Lễ Thăng Thiên: VỀ NHÀ CHA

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

 
Lễ Thăng Thiên: VỀ NHÀ CHA

Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất ? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lêncao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn”(Eph.4,9-10).

 

 

 

 

 

 

         SUY NIỆM TIN MỪNG      
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN C
(Lc.24,46-53)
****


VỀ NHÀ CHA


Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

49 "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."

50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
____________________

SUY NIỆM

VỀ NHÀ CHA

1. Rồi cũng đến ngày ly biệt…


 

Cuộc đời này tất cả đều hữu hạn. Tất cả đều chỉ có “một thời”.

"Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời ở dưới bầu trời:
thời để sinh và thời để chết,
thời để trồng và thời để nhổ cây trồng,
thời để giết chết và thời để chữa lành,
thời để phá và thời để xây,
thời để khóc và thời để cười,
thời để than van và thời để múa nhảy,
thời để quăng đá và thời để lượm đá,
thời để ôm và thời để tách rời không ôm nữa,
thời để tìm kiếm và thời để thất lạc,
thời để gìn giữ và thời để vất đi,
thời để xé và thời để khâu,
thời để nín thinh và thời để lên tiếng,
thời để yêu và thời để ghét,
thời giặc giã và thời bình an
(Giảng Viên 3,1-8).


Chúa Giê-su cũng chịu giới hạn cuộc đời, vì Ngài là Thiên Chúa và cũng là người thật. Ngài “tự nguyện” chịu giới hạn đó để sống kiếp người đúng ý nghĩa, để dạy cho con người sống “đúng ý nghĩa” kiếp người như Ngài. Kiếp người sống đúng đạo làm con của Chúa.

Đức Giêsu Kitôvốn dĩ là Thiên Chúamà không nghĩ phải nhất quyết duy trìđịa vị ngang hàng với Thiên Chúa,nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quangmặc lấy thân nô lệtrở nên giống phàm nhânsống như người trần thế.Người lại còn hạ mìnhvâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,chết trên cây thập tự.(Pl 2, 6-8)

“Rồi cũng đến ngày ly biệt”. – Đó là giới hạn đau khổ nhất của cuộc đời !

Ly biệt nào mà không buồn. Người ta chỉ hiểu tình yêu cao cả đến thế nào, lớn lao đến thế nào, cần nhau đến thế nào… khi người ta không còn bên nhau nữa. Và, như thế, cuộc chia ly nào cũng đong đầy nước mắt.

Câu chuyện tình của Chúa Giê-su và các môn đệ bắt đầu đi đến giai đoạn buồn nhất vào một chiều ly biệt, được đánh dấu bằng “Bữa Tiệc Ly”.

Có một người bạn ngoại giáo đã nói cảm tưởng của mình về câu chuyện “Bữa Tiệc Ly”: “Dù mình không có niềm tin Công Giáo, nhưng khi đọc câu chuyện “Bữa Tiệc Ly”, mình vô cùng yêu quý Chúa Giê-su. Việc Ngài rửa chân cho các môn đệ tha thiết hơn bất cứ một nụ hôn nồng nàn nào trên bờ môi của hai kẻ yêu nhau vào giây phút giả từ, nghẹn ngào hơn bất cứ một dòng lệ nào vào ngày đưa tiễn”.

Ngôn ngữ của anh có vẻ lãng mạn, nhưng anh là người ngoại giáo, cách diễn tả của anh “rất đời thường” và tôi nghĩ là rất chân thật.

Hạnh phúc cho các môn đệ biết bao khi hay tin Chúa Sống Lại. Nhưng niềm vui “đoàn tụ” của các ông cũng vẫn còn nằm trong cái khung ước mơ và hạnh phúc của cuộc đời hữu hạnnày.

"Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?"(Cv.1,1-11)

Cho đến bao giờ, khi con người chỉ xây dựng hạnh phúc trên khát vọng và dục vọng chìm là đà “dưới đất” này, thì con người vẫn bất hạnh với một tâm hồn chới với và trống rỗng đến vô tận. Không “bay lên cao” được, không “thăng hoa” được, không “lên trời” được, thì chỉ là phù phiếm.

“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện “dưới đất” cũng như “trên trời”. (Kinh Lạy Cha).

Vì, trên cuộc đời này, tất cả đều qua đi !

Vạn vật dưới bầu trời này đều qua đi…

Rồi cũng đến ngày ly biệt !

2. Rồi cũng sẽ đến ngày đoàn viên…


Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất ? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lêncao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn”(Eph.4,9-10).

Không ai mong đợi một sự “đoàn viên” trong khung cảnh “mong manh” và “chóng qua”! Cũng như không ai thích xây dựng một lâu đài trên cát !

Không ai có thể cho ta sự đoàn viên vĩnh hằng nếu người đó không phải là Đấng Hằng Sống.

"Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trướcthì sao? (Ga.6,61-62).

Chúa Giê-su là Đấng Hằng Sống, là Con Thiên Chúa. Đó chính là Niềm Hy Vọng của nhân thế, của tất cả chúng ta. Đó là sự Đoàn Viên vĩnh cửu. Sự đoàn viên trong Thiên Chúa.

Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. (Ga.15,9-10).

Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Sau cuộc đời trần gian, Ngài về với Chúa Cha. Ngài hứa hẹn đem mọi người về với Chúa Cha. Đó là sứ mệnh của Ngài theo thánh ý Chúa Cha. Lời hứa hẹn đó không phải là những lời “đầu môi chót lưỡi” hay như kho tàng sách vở thiên kinh vạn quyển huyền bí, mà bằng Giá Máu Cứu Chuộc Thập Giá, đỉnh đau thương tột cùng vì yêu nhân thế.

“Một khi Tôi được  treo lên khỏi mặt  đất, Tôi sẽ kéo mọi người đến với  tôi” (Gioan 12,32)

Lời hứa ấy chắc chắn, và niềm hy vọng của con người vào Tình Yêu Thiên Chúa là chắc chắn.

Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.  Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (Ga.14,1-3).

Thế nên, ta vững tin,rồi cũng sẽ đến ngày đoàn viên !

3. Đường về Nhà Cha

Chúa Giê-su về trời, Ngài về Nhà Cha. Ngài về cùng Cha Ngài.

Theo bước Thầy Giê-su, ta cũng đang trên đường về Nhà Cha.

Quê tôi nằm bên dòng Sông Tiền, gần đầu nguồn sông Cửu Long. Trước đây, khi nghề buôn gỗ (mua bán cây rừng) còn thịnh hành, người ta thường mua gỗ trên Campuchia và đem về bằng đường sông. Hàng trăm khối gỗ được kết lại thành bè, chờ con nước lớn, từ đầu nguồn, cứ thả trôi theo con nước xuôi dòngvề Việt Nam. Nhất là vào Mùa Nước Nổi, nước chảy mạnh, bè gỗ trôi thật nhanh, không cần tàu bè gì kéo cả. Thiệt là “khỏe”! Nói theo thương buôn: “dễ ăn lắm!”



Đường về Nhà Cha không phải là nột chuyến đi dễ dàng như trôi theo con nước xuôi dòng”,mà ngược lại, phải lội ngược dòng”,đầy những gian nan và thách đố.

Có thể có những lúc chúng ta chùn bước. Bằng lòng với hòn đảo hạnh phúc riêng tư. Một mảng tối tâm hồn chợt lây lan tỏa rộng. Tất cả quay cuồng và chao đảo. Hồn trống trải. Niềm tin phai nhạt. Nước mắt rơi đau đớn như những giọt máu tâm hồn…

Người xưa nói: “Muốn uống nước trong, phải lội ngược dòng”.

Con đường về Nhà Cha, chỉ có một con đưởng, đó là “Con đường Thập Giá”. “Con đường Giê-su”.

Con đường ấy dẫn đưa con người đến đoàn tụ, đoàn tụ trong thánh ý Thiên Chúa, đoàn tụ trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Ngày đoàn viên không phải đợi đến ngày mai, mà ngay bây giờ, ngay hôm nay, ngay trên cuộc đời này, và trở nên hoàn thiện và vĩnh hằng trong ngày viên mãn của Nước Thiên Chúa.

“Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện “dưới đất” cũng như “trên trời”. (Kinh Lạy Cha)

Chính vì thế, Đường về Nhà Cha không phải là một cuộc lữ hành an toàn đơn độc, nhưng là một cuộc hành trình huynh đệ, trong đó, sự chia sẻ Niềm Tin với tha nhân là cốt lõi của chuyến đi. Chia sẻ niềm tin qua yêu thương, bác ái, nâng đỡ, quan tâm đến nhau.

Câu chuyện người Samari tốt bụng cứu một người lâm nạn trên đường về Giê-ri-cô là một thí dụ. (Lc.10,25-37) .Đường về Nhà Cha không phải tay mang tay xách đầy sách thánh hiền, thuộc làu làu kinh kệ một bụng, lại lạnh lùng trước những thống khổ của người khác, hay loại trừ, hạ bệ người khác để bước đường mình đi khỏi vướng bận.

Trên Đường về Nhà Cha, đã từng có hàng hàng lớp lớp người ngã gục  khi đem niềm tin đến người khác, làm nhân chứng cho Thầy Giê-su bằng cái chết, âm thầm lặng lẽ hy sinh cả đời mình nơi tu viện, ở mọi ngỏ ngách phố phường, trong cuộc sống đời thường chịu nhiều nhẫn nhục thiệt thòi vì danh Chúa Giê-su…

Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhânvề những điều này. (Lc.24,47-48).

Chúa Giê-su đã về Nhà Cha, các môn đệ ở lại, nhưng lòng các ông vẫn vui, vì cuộc chia ly hôm nay để chuẩn bị một cuộc đoàn viên vĩnh viễn.

Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ(Lc.24,51-52).


Lạy Chúa,

Con ngước nhìn lên trời cao thẳm
Bằng đôi mắt trần tục và tâm hồn nhân thế…
con lo sợ Chúa bỏ con rồi…
Giữa cuộc đời đen tối…

Con nhìn vào lòng con
bên ánh nến lung linh
Với lời kinh cầu nguyện
Con lại thấy bình yên

Cuộc đời là thế…
Rồi cũng đến ngày ly biệt…
Tình yêu Ngài thương con khôn xiết…
Con tin, lạy Chúa,
Rồi cũng sẽ đến ngày đoàn viên

Xin nâng đỡ con tiến bước
vâng theo lệnh Chúa truyền… Amen.



Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG