You are here:

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (5)

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (5)

Hồi ký

[Những kết quả xét nghiệm cuối cùng cho biết chị Tràng thật sự đã bị bệnh ung thư ! Nhưng tôi vẫn tin rằng mọi việc rồi cũng ổn thôi. Tôi có quen biết nhiều người bị ung thư, họ đã trở lại cuộc sống bình thường sau khi đã qua nhiều giai đoạn trị bệnh, kể cả hóa trị…]

 

Thành Võ trước cửa nhà thờ An Long
 

9. NGHỊ LỰC

2009

Những kết quả xét nghiệm cuối cùng cho biết chị Tràng thật sự đã bị bệnh ung thư ! Nhưng tôi vẫn tin rằng mọi việc rồi cũng ổn thôi. Tôi có quen biết nhiều người bị ung thư, họ đã trở lại cuộc sống bình thường sau khi đã qua nhiều giai đoạn trị bệnh, kể cả hóa trị.

Tôi xuống nhà anh Thành mục đích chính là thăm chị Tràng. Chị là người “đạo mới”, tôi lo lắng đến Niềm Tin của chị.

Mỗi lần xuống nhà anh Thành, tôi và anh Thành thường ra uống cà-phê bên bờ sông Sa-đéc khi màn đêm vừa buông xuống.

(Bến Sa Giang. Ảnh Internet).

Những chiếc ghế ngoài trời đặt dọc bờ “kè” (quai) nhìn ra sông, bên kia là cồn với những ngôi nhà chạy dọc theo bờ sông cùng với ánh đèn đêm đang soi bóng nước. Không như bến Ninh Kiều Cần Thơ rộng lớn, ồn ào và náo nhiệt, nơi đây rất yên tỉnh, và bình an.

Chúng tôi ngồi bên nhau tâm sự có khi rất khuya mới về !

- Anh thấy chị năm thế nào ?

- Mình thấy bà Tràng vững vàng lắm. Đặc biệt bả rất tin vào Đức Mẹ.

- Chị năm biết lần hạt không anh ?

- Hổng biết nữa…chắc biết mà… thấy bả có xâu chuỗi.

- Anh không thấy chị năm lần hạt lần nào sao ?

- Thấy có ngồi nhìn lên bàn thờ, cầm xâu chuỗi nữa, nhưng không biết bả có biết cách lần hạt không !

- Vậy được rồi ! Chắc mẹ em có dạy chỉ mà ! À, mà quên, khi học giáo lý, chắc giáo lý viên có dạy chỉ cách lần hạt. Chỉ học giáo lý tân tòng bao lâu thế anh ?

- Đúng sáu tháng !

- Trời ơi ! Anh từng là “thầy tu” mà không dạy chị ấy sơ sơ trước, để giảm bớt thời gian đi học cho chị ấy sao ?

- “Quen quá, khó dạy lắm !”.

- Thì khi hai vợ chồng bên nhau, anh rù rì cho chị ấy về “những điều cần kíp” trước đi !

- Hổng được đâu ! Khó lắm !

- Gì mà hổng được !

Rồi cả hai anh em cùng cười.

Từ đó, mỗi lần đến thăm anh Thành, khi có dịp nói chuyện, tôi thường kể cho chị Tràng nghe về những ơn lạ Đức Mẹ dành cho nhiều người.

Đúng như anh Thành nói, chị Tràng có Đức Tin khá vững vàng.

Tôi nói về Đức Mẹ An Long, tôi kể cho chị Tràng nghe mỗi đêm Thứ Bảy, trung bình có khoảng 500 người đến lần hạt chung ở Đài Đức Mẹ An Long. Có một lần chị đến An Long cầu nguyện trước Đài Đức Mẹ. Tôi nói ở đây cũng có rất nhiều người lương yêu mến Đức Mẹ, họ đến đây cầu nguyện, và thắp nhang khấn vái Đức Mẹ, chị đã dâng cho Đức Mẹ An Long một cái đỉnh bằng xi-măng đặt trước Đài Mẹ.

(Ảnh: Cái Đỉnh bằng xi măng của vợ anh Thành dâng cho Đức Mẹ An Long)

Trong thời gian chữa trị ban đầu, bầu khí gia đình vẫn rất vui. Chị bảo anh Thành đừng nói về bệnh của chị nhiều quá, sợ hai đứa nhỏ (hai đứa con) lo lắng tội nghiệp.

