You are here:

CN. 26 TN. B : Bạn hay Thù ?

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 


CN. 26 TN. B :

Suy niệm 1 : Bạn hay Thù ?

Suy niệm 2 : Cái Tâm trong sạch

Có một câu chuyện kể rằng: Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

 

 

 

 

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.9,36-43.45.47-48)

BẠN HAY THÙ ?

38 Khi ấy Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.  40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. 42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,  48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

__________________

SUY NIỆM

BẠN HAY THÙ ?

Họ không chống lại chúng ta…



Có một câu chuyện kể rằng:

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài!

Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: "đối ngoại hữu kỳ tâm,  đối nội vô tâm giả."

Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:

            - Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?

            - Đứng về mặt chính trị của triều đình, tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kytô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì "Hữu Tâm", còn với bản thân mình thì "Vô Tâm." Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài... Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hi sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái nghĩ vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp người… Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ đạo công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép rửa tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục...

Tsukamoto, Osaki không theo “chúng ta”, họ không chung niềm tin với chúng ta, họ không phải là Ki-tô hữu, nhưng họ đang cố gắng sống theo đạo lý làm người, vì lý tưởng cao đẹp.

Một cách nào đó, trước khi họ “ngộ ra” niềm tin  Ki-tô Giáo, họ đã sống theo “chân lý”. Hình ảnh Thiên Chúa chưa rõ ràng trong lòng họ, cuộc hành trình niềm tin còn dài, họ chưa đến bến bờ Chân lý đích thực, nhưng rõ ràng họ không ngừng đi tìm điều Chân Thiện trọn hảo. Nhờ thế, họ tìm gặp Chúa nhờ lòng thành tâm , thiện chí của họ.

Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.

Họ là những người luôn muốn sống theo chân lý và phục vụ chân lý. Điều ấy, cũng có nghĩa là họ muốn làm vinh danh Chúa. Nhân danh Chúa, họ muốn loại trừ những điều tăm tối ra khỏi cuộc đời. Rõ ràng họ yêu quý việc “phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người”. Họ “đứng về phía sự thật”, dù họ chưa biết rõ ràng về Giê-su, nhưng một cách nào đó, họ đã nghe tiếng Ngài.

Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.(Ga.18,37).

Vì thế, khi họ dám làm, dám hy sinh, dám chết cho sự thật, thì họ đã “nhân danh công lý”, nhân danh Chúa Giê-su, chỉ có điều, danh Giê-su họ chưa được biết tường tận vì họ chưa được rao giảng.

Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?15 Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm.10,14-15).

Như thế, họ - những người chưa hoàn toàn có niềm tin như chúng ta - hoặc, họ thể hiện niềm tin không giống chúng ta - họ không phải là những người chống lại chúng ta.

Chúa Giê-su chấp nhận họ, không ngăn cản việc làm của họ “nhân danh Ngài”, Ngài mở rộng con đường của họ đến với Ngài, đầy bao dung và nhân hậu.

Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. (Mc.9,40)

Cách ứng xử kiểu “chúng ta”, để ngăn cản việc làm của họ nhân danh Chúa Giê-su, vì họ không theo Chúa như chúng ta, có thể đẩy họ xa rời Thiên Chúa, thậm chí đẩy họ về phía những kẻ chống đối chúng ta. Thay vì chúng ta tạo cơ hội để họ hoàn toàn thuộc về Chúa, ta lại bóp chết niềm tin vừa nẩy mầm trong lòng họ.

Cuộc hành trình Niềm Tin mỗi người mỗi khác. Ta cần cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ để chấp nhận nhau trong sự đa dạng và phong phú. Tình yêu Thiên Chúa không có sự loại trừ, ngay cả những kẻ thù, chứ đừng nói gì đến những kẻ đang thật tâm tìm kiếm Thiên Chúa trong điều kiện còn nhiều thử thách.

… là  ủng hộ chúng ta 

Nhiều Quốc Gia có chế độ cởi mở cai trị thiện cảm với tôn giáo luôn dành cho tôn giáo nhiều ưu ái. Ngược lại, nhiều Quốc Gia bị chế độ độc tài thống trị, muốn loại bỏ tôn giáo bằng cách hạn chế những việc làm của tôn giáo gây ảnh hưởng trong dân, hạn chế việc phát triển tôn giáo. Riêng với Công Giáo, điều đó cũng có nghĩa là hạn chế việc Rao Giảng Tin Mừng đến mức nhiều như có thể. Rõ ràng họ là những người “chống lại chúng ta”, vì họ không muốn danh Ki-tô được loan truyền khắp nơi, cũng có nghĩa là không muốn danh Thiên Chúa cả sáng, điều mà người có Đức Tin chọn là mục đích và ý nghĩa đời người. Như lời Chúa Giê-su đã dạy người có niềm tin vào Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.


