You are here:

CN. 23 TN. B: Hãy lắng nghe và hãy nói lên

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật 23 Thường Niên B

Suy niệm 1: Hãy lắng nghe và hãy nói lên
Suy niệm 2 : Quyền được Nghe và Nói

Ai cũng biết lỗ tai là cơ quan thính giác của con người. Lỗ tai không còn nghe được thì gọi là điếc, đó là đôi tai thể chất bệnh hoạn. Điều đó rất rõ ràng và dễ hiểu!

 

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.7,31-37)

HÃY LẮNG NGHE VÀ HÃY NÓI LÊN 

Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. 31 Khi ấy, Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

____________

SUY NIỆM

HÃY LẮNG NGHE VÀ HÃY NÓI LÊN 

Không thể và không muốn nghe…

Ai cũng biết lỗ tai là cơ quan thính giác của con người. Lỗ tai không còn nghe được thì gọi là điếc, đó là đôi tai thể chất bệnh hoạn. Điều đó rất rõ ràng và dễ hiểu!

Nhưng, thực tế, có những người còn đó lỗ tai lành mạnh nhưng vẫn không thể nghe được.

Không nghe được, có khi vì không muốn nghe. “Không ai điếc bằng người không muốn nghe” (Khổng Tử).

Không nghe được, có khi không có khả năng nghe. “Đàn gẩy tai trâu” (Tục ngữ VN).

Không nghe được, có khi không có khả năng gạn lọc đâu là điều đáng nghe, đâu là điều không nên nghe. Dễ tin vào “tin vịt”…

Không thể và không muốn nói…

Lưỡi  là cơ quan vị giác của con người. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc nói. Trong ngôn ngữ thường ngày ta vẫn nói về vai trò của lưỡi trong việc “ăn nói”, kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. “Tên đó miệng lưỡi lắm”; “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành mó méo tứ tung”…

Những thứ bệnh hoạn thể chất về “lưỡi” nói theo cách hiểu thông thường là câm, cà lăm, ngọng nghệu

Hậu quả của nó là không thể nói, hay khó nói, ngại nói, sợ nói, làm biếng nói…

Nhưng, thực tế, có những người còn đó miệng lưỡi lành mạnh nhưng vẫn không thể nói được.

Không nói được vì không muốn nói. “Không ai câm bằng người không muốn nói” (Khổng Tử).

Không nói được vì không biết gì để nói. “Nó cứng họng khi người ta hỏi nó”.

Không nói được vì không biết nói được điều gì ích lợi. “Ăn nói lung tung; phát ngôn bừa bãi”.

Hãy lắng nghe…

- Nghe gì ?

Trong hỗn độn âm thanh của cuộc đời, làm sao ta nghe được những tiếng nói thiêng liêng trong sáng, làm sao ta nghe được lời châu ý ngọc, làm sao ta nhận ra lời thiêng ý thánh, làm sao ta gạn lọc được lời hay ý đẹp…

Ta cần có đôi tai tâm hồn. Ta cần có đôi tai lành mạnh, đôi tai biết tiếp nhận và gạn lọc để đưa vào tâm hồn ta những ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống. Ta phải biết bỏ ngoài tai những thanh âm rác rưởi và đưa vào lòng ta những âm thanh mang hơi thở ngọt ngào của cuộc sống.

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Mc.4,23).

“Có tai để nghe” thì đã có, còn “hãy nghe” thì nghe gì?

Chính là “nghe Lời Chúa”.

Biết lắng nghe Lời Chúa, là điều “cần thiết” nhất trong cuộc đời ta.

"Macta! Macta, con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một điều cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất". (Lc 10, 38-42).

Vì, “nghe và giữ lời Thiên Chúa” là phúc thật cho đời ta.

"Phúc cho lòng dạ đã cưu mangThầy" ( Lc 11, 27 ). "Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còncó phúc hơn" ( Lc 11, 28 ).

Hãy nói lên…

- Nói gì ?

Hãy Ca Tụng Thiên Chúa, và loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô về Tình Yêu Thiên Chúa.

Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà. (Mt.10,24-33).

Hãy dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ. Cảm tạ là tiếng nói của người được yêu và biết đáp lại tình yêu.

“Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? (Lc. 17,11-19).

Hãy lên tiếng bênh vực Chân lý. Đừng “rửa tay” lẫn tránh trách nhiệm.

Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!’” (Mt.27,24).

Hãy loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay đầy thử thách.

Phúc thay anh em khi v́ Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hăy vui mừng hớn hở, v́ phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 1-12). 

Cách nghe và cách nói…

Trong thực tế đời thường, người ta cũng có những “cách nghe và cách nói” bằng cách tỏ thái độ.

Thái độ lạnh lùng, bất hợp tác… để nói lên rằng người muốn nghe, không muốn tin những lời ai đó nói. Ta cũng thường nghe nói “im lặng là đồng lõa”.

Thái độ vui tươi, gật đầu, quan tâm… hay thái độ đanh đá, hung hăng, bạo lực nói lên cách ứng xử của con người với nhau, từ người dân đến vua chúa quan lại…

Người xưa để lại câu chuyện này:

Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng:

Người đàn bà này xem như trong nhà có trúng tang. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi.

Người đàn bà thưa rằng:         

Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết về hổ, chồng tôi đã chết về hổ, bây giờ con tôi lại chết về hổ nữa. Thê thảm lắm ông ạ!

Thầy Tử Cống bảo:

Thế sao không bỏ chỗ này đi chỗ khác?

Người đàn bà nói:

Tuy vậy nhưng chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc, tàn bạo như các nơi khác.

Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với Đức Khổng Tử, Đức Khổng Tử nói:

Các ngươi nhớ đây: Chính sách hà khắc khốc hại hơn là cọp dữ.

Thái độ người dân bỏ đi chấp nhận cuộc sống hiễm nguy để xa lánh chính quyền là tiếng nói thầm lặng nhưng mãnh liệt, không biết hạng vua quan có nghe và hiểu được điều gì không? Hay nghe mà cũng như điếc vì không muốn nghe… Nhìn vào thế giới đó đây ai cũng thấy rõ chuyện đó ban ngày…

"Ép-pha-tha", xin mở tai miệng con…

Thế giới ngày nay không quyết tâm  loại trừ Thiên Chúa bằng cách nghiêm cấm những hình thức tôn thờ, mà cố gắng làm mờ nhạt hình ảnh Thiên Chúa bằng việc xóa dần những giá trị đạo đức nhân phẩm qua những thú vui dục vọng của con người,  hạ thấp nhân vị con người và đưa ra những hình ảnh về cuộc sống hưởng thụ “thiên đàng vật chất” lệch lạc và ích kỷ bóp chết cái thiện căn ở trong cái tâm của con người, để từng bước đưa con người đến con đường chối bỏ Thiên Chúa.

Rồi sau cùng khi đưa ngài lên đỉnh non cao, cho thấy tất cả vinh quang trần thế, hắn nói với ngài: “Nếu ông sấp mình thờ lạy ta, thì tất cả thuộc về ông”(Mt 4:9).

Dần dần con người sẽ khép kín tai- mắt- miệng, khép kín từ tâm, mất dần cảm thức tội lỗi, khô khan và lạnh lùng trước đồng loại.

Có câu chuyện của người xưa đáng cho ta suy nghĩ:

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề thăm nhà bạn cũ.  Người bạn cũ trách Mặc Tử:

“Bây giờ thiên hạ còn ai biết đến việc nghĩa, quan lớn cũng như quan bé, mạnh ai nấy sống, lấy cái công làm cái tư, ông tự khổ thân một mình làm việc nghĩa chi cho nhọc xác?”

Mặc Tử trả lời:

Tôi hỏi ông, nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn, thì chẳng phải đứa cày phải cày chăm hơn sao?  Bởi vì đứa cày thì ít đứa ăn thì nhiều.  Thiên hạ bây giờ không ai chịu làm việc nghĩa, ông phải khuyên tôi cần làm việc nghĩa nhiều hơn mới phải chứ, sao lại ngăn tôi?”

Hãy mở ra ! - Lời truyền của Chúa Giêsu Kitô - Đấng đầy uy quyền và tình thương. Ngài là Đấng Cứu Chữa và ban ơn tái sinh cho con người. Ngài đem lại cho cuộc đời những gì là Chân Thiện Mỹ mà con người đã đánh mất.

"Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được." (Mc.7,27).

Ngài dạy con người biết lắng nghe và rao giảng Tin Mừng về Thiên Chúa là Người Cha Nhân Từ luôn yêu thương con người và mọi người là anh em với nhau. Ngài là“đường, là sự thật và là sự sống”(Ga.14,6), Ngài dẫn đưa con người về Nguồn Sống đích thực của nhân loại.

Lạy Chúa,

Xin cho con luôn biết lắng nghe,
và trung thành loan báo Lời Chúa

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.7,31-37)

QUYỀN ĐƯỢC NGHE VÀ NÓI

Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được. 31 Khi ấy, Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

_______________

SUY NIỆM

QUYỀN ĐƯỢC NGHE VÀ NÓI

Được NGHE và NÓI

Ai cũng đồng ý một điểm chung của kiếp nhân sinh, rằng đời là bể khổ. Phàm là người, ai cũng phải đương đầu với chuyện “sinh-lão-bệnh-tử”.