Chị Tràng bảo tôi :

- Anh cần anh Thành tiếp gì cho họ đạo, cứ kêu ảnh đi ! Ảnh ở nhà cũng chẳng làm gì đâu ! Em biết tự lo mà, không có gì đâu !

Tôi cố gắng vui nhưng trong lòng thật sự không khỏi lo lắng về chị !

Ngày 08.02.2009, tôi đi làm lễ tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để xin tiền giúp giáo điểm Cả Nổ. Lúc ấy, tôi có kéo anh Thành theo, và cũng có Tâm Lê tháp tùng nữa. Anh Thành đi như vậy, chị Tràng lại rất vui, Tôi thầm cầu nguyện cho chị Tràng được bình an, sự bình an thể xác cũng còn là sự bình an niềm tin nữa !

Ngày 27.05.2009, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ An Long, tôi lại kéo anh Thành lên An Long, lần này cũng có Tâm Lê nữa.

Trước đó vài tháng, tôi và anh Thành lo phát hành VCD Về Đây Nhà Chúa để “tuyên truyền” việc xây dựng nhà thờ An Long. Trong VCD này, anh Thành bảo thích nhất bài “Trên mọi nẻo đường”. Bây giờ, khi nghe lại bản nhạc ấy,  tôi rất nhớ anh, hầu như “Trên mọi nẻo đường” từ ngày tìm gặp lại nhau, thường anh em cùng có nhau, cùng đi bên nhau. VCD này là VCD cuối cùng còn có sự hiện diện anh Thành bên tôi. Nhiều người bảo rằng những bản nhạc trong VCD này phát hành sau khi làm linh mục rồi, nên viết nghe vui hơn, nhưng không, những bản nhạc ấy cũng đã viết khi tôi còn làm thầy, trong thời còn đầy nước mắt ! 

(Ảnh: Anh Thành (phải) trong ngày lễ Đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ An Long)

Sau mỗi lần anh Thành lên An Long, tôi thường xuống Sa-Đéc. Đêm ấy chúng tôi kể cho chị năm nghe về những việc làm trên An Long, đặc biệt tôi hay nói về “tài năng” của Thành Võ cho chị Tràng “nể mặt”  !

Chị rất vui, nhưng vẫn đùa:

- Ảnh mà làm được cái gì ! Cái mặt sáng sủa như vậy mà cứ đi lượm đồ người ta bỏ !

- Chị nói gì tôi không hiểu ?

- Thí dụ, sau Tết, năm nào cũng có nhiều chậu kiểng, chậu mai…người ta chưng mấy ngày Tết rồi bỏ đầy đường, anh lượm về, tối ngày lo đeo theo nó o bế, chăm sóc …

- Vậy là quá hay rồi, hầu như người Sa-Đéc nào cũng có “tâm hồn yêu hoa kiểng” hết, có đúng không ?

- Nhưng anh xem đi, chung quanh nhà, có chậu hoa kiểng nào “ra hồn” không ?

Tôi nhìn quanh, chị Tràng nói cũng đúng thiệt. Tôi nhìn anh Thành, ảnh cứ cười cười, tôi hỏi :

- O bế cho đẹp rồi… bán hết chứ gì ?

- Phải như vậy nói làm chi ! O bế cho đẹp, rồi mấy ông bạn tào lao lại nhậu… nói ngon nói ngọt một hồi, rồi xin, thì ảnh cho người ta hết !

Anh Thành cứ cười hề hà !

Cái đó thì … có thiệt ! Tôi cũng có nghe một người bạn thân của ảnh nói như vậy ! Nhiều khi tôi thấy ảnh kiếm đâu được chậu lan về, đang ra hoa đẹp, tôi khen, khi về, ảnh bảo :

- Lấy về trển đi, mình kiếm cái khác, ăn thua gì !

Chúng tôi tìm mọi cách để bầu khí gia đình (anh Thành) thật vui. Với niềm vui, nhiều khi người ta sẽ lướt qua căn bệnh một cách kỳ diệu. Chúng tôi sống trong hy vọng về một điều kỳ diệu sẽ đến !

