You are here:

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (4)

Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (4)

Hồi ký

[Sau bản tin “xếp lại hồ sơ về việc xin phong chức linh mục” của tôi, tôi thường xuống anh Thành chơi nhiều hơn, và anh Thành cũng có nhiều lần lên thăm tôi. Có đôi lần tôi kể sơ qua cho cha sở nghe về anh Thành, và cha sở quý trọng tình bạn của chúng tôi. Đôi khi thấy tôi và anh Thành gặp lại nhau, ngài còn xúi chúng tôi nhâm nhi cho vui ngay tại nhà xứ…]

Năm 2001

7. CÙNG NGHE TIN VUI

1998

[Sau bản tin “xếp lại hồ sơ về việc xin phong chức linh mục” của tôi, tôi thường xuống anh Thành chơi nhiều hơn, và anh Thành cũng có nhiều lần lên thăm tôi. Có đôi lần tôi kể sơ qua cho cha sở nghe về anh Thành, và cha sở quý trọng tình bạn của chúng tôi. Đôi khi thấy tôi và anh Thành gặp lại nhau, ngài còn xúi chúng tôi nhâm nhi cho vui ngay tại nhà xứ…]

Tôi chịu chức Phó Tế ngày Chúa Nhật 30.10.1994 ở họ đạo Thiên Phước. Trong giới nhà tu gọi vui là “cụ sáu”. Cho đến khi được tin “xếp lại hồ sơ” - 1998 - là bốn năm. Với bản tin này, chắc là thành “cụ sáu” vĩnh  viễn rồi. “Đời không có gì vĩnh viễn”, nhưng trước khi có sự đổi thay, sợ lòng mình đã thay đổi !

Trong nỗi đau buồn, người ta thường nhớ về những kỷ niệm của những ngày tháng êm đềm. Tôi nhớ ba, nhớ mẹ ở quê nhà, nhớ mái ấm ngày nào, nhớ trường xưa, nhớ bạn bè…

Trong tâm trạng đó, tôi hiểu và thương anh Thành nhiều lắm, và cũng tội nghiệp cho chình mình !

Có lần chiêm bao, tôi nằm mơ thấy mình còn thời Tiểu Chủng Viện. Ba tôi vừa thấy tôi bãi trường về, liền kêu mấy người hàng xóm đuổi gà. Nhà tôi xung quanh vườn rộng, nên đuổi gà phải đông người. Đuổi bắt gà, có khi phải dùng cây phang nó cho nó quỵ té mới bắt được nó. “Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà” (NK). Ở xóm tôi, đất xung quanh nhà rất rộng, vườn hoang, không có hàng rào, bắt gà còn khó hơn tình cảnh trong “câu thơ” đó nhiều ! Bữa cơm gia đình ấm cúng làm sao !

Bản tin tôi bị xếp hồ sơ phong chức linh mục lan nhanh. Kẻ ghét người thương tạo ra đủ thứ dư luận. Có những câu nói bôi nhọ rất độc địa nhưng cũng có những lời an ủi chân thành.

Có những kẻ tố cáo thêm điều này điều nọ, nhưng có những người âm thầm tìm cách này cách khác để giúp đỡ.

Lúc ấy mới có dịp nhận ra nhiều người tưởng là bạn hóa ra là thù; nhiều người tưởng là thù, hóa ra là bạn. Cuộc sống thêm một lần thấu hiểu thêm tình đời đen trắng.

Tôi và anh Thành mỗi lần gặp nhau, chuyện đời tu, chuyện đời thường, quá khứ vị lai, nói hoài hổng hết. Lâu lâu anh Thành xen vào vài mẫu chuyện trong tù … nghe như chuyện “kiếm hiệp” !

Sức mạnh nội tâm trong kinh nguyện đã đành, nhưng thiếu tình bạn thì thật là trống vắng.

1999

Ngày 27.5.1999, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc về nhận Giáo phận Mỹ Tho.

Ngày 10.07.1999, ngài về thăm giáo xứ Bãi Chàm lần đầu tiên. Buổi gặp Ngài lần đầu tiên, ngài bắt tay tôi và “kín đáo” ập vào bàn tay tôi số tiền 500.000 đ  trong bao thư. Thời điểm đó, đối với tôi, năm trăm ngàn là rất lớn ! Sau đó, ngài bảo tôi về Tòa Giám Mục một thời gian để ngài hiểu biết tôi nhiều hơn.

