TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (8)
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ sáu, 27 Tháng 2 2015 07:24
- Lượt xem: 2149
TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (8)
Hồi ký
[Một góc riêng tư
Trước đây, Võ Ngọc Hải, bạn cùng lớp, có lần về Nước, ghé An Long chơi, không nhớ năm nào, nhưng đó là lần đầu tiên hai anh em gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách. Hải ở lại đêm, đêm ấy chúng tôi “bắt mâm”, và hàn huyên tâm sự với nhau cho tới 3g sáng về đủ thứ chuyện từ thuở “năm thìn bão lụt đời nào”! Đêm ấy có cả Cha Trung nữa. Hải tặng tôi tấm hình “bé tí xíu” tôi còn giữ đến bây giờ, không biết tấm hình ấy được cắt ra từ tấm hình nào đó, hay đó là hình kiểu “model Hàn Quốc” mà mấy cô cậu tuổi teens một thời yêu thích....]
Thành Võ tại Thạch Động, Hà Tiên.
Một góc riêng tư
Trước đây, Võ Ngọc Hải, bạn cùng lớp, có lần về Nước, ghé An Long chơi, không nhớ năm nào, nhưng đó là lần đầu tiên hai anh em gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách. Hải ở lại đêm, đêm ấy chúng tôi “bắt mâm”, và hàn huyên tâm sự với nhau cho tới 3g sáng về đủ thứ chuyện từ thuở “năm thìn bão lụt đời nào”! Đêm ấy có cả Cha Trung nữa. Hải tặng tôi tấm hình “bé tí xíu” tôi còn giữ đến bây giờ, không biết tấm hình ấy được cắt ra từ tấm hình nào đó, hay đó là hình kiểu “model Hàn Quốc” mà mấy cô cậu tuổi teens một thời yêu thích.
Hải bảo tôi :
- Cậu cần phải có một góc riêng tư. (Hải nói chuyện luôn xưng hô Cậu và Tớ từ thời còn học Trung Học). Một “góc” hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa là cậu cần có một không gian riêng, để chăm sóc, thư giãn, có hoa kiểng, có chim chóc, có hòn non bộ, có tượng đài… nói chung, có những cái cần để trí óc suy tư một cách nhẹ nhàng, thanh thản… và sẽ có lúc có bạn bè… để cà phê, hay nhâm nhi, có khi là cà phê một mình, đọc sách, thậm chí chỉ để ngắm… bướm hoa…
- Ha ha… nghe thơ mộng quá !
Tôi đem chuyện Hải nói kể lại cho anh Thành nghe, anh Thành bảo “đúng vậy” ! Trước sân anh Thành cũng đã có một “hòn non bộ” be bé, một Tượng Đài Mẹ nho nhỏ xinh xinh nhưng không kém phần trang trọng. Bên cạnh hòn non bộ nho nhỏ ấy, có vài viên gạch xếp chồng lên nhau làm bàn, anh thường uống “cà phê một mình” ở đó, nhìn đàn cá tung tăng đùa giỡn vô tư trong hồ đầy rong rêu…
Nhưng hoàn cảnh ở đây còn ngổn ngang đủ thứ, góc riêng tư ở tại tâm hồn, còn ngoại cảnh thì chưa thể làm được !
Sau khi vợ anh Thành mất, anh có thời giờ nhiều hơn để đến An Long, tôi muốn làm một Đài Đức Mẹ nho nhỏ ở một góc nhà xứ. giống như Đài Đức Mẹ của anh, và đặt dưới cây phượng già. Tháng Năm, là Tháng Hoa dâng Mẹ, cây phượng già sẽ trổ hoa màu đỏ rực. Anh bảo tôi trồng sẵn một cây hoa giấy ngay dưới gốc phượng. Anh nói cây hoa giấy dễ chăm sóc, mình có đi đâu lâu ngày, cũng không sao.
Thành Võ đang chăm sóc hoa kiểng tại sân nhà riêng
Hoa giấy nơi ở Nhà Xứ, nơi định làm một Đài Đức Mẹ nhỏ
Tôi bứng cây hoa giấy từ phía nhà sau, nơi nó bị bỏ bê không ai chăm sóc, đem về trồng đúng vị trí anh muốn. Cây hoa giấy ra lá mà không ra hoa, cho đến một ngày trước mùa xuân 2012 không xa, anh bước lại cây hoa giấy và vạch xem những chồi non, anh vui mừng bảo :
Tiếng ơi, lần này cây hoa giấy ra hoa rồi đó !