Nhưng…

Không lâu sau, bệnh của chị Tràng ngày một nặng hơn. Chị xuống ký nhanh chóng, và thường xuyên mệt mỏi.

Rồi một ngày kia, chị phải xạ trị ! Rồi người ta đề nghị hóa trị !

Chị Tràng thật sự mệt mỏi và không còn làm việc được nữa !

- Thôi, điều trị thuốc vườn cũng được, nghe nói có ông thầy nào đó…

- Không được đâu anh Thành, cứ theo đúng bài bản “tây y” đi, rồi sau khi dứt căn, mình điều trị thêm bằng thuốc vườn cũng được. Chớ nếu để muộn…

- Anh Thành im lặng trầm ngâm ….

- Anh đừng lo lắng gì cả !

Rồi chị Tràng bắt đầu “hóa trị”.

Từ khi anh Thành liên lạc được với Tâm Lê, chúng tôi có nhiều dịp gặp nhau hơn. Sau đó, anh Tâm Lê thường gởi cho tôi những tin tức, tài liệu linh tinh trên Internet, nhưng tôi đặc biệt lưu ý đến những bản tin về anh em cựu tu sĩ ở Vĩnh Long. Trước 75, Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long dành cho việc huấn luyện các “thầy” (Đại Chủng Sinh)  của 3 giáo phận Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Tôi nhận thấy anh Tâm Lê rất quý Tình Bạn, điều mà tôi rất tâm đắc.


(Ảnh: Tâm Lê đang làm việc tại An Long. Thành Võ thường ngồi cái ghế bên cạnh và nghỉ ngơi trên cái giường phía sau)

- Anh có thể lo phần “kỹ thuật” để mở một trang Web không, anh Tâm ?

- Được, anh !

- Tôi thấy anh gởi tài liệu linh tinh, rải rác khắp “chân trời góc bể”, thôi anh tập họp về trang web mình đi, trong chuyên mục “tình bạn” hay đại loại như vậy đó ! Còn mình thì giới thiệu về giáo xứ An Long, để “cổ động” việc “xây dựng nhà thờ” !

- Được, anh ! Anh cho cái “sườn” nội dung đi nhé !

- OK ! Mình sẽ đặt tên trang web tụi mình là “Cánh Đồng Truyền Giáo”.

- Ủa, không lấy tên giáo xứ à ?

Tôi vừa đùa vừa thật :

- Không, mình đặt “Đại bản doanh” của  “Cánh Đồng Truyền Giáo” ở giáo xứ An Long. Lâu lâu tụi mình sẽ họp mặt tại An Long nhé ! Anh nhớ báo cho Thành Võ hay mỗi khi anh định đến An Long để ảnh thu xếp cùng lên cho vui nha !

Thành Võ chịu trách nhiệm về những tài liệu nào có liên quan đến tiếng Pháp trong trang web Cánh Đồng Truyền Giáo. Cũng như nhiều lần anh Thành đã đóng vai trò “thông dịch viên” tiếng Pháp để tiếp khách tham quan về An Long, Cả Nổ.

Chúng tôi cùng nhất trí cho trang web Cánh Đồng Truyền Giáo hoạt động trong vòng 3 năm. Chúng tôi nghĩ, sau 3 năm, thì coi như tất cả đã “già” rồi, và lúc đó, nhà thờ An Long cũng xong rồi.

Sau khi Thành Võ mất, Tâm Lê có nói trang web Cánh Đồng Truyền Giáo chưa đủ 3 năm mà Thành Võ đã bỏ đi xa rồi ! Chính xác trang web khởi động là ngày 13.10.2009, tính theo e-mail báo tin của Tâm Lê.

(Ảnh: E-mail của Tâm Lê)

Anh Tâm Lê đã vất vả nhiều trong giai đoạn “hình thành” trang web này. Cứ xem e-mail của Tâm Lê gởi báo tin trang web canhdongtruyengiao.net bắt đầu hoạt động, thì biết nỗi vui mừng hòa lẫn sự gian khổ của Tâm Lê như thế nào:

“Trời cao có mắt ! Thượng Đế thương kẻ khốn cùng… Bị hành hạ quá sức trong việc mò mẫm, rờ rẫm upload website… cuối cùng thuyền đã vượt thác cheo leo về bến cũ… Đây chỉ mới khúc dạo đầu… còn phải nhiều khắc phục, cải tiến về mặt kỹ thuật lắm….

