Đêm Giáng Sinh: Bình an cả và thiên hạ

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 


Đêm Giáng Sinh: Bình an cả và thiên hạ

  Câu “Bình an cả và thiên hạ” - tựa đề cho bài chia sẻ này, được lấy từ lời giới thiệu của thi nhân Hàn Mặc Tử dành cho  tập thơ Tinh huyết của Bích Khê. “Phải mời cho được Xuân Thiên ra đời … Bình an cả và thiên hạ…”.

 

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ ĐÊM GIÁNG SINH
(Lc.2,1-14)
****

BÌNH AN CẢ VÀ THIÊN HẠ

           Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ. Đây là cuộc kiểm ra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-nô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

            Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

                                                    Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
                                             Bình an dưới thế cho người Chúa thương.

______________________

SUY NIỆM

BÌNH AN CẢ VÀ THIÊN HẠ.

          Câu “Bình an cả và thiên hạ” - tựa đề cho bài chia sẻ này, được lấy từ lời giới thiệu của thi nhân Hàn Mặc Tử dành cho  tập thơ Tinh huyết của Bích Khê. “Phải mời cho được Xuân Thiên ra đời … Bình an cả và thiên hạ…”.

           Câu nói ấy làm chúng ta nhớ đến Đêm Ngôi Hai ra đời, “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

            Bình an luôn là điều mong muốn số một của nhân loại, vì bình an là điều con người đang thiếu nhất.

            Nếu không có sự bình an, thì cũng có nghĩa là không có gì cả. Sự bình an đích thực, phải là sự bình an tại tâm. Sống trong cuộc đời hữu hạn này, không bao giờ ta có sự bình an hoàn toàn như lòng mong muốn.

            Chúng ta suy nghĩ về câu chuyện Boleslov của Maxim Gorky, một nhà văn nổi tiếng của Nga. Ông nói đó là câu chuyện của một người bạn kể lại cho ông nghe. Câu chuyện nói về một cô gái xấu xí, thô kệch, đã nhờ một chàng sinh viên viết dùm những bức thư tình để gởi cho người yêu tên Boleslov. Rồi lại cũng nhờ chính anh chàng sinh viên này đóng vai Boleslov để viết thư hồi âm cho cô. Thực ra, không hề có Boleslov, đó chỉ là một nhân vật tưởng tượng để cô gái tìm được sự bình an trong lòng. Cô gái giải thích cho chàng sinh viên về điều ấy: “Bức thư này, anh viết dùm tôi gởi Boleslov, tôi sẽ nhờ người khác đọc cho tôi nghe. Tôi lắng nghe và tưởng tượng như Boleslov đang sống. Và rồi tôi yêu cầu Boleslov hồi âm cho Teresa – cho tôi – Tôi cảm thấy và hầu như chắc chắn rằng Boleslov đang sống ở đâu đó. Tôi không biết ở đâu. Và như thế, tôi có thể yên lòng mà sống. Cuộc sống như vậy không quá vất vả, khủng khiếpcô độc!”. Maxim Gorky đã kết thúc câu chuyện này bằng một đoạn văn ngắn: “Ba tháng sau, cô bị bắt bỏ tù vì bị tình nghi điều gì đó. Tôi không bao giờ còn gặp lại cô nữa. Có lẽ Teresa đã chết”.

            Thật tội nghiệp cho cô gái bất hạnh. Sự bình an của cô gái Teresa chỉ là sự “bình an ảo”. Nương tựa vào sự bình an ảo, thứ hạnh phúc ảo, liệu con người có đứng vững trước mọi thử thách cuộc đời không ? 

            Theo thống kê của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), mỗi ngày trên thế giới có khoảng 3000 người thực hiện hành vi tự tử. Trên thế giới, tự tử hiện là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở tuổi từ 15-44 thuộc cả hai giới. Riêng ở Nhật, một nước có nền kinh tế lớn trong top đầu trên thế giới, trung bình mỗi ngày có 88 người tự tử.

            Khi không có bình an nội tâm, cuộc đời không còn đẹp nữa. Nhưng để có bình an nội tâm, người ta phải hiểu giá trị cuộc sống và biết quý trọng nó. Nhưng làm sao người ta biết quý trọng nó, khi từng giờ phút cuộc sống là từng giờ phút nặng nề, của muôn thứ lo âu, “quá vất vả, khủng khiếp và cô độc” ?

            Con người đã tự đánh mất những ngày tháng êm ả bình an ở Vườn Địa Đàng khi đưa tay hái Trái Cấm với ước mơ tìm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa theo ý riêng mình.

            Và con người bắt đầu biết sợ hãi, vì con người đánh mất tình yêu nơi Thiên Chúa. Trong tình yêu không có sự sợ hải. Sợ hãi là dấu hiệu của lầm lỗi và là khoảng cách của những tâm hồn.

            Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?”. Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãivì con trần truồng, nên con lẫn trốn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi : “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải người đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?” Con người thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người dàn bà : “Ngươi đã làm gì thế ?” Người đàn bà thưa : “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. (St.3,8-13).

ĐÊM AN BÌNH

             Đêm nay, đêm an bình. Đêm Vua Tình Thương ngự xuống trần thế. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.”

            Thiên Chúa vẫn yêu thương nhân loại. Con người “trốn chạy” Thiên Chúa vì tội lỗi, Thiên Chúa vẫn tìm đến với con người.

            Con người “trốn chạy” Thiên Chúa vì muốn “tự do” theo kiểu con người, Thiên Chúa vẫn tìm con người để đưa con người trở về con đường sống.

            Con người muốn “khướt từ” Thiên Chúa vì kiêu căng tự thấy mình có thể làm cho thế giới này tốt đẹp mà không cần có sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn âm thầm đến với con người, lặng lẽ đồng hành với con người trên mọi nẻo đường cuộc sống, trong từng con tim nhân loại.

            Ta nương tựa vào đâu để “Cuộc sống không quá vất vả, khủng khiếp cô độc?”.

            Nhìn vào Hang Đá, lặng ngắm Hài Nhi Giê-su, thật cảm động và lòng rất đổi bình an !

            Thiên Chúa cao cả, vì con người, đã trở thành bé nhỏ đến thế sao ? Còn bằng chứng tình yêu nào lớn hơn thế không ? Mầu Nhiệm Nhập Thể cũng chính là Mầu Nhiệm Tình Thương.

            Ta còn đó tình yêu Thiên Chúa, là còn đó một điểm để tựa vào.
            Ta còn đó tình yêu Thiên Chúa, là còn đó con đường Chân Lý để ta đi.
            Ta còn đó tình yêu Thiên Chúa, là còn đó niềm tin yêu vui sống.
            Ta còn đó tình yêu Thiên Chúa, là còn đó bến bờ để quay về.

 

            Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng,

            Cho con bồng bế Ngài trên tay,
            Cho con hôn Ngài trên má,
            Cho con ca tụng Ngài bằng những lời ru,
            Cho con vui đùa với Ngài bằng những đồ chơi,
            Cho con vỗ về Ngài khi Ngài khóc,
            Cho con ăn nói huyên thuyên khi Ngài cười…

            Ôi, Thiên Chúa, Ngài gần gũi con biết bao !
            Lòng con thật bình an và hạnh phúc ! Amen.             

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG