You are here:

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (7)

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (7)

Hồi ký

[Giữ kín chuyện chị Tràng.
“Dù có gì đến với em… anh đừng cho má hay nhé, anh Tiếng !”.
Đó là một trong những lời cuối cùng chị Tràng dặn dò tôi trước khi tôi tạm biệt (và cũng là vĩnh biệt) chị trong chuyến thăm chị lần cuối…]

Thành Võ tại giáo điểm Cả Nổ.

12. BÊN ANH CÒN CÓ BẠN BÈ.

2011

Giữ kín chuyện chị Tràng.

“Dù có gì đến với em… anh đừng cho má hay nhé, anh Tiếng !”.

Đó là một trong những lời cuối cùng chị Tràng dặn dò tôi trước khi tôi tạm biệt (và cũng là vĩnh biệt) chị trong chuyến thăm chị lần cuối.

Trước đó, khi chị Tràng bắt đầu “hóa trị”, mẹ tôi có xuống thăm chị, nhưng sau khi chị đau nhiều hơn, thì khoảng thời gian đó, mẹ tôi cũng bắt đầu yếu, mà quan trọng nhất là bị cao huyết áp. Lúc ấy, rất nhiều người cao tuổi bị cao huyết áp, rồi tiếp theo đó là bị tai biến, nằm liệt, bán thân bất toại, nên tôi rất lo lắng cho mẹ tôi. Chính anh Thành đã đưa mẹ đi Sài Gòn khám bệnh đôi lần. Anh cũng không muốn cho mẹ tôi xuống thăm chị năm. Ảnh cũng có nói tình trạng của mẹ tôi cho chị Tràng hay, nên chị ấy cũng lo lắng cho mẹ.

Trớ trêu thay, “lá vàng khóc lá xanh rơi ” !

Tôi về nhà, giữ “tuyệt mật” chuyện chị Tràng đã mất, không cho má hay, đúng như ước muốn của chị ấy !

Một hôm, mẹ tôi hỏi :

Lúc này vợ thầy Thành sao rồi, con ? đỡ chưa ? (mẹ tôi vẫn thường gọi anh Thành là thầy Thành như ngày nào, và đa số những người bên quê tôi, quen biết anh trước 75, cũng đều gọi như thế).

Dạ… “đơ đỡ” rồi má ạ !

Má muốn thăm nó quá !

Dạ… Chỉ cũng nhớ má… chỉ cũng tính đi thăm má đó… Để chừng nào chị ấy mạnh, chị ấy lên thăm má chớ gì !

Bà Th. cũng bị ung thư đó. Hóa trị rụng tóc hết trơn, bây giờ mạnh rồi đó ! Má mới gặp gần đây, ú lù, trắng tươi.

Dạ… thì chỉ… cũng sẽ mạnh thôi mà má. Má ráng uống thuốc đi, ăn uống nhiều vô, má khỏe thì con chở má xuống dưới chơi, thăm chị năm luôn…

Ừa, bây giờ đi cũng được, có gì đâu, má khỏe mà !

Thôi thôi …  thấy vậy chứ … hổng được đâu, má ơi ! Hổng thẳng.. má  thiệt mạnh cái đã … gắp gì, má !

Và, cứ thế, tôi lần lựa hoài…

Anh Thành đến nhà thăm má mấy lần, lần nào trước khi “nhập tiệc” tôi cũng dặn ảnh, sợ ảnh có rượu vô rồi quên. Chuyện chị Tràng mất giữ kín được một thời gian, cho đến một hôm…

Tôi không có ở nhà, em gái út của tôi kể lại :

Hôm ấy, em tôi bận làm gì trong bếp, phía trước nhà chỉ có mẹ tôi và đứa con dâu. Mẹ tôi chợt hỏi:

Vợ thầy Thành hổng biết lúc này ra sao rồi ?

Ủa, má hông nghe gì hết hả ?

Nghe gì ?

Chỉ chết rồi !