Nhưng phần sau này thì khỏe re như bò kéo xe thôi….Con tàu đã départ thì bây giờ chỉ còn lướt sóng… hehehehe… Hãy đợi đấy… Mình vừa báo tin vui cho Trung (xin xem phần phụ thêm ở cuối bài) bên Mỹ… hihihi…”.

“Cuộc họp mặt đầu tiên sau khi anh Thành ra đi… chắc sẽ buồn lắm !”, một người thân đã thở dài như thế ! 

Mùa xuân cuối cùng của Chị Tràng:

 

(Đài Đức Mẹ nhỏ đặt ở giữa sân nhà anh Thành khi chị Tràng chưa mất.)

Cuối năm 2009, chị Tràng rất yếu. Sau khi đã “hóa trị”, chị còn khỏe một thời gian, tưởng sẽ từ từ bình phục, nhưng sau đó tái khám, lại phát hiện chị bị “di căn”.

Lúc này, chị Tràng hay bị nhức nhối từng cơn dữ dội. Chị vẫn còn có thể tự đi tới đi lui, nhưng, chị đã hiểu rằng… mình sẽ không còn sống bao lâu nữa.

Một ngày trước Tết Canh Dần, tôi xuống thăm gia đình anh Thành. Khi phố thị lên đèn, anh Thành chợt hỏi tôi :

- Đi uống cà phê không ?

- Lúc ấy hai con chị Tràng đang thoa bóp cho mẹ.

Nhìn qua chị Tràng, tôi nói :

- Thôi, ở nhà đi anh ơi. Tối một chút nữa mình pha cà phê uống.

Khi chị Tràng còn mạnh khỏe, chị biết tôi ưa rủ anh Thành đi uống cà phê ngoài bờ sông. Khi về, chị vẫn thức. Chị Tràng thích nghe nhạc (trước 75) hơn xem TV. Chị thức rất khuya nghe nhạc. Đôi khi tôi cũng có nghe chị ấy mở băng (tuồng) cải lương, nhưng rất ít.

Có lần tôi mua cho chị  hai cuồn băng tuồng cải lương Bên Cầu Dệt Lụa, và Tướng Cướp Bạch Hải Đường (chị có máy cassette nhỏ cũ vừa hát băng vừa hát đĩa), tuồng Bên Cầu Dệt Lụa có đoạn Trần Minh đã đỗ trạng, tạm cởi bỏ áo nhà quan, mặc áo lụa ngày xưa về ghé mua rượu ở quán nghèo để cùng đối ẩm với bằng hữu Nhuận Điền. Còn trong tuồng Tướng Cướp Bạch Hải Đường, có đoạn một người bạn thân ra thăm Bạch Hải Đường khi anh ta đang ở tù ngoài Côn Đảo. Khi nghe đến hai đoạn đó, chị thường trả băng lại (rew) để nghe lại nhiều lần.

- Anh cứ chở anh Tiếng đi uống cà phê cho vui, có sao đâu.

Bến Sa Giang vẫn như ngày nào, nhưng hôm ấy tôi thấy lòng buồn lạ ! Cả hai anh em đều rất ít nói, gió từ sông đưa vào vẫn nhẹ nhàng  như ngày nào, nhưng hôm ấy không hiểu vì sao tôi nghe lạnh thấu xương !

- Qua Tết em mới có thể xuống được nhé, anh Thành.

- Ừa, cứ lo chuyện họ đạo đi, đừng quá lo lắng ở dưới này làm gì. Chừng nào thấy tiện thì xuống chơi…

Tôi im lặng một lúc, rồi thành thật nói:

- Anh Thành…Em sợ tụi mình… “thua”… quá, anh !

- Mình cũng nghĩ vậy… mà… chắc không sao đâu…

Đó là bữa đi uống cà phê cuối cùng khi còn chị năm. Chúng tôi về sớm. Tôi không biết hôm đó mình uống ly cà phê hương vị ra sao, và hết lúc nào !

