You are here:

Chúa Nhật Truyền Giáo: Người đến ném lửa vào mặt đất

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật Truyền Giáo:

Suy niệm 1 : Người đến ném lửa vào mặt đất
Suy niệm 1 : Chinh phục thế giới bằng tình thương

 

Khi nói đến Vạn Lý Trường Thành, thì người ta nghĩ ngay đến vua Tần Thủy Hoàng, người có công xây dựng.  Ngày nay, nó trở thành di tích lịch sử và niềm tự hào của người Trung Hoa.  Bên cạnh công sức trị vì đất nước, thì vị vua này lại có chính sách cai trị độc tài, tàn bạo, sát hại người dân không thương tiếc được các nhà sử học xếp vào một trong bốn vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Châu Á.

 

\

 

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc

oOo

NGƯỜI ĐẾN NÉM LỬA VÀO MẶT ĐẤT

TIN MỪNG(Mc.16,15-20).

Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

______________

SUY NIỆM

NGƯỜI ĐẾN NÉM LỬA VÀO MẶT ĐẤT

Lửa Tình Yêu Giê-su

Người đến ném lửa vào mặt đất

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49)

Ông Gioan tẩy giả đã nói về Chúa Giê-su rằng: Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa [Lc 3,16], khi ông báo trước phép rửa Kitô khởi sự từ ngày lễ Ngũ-tuần, khi Thiên Chúa ban Thánh Thần xuất hiện như lưỡi lửa [xem Cv 2,3]. Như vậy sứ mạng của Đức Giêsu là: ném lửa xuống mặt đất, đem Thánh Thần đến cùng với sức mạnh canh tân và thanh tẩy của Người.

Ngọn gió Thánh Thần thổi bùng cháy Tình Yêu Giê-su

Đức Giêsu ban cho ta Thánh Thần. Nhưng Thánh Thần tác động thế nào? Người tác động bằng cách gieo vào lòng tatình thương. Tình thương mà Người mong muốn ta giữ cháy mãi trong tâm hồn. Tình thương đó thế nào? Đó không phải là tình thương của trần gian, giới hạn; mà là tình thương theo Tin mừng. Đó là tình thương đại đồng như tình thương của Cha trên Trời, Đấng ban mưa nắng cho tất cả mọi người, lành cũng như ác, kể cả kẻ thù [xem Mt 5,45]. Đó là tình thương người ta yêu mến Đức Kitô nơi người anh chị em, nhớ lại lời Người dạy là: “Anh em đã làm cho chính ta” [Mt 25,40].

Xin lửa Tình Yêu Giê-su không bao giờ tắt…

Tình thương giống như lửa, điều quan trọng là nó phải cháy. Và để được như vậy, nó cần phải thiêu đốt cái gì. Trước hết nó thiêu đốt cái tôi ích kỷ của ta; và nó thiêu đốt bởi vì, khi  mến yêu, ta hoàn toàn hướng về người khác: hoặc về Thiên Chúa, bằng cách chu toàn ý Người, hoặc về người bên cạnh, bằng cách giúp đỡ người đó. Một ngọn lửa cháy lên, cho dầu nhỏ bé, nếu được nuôi dưỡng, nó có thể trở thành một đám cháy lớn. Đó là đám cháy tình thương, hòa bình, là tình huynh đệ đại đồng mà Đức Giêsu đã đưa đến trần gian.

(Theo ý Chiara Lubich)       

Kẻ đi ném lửa hận thù…

Lửa hận thù bùng cháy từ cái tâm không được tẩy rửa dục vọng, không được tiêu diệt cái tôi ích kỷ, kiêu căng, thống trị, bành trướng, đè bẹp tha nhân…

“Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân... Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn (Lc 22, 25-27).

Ta thử điểm một vài nhân vật và biến cố lịch sử xưa và gần đây:

Khi nói đến Vạn Lý Trường Thành, thì người ta nghĩ ngay đến vua Tần Thủy Hoàng, người có công xây dựng.  Ngày nay, nó trở thành di tích lịch sử và niềm tự hào của người Trung Hoa.  Bên cạnh công sức trị vì đất nước, thì vị vua này lại có chính sách cai trị độc tài, tàn bạo, sát hại người dân không thương tiếc được các nhà sử học xếp vào một trong bốn vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Châu Á.

Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc từ năm 221 - 210 TCN, có công thống nhất đất nước nhờ chính sách xâm lược và cai trị tàn bạo.  Nhiều sử sách ghi nhận rằng, ông là người độc ác, hay nổi nóng và tàn sát người dân của mình.  Trong năm đầu tiên nắm quyền, hơn 120.000 gia đình đã buộc phải di dời khỏi nhà của họ.  Ông đốt gần như tất cả sách và văn thơ của Trung Quốc và đã có hàng trăm học giả bị chặt đầu, chôn sống.  Ông là người đặt nền móng cho việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành nhưng cũng vì công trình này mà có hàng trăm ngàn người đã bị bắt ép làm việc, bị chết đói và bị giết.  Tần Thủy Hoàng là người bị ám ảnh nhiều nhất về phương thuốc trường sinh bất lão.  Ông đã chôn sống 480 thái y và các học giả khi họ không tìm ra cách để bào chế thuốc trường sinh bất lão.  Ngay cả khi sắp chết, ông cũng lo sợ rằng mình sẽ bị tấn công, do đó, ông ra lệnh cho xây dựng một lăng mộ rộng 4,8km với 700,000 người dân tham gia xây dựng.  Hầu hết trong số họ đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng lăng mộ. Tần Thủy Hoàng chết vào tháng 9 năm 210 TCN. (Intenet).

Thế giới có bao giờ hoàn toàn an bình đâu. Tội ác tràn đầy nhỏ lớn đó đây. Cao điểm nhất là hai cuộc Thế Chiến hãi hùng. Và, vẫn còn hận thù tiếp nối, như ta thấy thế giới ngày nay…

Cảnh tang thương ai cũng khiếp sợ, nhưng ngọn lửa thù hận vẫn bùng cháy chưa bao giờ tàn.

Hãy thử nhìn lướt qua Thế Chiến thứ 2, với những con số kinh hồn để lại vết thương còn đó nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, vậy mà con người có dừng bước tham vọng đâu. Vũ khí ngày nay còn gấp vạn lần hơn!

Tháng 1/1933, Adolf Hitler, lãnh đạo của đảng Đức Quốc xã, trở thành thủ tướng Đức và ngay lập tức tiến hành phát động chiến tranh. (Ảnh: National WWII Museum)

                

Hồng quân Liên Xô trong trận Stalingrad chống quân Đức diễn ra tại thành phố Stalingrad (nay là Volgograd) ở tây nam Nga từ tháng 7/1942 - 2/1943.

Ngày 9/8/1945, bom nguyên tử ném xuống Nagasaki (Ảnh: archive.org)

Cuộc Thế Chiến thứ 2 (1939-1945), gây ra tổn thất lớn về nhân mạng cho cả hai phe. Số người thiệt mạng tại các nước Đồng minh là trên 61 triệu người, còn phe Trục là 12 triệu người. Khắp nơi lâm cảnh hoang tàng tang tóc. Ai đã đi ném lửa hận thù lịch sử đã có ghi, nhưng rồi cũng có những kẻ đi theo vết xe xưa… (Từ Video: ChronoHistory).

Người đi ném lửa tình yêu Giê-su…

“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv.1,8).

Ta từng nghe và cũng từng nhận ra “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Hận thù là sự chết rõ ràng cũng rất mạnh mẽ và vô cùng đáng sợ.

Khát khao con người là Tình Yêu.Tình Yêu cho bình an và hạnh phúc. Nhưng, dục vọng là sức mạnh Satan lúc nào cũng chực sẵn để xen vào chiếm ngự một vị trí trong trái tim con người. Nên, tim người ra chai đá, lòng người ra đen tối, lửa dục vọng, hận thù bùng cháy trong lòng người.

Hình ảnh Tình Yêu và Hòa Bình luôn tỏa sáng, sống động. Hình ảnh hận thù và tham vọng cũng lan rộng kinh hoàng.

Những người tiếp nối sứ mạng thắp lửa Tình Yêu theo lệnh truyền Chúa Giê-su vẫn xuất hiện, có mặt những nơi “tận cùng trái đất”. Nhiều người đã hy sinh cả cuộc đời, hy sinh mạng sống, đương đầu hiểm nguy, đón nhận những thương tích để “ném lửa tình yêu Giê-su” để giữ ngọn lửa tình yêu Giê-su bùng cháy mãi…

Tháng 4 năm1865, tổng thống Abram Lincon, một người không ngần ngại khó khăn, gian khổ để đấu tranh chống lại chế độ nô lệ, bênh vực quyền lợi cho người da đen, đã bị một tay quá khích ám sát. Một bà mẹ đi viếng đám tang tổng thống nói với đứa con của mình rằng: “ Con hãy nhìn kỹ, hãy nhìn cho thật kỹ, vì Người Này đã chết cho con đó”.

Thực tế cho chúng ta thấy: tình yêu và hòa bình lúc nào cũng rất mỏng manh, bởi lòng người rất dễ dàng chạy theo dục vọng và hưởng thụ chóng qua của thế gian. Thế nên, điều Chúa Giê-su “những ước mong lửa ấy đã bùng lên” còn đó nhiều thử thách cho chúng ta - cho mọi người thành tâm thiện chí - tiếp nối sứ mạng của Ngài đem Tin Mừng, đem Tình Yêu Thiên Chúa đến tận cùng trái đất. 

Chim bồ câu trong nòng pháo tại Prokhorovka (Nga) năm 2008, biểu tượng cho số phận mong manh của sự sống trước hiểm họa chiến tranh (Internet)

Nhưng, nhất định, chúng ta vững tin vào “ngọn lửa bất diệt” của Tình Yêu Giê-su sẽ bùng cháy tràn lan trên mặt đất này. Bằng tất cả niềm tin yêu vào Thầy Chí Thánh Giê-su, ta mạnh dạn lên đường tung gieo Lời Chúa, ném lửa Tình Yêu Thiên Chúa đến tận cùng mọi ngõ ngách trên thế giới này, không sợ hãi, hoài nghi hay chùn bước, vì sức mạnh thực sự của chúng ta chính là từ Quyền Năng Thiên Chúa.

“Phaolô trồng, Apollo tướivà Chúa mới cho mọc lên” (1 Cr 3,6).

Lạy Chúa,

Xin thêm sức mạnh cho con tiến bước,
Con vững tin ở nơi Ngài. Amen.

 

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
 

 

 

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN B

THÁNH LỄ CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
21.10.2012

CHINH PHỤC THẾ GIỚI BẰNG TÌNH THƯƠNG


Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh". Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo. (Mc 16,15-20).
______________

SUY NIỆM

CHINH PHỤC THẾ GIỚI BẰNG TÌNH THƯƠNG

Truyền giáo là gì ?

Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (Mt 28, 19-20).

Đó là lệnh truyền của Chúa Giê-su. Đó là “mệnh lệnh Truyền Giáo” của Ngài. Nhưng để thi hành mệnh lệnh ấy, ta phải hiểu “truyền giáo” như thế nào để áp dụng vào những hoàn cảnh thực tế cuộc sống ?

Ta có thể tìm hiểu ý niệm truyền giáo qua ý kiến sau đây.

Hôm nay, ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu xem: Truyền giáo là gì? Chúng ta phải truyền giáo thế nào?

Trước hết, truyền giáo là gì? Truyền là tuyền bá, truyền thông, chuyển giao, rao giảng, loan truyền… Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin Mừng, Phúc âm…

Truyền giáolà truyền bá đạo, là rao giảng Phúc âm, là loan truyền chân lý của Chúa cho người khác. Đó là ý nghĩa thứ nhất, nghĩa hẹp, nghĩa chặt và chính xác.

Đàng khác, truyền giáo còn có nghĩa là lập những cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự Thánh Thể, bác ái như Giáo hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là “trồng” Giáo hội vào các dân tộc, các địa phương, cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu, thành một đoàn chiên. Theo ý nghĩa này, truyền giáo không phải chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống, đạo Chúa là đạo sự sống, là nguồn sống, có khả năng thay đổi, biến cải những con người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ mất Chúa trở thành tìm lại được Chúa. Truyền giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa Kitô mà chúng ta đã có sang cho anh em mình, như thân cây nho chuyển nhựa sống sang cho cành nho. Sau hết, truyền giáo còn có một nghĩa nữa là củng cố, tăng cường, huấn luyện đức tin cho một cộng đoàn, cho các tín hữu, để họ lại ra đi truyền giáo cho những người khác.

Những ý nghĩa trên đây cho thấy hai chiều của việc truyền giáo: chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho những người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở rộng nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn nếu làm cho những người đã biết và yêu mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm những công việc ấy nơi những người khác. Đó là truyền giáo theo chiều sâu, vì làm cho nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người Công giáo sốt sắng, đạo đức. (Internet).

Truyền giáo loan báo Tình Thương của Thiên Chúa đến cho mọi người.