2000

Năm 2000, tôi về Tòa Giám Mục một thời gian nữa, lần này lâu hơn, tính trước và sau khoảng 6 tháng. Năm ấy là năm lũ lụt lớn, Anh Thành đến thăm tôi khi tôi đang ở Tòa Giám Mục, nhưng lúc anh đến thăm, thì tôi đã đi theo đoàn cứu trợ về cứu trợ vùng Đồng Tháp. 

Và, cứ thế, chúng tôi “lần lượt” thăm nhau, gặp nhau hàn huyên tâm sự thôi, không còn khuyên  nhau gì nữa, vì ai cũng hiểu trong lòng mỗi người đang nghĩ gì. Gặp nhau nói nói cười cười là được rồi. Bằng lòng với hạnh phúc đang có vì không thể có hạnh phúc đang tìm …  

Cho đến một ngày kia…

2001

Vào một sáng mùa Hè, tôi đang làm sân khấu trong một nhà sinh hoạt “dã chiến” bằng cây lợp lá để cho giới trẻ giao lưu văn nghệ vui chơi “Hát với nhau”, thì anh Thành chở hai đứa con gái đến thăm bằng xe Hon da. Đến giờ cơm, tôi mua đồ về cho anh em cùng nhâm nhi cho vui. Mấy anh em đang làm ở đó cũng đã quen biết anh Thành, nên chúng tôi cùng nhậu chơi ngay trên sân khấu.

Đang cụng ly với nhau thì Cha sở tới, ngài đứng dưới sân khấu nhìn lên, và bảo:

- “Anh em mua rượu thêm uống cho vui đi nha !”.

Tôi nghe không rõ, hay đúng hơn, là không hiểu ý Cha sở muốn nói gì. Tôi sợ ngài “nói lẫy” việc uống rượu hoài, vì cái nhà sinh hoạt làm cả tuần nay, trưa nào anh em cũng nhâm nhi với nhau một chút trước khi ăn cơm cho vui. Tôi nói:

- Anh em uống chơi một chút hà, ông cố ơi ! Sẵn anh Thành ghé thăm !

“Ông cố” là từ xưa, dùng để gọi Quý Cha, hiện ở quê nhiều nơi cũng còn xài. Anh Thành nhiều lúc chọc tôi, ưa kêu : “Ông cố ơi !”.

Cha sở vồn vã :

- Ủa, có ông Thành đó hả ? Lên hồi nào ?

Lúc nãy anh Thành đến, cửa phòng Cha sở đóng cửa, nên anh Thành định sẽ chào ngài sau.

- Dạ, con mới lên, ông cố ơi !

- Vậy là vui  quá rồi ! Nhậu tiếp đi ! Có tin vui nè !

Trời ơi, hôm nay mà ngài bảo “uống tiếp đi” là chuyện lạ đó ! Tôi nghĩ bụng. Cha sở cầm một tờ giấy trắng giơ lên. Tôi hỏi ngài :

- Tin gì thế, ông cố ? Tôi hỏi. Mọi người đều đưa mắt nhìn ngài.

- Giấy nhà nước cho ông thầy chịu chức.

- Thiệt hả, ông cố ? Tôi hỏi một câu hoàn toàn do phản xạ. Không lẽ ông cố nói dóc !

- Thật  chứ ! Xem này !

Tôi chạy lại bên ngài, lấy tờ giấy và đọc lướt nhanh, xong, vui mừng, vừa đưa cho anh Thành, vừa nói với mọi người có mặt lúc ấy:

- Đúng rồi !

Tôi quay sang Cha sở :

- Cám ơn ông cố nha. Tụi con nhậu thêm mừng tin vui đến nhé, ông cố !

- Ừa. Vui đi ! Ông Thành ở đó nhậu  nhen !

Anh Thành cười to :

- Dạ !

- Thôi, ông cố về ăn cơm đi, bữa nay tụi con  nghỉ ăn cơm !

Bữa nhậu đó thật là vui hết ý. Chỉ có mấy con khô, mấy trái dưa leo, vậy mà ngon làm sao !

Sau này, tôi và anh Thành gặp lại nhau, vẫn thường nhắc lại điều kỳ diệu hôm đó, là ngay ngày tin vui đến, lại có mặt anh Thành. Một sự trùng hợp thú vị và có ý nghĩa làm sao !

Ngày 25.07.2001, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc phong chức linh mục cho tôi tại giáo xứ Bãi Chàm.

8. NGÀY THÁNG BÌNH YÊN

Ngày 06.09.2001, Đức Cha trao “Bài sai” cho tôi về làm phó An Long. Ngày 11.09.2001 tôi về An Long, (ngay ngày khủng bố ở Mỹ).

