Lễ Thăng Thiên: Ra đi rao giảng Tin Mừng
Lễ Thăng Thiên: RA ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
Những thử thách từ bên ngoài…
Ngày nay thế giới quá nhiều thay đổi. Sự tiến bộ khoa học đem lại cho con người cuộc sống ngày một tiện nghi hơn, với vẻ bề ngoài sang trọng và giàu có.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH B
LỄ THĂNG THIÊN
(Mc.16,15-20)
***
RA ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
(15) Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (17) Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."
(19) Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
___________
SUY NIỆM
RA ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
Những thử thách từ bên ngoài…
Ngày nay thế giới quá nhiều thay đổi. Sự tiến bộ khoa học đem lại cho con người cuộc sống ngày một tiện nghi hơn, với vẻ bề ngoài sang trọng và giàu có.
Cuộc sống, từ đó có chiều hướng nghiêng về hưởng thụ vật chất. Để bảo vệ và truyền bá cái gọi là “những giá trị mới của nền văn minh tiến bộ”, người ta tìm cách loại dần những giá trị truyền thống, đạo lý mờ phai, đạo đức héo úa, nhân phẩm con người bị hạ thấp, tuột dốc…
Một nền văn minh tôn thờ vật chất bóp chết dần những giá trị tinh thần… sẽ phân chia thế giới thành trăm ngàn mảnh, tan rã, nát vụn, là chuyện tất nhiên, con đường đi đến vực thẳm đen tối ấy chỉ là vấn đề thời gian.
Vì hưởng thụ đi đến tôn thờ vật chất, để có vật chất người ta phải lo thu tóm, ai cũng lo thu tóm thì xảy ra tranh giành, thù hận, chiến tranh… Ai có thể nghe được tiếng tình thương khi tất cả đang hướng về những lợi lộc vật chất.
Và, từ đó, lợi lộc vật chất che mờ Thiên Chúa. Khi người ta “tính toán” thiệt hơn với Thiên Chúa, thì người ta sẽ “thanh toán” thẳng tay với nhau, vì đâu còn tiếng vọng từ sâu thẳm lòng người về yêu thương, bác ái, chia sẻ, thứ tha…
Ta có thể suy nghĩ về câu chuyện Cain và Aben. Ở đó, ta nhận thấy Cain cũng từ sự tính toán thiệt hơn vật chất trong của lễ dâng lên Thiên Chúa, đi đến ganh tỵ, và loại trừ em mình. Trung tâm của câu chuyện, vì Cain đã không yêumến Chúa“hết lòng, hết linh hồn, hết trí khônvà hết sức lực”(Mc 12:30), còn tồn động trong tâm hồn Cain nỗi lo về của cải vật chất hơn tâm tình dâng lên Thiên Chúa.
1 Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói: "Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người."2 Bà lại sinh ra A-ben, em ông. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai.3 Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ĐỨC CHÚA.4 A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. ĐỨC CHÚA đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông,5 nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt.6 ĐỨC CHÚA phán với Ca-in: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt?7 Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó."8 Ca-in nói với em là A-ben: "Chúng mình ra ngoài đồng đi! " Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình. (Stk.4,2-7)
Một chút suy luận về câu chuyện này đáng cho ta suy ngẫm:
“Không biết Cain dâng lễ với tâm tình nào, mà chỉ mãi đến lúc cuối cùng, vào lúc cuối ngày, sau “khi thời gian đã trôi qua - miketz yamim- In process of time” ông mới đem của lễ đi dâng.
Chúng ta phải lưu tâm tới chi tiết chỉ hiện rõ trong nguyên bản Do thái: “Thời gian trôi qua - miketz yamim”-
Miketz yamim- In process of time - theo nghĩa đen có nghĩa là "vào cuối ngày".
Ấy là một lẽ . Cain dâng lễ vào lúc muộn màng.
Chi tiết thứ hai quan trọng hơn. Tuy Abel chỉ là người theo sau , bắt chước ông dâng lễ, nhưng Abel mang những lễ vật hàng đầu mà mình có: “A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng.” Những “con chiên đầu lòng”. Nghĩa là những lễ vật tốt nhất.
Cain là người đầu tiên nghĩ ra việc dâng lễ. Nhưng lại không đem dâng được những lễ vật tốt nhất. Cain chỉ “lấy hoa màu đất đai” mà dâng. Bản văn không nêu rõ những lễ vật của Cain là “thượng hạng” hay “đầu mùa”, mà chỉ là “chút hoa màu nào đó”. Rất bình thường, nghĩa là rất tầm thường: quelque produits, c’est-à-dire quelconque !
Điều này cho ta thoáng hé cho ta thấy tấm lòng của Cain. Ít là so với Abel”. (Internet)
Những lợi lộc vật chất thế gian tràn lan khắp nơi, tràn lan cả vào tôn giáo, chính trị, văn hóa… Nó bóp chết dần những giá trị tinh túy của nhân loại, thay vào đó là những thứ thủ đoạn, bẩy rập, giả tạo, lừa bịp… những khẩu hiệu “vì hạnh phúc nhân dân”, “vì tự do nhân loại”, “vì nhân quyền”… nhiều khi chỉ là tiếng kêu to giữa thực tế diễn ra hằng ngày biết bao con người đang sống oằn oại trong cùm gông, bất hạnh, đói khổ, bị đàn áp, phân biệt đối xử, khủng bố, thủ tiêu…
Những người ra đi rao giảng Tin Mừng, trong bối cảnh thế giới hôm nay, đúng là đương đầu với rất nhiều thử thách.
Sau năm 1975, trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, có những quyển Tin Mừng xuất hiện, mang tên ẩn chứa nhiều điều đáng cho ta suy nghĩ : “Tin Mừng cho những người muốn nghe”.
Rõ ràng, có kẻ “không muốn nghe”, và cũng còn đó “những người muốn nghe”. Điều đó giúp ta có tầm nhìn rộng hơn trong thế giới hôm nay, dù chắc hẳn gặp nhiều thử thách, những “người được sai đi” dù thế nào đi nữa, cũng “ra đi rao giảng Tin Mừng” cho mọi người, như “mưa rơi xuống cho cả người lành và kẻ dữ”.
Những thử thách từ bên trong…
“Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi ? (Rm 10,14-15).
Nhưng kẻ được sai đi “ra đi rao giảng Tin Mừng” với tâm tình nào, lại là một vấn đề nữa.
Trong một quyển sách Nhật Ký Truyền Giáo, có ghi câu chuyện:
Một Cha truyền giáo ở vùng Châu Phi đã xong thời gian “được sai đi”, ngài chuẩn bị trở về quê hương. Ngày từ giả, giáo dân kéo đến rất đông, mang theo một món quà thật to, món quà ấy phải mấy người khiêng. Món quà đặc biệt được phủ vải kết đầy hoa. Sau những lời của đại diện giáo dân cám ơn và từ biệt, món quà được mở ra… Nhà truyền giáo sững sốt và vô cùng cảm động: Đó là một chiếc quan tài, với hàng chữ “Để Cha được chôn cất trong lòng đất tổ tiên chúng tôi”. Cha truyền giáo đã về quê hương lo những việc cần thiết, và quay trở lại đây sống với họ cho đến cuối đời.
“ Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. "Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, 10 chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. 11 Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. (Mt.10, 7-13).
Ra đi rao giảng Tin Mừng với tinh thần dấn thân, xả thân, hy sinh… là những thứ thử thách từ bên trong. Sự yếu đuối của con người, có thể đưa đẩy những người ra đi rao giảng Tin Mừng choáng ngợp trước những cạm bẫy của vinh quang, tiền của, hưởng thụ, an bình vị kỷ…
Niềm vui của kẻ được sai đi
Đứng trước những thử thách từ bên ngoài và trong tâm hồn, người loan báo Tin Mừng phải luôn vững bước, với tất cả sự cố gắng bản thân và niềm Tin Yêu vào Thiên Chúa. Đặt tất cả vào Tình Yêu Thiên Chúa là nền tảng của mọi việc làm.
“Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho lớn lên” (1 Cr 3,6)
Niềm vui Thiên Đàng được mở ra từ những tia nắng bình minh ngay ở dưới thế.
Do đó người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu 'niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô' ". (ĐGH. Phanxicô - EvangeliiGaudium, số 10).
Lạy Chúa,
Con chỉ là đầy tớ vô dụng (Lc 17,10)
Không có Chúa, con không làm được gì (Ga.15,1-8).
Xin thương nâng đỡ con
Khi con ra đi đem Tin Mừng đến với mọi người…
Với khả năng nhỏ bé
Và niềm Tin Yêu chân thành vào Thiên Chúa, Chúa của con.
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_______________
Bạn có thể xem bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/hay-di-nvt.html