Đó là câu trả lời “ngắn, gọn, và đầy đủ” nhất.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ thân phận bụi tro, con người được hạnh phúc làm con cái Chúa. Nhưng thay vì con người cảm nhận được hạnh phúc vì được nương tựa trong tình yêu thương của Thiên Chúa, con người lại cho đó là giới hạn của thân phận mìnhmuốn thoát ra khỏi vòng tay chở che của Thiên Chúa, để được “tự do” theo ý riêng mình không cần lệ thuộc vào Thiên Chúa.

Như cành cây rời khỏi thân cây, tách rời khỏi nguồn sống là Thiên Chúa, con người “bị trần trụi” mất tất cả hạnh phúc và cuối cùng bàng hoàng nhận ra cội nguồn đích thực của mình chỉ là cát bụi và phải trở về cát bụi.

Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Đó là Tin Mừng cả thể của nhân loại.

Chúa Giê-su bằng chứng Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân thế.

“Thiên Chúa là Cha” là mặc khải căn bản của Chúa Giêsu, và đó là một Người Cha yêu thương thế gian đến nỗi thí ban Con Một của Ngài cho thế gian”.

"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3, 16).

Đó là tất cả những gì chúng ta “Truyền Giáo”. Là loan báo Tình Thương của Thiên Chúa. Là rao giảng về Người Cha yêu nhân loại, muốn nhân loại được sống, và sống vĩnh hằng, sống hạnh phúc

Tình Yêu của Thiên Chúa luôn là một sự thao thức đợi chờ con người “tỉnh ngộ” để nhận ra được tình thương của Ngài và trở về cùng Ngài.

Như câu chuyện Người Cha Nhân Hậu (Đứa con trai hoang đàng) mà Chúa Giê-su đã giảng dạy. (Lc.15,1-32.

Thiên Chúa đã “ban chính con một mình cho nhân loại”. Con một của Ngài là Giê-su đã đến thế gian, không phải với quyền hành tột đỉnh để đem lại sự trật tự bình an từ bộ mặt bên ngoài của xã hội, mà Người Con ấy đã chịu chết nhục nhã trên Thập Giá để đem lại bình an từ nội tâm của mỗi một con người.

Cái “Tâm” biết yêu “Như Giê-su yêu”.

Cái Tâm biết yêu như Giê-su để biết yêu thương Thiên Chúa và yêu thương đồng loại”.

Chinh phục Thế Giới bằng Tình Thương.

Có một đoạn văn trong lời tựa cuốn tiểu thuyết nổi tiếng QUO VADIS của đại văn hào Nobel văn học Henryk Sienkievich như sau:

“… sự đối đầu giữa hai thế giới: một bên là thế giới cung đình bạo chúa đa thần giáo của triều thần La Mã vây quanh Nê-rô, tên bạo chúa đang ở ở đỉnh cao nhất của quyền lực, xa hoa và tội ác, nhưng đã thối nát cực độ và đang suy vong: còn bên kia là thế giới của nô lệ và dân nghèo theo đạo Thiên Chúa, tập trung chung quanh hai vị sứ đồ Phê-rô và Phao-lô, cái thế giới hồi ấy không chút quyền lực, nhỏ nhoi và yếu ớt, nhưng đầy hấp dẫn bởi tư tưởng mới và không cam chịu khuất phục bạo lực, đang lớn dần lên, chiếm lĩnh vũ đài xã hội - chính trị. Tượng trưng cho điểm đỉnh của sự đối đầu này là cuộc đọ nhãn quang tình cờ giữa Nê-rô và sứ đồ Phê-rô khi hoàng đế cùng đám quần thần rời bỏ Rô-ma, cái thành phố đã bị Nê-rô thầm kết án tử hình.

“Trong một chớp mắt, hai con người ấy nhìn nhau (…), đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia - chính cụ già khoát manh áo thô kệch nọ - sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn thành đô này” (Quo Vadis. Henryk Sienlievich).


Đúng vậy…

- Cái “thế giới của những người theo Giê-su” - thế giới hồi ấy -  không chút quyền lực, nhỏ nhoi và yếu ớt - như Giê-su nhỏ bé và yếu ớt trên Thập Giá,

- nhưng đầy hấp dẫn bởi tư tưởng mới - tư tưởng của tình yêu và sự tha thứ kỳ diệu và lạ lùng đến kinh ngạc,

- và không cam chịu khuất phục bạo lực - vì chân lý không có tình yêu nào trọng đại bằng người dám hy sinh vì bạn hữu,

- đang lớn dần lên, chiếm lĩnh vũ đài xã hội - chính trị- “thế giới Ki-tô giáo nhỏ bé và yếu ớt” ấy đã xóa tên hệ thống dày đặc  thần linh và thay đổi tận căn quyền lực tưởng chừng vĩnh cửu của đế chế La Mã.  