Trong thời gian làm phó ở đây, anh Thành cũng đã đến đây nhiều lần. Chúng tôi tâm tình trò chuyện với nhau tới trưa, rồi dẫn nhau ra quán, vì lý do tế nhị, không ở nhà xứ. Vào thời điểm đó, ở đây có quán Làng Nướng, gồm nhiều “quán cốc” nhỏ được cất trên những ao sen hoặc bông súng tàu, nằm sâu trong một khu vườn hoang dã rất ấm cúng, chúng tôi đến đây uống vài ly rượu với nhau rồi ăn cơm trước khi chia tay.

Tôi cũng xuống thăm anh Thành nhiều lần. Cuộc sống anh bây giờ bắt đầu gặp khó khăn. “Làm gì cũng có thời, nhất là chuyện chăn nuôi”. Mẹ tôi cũng thường hay nói thế. Anh liên tiếp bị “gẫy” mấy lứa heo, tiền lời ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất.

Anh Thành ngồi tính chuyện làm ăn, thật buồn cười, không thấy chuyện nào được ! Có mấy “tổ chức”, “đoàn thể” của Nhà Nước mời anh dạy võ, nhưng anh từ chối. Anh có dạy một số đệ tử ở nhà. Cuối tháng “môn sinh” mua mồi và rượu lại, mấy thầy trò cùng nhậu, thế là xong, có tiền bạc gì đâu.

Ảnh tính mở quán kem bán, nhưng chị Thành không chịu, chị bảo ở nơi đây không có trường học, số người ăn kem cũng đâu có nhiều.

Ảnh tính mở quán nhậu, ảnh nói trên An Long khô cá này cá kia nhiều và rẻ lắm, mua về làm mồi nhậu cho giới bình dân được lắm. Tôi nói : “ Thôi thôi, tối ngày anh la cà nhậu nhẹt với họ, còn ‘tai hại’ hơn nữa !”. Chị năm cũng thấy vậy !

Bước ra sau nhà ảnh là thấy mấy cái bao cát lòng thòng khắp nơi. “nghiệp võ” ảnh vẫn còn nặng nợ lắm !

Rồi chị năm đi làm cho lò bánh canh, hủ tiếu. Thức khuya dậy sớm mà lương chỉ có bảy tám trăm ngàn.

Hai đứa con gái ngày một lớn, tiền ăn học ngày một tốn kém hơn. 

2004 

Ngày 25.03.2004, Đức Cha thuyên chuyển cha sở đi Giáo xứ khác. Tôi thay quyền Cha sở.

Tháng 10 năm này, có một kỷ niệm đẹp, là tôi và anh Thành đi Sài gòn làm VCD Ca Dao Tình Mẹ. Đó là những bài nhạc viết để “tìm sự bình an trong lòng” trong “một thời để khóc”. Có một linh mục lớn tuổi đã nói với nhiều người khác chứ không phải nói với tôi : “Đó là mấy bản nhạc rừng !”. Mà đúng là “rừng” thiệt, hiểu theo một cách nào đó, vì lúc đó lòng tôi rối tung lên trong thời đen tối đầy khổ đau và lạc lỏng. Khi xuất bản đĩa nhạc này, lời nhạc tôi để y như vậy, để ghi nhớ những lời nguyện xin kêu khóc thật lòng dâng lên Mẹ Maria. Lúc ấy, còn được bình tâm tỏ bày nỗi niềm với Đức Mẹ cũng là quý rồi, nếu mất luôn niềm tin, không còn biết nương tựa vào ai mới là đáng sợ. Trong VCD này, anh Thành thích nhất bài Ca Dao Tình Mẹ. Ảnh bảo cô sa sĩ hát bài đó dễ thương quá ! (nên tôi không biết ảnh thích bài đó thiệt không !).

2005

Ngày 24.02.2005, Đức Cha trao giấy bổ nhiệm chính thức tôi làm Cha sở giáo xứ An Long.

Không lâu sau đó, tôi xuống nhà anh. Tôi nói với chị Thành cho tôi “giải vây” tiền ngân hàng, và xin chị Thành cho anh Thành thường xuyên lên An Long để tiếp tôi lo chuyện họ đạo. Chị Thành vui vẻ bảo : “Ổng ở nhà có làm gì đâu ! nhậu nhét tối ngày !”

Thời gian này, anh Thành thường xuyên ở An Long. Anh đã tiếp giúp Họ đạo rất nhiều việc.