Và cây hoa giấy bắt đầu ra hoa thật…
Hôm nay, nó ra hoa nhiều… nó sẽ tô điểm một màu hồng tươi xung quanh ảnh Mẹ như dự định. Nhưng Đài Mẹ chưa có, còn anh Thành thì không còn nữa…
Gốc cây mục Thành Võ ghép gốc lan vào.
Hòn Non Bộ phía sau dãy Nhà xứ.
Cũng chính anh trước đây bày cho tôi làm hòn non bộ phía cuối dãy nhà xứ, vì ở đó có đường dây điện cao thế băng ngang qua đi thẳng về Campuchia nên không thể xây dựng nhà kiên cố được, nên làm hòn non bộ, nuôi cá kiểng, trồng hoa kiểng cho mát.
Nơi đây không có trẻ con nghịch ngợm vào, không có ai bắn chim, nên chim về đây đua hót líu lo… Anh Thành thích hoa lan trồng ghép vào thân cây mục, một gốc cây to anh ghép vào nhiều nhánh lan, trông rất xinh đẹp. Tôi dự định sửa lại dãy nhà xứ, cuối dãy nhà xứ là một khu “công viên” nho nhỏ, anh Thành sẽ trang điểm lại “gốc riêng tư” này, nơi đó ấm áp và ít ồn ào hơn ở đầu dãy nhà xứ, gần nhà giáo dân quá.
Nhiều dự tính có anh, nên khi không còn anh, càng nhớ anh !
Ngày 19.10.2011, Lũ lụt An Long.
Sau hai cơn mưa tầm tã, đêm 19.10.2011, nước đã tràn vào nhà thờ cũ, và ngập một phần khu vực nhà xứ. Mặc dù tầng dưới nhà thờ mới chưa hoàn thành như ý muốn, nhưng phải thu xếp để đưa vào sử dụng sớm hơn dự định, trước mắt là dâng Thánh Lễ vào Chúa Nhật ngày 23.10.2011.
Ngày 23.10.2011,Dâng Thánh lễ đầu tiên ở tầng dưới nhà thờ mới.
Ngày 28.11.2011,một chuyến về Miền Tây.
Trước tiên chúng tôi đến Tắc Sậy, nhân cơ hội có bạn bè muốn gặp để tiếp sức việc xây dựng Nhà thờ An Long. Anh em chúng tôi cùng đi tạ ơn Cha Trương Bửu Diệp, đã cầu bàu cùng Chúa cho việc xây dựng Nhà thờ An Long đến giờ phút này mọi sự được tốt đẹp, sẵn trên tuyến đường, tôi ghé lại thăm trường xưa : ngày ấy là Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý, Cái Răng, Phong Dinh. Nay là Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ.
Tâm Lê và Thành Võ đang cầu nguyện trước mộ Cha Trương Bửu Diệp
Từ trái: Tâm Lê, Xuân, Thành Võ, Cha Phú, Cha Tiếng. tại ĐCV Cần Thơ (Cái Răng).
Đại Chủng Sinh (Quý Thầy) Cần Thơ lúc ấy cùng học chung trường Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long, nên cả Tâm Lê và Thành Võ đều quen biết anh em bên Cần Thơ nhiều. Hôm ghé lại Đại Chủng Viện Cần Thơ, chúng tôi thăm Cha Phú, và gặp lại Xuân (không nhớ CCS năm nào).
Đêm ấy, từ Tắc Sậy, chúng tôi trở lại Tây Đô nghỉ đêm - Thành phố Cần Thơ, đối với tôi, đó là nơi rất thân yêu và chất chứa biết bao kỷ niệm của một thời “thư sinh” 7 năm Tiểu Chủng Viện, định tìm thăm bạn học cũ, nhưng khuya quá, nên thôi.
Có một điều không ngờ, khi tôi nói tên một người bạn cũ học chung lớp có gia đình ở Cần Thơ, thì anh Tâm Lê bảo cái tên nghe sao quen quen… Rồi anh hỏi có phải anh đó như thế này… có người anh như thế này… phải không ? Hóa ra anh Tâm Lê cũng có một thời học ở Hội Việt Mỹ Cần Thơ sau khi rời Xuân Bích, anh trọ gần nhà bạn học của tôi, gia đình của bạn tôi lúc ấy làm nghề “giặt ủi”, anh Tâm Lê vì hoàn cảnh, không còn học nữa, nên rời Cần Thơ. Ngày rời Cần Thơ anh không có tiền … trả tiền giặt ủi, nên bỏ đồ đang gởi giặt lại cho tiệm, và … “trốn” luôn !