Trời ơi ! Chết hồi nào ? Sao trong nhà hổng ai cho má hay hết vậy ?

Và,  má tôi bắt đầu la mấy đứa em tôi dữ dội ! Tôi ở xa, nên tránh được “tầm đạn” đó !

Trong khi gia đình có ý dấu chuyện này, lại không “thông báo” cho người chị em dâu, nên “bể chuyện” !

Rồi sau đó, tôi về thăm nhà, tôi chuẩn bị sẵn, thế nào mẹ tôi cũng rầy tôi chuyện này :

Má, hi hi… đây… bánh bông lan nè má. Ở bến đò, bánh bà này nổi tiếng…

Sao con hổng cho má hay vợ thằng Thành chết ?

Ủa, mấy đứa nó hổng cho má hay hả ? Trời ơi, con ở xa, bữa đó lại lu bu quá trời …

Có đứa nào cho má hay đâu… Chuyện như vậy mà hổng cho hay !

Bởi vậy, mấy cái đứa này ! Rồi sao má biết ?

Con Dung nói (vợ của đứa em thứ tư trong gia đình, tôi thứ hai). Mà nó có tự nói đâu, hỏi rồi nó mới nói. Nó còn hỏi “bộ má chưa hay gì sao ?”.  Ai cho hay mà hay ?

Vậy mà con tưởng tụi nó cho má hay rồi chứ ! Thiệt tình, mấy cái đứa này nó lo cái gì không vậy Trời ! À… má ơi, con nhớ ra rồi… mấy hôm đó nhằm lúc má đang “lên máu” nhiều lắm, má nhớ không ? Con Ánh Tuyết nó chở má đi chích thuốc hoài đó, chắc tụi nó sợ má bệnh, nên không cho má đi đám tang vợ thầy Thành chớ gì !

Thì không đi cũng phải cho hay chớ ! Tội nghiệp vợ thầy Thành  gì đâu ! Còn trẻ…mà … thiệt…

Má ơi, thôi, ý Chúa mà ! Má cầu nguyện cho chỉ được rồi ! Má lo sức khỏe của má kìa ! Con có làm lễ cho chỉ hoài đó. Chỉ thánh Tê-rê-sa đó , nghen má !

Má tôi “lườm” tôi :

Má đỡ đầu cho nó, mà bộ má hổng biết hả !

Tôi buồn cười quá, thầm nghĩ trong bụng “Bộ nhớ của má còn tốt thiệt ! Vậy cũng mừng rồi !”.

Thành Võ tại công trường xây dựng nhà thờ An Long.

Ngày 04.01.2011, bắt đầu xây nhà thờ.

Sau khi phần đóng cừ đã xong, ngày 04.01.2011 bắt đầu bắn đầu cừ (phá đầu cừ cho bể ra để câu dính vào khối bê tông cột trụ), và đổ trụ, nối đà kiềng, rồi lên cột. Anh Thành lúc này vợ mất cũng gần một năm rồi. Tuy nỗi nhớ cũng còn lâu mới nguôi ngoai được, nhưng vết thương lòng cũng đã nhẹ bớt phần nào với thời gian. Anh thường thu xếp việc  nhà khi tiện, và lên An Long giúp tôi những khi cần, và cũng để cho lòng khuây khỏa phần nào. 

Từ trái qua phải : Nhạc (Cồn Phước), Cha Tiếng, Hữu Nghĩa, Thành Võ.
Trong ngày Họp Lớp tại An Long.

Hữu Nghĩa 1 tuần sau khi té xe, đang nằm ở bệnh viện (Ảnh: Thành Võ).

Ngày 06.01.2011, tôi được Phú Nghĩa báo tin Hữu Nghĩa té xe rất nặng ở Sài Gòn.

Cả hai Phú Nghĩa và Hữu Nghĩa đều là bạn cùng lớp với tôi thời Tiểu Chủng Viện Cái Răng 1966-1973, riêng Hữu Nghĩa còn là CCS Đại Chủng Viện Vĩnh Long 1973, cũng là anh em kết nghĩa với anh Thành.