Từ đó…

Đã có biết bao thay đổi… Dù những thế lực tăm tối cùng với sự ra sức phá hoại của Sa-tan, Thập Giá Tình Thương của Thiên Chúa vẫn tiếp tục lan tràn trên khắp thế giới, thế giới không thể sống như chưa từng có Giê-su, máu xương, sự hy sinh, tha thứ chứng minh tình yêu Giê-su vẫn luôn mạnh mẽ và bùng cháy khắp nơi không gì ngăn cản được.

Những bước chân đi gieo tình yêu Giê-su

Một linh mục truyền giáo ở Châu Phi, hết hạn sắp rời nơi phục vụ. Người dân nơi đó đến từ giã ngài. Họ mang đến cho Ngài một món quà thật to, được phủ kín bằng vải hoa văn muôn màu sắc.

Sau những lời từ giã, họ mở tấm vải che phủ ra. Vị linh mục vô cùng ngạc nhiên và cảm động. Đó là một chiếc quan tài, với một dòng chữ lớn : Để Cha được chôn cất trong lòng đất tổ tiên chúng tôi”.

Vì Nhà truyền giáo đã đem đến cho họ sự ấm áp Tình Yêu và Hạnh Phúc của Thiên Chúa.

(Ảnh: Đức cha Jean Cassaigne)

Ðức Thánh Cha Phao-lô VI trong bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô 13.06.1976, đã nói:

" 'Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một’ để cứu thế gian. Toàn bộ đạo của chúng ta là một sự mạc khải về lòng nhân hậu, thương xót và yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. 'Thiên Chúa là Tình Yêu' (1 Ga 4,16), một tình yêu bao la tuôn đổ dạt dào.

Tất cả được tóm kết trong chân lý tối thượng này, chân lý giải thích và soi sáng mọi sự. Câu truyện của Ðức Giê-su phải được nhìn xem dưới ánh sáng này. Thánh Phao-lô viết: '(Ngài) yêu mến tôi’. Mỗi người trong chúng ta có thểphải tự mình lập lại - Ngài yêu mến tôi hiến mạng vì tôi’ (Gl 2,20)”.

Biết bao con người mang trong tim Tình Yêu Giê-su đã chinh phục thế giới. Họ là những con người rất bé nhỏ nhưng mang con tim vĩ đại Tình Yêu Giê-su đã làm thức tỉnh biết bao tâm hồn đã hoàn toàn mất đi niềm tin yêu cuộc sống hoặc kéo dài cuộc sống trong tối tăm vô nghĩa.

Họ mang tình yêu Thiên Chúa đến mọi ngõ ngách thế giới, dấn thân và hy sinh đến mức điên cuồng dưới ánh mắt của người đời, họ gieo vào lòng thế giới ngọn lửa Tình Yêu Thiên Chúa bùng cháy và âm ỉ đến bất tận.

Đến với người phong cùi như Cha Damien de Veuster, vị linh mục phong cùi ở Molokai, Đức cha Jean Cassaigne ở Kontum Việt Nam, với người bần cùng như Mẹ Têrêxa Calcuta… và hàng hàng lớp lớp những con người như thế đang chinh phục thế giới bằng Tình Thương và “Yêu thương như thầy Giê-su”.

Thế giới còn đó thênh thang những con đường xa lạ chưa hề có bóng Thánh Giá. "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật.”

Mệnh lệnh Truyền Giáo vẫn còn đó những đòi hỏi cấp bách cùng với những thử thách, gọi mời những con tim thao thức và những bước đi lăn xả vào Cánh Đồng Truyền Giáo

Lạy Chúa,

Xin cho con can đảm nói lên một điều
Dù giữa hiểm nguy bao nhiêu
Rằng: “Thiên Chúa luôn yêu thương loài người.
“Hãy vui lên và dâng lời cảm tạ”. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Đang có 306 khách và không thành viên đang online

15790340
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
12343
9456
80038
15613867
348758
413215
15790340

Your IP: 18.226.187.224
Server Time: 2024-12-27 11:01:41