Tháng 7 năm này (2005), tôi và anh Thành cũng có một kỷ niệm vui là cùng đi Sài Gòn để làm VCD Tình Chúa Bao La, có một người bạn thân cho tiền, tôi làm VCD này để kỷ niệm 4 năm linh mục. Những bản nhạc trong VCD này đều viết khi còn làm thầy, lúc ấy, tôi tìm an ủi mình bên những dòng nhạc, tìm sự bình an tâm hồn, dù có khi rất ngắn ngủi. Hôm nay, nghe lại để nhắc nhớ mình một thời tăm tối đã vượt qua nhờ hồng ân Chúa.

Có một người bạn khi xem xong VCD này, đã có ý kiến : “Cậu đem bản nhạc Nén Hương Nguyện Cầu (trăm năm trăm năm một nén hương trầm...) vào VCD này không hợp lắm, nghe nó hơi “chỏi” đấy ! vì đang ca tụng Chúa mà nói về chết chóc, tớ thấy nó làm sao ấy ! ”. Tôi cũng thấy vậy ! Câu chuyện bắt đầu từ anh Thành. Ảnh thích mấy bản nhạc “lễ mồ” mà tôi viết khi còn ở quê nhà, để dành hát khi “cầu lễ” thôi. Anh Thành bảo tôi tập hợp lại làm một CD để dành nghe vào những đám tang, lễ giỗ... nhưng tôi thấy “buồn” quá ! Ý nghĩa cái Chết sau Vatican II nhấn mạnh đến niềm hy vọng được về với Chúa, “Khi Chúa thương gọi tôi về...”, chứ không đặt nặng lời cầu thống thiết như xưa, “Ớ Chúa tôi, tôi ở chốn thảm sầu kêu đến cùng Chúa...”. Nhưng anh Thành bảo, nói gì thì nói, chúng ta báo tin một người chết vẫn là : “Tin buồn”, “Phân ưu”, “Ai tín”, không ai báo “Tin Vui”, “Tôi vui mừng báo tin người đó đã được về cùng Chúa !”. Ảnh cũng có lý của ảnh. Nhìn ở góc cạnh niềm tin và góc cạnh thân phận đều có lý lẽ riêng. Vì chưa thể làm CD “cầu lễ” như anh Thành ước muốn, tôi đưa bài Nén Hương Nguyện Cầu, là một trong những bài anh ấy thích vào VCD Tình Chúa Bao La, ảnh vui lắm. Cả chị Thành cũng thích bài đó. Ảnh nói phải bài đó để cho một ca sĩ nam hát sẽ hay hơn ! Có lần anh Thành nghe xong, hít một hơi thuốc dài, rồi phán một câu : “Mai sau, hai đứa mình, đứa nào đi trước, thì đứa còn lại sẽ hát bài này khi hạ huyệt nhé !”. Tôi vui miệng trả lời : “Ok”. Trời ơi ! Tôi đã không thể làm được chuyện đó !

2008

Tuy chưa có gì thuận lợi, tôi vẫn dọn đường chuẩn bị chương trình xây dựng Nhà thờ An Long. Sau khi đã có ý tưởng về mô hình Nhà thờ An Long, tôi cần tìm một họa sĩ chuyên nghiệp để vẽ bản phát thảo.

Tôi sực nhớ lại, năm 1973, khi nhiều bạn cùng lớp với tôi bên Cần Thơ vào ĐCV Xuân Bích, Vĩnh Long, năm ấy tôi học Văn Khoa Sài Gòn, vào dịp Noel, bạn tôi có gởi thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh. Thiệp lúc ấy là một tranh vẽ được chụp lại hình trắng đen ký tên Tâm Lê. Nét vẽ đó tôi rất thích.

- Anh Thành, anh biết Tâm Lê không ?

- Biết chứ, dân Vĩnh Long mà.

- Anh ta giờ ở phương trời gốc bể nào rồi ? Còn sống hông ?

- Trời đất ! Làm gì chết !

- Ai biết được ! Thời buổi vượt biên này, thấy vắng tin là hồ nghi rồi ! Như anh đấy ! May cho anh lắm đó ! Mà anh biết anh ta đang ở đâu không ?

- Đang ở Sài Gòn này nè !

- Nhà ở đâu, anh em mình tới gặp anh ta được hông ?

- Biết chết liền ! Hắn dấu lắm, chưa bao giờ hắn cho biết chỗ ở !

- Thôi, không cần. Anh liên lạc với anh ta được không ?

- Chi vậy ?

- Không biết anh ta bây giờ còn vẽ vời gì không nhỉ ? Em muốn anh ấy vẽ dùm bản phác thảo nhà thờ An Long.

- Để mình liên lạc.