Anh Thành ơi, tới chuyện nữa rồi ?

Gì vậy ?

Hôm Noel, Hữu Nghĩa  té xe nặng lắm, cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy rồi ! Không biết bây giờ ra sao. Mình hay muộn quá. Anh thu xếp thăm nó được hông ?

Được, được !

Vậy mai anh lên sớm một chút nhen, đi thăm nó rồi về trong ngày, anh nói với mấy đứa nhỏ (con anh Thành) ngày hôm sau anh mới về nhé !

Đi một mình hả !

Ừa. Em kẹt công chuyện nhà thờ rồi. Anh lên trển xem, nếu tình hình không ổn, em sẽ thu xếp lên sau. Anh lên đây, em nói thêm…

OK.

Tôi đưa cho anh Thành vài thứ cần thiết và cái máy chụp hình. Anh Thành đến thăm và chụp hình Hữu Nghĩa mang về.

Hữu Nghĩa đã bớt rồi, nhưng gương mặt còn “bầm dập” nhiều.

Đêm hôm đó, vừa xem mấy tấm hình của Hữu Nghĩa, vừa uống cà phê, và … hai anh em cùng “quay về kỷ niệm một thời… té xe” !

Tâm Lê trong tiệc lễ giỗ Cha Bourguignon 24.06.2008.

Thành Võ trong tiệc lễ giỗ Cha Bourguignon 24.06.2008.

Ngày ấy, cuối tháng 6 năm 2008…

Bố ơi, ba con té xe, mặt mày máu me không hà ! Tiếng con gái của anh khóc trong điện thoại.

Khi tôi xuống… mặt mày anh Thành còn sưng húp, vẫn còn băng vết thương trên đầu.

Đó là lần té xe sau khi anh đi dự lễ giỗ cha Bourguignon ngày 24.06.2008 về, lần ấy anh gặp lại nhiều bạn bè, có cả Tâm Lê nữa.

Mấy lần gặp nhau sau đó, tôi đều “dặn dò” anh :

Tụi mình bây giờ “già” rồi nhen anh ! Anh “già” rồi, mà anh không hay anh “già” sao ? Nên mình phải chạy xe ý tứ đấy ! chạy vừa vừa  thôi anh ơi ! Phản xạ của tụi mình đâu còn được như thời trẻ trung nữa đâu ! Và nhất là… nếu có rượu, tốt nhất mình  nên ở nhà… nguy hiểm lắm !

Anh Thành cười cười, gật gù…

Khoảng 6 tháng sau… 

Tôi với anh Thành đi Sài Gòn, trên đường về, tại xa lộ Nam Sài Gòn, khi qua “cua”, một chiếc xe lôi chở sắt cây dài cũng qua “cua’,  người lái xe không để ý đến độ dài của cây sắt, nên nó đã quẹt vào xe tôi, lúc ấy tôi đang lái xe (Honda), lập tức hai anh em té văng ra khỏi xe. Anh lái xe bị anh Thành chận lại. Trường hợp này công an giao thông sẽ phạt rất nặng. Tôi nói anh Thành “thôi cho anh ta đi đi, để công an giao thông đến thì rắc rối cho anh ta lắm !”.

Tôi bị rất nặng, và vào nằm bệnh viện cả tuần, rồi sau đó nằm dưỡng sức ở nhà người thân thêm mấy bữa mới về, anh Thành đeo theo “nuôi” tôi, tội nghiệp ảnh, ảnh cũng bị sây sát nhiều chỗ, nhưng nhẹ, chỉ cần xức thuốc thôi. Lúc ấy chỉ còn khoảng một vài tuần gì đó là đến Noel. Qua Noel, phải tái khám. Tôi xem lại giấy “tái khám”, thấy đề ngày 30.12.2008.

Tang Lễ Cha Bùi Hoàng

Ngày 10.01.2011, Cha Bùi Hoàng mất.

