Chúa Nhật 19 Thường Niên A: TIẾNG KÊU CỨU

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật 19 Thường Niên A: TIẾNG KÊU CỨU

Những điều lo sợ…

Ngay trong bài giảng khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô ngày Chúa nhật 22-10-1978, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:


SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN A
(Mt.14,22-33)
****

TIẾNG KÊU CỨU
 


 

22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!", và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." 29 Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"

SUY NIỆM

TIẾNG KÊU CỨU

Những điều lo sợ…

Ngay trong bài giảng khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô ngày Chúa nhật 22-10-1978, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:

“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.
“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.
“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ “mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô). (Internet).

"Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt.14,27).

Nhưng, trong cuộc đời, có biết bao điều làm ta sợ hãi, lo âu. Nói chung, ta sợ đánh mất những gì ta muốn giữ. Sợ mất mạng sống. Sợ mất người thân. Sợ mất gia tài. Sợ mất địa vị. Sợ mất quyền lực Sợ mất danh dự…  

Xin được bình an…

Ước mong lớn nhất của mọi người là được bình an. Đã sợ hãi thì không thể có bình an được. Bình an nghĩa là lòng không còn ưu phiền lo lắng. Nên ai đem đến cho ta sự bình an, người đó đã giải thoát ta khỏi sợ hãi.

Thế giới hôm nay đầy dẫy những thứ làm ta sợ hãi. Thiên tai, giặc giã, nghèo đói, hận thù, hoàn cảnh cuộc sống, đạo đức suy đồi, lòng người đen trắng, lối sống thác loạn, ngang trái trong lòng…

Biển đời đầy giông tố. - Thuyền đời ta có thể vượt sóng để đến bến bờ bình an không ?

Không ai dám trả lời rằng, tự sức mình, ta hoàn toàn có thể !  

Ai tưởng mình đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã (1Cor.10,12).

Thế nên, sự bình an của cuộc đời rất mong manh. Ta không thể chắc chắn mình luôn đứng vững. Ta cũng không thể chắc chắn mình luôn nắm giữ được mọi thứ trong tay. Và vì thế, ta sợ mình có ngày té ngã, ta sợ mình có ngày đánh mất những gì đang có, ta sợ mình không đạt được những gì đang ôm ấp, ta sợ mất hạnh phúc đang hưởng, ta sợ không bao giờ tìm được hạnh phúc ta mơ, ta sợ biết bao điều…biết bao điều…  

Và cứ thế, dòng đời vẫn trôi đi… ta sống trong những ngày tháng lo sợ nối tiếp…  

Cuộc đời là như vậy, biển đời luôn sóng gió… dòng đời luôn đổi đổi thay thay. Đỗ Phủ viết: “Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thiên cẩu” (Trên trời mây trông như áo trắng, thoáng chốc biến thành hình ngàn con chó). Bức tranh vân cẩuvẽ người tang thương. Sự đổi thay nào cũng có mất mát và đau thương của riêng nó
 

(ảnh minh họa: Bức tranh vân cẩu)

Nên, những đổi thay và mất mát trong dòng đời là lẽ tất nhiên. Lo sợ cũng không thoát được. Cái đáng lo sợ nhất, không phải là những gì ta mất mát trong cuộc đời này, mà chính là ta đánh mất Niềm Tin vào Thiên Chúa – Đánh mất Đức Tin, ta đánh mất chính mình.

Ta chìm xuống tận cùng vực thẳm mà ta không hay biết, ta không biết kêu cứu vì ta không biết ta là ai, và mình đi về đâu. Ta không biết điều gì là thiêng liêng cao cả và điều gì là hạ đẳng thấp hèn. Ta không biết giá trị bản thân. Ta không biết sống để làm gì, cứ sống để mà sống. Ta chết chìm trong biển đời thác loạn mà không hề có tiếng kêu cứu vì ta không còn cảm thức được bờ bến nào là sự sống và cái chết, ranh giới  nào là địa ngục và thiên đàng.

Những thứ hiểm nguy đã được ngụy trang trong võ bọc có vẻ an toàn, và địa ngục được nâng cấp thành nơi mà người ta thấy có vẻ như không có gì ghê gớm nữa ! (Bạn đọc yêu thích văn học, mời bạn xem thêm truyện ngắn “Chiếc thang máy xuống địa ngục” của PAR LAGERKVISH, nhà văn Thụy Điển, giải Nobel văn học 1951).
 


 

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây,đừng sợ !”

Người ta chỉ sợ khi còn biết nhận ra thế nào là sự nguy hiểm. Và người ta chỉ kêu cứu khi còn hy vọng rằng có kẻ cứu mình.

Tiếng kêu cứu thể hiện niềm tin còn đó, tuy dù niềm tin còn quá mỏng manh, còn quá yếu đuối.

Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" (Mt.14,31).

Đã từng có tiếng kêu cứu tương tự như thế của các môn đệ trên biển hồ Ti-bê-ri-a.

Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất !”. Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin !”. Rồi người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. (Mt.8,23-26).

Tiếng kêu cứu không chỉ là tiếng gào thét hãi hùng, nó có thể là những giọt nước mắt âm thầm, mà Thiên Chúa , Đấng thấu suốt mọi nỗi lòng thầm kín, sẽ nghe thấu tiếng kêu cầu và ra tay cứu giúp.

Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (Mt.26,76).

Đứng đàng sau phía chân Ngài, bà khóc nức nở. (Lc.7,38).

Không hề có tiếng kêu cứu của Gia-đa Ít-ca-ri-ốt. Ông chìm xuống trong vùng tối tăm và chết tức tưởi trong cùng tận thất vọng.

Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ. (Mt.27,5).

Tiếng kêu cứu của nhân loại.

- Nhân loại kêu cứu ai ?

Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm.1,12).

"Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ" (Rm 10:9).

- Xin thưa, chính là Đức Giê-su Ki-tô - Chúa Cứu Thế.

"Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Ngườikhỏi tội lỗi của họ" (Mt 1:21).

Ngày nọ Đức Giê-su gặp một phụ nữ cạnh bờ giếng bên ngoài một ngôi làng. Ngài đã làm cho bà hết sức ngạc nhiên đến nỗi bà chạy về làng và nói với dân làng: "Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?" (Ga 4:29). Họ kéo đến và xin Ngài dạy dỗ họ. Sau khi nghe giảng xong, dân làng nói với nhau: "Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga 4:42).
 


 

Và, dòng đời vẫn còn đó lắm đau thương. Nhân loại vẫn còn đó sự lôi cuốn của  tội lỗi và sức mạnh của quyền lực tối tăm.

Biển đời bão tố. Xin cho nhân loại biết noi gương thánh Phê-rô, biết cất vang tiếng kêu cứu đến thầy : "Thầy ơi, xin cứu con với!”.

Cho dù Ngài quở trách ta “kém lòng tin”, Ngài vẫn cứu giúp chúng ta. Vì Tình Yêu của Ngài bao la vô bờ bến.

Kêu cứu đến Ngài, cũng chính là tuyên xưng Đức Tin vào Ngài, là phó thác vào Ngài, là tin vào Tình Yêu của Ngài.

“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitônhận lấy quyền năng của Người!”. (ĐGH. Gioan-Phaolô II).
 

Lạy Chúa Giê-su,

Ngài là Đấng Cứu Độ của chúng con:

"Muôn lạ lùng tụ về trong một vẻ uy nghi
Là vĩnh cửu giam mình trong hạn hữu !
Chúa là mùa hạ giữa mùa đông lạnh lẽo
Là ngày bừng sáng trong đêm tối âm u
Là thiên đàng nơi trần gian tội lỗi sa mù
Là Thiên Chúa trong con người dương thế."


(thi sĩ Richard Crashaw)

Cứu con, Chúa ơi !
Cứu con như lời Chúa hứa ! Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
(Bài suy niệm năm 2011)
____________

Nếu bạn muốn xem thêm bài suy niệm năm 2014, mời bạn vào Địa Chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/cu-yen-tam-nvt.html