- Nếu anh liên lạc được, mình lên Sài Gòn, cho anh ấy biết một điểm hẹn nào đó nhé ! Mình tôn trọng bí mật anh ta đi ! Có khi anh ta đang phụ thêm nghề buôn lậu đấy ! Thời bây giờ phải làm nhiều nghề lắm mới sống nổi !

- Ha ha… OK.

Ngày 23.04.2008, tôi và anh Thành gặp Tâm Lê tại một quán cà phê ở Sài Gòn.

Khi nợ nần đã giải quyết xong, cuộc sống gia đình anh Thành nhẹ nhàng hơn, sau đó, tôi đưa mẹ tôi xuống nhà anh Thành chơi. Nhiều lần mẹ tôi xuống chơi như vậy, chị Thành thương mẹ lắm. Cha mẹ chị Thành đã mất từ lâu.

Mẹ tôi “rỉ rả, rù rì” nói về anh Thành thời hồi đó khi còn đi tu hay ghé nhà mẹ, mẹ và ba thương anh Thành như con ruột.

Thời gian sau đó, nếu lâu một chút mới ghé thăm anh Thành, thường nghe chị Thành hỏi : “Sau anh Tiếng không đem má xuống chơi !”. Tôi vui vô cùng.

Điều mà tôi muốn nói với chị Thành : “Chị năm ơi, chị vào đạo nhen…”, là rất khó ! Nhưng đối với mẹ tôi, dường như rất dễ dàng.

Một hôm, mẹ tôi bảo tôi, có dịp nào đi Sài Gòn, mua cho mẹ một ảnh Thánh  Tê-rê-sa. Mẹ tôi đã tặng cho chị Thành ảnh Thánh Tê-rê-sa đó. (Bổn mạng của mẹ tôi là Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su).

Rồi mẹ tôi rù rì như thế nào mà một ngày nọ, chị Thành bất ngờ nói với tôi, chị muốn học Giáo Lý. Tôi nói anh Thành mau liên hệ với Cha sở Sa-đéc để nhờ ngài sắp xếp giúp đỡ.

Sau sáu tháng học Giáo Lý, ngày 02.08.2008, chị Thành đã vào đạo, và cùng với anh Thành nhận lãnh Bí tích Hôn Phối.

Mẹ tôi đỡ đầu cho chị Thành. Hai vợ chồng anh Thành có chung niềm tin, bầu khí gia đình thật vui.

Sau khi Đất Nhà thờ An Long được cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, tôi xin phép Đức Giám Mục Giáo Phận cho phép cất nhà thờ mới. Ngài đồng ý và ký giấy phép ngày 19.08.2008.

Ngày 22.08.2008, tôi và anh Thành, lúc ấy có cả Tâm Lê và một ông biện giáo xứ An Long, lên Sài Gòn xin Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn giới thiệu ít chữ về việc họ đạo nghèo An Long xin tiền cất nhà thờ.

Chúng tôi bên nhau sát cánh, phần vì chuyện gia đình anh Thành cũng đã ổn, phần vì anh em chung trường xưa nay đã lâu nay không được gặp lại nhau, chúng tôi phấn chấn làm việc, tiếng cười đùa của chúng tôi đôi lúc như trẻ thơ, tình bạn làm cho tâm hồn những mái đầu đã bạc trở nên trẻ trung, thật hồn nhiên làm sao !

Sau đó, một đôi lần xuống nhà anh Thành, sân nhà được sắp xếp lại trật tự, sạch sẽ. Anh trang trí hoa kiểng chung quanh, chăm sóc Đài Đức Mẹ duyên dáng nho nhỏ đặt giữa sân do chính anh tự thiết kế và làm ra. Chung quanh có thêm mấy lồng chim. Ngồi uống cà-phê buổi sáng trước hành lang nhà anh, nhìn hoa kiểng tươi xanh nhiều màu sắc, nghe tiếng chim hót líu lo… Con anh trong chiếc áo dài trắng nữ sinh đi học. Trưa trưa một chút, chị Thành đi làm về, mua vài món đồ gì đó ăn sáng…

Cuộc sống tuy đơn sơ bình dị nhưng hạnh phúc thật đong đầy !

Nhưng, niềm vui chưa được bao lâu…

Cuối năm đó, vào một ngày nọ, anh Thành báo tin cho tôi hay, vợ anh bị ung thư.

(Còn tiếp)
 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Đang có 160 khách và không thành viên đang online

16139494
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
4276
14942
45730
16009132
291432
406480
16139494

Your IP: 18.119.116.77
Server Time: 2025-01-22 07:13:25