Sáng hôm sau, anh Thành bảo :

- Tiếng ăn cơm trưa xong rồi hả về nha !

Thường mỗi lần tôi xuống nhà anh Thành chơi, ở một đêm, sáng hôm sau uống cà phê rồi về sớm, nhưng lần nầy, thấy chị Tràng đau nhiều quá, tôi muốn ở lại chơi thêm một ít thời gian nữa.

- Em ở chơi, khoảng hai giờ về.

- Ừa, ở nhà nhen, mình đi chợ mua đồ một chút.

Anh Thành chở Phương Thảo đi chợ, còn Phương Thủy đi học. Chị năm nằm thiêm thiếp ngủ một mình. Bệnh của chị thường đau đớn về đêm, sáng mòn mỏi, nên ngủ thiếp đi như một giấc ngủ rất ngọt ngào.

Tôi bước vào phòng thận trọng ngồi trên chiếc ghế đặt bên giường chị, cố gắng không gây tiếng động. Tôi nhìn chị, thật cảm động làm sao ! Chị lúc này rất gầy và gương mặt rất xanh xao. Chỉ một lúc sau, chị thức giấc, từ từ mở mắt nhìn tôi.

- Chị ngủ thêm đi cho khỏe !

Chị cười nhẹ, nói:

- Anh xuống hồi nào ?

Chị Tràng đau quá, nên lúc này rất hay quên, tôi xót xa trả lời :

- Tôi xuống hôm qua, chị ạ. Đêm rồi ở nhà chị nè !

- Anh Thành đâu rồi, sao không pha cà phê cho anh uống ?

- Anh ấy đi chợ rồi, tôi vừa uống cà phê xong !

- Em không thể sống đâu. Không ăn không uống gì, làm sao sống !

- Không, rồi chị sẽ khỏe thôi ! Bệnh này phải từ từ mới mạnh được !

- Em không sợ chết đâu ! Em chỉ xin Đức Mẹ cho em sống thêm một vài năm để nhìn bé Thủy học xong, trưởng thành… có nghề nghiệp… 

Ôi, lòng mẹ ! Tôi không biết nói gì …

- Nhưng nếu Đức Mẹ muốn khác thì thôi…

- Chị đừng nghỉ xa xôi !

- Tôi không còn thiếu nợ ai cả. Tôi đã lo trang trải xong. Tôi muốn mình ra đi được bình an…

Im lặng một lúc, chị nói tiếp:

- Nhưng còn một người tôi chưa trả được.

Nước mắt chị trào ra, tôi nắm tay chị, và nói thật lòng, không đoán trước được ý chị muốn nói gì :

- Chị an tâm, anh Thành biết điều đó không ? tôi sẽ lo liệu cho chị…

- Nợ tình nợ nghĩa làm sao trả được. Tôi chỉ thiếu nợ anh… Tôi chỉ còn thiếu có một mình anh…

Tôi siết chặt bàn tay của chị, không dằn được cơn xúc động, tôi cố gắng làm ra vẻ bình thản, nói :

- Nợ tình nợ nghĩa thì làm sao đo lường được, biết ai thiếu ai ? Tôi cũng thiếu nợ anh chị nhiều vậy !

Chị nhìn tôi, gương mặt tươi lên như sắp nở cụ cười. Tôi nói tiếp :

- Chị biết không, anh Thành đã giúp tôi rất nhiều việc, không có số tiền nào trả cân xứng với công lao của ảnh đâu,  nhất là ảnh giúp tôi giữ được lòng mình kiên trì để đến bến bờ mình mơ ước. Chị cũng thế ! Chị đừng nghĩ xa xôi nữa. Chị nghỉ ngơi cho khỏe…

Chị nhắm mắt một lúc, rồi lại mở mắt ra một cách mệt mỏi :

- Anh Tiếng còn ở đó không ?

- Còn, chị ạ ? Có gì không chị ?

- Anh xuống hồi nào vậy ?

