là phù phiếm, ảo ảnh.

Nhà văn-thơ, nhạc-kịch-họa sĩ nổi tiếng Ấn Độ Rabindranath Tagore, giải Nobel văn học 1913, có truyện ngắn tên “Ảo ảnh tan vỡ”, trong đó chúng ta thấy hình ảnh của một chàng trai hào hùng, hiên ngang, đã lên ngôi thần tượng trong lòng một cô gái đài các, nàng dành trọn tuổi xuân theo đuổi và mơ tưởng về thần tượng của mình, nhưng, cuối cùng, hóa ra, anh ta chỉ là một tên tầm thường, để lại trong lòng cô gái nỗi thất vọng về tình yêu và mất niềm tin vào cuộc sống. Tất cả, hóa ra, chỉ là “ảo ảnh tan vỡ” (bạn có thể xem trọn truyện ngắn này ở https://attvakim.wordpress.com/2013/10/14/a-o-a-nh-tan-vo/

Nhận biết kho báu và viên ngọc quí.

Thế nên, điều quan trọng, là ta có nhận ra đâu là kho báu, đâu là viên ngọc quí hay không. Có hiểu được thật sự giá trị của một viên ngọc quí hay không ? Chuyện xưa có kể câu chuyện “Ngọc Bích họ Hòa” như thế này: 

Nước sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lê Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hòa là nói dối, sai chặt chân trái.

Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc đến dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa là nói dối, sai chặt nốt chân phải.

Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hòa thưa: “Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho làđá, nói thật mà cho lànói dối”.

Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên ngọc thật, mới đặt tên gọi là “Ngọc bích họ Hòa” (Hàn Phi Tử).

Trong thời đại hôm nay, biết bao kẻ khốn đốn vì lẽ phải, vì chân lý.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh !” (HMT). Đen trắng tình đời nhiều khi ta còn chưa phân biệt được, huống chi là những giá trị chân chính sâu xa trong cuộc sống, ta không khỏi lầm lẫn nếu không có Ánh Sáng Tin Mừng soi dẫn đời ta, soi dẫn nhân sinh.

Sự chọn lựa sai lầm

Nhiều người đã sống một cuộc đời vô nghĩa vì không nhận ra được viên ngọc quí, và vì thế, không chọn lựa viên ngọc quí, hay kho báu có giá trị vượt thời gian làm gia nghiệp của mình, mà chọn lựa những thứ vô nghĩa mau mục nát và mau tan biến.

Chúng ta có thể nhận thấy rất rõ ràng, trong thời đại ngày nay, những người trung thành với những chân giá trị thưa dần và lạc lỏng trong một thế giới mà chiều sâu tâm linh đang ngày một nông cạn và những giá trị đạo đức ngày một đi xuống.

Người khám phá ra viên ngọc quí không nhiều, người dám từ bỏ tất cả để sở hữu cho bằng được viên ngọc quí càng không có bao nhiêu, vì nó đòi hỏi nỗ lực không ngừng của bản thân để tiến đến hoàn thiện, đó là con đường hẹp không mấy ai hứng thú đi vào.


“Anh còn thiếu một điều: anh hãy về, bán tất cả gia tài và lấy tiền làm phúc cho kẻ nghèo khó, anh sẽ được một kho báu trên trời, rồi anh đi đến đây theo Ta”. Nghe lời ấy, anh buồn rầu chán nản bỏ đi vì anh có nhiều của lắm.(Mc.10,17-22).

Sự chọn lựa khôn ngoan

Cuộc sống có biết bao điều hấp dẫn con người, và sự chọn lựa của con người thường giống nhau, là nhắm vào những điều lợi ngay trước mắt.

“ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết”(1V.3,11).

Sống lâu là khát vọng trường thọ.
Được của cải là ước muốn giàu sang.
Kẻ thù phải chếttham vọng thống trị.

Những điều trên ai là người lại không ham muốn ? Nhưng sống dài được bao lâu rồi cũng chết, giàu có bao nhiêu rồi cũng tay trắng, quyền lực bao nhiêu rồi cũng buông xuôi.

Tất cả những điều đó, chỉ tồn tại, từ nguồn của sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan thuộc về Thiên Chúa. Vì chỉ có sự khôn ngoan đó, con người mới biết chọn lựa những gì thuộc về Thiên Chúa. Và chỉ khi con người thuộc về Thiên Chúa, con người mới được trường sinh, được giàu có, và được chung hưởng vinh quang Thiên Chúa.


Vua Sa-lô-mon đã có sự chọn lựa khôn ngoan để có tất cả.

“Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?

Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó.Thiên Chúa phán với vua: "Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,  thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp. (1V.3,9-12).


Ngoài Thiên Chúa ra, tất cả là ảo ảnh.

Có thể nào ta đi tìm ảo ảnh lại là sự khôn ngoan sao ? Nếu gọi đó là khôn ngoan, thì đó chỉ là thứ khôn ngoan thế gian. Đó không phải là sự lựa chọn của người Ki-tô hữu.

Hãy nhìn lại sự chọn lựa của chúng ta hôm nay. Chúng ta đã chọn lựa như thế nào ? Thiên Chúa có hài lòng về sự chọn lựa của chúng ta ?

“Chúng tôi không sống theo lẽ khôn ngoan người đời,
nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa.” (2Cr 2, 12).

Lạy Chúa,

Xin dắt dìu con bước đi
theo chân lý của Ngài. Amen.

 

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_____________

Nếu bạn muốn xem thêm bài suy niệm năm 2014, mời bạn vào địa chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/chiem-huu-duoc-vien-ngoc-quy-nvt.html