Trong kiếp sống “sinh-lão-bệnh-tử” đem lại cho con người nhiều đau khổ, “điếccâm” là một trong những bất hạnh thật là đáng sợ !

Không thể nghe được những gì cầnnghemuốn nghe; không nói được những gì cần nóimuốn nói, đó là một nỗi đau, nhiều khi còn đau đớn hơn vạn lần vết thương thể xác.

Vì NGHE và NÓI  là lối ra vào của tâm hồn, là đường cung cấp lương thực cho tinh thần, lương thực tâm linh cho con người.

Aristote nói: “Con người là một con vật có lý trí”. Lý trí không thể nào trở nên “giàu có” với chính sách “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Một lý trí không được nghe gì, không được  nói gì, không được nhận gì, không được cho gì, lý trí đó có còn sức sống không ? Một con người có lý trí thiếu dinh dưỡng, xanh xao, bệnh hoạn, có còn là một con người đúng nghĩa không ?

NGHE GÌ  và NÓI GÌ ?


Xin được lập lại và nhấn mạnh ở đây:

“NGHE và NÓI  là lối ra vào của tâm hồn, là đường cung cấp lương thực cho tinh thần, lương thực tâm linh cho con người.”

Không được nghe là một điều đau khổ, nhưng phải nghe những điều không nên nghethì còn đau khổ vạn lần !

Không được nói là một điều đau khổ, nhưng phải nói những điều không nên nóithì còn đau khổ vạn lần!

Ta thử nghĩ, nếu cứ ngày này qua ngày khác:

Phải nghe:

Phải nghe những điệu nhạc đinh tai nhức óc.
Phải nghenhững luận điệu tuyên truyền lệch lạc.
Phải nghenhững lời nói ngọt ngào từ loại người như nịnh thần ở triều đình…

Phải nói:

Phải nói những điều sai sự thật
Phải nóinhững điều chống lại nhân cách chính mình, phải lừa dối bản thân mình.
Phải nói những điều chống lại những giá trị mà làm người ai cũng phải quý trọng, như gia đình, quê hương, lý tưởng, tôn giáo…

Đôi khi, cái chết còn sướng hơn sự chịu đựng phải nghe hay nói những điều ta không muốn.

Petronius (ảnh trong phim Quo Vadis)

Ta hãy xem một trích đoạn thật hay trong câu chuyện Quo Vadis, bức thư tuyệt mạng của Petronius - một trung thần đầy nhẫn nhục và giữ mình được trong sáng trong triều đại của bạo chúa Nê-rô - gởi cho chính bạo chúa Nê-rô, khi hay tin Nê-rô sắp giết ông, ông tự kết liễu đời mình trước khi bản án được thi hành.

Từ đó, ta suy ra, chịu đựng một tên bạo chúa, hay chịu đựng một chế độ độc tài, hay những gì tương tự, thật đau khổ biết bao !

Bạn thân mến của tôi ơi,

Đời người là một kho báu vô song mà tôi là kẻ biết lựa tìm trong ấy những thứ ngọc ngà quý nhất. Song trong cuộc đời cũng có những thứ mà tôi không thể chịu đựng lâu hơnđược nữa.

Ồ, xin chớ vội nghĩ rằng tôi không thể chịu đựng nổi việc bạn đã giết cả mẹ, lẫn vợ cùng em, việc bạn đốt trụi Roma và đầy đi Ereb tất cả những người trung thực ở quốc gia này !
Không phải đâu, thưa chắt đích tôn của thần Kronox !

Cái chết vốn là  khẩu phần chia theo đầu người, vả chăng đâu có thể trông chờ ở bạn một hành động nào khác thế.

Song, phải chịu hỏng taithêm bao năm nữa vì tiếng hát của bạn, phải nhìn đôi giò khẳng khiu của bạn vung vẩy trong vũ điệu Pirei, phải nghe tiếng đàncủa bạn, lời ngâm xướngcủa bạn của các bản trường ca của bạn - thì hỡi chàng thi sĩ tội nghiệp của vùng ngoại ô ơi, những điều ấy quả là vượt quá sức chịu đựngcủa tôi và khiến tôi muốn chết!

Roma phải bịt taikhi nghe bạn, thế giới cười mỉa bạn, còn tôi, tôi không muốn và cũng không thể chín mặt ngượng vì bạn lâu hơn được nữa !

Bạn thân yêu của tôi !  Đối với tôi, tiếng gào hú của con chóba đầu Xerber - dù là gần giống tiếng hát của bạn - vẫn còn dễ nghehơn, vì lẽ chưa bao giờ tôi phải là bạn của nó và tôi cũng không có nghĩa vụ phải xấu hổ vì giọng của nó.