Rồi chị lại nhắm mắt thiêm thiếp ngủ…

(Còn tiếp)

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

 ____________________

CHÚ THÍCH của TÂM LÊ

Tâm Lê nói thêm một chút về chuyện website và nhân vật tên Trung này:
Thực tế, chuyện website đã ấp ủ từ nhiều năm trước với anh em CCS tại Sài Gòn, nhưng không đến đâu vì không có nguồn hỗ trợ tài chánh... Vào một ngày, năm nào đó chẳng nhớ, tôi nhận tin nhắn từ một Cha ở Vĩnh Long tới Dòng Chúa Cứu Thế (đường Kỳ Đồng Sài Gòn). Tại đây tôi mới biết các Cha đến phòng phụ trách Truyền Thông của Nhà Dòng để bàn việc xây dựng website GP Vĩnh Long. Thời điểm đó, bước vào phòng Truyền Thông của nhà dòng với những máy móc, nhân lực nhìn thấy phát thèm, tôi đến gặp một thầy phụ trách, giới thiệu các Cha Vĩnh Long và bày tỏ ý định nhờ các thầy xây dựng website GPVL. Trước mặt các Cha (tôi nhớ không lầm thì có các Cha: Cha Thắm (?), Cha Don (?), Cha Việt, Cha Khoa), ông thầy phụ trách thiết kế, kỹ thuật website nói ngắn gọn: Làm website cho Giáo Phận, chúng con xin nhận với giá ưu đãi là 20.000.000 đồng. (Cũng chẳng nhớ là ông thầy nói giá là 20 hay 30?). Không biết các Cha VL lúc đó nghĩ sao, còn đối với tôi như thế cao ngất ngưỡng (tiền thuê phòng ở trọ lúc đó khoảng trên dưới 150.000 đồng/tháng). Chiều hôm đó, mấy anh em ngồi uống café vĩa hè trước khi chia tay. Lúc đó, chẳng biết ma xui, quỉ khiến như thế nào tôi buột miệng nói với các Cha: "Thôi, anh em mình về, chuyện thiết kế website để mình làm, chẳng tốn cắc nào cả" ... và sau đó không lâu Website VL ra đời.
Nhiều năm sau đó tôi bắt đầu nhen nhúm ý tưởng tạo website riêng cho anh em CCS, CTS và tôi đã trao đổi kêu gọi sự giúp đỡ với một vài anh em ở hải ngoại. Người lên tiếng ủng hộ đầu tiên là Tuyến Vũ (Mỹ, CCSVL 70). Nói là làm. Tuyến Vũ đã bỏ tiền ra thuê (hình như thuê thử 1 năm) host server. Đến khi mình vào thì mới biết host này giống như blog, nghĩa là mình không thể layout theo như ý mình, bị giới hạn nhiều mặt về mỹ thuật, kỹ thuật. Tôi nhớ không lầm thì blog này mang tên Quán Ven Đường (cũng cái tội làm tài khôn, thằng dốt chỉ đường cho thằng mù)... Lại mò mẫm trong cái kiến thức ba mớ lượm dọc đường gió bụi. Dù sao anh em cũng nhớ ơn Tuyến Vũ, người bắn phát pháo khởi động mở đầu cho những thành quả hiện nay.
Chính trong thời điểm này, trời bất dung gian đảng, xui khiến tôi gặp lại Thành Võ... Nhờ Thành Võ mới gặp lại Cha Tiếng và website mang tên CĐTG ra đời như phần hồi ký trên của Cha Tiếng. Sau lần xuất hành đầu tiên thất bại, tôi than thở với Trung Đặng (CCSVL 66). Trung Đặng hoan nghênh 2 tay, 2 chân mở đường: "Em hổ trợ chi phí thuê host server, mọi thứ khác thì anh lo. Anh báo với Cha Tiếng, em ủng hộ hết mình. Cứ thoải mái post bài vở, hình ảnh, nếu thiếu, em sẽ thuê thêm chỗ..."
... Thư qua, tin lại nhiều lần và cuối cùng mọi việc đã suông sẻ tốt đẹp như thế từ đó đến nay...
Tất cả những gì trong hồi ký Cha Antôn Tiếng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hy vọng ngày nào đó, anh em chúng mình sẽ còn có dịp kể nhau nghe những câu chuyện nghe như huyền thoại của thời đã qua.

 

Đang có 213 khách và không thành viên đang online

16139288
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
4070
14942
45524
16009132
291226
406480
16139288

Your IP: 3.128.206.66
Server Time: 2025-01-22 06:53:20