Hôm ấy là ngày cấm phòng, Quý Cha Đồng Tháp vừa mới tới, thì ngay sau đó, Cha Bùi Hoàng bị đột quỵ, được chở đi cấp cứu. Ngay chiều đó thì mất.

Tôi gọi ngay cho Tâm Lê, sau đó là Dzắc Dũng, và anh Thành.

Sau này, khi nhận bản tin về sự ra đi của anh Thành, tôi càng thấm thía nỗi đau và sự cảm thông đối với những người có người thân yêu ra đi bất ngờ, như Cha Bùi Hoàng chẳng hạn.

Khi còn sống, có đôi lần nói chuyện với tôi về Thành Võ. Ngài kể một số kỷ niệm với anh Thành, trong đó ngài bảo :

- Chú biết không, tôi có học mấy đường võ của Thành Võ đó chứ ! Đúng là anh ta đam mê võ quá sức ! Nghe nói lúc này Thành Võ ở An Long với chú hả ? (Cha Bùi Hoàng luôn gọi tôi bằng Chú, và tôi nghe ngài cũng gọi nhiều Cha nhỏ tuổi hơn ngài như thế).

- Dạ, cũng có, nhưng không thường xuyên đâu. Đi đi về về vậy.

- Ừa, mà chú trả lương cho anh ta bao nhiêu vậy ?

- Lương chình gì đâu, Cha ơi ! Hai anh em “chia nhau” mà sống, giúp qua giúp lại vậy thôi !

- Thành Võ dễ thương lắm, giúp chú được tôi cũng mừng. Có nơi anh em làm việc với nhau.

- Dạ, con cũng nghĩ vậy…

Thành Võ trên cầu Mỹ Thuận

Một góc Chợ Hoa Sa-Đéc xuân 2011.

Ngày 20.01.2011, Đi chơi Xuân Sa-Đéc lần cuối cùng với anh Thành.

Tôi xuống anh chơi, và đi một vòng làng hoa Sa-Đéc, và những bờ sông bày bán đầy hoa kiểng. Đó là Mùa Xuân Sa-Đéc cuối cùng tôi đi chơi với anh. Năm 2012, tôi định xuống anh trước Tết, thì bận việc, nên hẹn với anh “qua mùng” (10 ngày đầu năm Âm Lịch, mùng 1 đến mùng 10) sẽ xuống, ăn Tết hơi muộn, nhưng thảnh thơi hơn, dành cho nhau nhiều thời gian hơn, trong Tết khách nhiều quá ! Nhưng, không ngờ…

Ngày 24.01.2011, họp mặt ngày Xuân.

Đó là Thứ Hai, ngày 21 Tết (Thường từ ngày “Ông Táo về trời”, 23.12 Âl, trở về sau, người ta mới gọi là “những ngày trong Tết”, như 23 Tết, 24 Tết… 29 Tết. Ở đây gọi 21 Tết để… dễ phân biệt vậy thôi).

Tâm Lê đang ghi hình "Xóm Bánh Phồng".

Ngày hôm sau, sáng Thứ Ba, 25.01.2011 (22 Tết),  cả nhóm cùng nhau đi tham quan ở chợ Mỹ Lương, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang. Nơi đây có xóm Bánh Phồng nổi tiếng, đã có từ trước 1975. Sau đó, Tâm Lê đã về nhà qua ngã Chợ Mới.

Thành Võ trên tay đang cầm bọc đựng "Ổ bánh bông lan".

Tôi và anh Thành về quê nhà thăm má, trước khi về họ đạo.

Ở đây, ngay trên đò, người ta dành một góc riêng, bán nhiều loại bánh trái, và nước ngọt. Nếu bạn ghiền cà phê, bạn có thể uống một ly cà-phê đá ngay trên con đò này. Tôi thấy anh bước lại “quán trên đò” (chứ không phải “quán ven đường” của Tâm Lê), tôi tưởng anh kêu nước uống, hay mua thuốc hút, nhưng không, anh mua một ổ bánh bông lan mang về cho má !

