Chúa Nhật Chúa Chiên Lành: Trái Tim Mục Tử

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

TRÁI TIM MỤC TỬ

Có một câu chuyện có tựa đề “Vị chủ tọa của nhân dân”, nội dung như sau:

Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH B
(Ga. 10,11-18)
****

TRÁI TIM MỤC TỬ
 

(11) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (12) Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, (13) vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. (14) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, (15) như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

(16) Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. (17) Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. (18) Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."
_____________________
                                                    
SUY NIỆM

TRÁI TIM MỤC TỬ

Có một câu chuyện có tựa đề “Vị chủ tọa của nhân dân”, nội dung như sau:

Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.

Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài và nói : “Xin lỗi, thưa bà…”.Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ. “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp

“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”Nói xong , ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”.

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.

Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.

  1. Thánh Tâm Giê-su.

Trong xã hội, làm việc gì muốn thành công, kinh tế, chính trị, tôn giáo… đều phải làm sao lấy được lòng người. Ngôn ngữ sử dụng thì vô cùng phong phú, có những từ ngữ rất to tát, nhất là mấy vị làm chính trị, khi ra tranh cử thì những lời hứa hẹn thật hết ý, cái gì tốt đẹp là ghép từ nhân dân vào: vì lợi ích nhân dân, vì  hạnh phúc nhân dân… Thí dụ câu chuyện mà chúng ta vừa đọc ở trên, có cái tựa nghe rất là… “xã hội đương đại”: - “Vị chủ tọa của nhân dân”.

Khi người ta sử dụng quá nhiều những từ ngữ tốt đẹp, ngọt ngào, ta lại thường nghĩ ngay đến một thứ “Sở Khanh” của Thời Đại, và, cay đắng thay, điều suy nghĩ ấy lại không xa mấy thực tế, một thực tế của một xã hội mà nền Đạo Đức đang xanh xao bệnh hoạn và nhiều tiếng kêu cứu S.O.S vọng vang lên đó đây, vẫn chỉ là tiếng kêu trong sa mạc hoang vắng…


Báo cáo thường niên lần thứ  15, ngày 23.6.2011 của Merrill Lynch cho biết, Việt Nam là  1 trong 2 nền kinh tế dẫn đầu về tốc  độ tăng số lượng triệu phú USD tại Châu  Á, với tỉ lệ tăng 33%.

Nhưng ngược lại, cũng ngày càng nhiều hơn những hành vi đạo đức băng hoại trong hành xử giữa con người với con người, chuẩn mực nhân văn bị phá vỡ. Các tội phạm tham nhũng, tội  ác phi nhântrong các câu chuyện có thực ngày càng nhiều, mà người gây án là những người có ăn học và được đào tạo bài bản.

Không ngày nào truyền thông Việt  Nam thiếu những thông tin như giết người, cướp của, bạo lực... xảy ra trong ngày. Bạo lực gia đình, bạo lực xã hội đã trở nên thường nhật đến mức không còn là tin "vedette" để làm tăng tiara báo in hay chỉ số raiting cao trên truyền hình, báo  điện tử...

Chưa kể những thông tin về  thói vô trách nhiệm của con người gây ra những cái chết thương tâm, những hệ lụy đạo đức xã  hội... Những lái xe vô lương tâmcoi thường sinh mạng hành khách, những bác sĩ quên lời thề đạo đứcngoảnh mặt làm ngơ trước sự đau đớn của bệnh nhân.

(Minh Châu. 20.09.2011.Vietnamweek.net)


“Nhân lành” là khát vọng thật sự của “nhân dân”, của “con người”, của tập thể, của quần chúng…cần có những người lãnh đạo có “trái tim để phán xét” – một trái tim nhân ái.

Một “Mục tử nhân lành”, một “nhà lãnh đạo nhân lành”, không phải chỉ dẫn “đàn chiên”, “nhân dân”, “cộng đoàn” đến cánh đồng đầy cỏ non, với dòng suối trong mát, sự giàu có sung túc, mà còn phải dẫn đưa con người đến lối sống đạo đức, biết phục vụ nhau, cho nhau và vì nhau, biết quây quần thành một “cộng đoàn huynh đệ” biết yêu thương nhau.

Cùng với những luật lệ của phàm nhân, và nếu chỉ với những luật lệ phàm nhân, thế giới sẽ tan rã dần trong lối sống bất an từ ngay tại tâm hồn của con người.

  2. Gìn giữ và bảo vệ


Đâu là “loài sói” tấn công đàn chiên?

Người lãnh đạo mà không biết đâu là những nguy hiểm đến với những người thuộc về mình thì làm sao gìn giữ họ được. Đó chẳng khác gì không biết đâu là bạn, đâu là thù. Để nhận ra đâu là “kẻ thù”, phải trung thực và can đảm. Nhiều người muốn giữ “chiếc ghế” của mình, cứ đeo bám theo kẻ thù để tồn tại, hay muốn lấy lòng người, luôn chiều theo những ý muốn của một số đông thích sống theo bản năng buông thả. 

Những người lãnh đạo kiểu đó, là loại “mục tử làm thuê”, “giữ mướn”, chỉ vì “túi tiền”, vì “lợi lộc”, vì “chiếc ghế” của họ.

Ở đâu ra những hành vi đạo đức băng hoại ? Thử đưa ra một thí dụ thôi: Nạn phá thai, nạo thai ở Việt Nam đứng hàng đầu thế giới, người ta quăng những thai nhi vào sọt rác lạnh lùng và bình thản như quăng một mẫu thịt vụn. Những mẫu thịt da đã tượng hình người rõ ràng mà người ta không còn cảm nhận được một chút gì “nhân linh ư vạn vật”, thì con tim con người còn biết rung động thế nào trước nỗi đau đồng loại? Chỉ còn lại một thứ xúc cảm duy nhất đó là khi người ta chạm đến đồng tiền.

Trong “sân khấu cuộc đời”, những kẻ đóng vai “mục tử” cũng có “nhiều loại mục tử”, nhiều “loại người lãnh đạo” - cả đạo lẫn đời - chỉ nghĩ đến bản thân họ, “không thiết gì đến đàn chiên”. Thế nên, họ đã để “loài sói” giết chết nhiều con chiên hiền lành vô tội.

Thật chua xót thay, có khi chính những kẻ “chăn giữ chiên” - không dám gọi là mục tử - lại có những hành động chẳng khác gì loài sói !


Có lần tôi nghe một ông tu sĩ lớn tuổi có một cách sống rất lập dị, nói: “Người chăn chiên phải biết uống máu chiên”. Lúc đầu tôi không hiểu lắm, sau này suy đi ngẫm lại đoạn Tin Mừng "Đức Giê-su khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu, (Mt.23,13-29), tôi mới hiểu ý nghĩa sâu xa của câu nói ấy !

  Biết


“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga.10,14).

“Biết”, không phải chỉ là biết những con số khô khan, máy móc. Như một người lãnh đạo một Đất Nước kia khi được hỏi: “Ngài biết dân ngài rõ không?”. Ông nhanh chóng trả lời: “80 triệu dân !”.

“Biết” là biết dân đang mong đợi gì, muốn làm gì, và nhắm tới tương lai ra sao…? Là thấu hiểu lòng dân.

Chúa Giê-su, vị mục tử đích thực, Ngài biết rõ đàn chiên, và luôn luôn quan tâm đến từng con một:

Ngài biết sự yếu đuối của con người, nên cần có Ngài bảo vệ.

Ngài biết con người dễ bị mất phương hướng, nên Ngài gọi đàn chiên đi theo Ngài.

Vì Ngài là Chân Lý, nên Ngài dẫn dắt đàn chiên đi theo chân lý.

Vì Ngài là sự sống, nên Ngài dìu dắt đàn chiên đi trong ánh sáng sự sống.

Vì Ngài là Con Thiên Chúa, nên Ngài tập họp đàn chiên về với Chúa Cha.

“Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga.10,15).

  
3. Tự nguyện.

“Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga.10,18).

Tình yêu luôn cần sự tự nguyện. Chính sự tự nguyện làm cho tình yêu nên cao cả. “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.”(Ga.10,17).

Chỉ có sự tự nguyện mới nói lên được sự hy sinh. Chúa Cha hy sinh Con một mình cho nhân loại, và Chúa Con đã hy sinh mạng sống cho nhân loại. Một tình yêu duy nhất dành cho nhân loại. 

Chỉ có sự hy sinh mới nói lên được sự khác biệt của “mục tử đích thực”, và “kẻ làm thuê”. Người chăn chiên làm thuê cũng gìn giữ đàn chiên, nhưng không dám hy sinh vì đàn chiên thì không thể gọi là “Mục tử”.“Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn”.(Ga.10,12).


  4. Trái tim Mục Tử

Vị Mục Tử Đích Thực là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Thế.

Đấng làm tất cả theo thánh ý Chúa Cha, “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.” (Ga.10,18).

Mọi người thành tâm thiện chí sẽ về với ràn chiên của Ngài. “Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga.10,16).

Tất cả rồi sẽ quy về Tình Yêu Thiên Chúa.

Trong con tim mục tử không có tiếng nói nào khác ngoài tiếng nói Thiên Chúa – Lời Chúa. Tiếng nói từ cội nguồn tình yêu, tiếng nói mệnh lệnh tình yêu, tiếng nói Giới luật tình yêu.

Con tim mục tử ấy chỉ tìm thấy nơi vị mục tử đích thực là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là mẫu mực để mọi người, trong trách nhiệm và bổn phận của mình, noi theo gương Ngài, biết ứng xử và đồng hành với những người thuộc về mình.

Sự dìu dắt, lãnh đạo, không phải chỉ nhằm đạt tới thứ hạnh phúc nhất thời, hào nhoáng, dung tục, mà là đến chân trời hạnh phúc chân chính, một tâm hồn an bình, một thế giới yêu thương, và trên hết tất cả, mà nếu không có nó, là không còn ý nghĩa cuộc sống này, đó là trở về cội nguồn tình yêu là Thiên Chúa.


Lạy Chúa,

Xin cho mỗi người chúng con,
đều mang trong lòng Trái Tim Mục Tử,
theo mẫu mực Thánh Tâm Giê-su,
cho nhau và vì nhau.

Để chúng con biết chăm sóc cho nhau,
dìu nhau trên bước đường đời,
trong nguồn Chân Thiện Mỹ,
cho hôm nay và mai sau…
hạnh phúc đời đời,
Trong Tình Yêu Thiên Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
________________

Bạn có thể đọc thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/nguoi-cha-nhan-hau-muc-tu-nhan-lanh-nvt.html