  "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. (Mc.9,41).

Từ “Ai”, là từ không xác định người nào, cho mọi người, mọi thời, không có điều kiện, không có phân biệt, không có giới hạn, là bất luận người nào, miễn là “người đó” đã hành động vì Đấng Ki-tô, nhân danh Đấng Ki-tô, người ấy sẽ được Thiên Chúa yêu thương -“không mất phần thưởng của Thiên Chúa” -  vì họ là những người “ủng hộ” Thiên Chúa, họ góp phần làm danh Chúa cả sáng.

Chúng ta nhận ra từ “Ai” này trong một bài giảng vô cùng phong phú ý nghĩa về tính phổ quát của Nước Trời  mà chúng ta cũng quen gọi là Hiến Chương Nước Trời, hay Tám Mối Phúc Thật:

Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ
Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an.
Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp.
Phúc cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được thoả lòng.
Phúc cho ai xót thương, vì họ sẽ được  xót thương… (Mt.5,1-12).

Kẻ thù ở trong ta…

Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy (Mc.9,39).

Trong khi các môn đệ Chúa Giê-su, cả chúng ta, sợ kẻ thù từ bên ngoài, thì Chúa Giê-su luôn cảnh báo chúng ta về kẻ thù ngay ở bên trong, ở trong chính nội bộ chúng ta, ở ngay trong lòng chúng ta.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. (Kinh Lạy cha).

Nên, lời Chúa Giê-su dạy thật là dứt khoát, quyết liệt, chúng ta phải “đoạn tuyệt” những cám dỗ nuông chiều theo xác thịt, sự thụ hưởng, lòng ích kỷ, thói kiêu căng…

43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục. (Mc.9,43-47).

Chính từ đó, chúng ta không còn có thể “hiệp nhất”, chúng ta sống phe phái, vì lợi ích để vinh danh mình, vinh danh phe nhóm mình, tạo ra  vây cánh, “tai mắt”, “tay chân bộ hạ” phục vụ ý đồ riêng tư, chia rẽ, lên án, hận thù…

Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về Phao-lô, tôi thuộc về A-pô-lô, tôi thuộc về Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô”, Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? (1Cor.1,12).

Chúng ta sống thu mình trong ốc đảo của sở thích, quyền lợi vị kỷ, đẩy những người yêu mến xa lìa dần chúng ta, đôi khi, chúng ta tạo nên những kẻ thù mới từ ý nghĩ và hành động hẹp hòi của mình, thật đau xót thay, những ý nghĩ và hành động nhiều khi thấp hèn phàm phu tục tử, chúng ta lại khoác vào đó những mỹ từ lớn lao “nhân danh Thiên chúa”!

Thế giới hôm nay vẫn ngưỡng mộ Ganhdhi vì tinh thần bất bạo động của ông. Tinh thần hòa bình này chẳng xa gì tinh thần của Chúa Kitô. Gandhi đã suy tư rất nhiều về Kitô giáo. Tiểu sử viết về đời ông kể lại là có một lần kia Gandhi đến nhà thờ. Khi ông đến cửa thì người đứng chào ở cuối nhà thờ lịch sự chào ông, rồi nói với ông rằng, ông đến nhà thờ là điều chúng tôi rất mừng, nhưng xin ông đến nhà thờ dành cho người da đen. Gandhi âm thầm, cúi đầu đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa. Hôm nay, biết đâu cũng có những người đang mất niềm tin vào Chúa cũng chỉ vì nhà thờ. (Nước mắt và Hạnh phúc. Nguyễn Tầm Thường).

“Chiến thắng chính mình là điều khó khăn nhất”. Và sự dữ tràn ngập thế giới này là chính vì cuộc chiến đấu của mỗi cá nhân thảm bại. Khi điều Chân Thiện trong lòng người thua cuộc, thì quyền lực thần dữ thống trị. Cuộc chiến đấu Thiện và Ác trong lòng người thật cam go. Chua xót thay, thời đại hôm nay, sự dữ luôn có nhiều điều kiện thuận lợi để chiếm ưu thế. Văn minh, khoa học, cùng với sự yếu đuối của con người.

“Tôi làm gì tôi cũng không hiểu. Vì tôi không làm điều tôi muốn, nhưng tôi lại làm toàn những điều tôi ghét. Vì tôi có thể muốn điều tốt, nhưng tôi lại không làm. Vì điều tốt tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều ác tôi không muốn, thì tôi lại làm…. Vì trong tận đáy lòng tôi, tôi vui thích trong luật của Thiên Chúa; nhưng tôi lại thấy một luật khác trong các chi thể của tôi giao chiến với luật của lý trí, và biến tôi thành tù nhân của luật tội lỗi, là luật vẫn ở sẵn trong các chi thể tôi. Khốn nạn thân tôi! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái thân xác hay chết này?” (Rom 7:15-25).

Miễn là Lời Chúa được rao giảng (Pl 1, 18).

Thế giới bao la, nhiều nơi chưa đón nhận Tin Mừng, chưa biết Chúa Giê-su. Chúng ta không thể đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất với trái tim hẹp hòi được.

Khi chúng ta nhìn mọi người xung quanh ta với nỗi lo sợ và hoài nghi, chúng ta không dám và không thể cùng ai gánh vác sứ mạng trọng đại mà Chúa Giê-su đã giao phó đem Tin Mừng thắp sáng toàn thế giới.

Có thể còn đó những bất toàn, những giới hạn, những ý lành ý xấu hòa lẫn nhau khi rao giảng Tin Mừng, vì có ai là hoàn hảo, nhưng, “miễn là Lời Chúa được rao giảng”, hoa trái của việc làm không phải của con người, mà là của Thiên Chúa, vì Tất Cả Là Hồng Ân Của Chúa, không gì khác hơn.

“Tôi (Phaolô) trồng, Apollô tưới và Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3,8).
 

Lạy Chúa,

Xin soi sáng lòng con,
Cho con biết đón nhận anh em,
Đồng hành trên mọi nẻo đường,
Loan Tin Vui cho trần thế.

Xin thánh hóa lòng con,
Để niềm hạnh phúc trong con
Là vì Danh Thánh Chúa,
Chứ không vì người phàm

Xin cho lòng con thanh thản
Trí óc con nhẹ nhàng
Vì Tất Cả Là Hồng Ân
Con không là gì cả. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.9,36-43.45.47-48)

CÁI TÂM TRONG SẠCH

38 Khi ấy Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.  40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. 42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,  48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

___________

SUY NIỆM

CÁI TÂM TRONG SẠCH

Thái độ dứt khoát loại trừ nguyên cớ phạm tội

Trong đời người, có nhiều dịp tội đến trực tiếp từ một trong những ngũ quan của ta. Ta vẫn thường nghe và nói đến ánh mắt dục vọng, bàn tay vấy máu, bước chân lầm lạc, miệng lưỡi điêu ngoa…

Trong Kinh Thánh, ta đọc thấy nhiều bài học sa ngã từ  giác quan tiếp xúc hằng ngày của con người. Sau đây là vài thí dụ:

TAY

"Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt." (Mc.9,43).

Ca-in, bàn tay đẫm máu giết em ruột mình là Aben.

“Ngươi đã làm gì? Tiếng máu của em ngươi từ đất kêu oán lên Ta”  (Kn.4,1-9).

CHÂN

"Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục." (Mc.9,43).

Giu-đa Itcariốt bỏ đi, với bước chân lầm lỗi ấy, Giu-đa mở đầu đoạn đường đen tối nhất của đời mình.

“Vừa chịu lấy miếng ăn, lập tức y đi ra. Và trời đã tối”. (Yn.13,30)             

MẮT

"Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục" (Mc.9,43).

E-va phạm tội từ ánh mắt.

“Và người đàn bà đã nhìn: quả là cây ăn phải ngon. Mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quí thực, cái cây ấy, để được tinh khôn. Và bà đã hái lấy quả mà ăn, bà cũng trao cho chồng ở bên bà. Và ông đã ăn” (Kn. 3, 6.) - (Bản dịch Lm. Nguyễn Thế Thuấn).

Đa-vít cũng thế, tội thâm độc từ một cái nhìn:

Lấy vợ của một quan trung thành, dùng chính kẻ thù thủ tiêu chồng bà, vị tướng trung thành  chiến đấu ngoài biên ải bảo vệ cho mình.

Vào một buổi chiều, vua Đavít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời.Vua Đavít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: "Đó chính là bà Bát Seva, con gái ông Êliam, vợ ông Urigia người Khết."Vua Đavít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng; khi ấy nàng mới thanh tẩy sau thời kỳ ô uế. Rồi nàng trở về nhà.Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đavít rằng: "Tôi có thai." (2Samuel. 11,1-26).