Nhìn anh ngồi mỉm cười, tay cầm bọc đựng ổ bánh bông lan, tôi thấy thương anh vô hạn ! Nhiều việc làm của anh thật nhỏ bé và vô tư, nhưng nó là những bài học lớn, mà khi mất anh rồi, nó trở thành những nỗi nhớ thương mang theo cơn đau cùng tận trong tâm hồn tôi !

Mùng hai Tết về thăm má, năm nay, 2011, có Thành Võ.

Ngày 04.02.2011 (mùng 2 Tết), Tôi về thăm mẹ, có Cha Trung và một số ông Biện (Hội Đồng Giáo Xứ) cùng đi, năm nay có cả anh Thành, vì năm nay Cha Thiện về ăn Tết ở nhà, nên anh Thành lên Bến Siêu mùng hai Tết thăm má, rồi sau đó thăm Cha Thiện luôn, sẵn ở chơi tới mùng bốn Tết kéo qua An Long, sau đó anh Thành mới về nhà.

Ngày 06.02.2011 (mùng 4 Tết), Cha Gioan Trần Quang Thiện ghé thăm và làm lễ. Anh Thành cũng có mặt ở An Long.

Bút tích Tiếng Pháp của Thành Võ

Thành Võ đang sử dụng vi tính ở An Long

Ngày 11.04.2011, Anh Thành lên An Long phát tiền cho các em học sinh nghèo trong nhóm Mekong. Đây là lần viết thư tay và gởi qua đường bưu điện lần cuối cùng. Sau này, tôi đưa cho anh một máy vi tính bàn, và anh đã bắt đầu sử dụng e-mail thay cho thư gởi qua bưu điện.

Ngày 26.04.2011, Tôi xuống anh chơi. Cũng nghĩ một đêm và ngày hôm sau về. Tôi và anh qua viếng mộ chị Tràng ở khuôn viên “Trịnh chi mộ”.

Mỗi lần xuống anh, tôi tạm quên những câu chuyện bề bộn ở nhà, tìm giây phút thảnh thơi nhẹ nhàng bên bằng hữu. Những giờ phút ấy, thấy bình an, và “quý hiếm” làm sao !

Sau lễ phong chức Cha Ngọc. (Ảnh: Zắc Dũng)

Ngày 20.05.2011, thầy Thái Ngọc được thụ phong linh mục. Tôi cho anh Thành hay tin, và anh lên An Long cùng đi dự lễ. Gia đình của Cha Ngọc là một trong những gia đình quen thân với anh Thành ở họ đạo Bến Siêu (họ đạo quê hương tôi).

Từ trái sang phải: Võ Ngọc Hải, Cha Tiếng, Thành Võ, Em của Hải.
Đang đứng ở tầng trên nhà thờ mới An Long.

Ngày 13.06.2011, Võ Ngọc Hải, bạn cùng lớp 1966 Tiểu Chủng Viện Cái Răng với tôi từ Úc về thăm nhà, và ghé thăm tôi nhân dịp lễ thánh An-tôn Pa-đô-va, bổn mạng của tôi. Võ Ngọc Hải là một trong những anh em “bạn cũ” rất quý tình bạn, nhất là những bạn học ngày xưa. Quê của Ngọc Hải ở Bò Ót, Long Xuyên, An Giang. Gia đình của Ngọc Hải cũng rất quý mến anh Thành. Hôm tang lễ của anh Thành, có cậu và các em của Hải đến viếng xác. Ngọc Hải có điện về thăm hỏi tôi về cái chết của anh Thành ngay trong đêm anh Thành còn an nghỉ ở nhà, sáng hôm sau là lễ an táng.

Từ trái sang phải: Cha Trung, Thành Võ, Cha Tiếng, Cha Chuyên,
trong ngày lễ Khánh Thành Nhà Thờ Cao Lãnh.

Ngày 25.06.2011, Tâm Lê và anh Thành về An Long để cùng đi dự lễ khánh thành nhà thờ Cao Lãnh.