Rồi, anh Tâm Lê “khai” tiếp, sau này… quả thực “trái đất tròn”, anh tình cờ gặp lại bạn tôi, bạn tôi hỏi sao anh đi không một lời “từ giả” vậy, anh liền kể “sự tình” nỗi niềm riêng của mình. Bạn tôi bảo: “Trời ơi, không có tiền thì thôi, đồ anh thì anh cứ lấy chứ gì, anh em với nhau cả mà!”. Nếu hôm ấy có thời gian, thì anh Tâm Lê lại gặp bạn tôi nữa rồi ! Điều thú vị là đúng với câu nói của ai đó: “Bạn thân của bạn thân của bạn, là bạn thân của bạn!”. (xem phần phụ thêm ở cuối bài này)
Khi ghé tham quan chợ nổi Cái Răng, anh Thành nhắc lại những ngày buôn bán lênh đênh trên sông nước. Trong sự nhộn nhịp xuồng ghe mua bán, anh đặc biệt nhìn ngắm những chiếc ghe bé con, theo mái chèo bềnh bồng mỏng manh như chiếc lá giữa dòng. Khi uống cà phê, anh quay lại một đoạn phim dĩ vãng thoáng qua, tuy đã xa, nhưng những kỷ niệm buồn thường như những vết thương cứ âm ỉ trong lòng. Tôi nhớ có nhà văn nào đó đã nói: “Hồi tưởng lại những kỷ niệm vui, người ta không còn thấy vui nữa, nhưng hồi tưởng lại những kỷ niệm buồn, người ta vẫn cảm thấy đau khổ” !
Thành Võ ở ngoài sân Thạch Động
Ngày 29.11.2011, về Hà Tiên, thăm lại một số nơi đã từng có dấu chân kỷ niệm thời học sinh. Cảnh cũ giờ đã hoàn toàn đổi khác, cũng như “người xưa giờ đã biền biệt phương trời”. Tôi nhớ ngày ấy có một người bạn tên Liêm, ở Rạch Giá, bây giờ thì chẳng biết ở phương mô !
Xuống khỏi bờ đá này, Thành Võ đã đi lang thang xem những cây hoa lạ
Khi tham quan ở Mũi Nai, có lúc anh Thành xuống bờ biển, nơi ấy có nhiều cây hoang dại âm u lắm, tôi tưởng ảnh kiếm chỗ để… nên tôi gọi:
- Anh Thành ơi, toilet ở đây này !
- Không có ! Mình đang xem cây lạ… hoa đẹp quá… lượm vài trái rụng để lấy hạt về trồng thử xem !
Đúng là “máu hoa kiểng” của “con nhà… Sa-Đéc” !
Rồi anh lượm mấy trái cây hoang ấy, anh hỏi người địa phương, họ nói với anh tên cây đó, anh về kể lại cho chúng tôi biết, tôi quên mất (không biết anh Tâm Lê còn nhớ không ?).
Anh đem về nhà trồng…
Trong lần họp mặt hôm Tết, anh khoe hạt cây ấy đã nảy mầm. Anh bảo để anh chăm sóc, chừng nào nó lớn lên, đem về An Long trồng làm kỷ niệm.
- Nó là cây sống ở vùng nước mặn, sợ về vùng nước ngọt không sống được quá !
- Để mình thử xem…
- Hay là mình sẽ pha chút muối vào nước mằn mặn để tưới nó…
Tôi còn nhớ chỗ mà anh Thành lượm mấy hạt giống của cây đó, vì lúc ấy Tâm Lê cũng có đi chụp ảnh gần đó, và tôi có chụp cảnh Tâm Lê đang lang thang săn ảnh, tiếc là không có ghi hình anh Thành lúc ấy !
Câu chuyện về hạt giống ấy qua tang lễ anh Thành tôi quên mất, hôm họp mặt lần đầu ở An Long, sau khi anh Thành mất, Anh Tâm Lê nhắc lại, tôi mới nhớ. Để khi về nhà anh, tìm xem còn không !