Ta dễ dàng nhận ra sự tai hại của giác quan khi nó là cớ để phạm tội. Thế nên, Chúa Giê-su muốn con người cẩn thận và có thái độ dứt khoát khi giác quan là cửa ngõ cho con người bước vào cuộc sống sa đọa.

Chính vì thế, ta hiểu được bài học quyết liệt đoạn tuyệt với dịp tội từ thân xác yếu đuối của con người.

Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.  Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục. (Mc.9,43-47).

Cái tâm trong sạch

Những điều Chúa Giêsu dạy hôm nay rõ ràng là Ngài muốn nhắm tới sự can đảm đoạn tuyệt của con người đối với tội lỗi và ma quỷ, nguồn phát sinh của nó. Đó là giải pháp trước mắt để tránh dịp tội. Nhưng, để loại trừ tận căn tội lỗi, không chỉ là việc “tránh cớ phạm tội” mà còn phải nuôi dưỡng một tâm hồn trong sạch.

"Hãy tạo cho mình một trái tim mới" (Ed 18,31)."Ta sẽ thanh tầy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới" (Ed 36,25tt).

Có chặt mấy tay, có chặt mấy chân, có móc mấy mắt, mà lòng vẫn vướng bận bụi trần, thì nguồn tội lỗi từ cái tâm nhơ bẩn vẫn còn tồn tại đó, vẫn cứ trào ra muôn thứ hành vi xấu xa, vẫn hủy diệt đời người. Thế nên, việc loại trừ những cái cớ phạm tội, theo lời Giáo huấn của Chúa Giêsu hôm nay, mang ý nghĩa của ý chí phục thiện, nỗ lực vươn lên, loại trừ tất cả những gì vướng bận trần tục để được trọn vẹn thuộc về Chúa. Đó cách nói mạnh mẽ về những bước tiết chế quyết liệt, tự thanh tẩy chính mình. Đó là tín hiệu của sự ăn năn sám hối, là sự hồi tâm tìm về Thiên Chúa xin ơn tha thứ.

“Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.  Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc.7,21-23).

Tội ác của Đavítlà một thí dụ sống động, vì “từ bên trong, từ trong lòng vua Đavít, đã phát xuất những ý định xấu, tà dâm, giết người, tham lam, ngoại tình, độc ác, xảo trá…”. Gần như đầy đủ những điều phải lên án. Đavít sa vào tội lỗi từ một cái nhìn, đôi chân đã bước vào con đường gian ác cưỡng đoạt vợ người, rồi bàn tay gián tiếp đẫm máu giết bề tôi trung thành. Tội ác của Đavít quá lớn, được tính toán một cách thật tinh vi và cực kỳ thâm độc.

Nhưng, Đavít đã thành tâm sám hối. Mắt, tay, chân Đavít vẫn còn đó. Mắt Đa-vít đã sáng lên ánh Chân lý, tay Đa-vít đã khảy lên cung đàn ca tụng Chúa, chân Đa-vít đã nhảy múa tung hô Chúa…

Đa-vít đã được rửa sạch lỗi lầm. “Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết”. Toàn thân Đavít nay thuộc về Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 50, với lời ca đẫm lệ, từ một “tấm lòng tan nát giày vò”, được Thiên Chúa yêu thương đón nhận, là một Thánh Vịnh nổi tiếng, đặc biệt được đưa vào Kinh Nhật Tụng đọc vào mỗi sáng Thứ Sáu.

Lời kinh buồn thống thiết nhưng cũng chất chứa niềm cậy trông vững vàng vào Tình Yêu Thiên Chúa nâng đỡ. Có lẽ không có những lời kinh sám hối hòa lẫn lòng trông cậy và lời ca tụng Chúa nào đẹp hơn.

"Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.

Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,
dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

Xin dùng cành hương thảo
rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;
xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.
Xin cho con được nghe
tiếng reo mừng hoan hỷ,
để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.
Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi
và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con;
đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,
ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ,
xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê...

 

Lạy Chúa,

Đời con muôn vàn tội lỗi…
cho con biết luôn thành tâm sám hối…
Không có gì có thể đổi mới lòng con,
ngoài Tình Yêu Thiên Chúa vô bờ…

Amen.

Lm. Antôn  NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

 

 

Đang có 188 khách và không thành viên đang online

15735075
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
4513
20260
24773
15613867
293493
413215
15735075

Your IP: 18.227.209.89
Server Time: 2024-12-23 05:56:24