Bạn có thấy Thành Võ không? Đang ở phía trái màn hình, người duy nhất có tóc bạc đấy!
Tiệc liên hoan tại nhà hàng Chương Dương, Tp. Mỹ Tho.

Zắc Dũng, bên phải.

Thành Võ tại nhà Zắc Dũng.

Ngày 19.08.2011, sẵn có dịp tôi đi họp mặt lần đầu Giới doanh nhân Công Giáo Giáo phận Mỹ Tho, do Caritas Mỹ Tho tổ chức, tôi kéo anh Thành đi chơi cho vui, mục đích sẵn dịp này, muốn thăm gia đình Zắc Dũng, thành viên trong nhóm canhdongtruyengiao.net.

Chúng tôi tới Mỹ Tho sớm, tôi bấm số Zắc Dũng, gọi anh ta ra Craven uống cà phê chơi. Sau khi họp rồi, ăn tiệc xong, lại nhà Zắc Dũng bắt mâm “lai rai” tâm sự gần 4 giờ chiều mới về.

Nhìn Zắc Dũng ngồi kế Thành Võ, tôi chợt nhớ một cô bé ở giáo xứ An Long nói với tôi : “Bạn của Bố  ông nào cũng có… râu !”

Tượng Đài Mẹ Maria ở giữa sân nhà Thành Võ.

Khoảng đầu tháng 10.2011, tháng Đức Mẹ Mân Côi, anh lên An Long chơi, sẵn phát tiền Khuyến Học cho học sinh nghèo, trưa hôm ấy, ngồi uống cà-phê đen, anh buồn buồn nói :

Thật là xui gì đâu !

Gì thế , anh Thành ?

Mình sửa lại Đài Đức Mẹ trước sân, nhích tới nhích lui một chút cái chậu kiểng dưới chân, làm rung rinh và nghiêng cái Đài Đức Mẹ, tượng Đức Mẹ rơi xuống, bể rơi ra mấy miếng.

Tượng Đức Mẹ bằng composite mà bể sao ?

Ừa, bể mấy miếng, cũng khá lớn !  Để về lấy “keo dán sắt” dán lại xem, hy vọng cũng được !

Ôi, chuộc tượng khác, có gì đâu !

Xui quá ! Uổng thiệt !

Cái gì mà xui ! Đồ cũ thì bể chứ có cái gì lạ đâu ! Có gì mà anh quan trọng dữ vậy ! Để chiều em qua hỏi con Th. xem nó có tượng Đức Mẹ đó không ? (một nơi bán ảnh tượng Công Giáo nho nhỏ ngay tại An Long).Chắc là có !

Ngày hôm sau, anh vui mừng mang tượng ảnh Đức Mẹ Xuống Ơn Lành mới về Sa-Đéc. Tượng Đức Mẹ mới có áo choàng màu xanh. Tượng trước cũng cùng mẫu tượng giống như thế, nhưng hoàn toàn màu trắng.

Tượng Đức Mẹ ấy đặt ở giữa sân nhà anh, và còn đó trong ngày tang lễ của anh.

Sau khi chôn cất anh Thành xong, những người thân lần lượt ra về, đêm ấy, thật là trống vắng! Trống cả bên ngoài, trống cả trong lòng… Tôi đứng trước Đài Đức Mẹ tự tay anh Thành chăm sóc… Vẫn một màu xanh đơn sơ và xinh đẹp…

Nhìn lên tượng Mẹ, tôi cố gắng không thốt lên một lời than thở nào…

Trong sâu thẳm lòng tôi, không có một lời nguyện cầu nào, ngoài tiếng nói vô hình cứ vang vọng như thứ âm thanh ma quái mà chính tôi cũng không thể nào kềm chế được : “Nhớ anh quá... anh Thành ơi !”

(Còn tiếp).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Đang có 104 khách và không thành viên đang online

12801275
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
20013
17489
93431
12637346
280979
303367
12801275

Your IP: 18.225.255.134
Server Time: 2024-04-26 21:00:29