Mạnh khỏe nhé nhưng xin đừng ca hát, cứ giết chóc đi, nhưng xin chớ làm thơ, hãy đầu độc nữa đi chứ đừng cố múa may, đốt phá tràn đi, nhưng đàn tranh đừng gẩy.

Đó là lời chúc và cũng là lời khuyên bằng hữu cuối cùng mà arbiter elegantiarum gửi tới bạn.


QUYỀN được NGHE và NÓI

Được Nghe và Nói đúng SỰ THẬT, lời hay ý đẹp, những điều thiện hảo, đó là QUYỀN chính đáng của con người.

Đó là sự chia sẻ chính đáng, là hành động bác ái thật sự, nó cần thiết như người ta chia sẻ Thực Phẩm cho những người nghèo đói.

Đó là trách nhiệm và bổn phận, là đạo đức, là lương tâm của con người.

Người càng có địa vị cao, ảnh hưởng rộng trong xã hội, càng phải biết sử dụng “quyền được nghe và nói” một cách đúng đắn.

Những chế độ độc tài, bưng bít thông tin, vo tròn, bóp méo sự thật, nói trắng ra đen, đen ra trắng, thực ra hư, hư ra thực, bài bác tôn giáo, dùng ưu thế quyền lực của mình để hướng dẫn lệch lạc dư luận, là phi nhân phi nghĩa. Họ đưa người dân đến sự nghèo nàn trí tuệ, suy dinh dưỡng tinh thần, đạo đức suy đồi, khô cằn tâm hồn, chết dần mòn đời sống tâm linh, hạ thấp phẩm giá của con người.

Nên ĐIẾC và CÂM, không chỉ là sự khiếm khuyết khả năng của  thể xác, nó còn là sự hạn chế tinh thần, mà mức độ đau khổ không những không thua kém, mà còn nguy hiểm và đáng sợ, vì nó dẫn con người không chỉ đến cái chết thể xác, mà cả cái chết tinh thần. Nó làm con người mất tất cả. Trên hết, đó là mất quyền làm con Thiên Chúa.

Ta có thể tìm thấy bài học này ngay từ những chương đầu của Kinh Thánh, khi con người, thuở ban đầu đã “được nghe” thông tin sai lạc của ma quỷ, và tin theo ma quỷ.

Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!  Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thầnbiết điều thiện điều ác”. Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng:họ mới kết lá vả làm khố che thân. (Kn.3,4-7).

Và, cứ thế, Sa-tan và quyền lực đen tối của chúng đã làm cho biết bao người trở thành “câm và điếc” không thể “nghe và nói” những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng tiếp tục hoạt động và không ngừng dùng mọi thủ đoạn thế gian để bịt tai khóa miệng con người, vì chúng sợ con người được sống hạnh phúc trong Tình Yêu Thiên Chúa !

Quyền được nghe và nói đến từ Thiên Chúa.



"Can đảm lên, đừng sợ!
Thiên Chúa của anh em đây rồi;
sắp tới ngày báo phục,
ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em."

Bấy giờ mắt người mù mở ra,
tai người điếc nghe được.
Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. (Is 35,4-6).


Trên hết tất cả, là  quyền con người được nghe LỜI CHÚA.

Trên hết tất cả, là quyền con người được nói lên LỜI TRI ÂN CẢM TẠ CHÚA.

Vì đó là NGUỒN SỐNG của con người.

Vì đó là HẠNH PHÚC  của con người.

Nên Chúa Giê-su đã “mở tai, mở miệng” cho con người được nghe lời hằng sống và cùng cất tiếng tung hô vinh danh Chúa.

Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.(Mc 7,31-37).

Chính vì Thế Giới nghe được Lời Chúa, con người biết cất lên lời ca tụng Chúa, cuộc đời mới xanh tươi, đầy tràn sức sống, Lời Yêu Thương tràn ngập lòng người, đem lại cho con người bình an và hạnh phúc.

Đời không còn là sa mạc hoang vu, vùng đất chết, nhưng là miền Đất Hứa “chảy sữa và mật”, là Địa Đường tìm thấy, là Vương Quốc Vĩnh Hằng no đầy hạnh phúc.

Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.
Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,
đất khô cằn có mạch nước trào ra. (Is 35,6-7a).

 

Lạy Chúa,

Lời Ngài là sức sống,
xin mở tai con
cho con biết lắng nghe.

Tình Ngài là bao la,
Xin mở miệng con
cho con biết dâng lời cảm tạ. Amen.



Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Đang có 163 khách và không thành viên đang online

16146630
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
11412
14942
52866
16009132
298568
406480
16146630

Your IP: 18.223.43.151
Server Time: 2025-01-22 18:08:59