Bình minh trên Đầm Đông Hồ
Đêm ở Hà Tiên, chúng tôi nghỉ ở nhà trọ bên cạnh công viên Đông Hồ, nhìn ra hướng Đầm Đông Hồ.
Thời điểm này, nơi đây chưa có công trình xây dựng nào cặp bờ sông, còn rất vắng lặng và hoang dã.
Buổi sáng hôm sau, bình minh thật tuyệt vời, tôi với anh Thành thức sớm và đứng im lặng nhìn không gian ngập đầy màu sắc huyền hoặc tựa hồ “Lưu Nguyễn” lạc thiên thai…
Tôi lấy máy say sưa ghi hình...
Mặt trời lên cao dần và cảnh vật thay đổi theo từng giây phút thật tuyệt vời đến ngỡ ngàng !
(Ảnh: Tâm Lê và Thành Võ uống Cà phê đêm ở công viên Đông Hồ)
Tâm Lê lúc này cũng thức, anh “âm thầm” ghi ảnh và “chộp” được hình tôi và anh Thành đang thả hồn theo thiên nhiên từ hành lang nhà trọ. Đặc biệt, anh ghi được một số hình anh Thành tuyệt đẹp và thật “chuyên nghiệp”.
Trên đường về, chúng tôi ghé Mũi Dong, nơi đây chưa có “khai thác du lịch” qui mô, nên còn rất hoang sơ. Khi dừng lại ở đây uống nước, Tâm Lê đã “rình chụp” tôi và anh Thành đang ngồi tâm sự trong khung cảnh mênh mông và thơ mộng. Như một tín hiệu của Định Mệnh, đây là “những bức hình cuối cùng” tiên báo đoạn đường đồng hành của Tình Bạn tôi và anh Thành sẽ không còn nữa trên cõi đời này...
Tâm Lê tại Mũi Dong, Hà Tiên.
Cha Tiếng tại Mũi Dong, Hà Tiên.
Ngày 30.11.2011 Về Tri Tôn, Châu Đốc, Tân Châu… rồi về nhà.
Ở tuyến đường Tri Tôn - Châu Đốc, chúng tôi dừng lại ở vài “Quán Ven Đường”, đúng với sở thích của Tâm Lê. Tâm Lê đi đến đâu, ngồi tán gẫu thì ít, mà đi “săn ảnh” thì nhiều.
"Mây vương đỉnh núi" ở Tri Tôn.
Anh Thành thích “mây vương đỉnh núi” ! Anh bảo rằng trong phim võ hiệp, có nhiều hình ảnh huyền hoặc như vậy !
Cà phê tại một "quán ven đường" ở Tri Tôn.
Nếu bạn ngồi nói chuyện với Thành Võ, mà câu chuyện bế tắt, không biết nói gì nữa, bạn cứ giả vờ hỏi một câu nào đó, có liên quan đến võ thuật, thí vụ như: “Trong phim x đó, không hiểu hôm ấy vì sao Lý Tiểu Long lại đánh thua ?” Và bạn cứ thoải mái ngồi… nghe ảnh trả lời, bạn khỏi nói gì thêm, ảnh nói thao thao bất tuyệt, lâu lắm mới có hồi kết !
09.12.2011, Họp mặt doanh nhân Công Giáo Mỹ Tho.
Tôi lại kéo anh Thành đi chơi, và khi dùng cơm ở nhà hàng Chương Dương, ban tổ chức có dành phần quà may mắn cho ai mà ở chỗ ngồi có “con số may mắn” được dấu phía dưới khăn trải bàn. Anh Thành trúng ngay con số 1. Anh lãnh phần quà.
Thành Võ được Đức Cha Phao-lô trao cho phần quà may mắn.
Về nhà anh đòi “khui ra” cho tôi, tôi không chịu. Tôi bảo, anh mang phần quà này, về kêu hai đứa con gái lại, rồi cùng khui cho vui, quà “may mắn Noel” mà ! Sau này tôi nghe anh kể lại, nếu tôi nhớ không lầm, thì dường như đó là “hộp đèn trang trí Noel” thì phải !
Noel cuối cùng…
Sau Noel, anh Thành lên An Long. Anh kể tôi nghe về một đêm nào đó anh bị bệnh:
- Mình thức dậy, thấy mình rã rời, không còn sức lực gì hết, không đứng lên nổi…
Tôi vô tình, cứ ngỡ ảnh “trúng gió” bình thường:
- Em cũng vậy, nhiều đêm thức dậy, nằm hoài, ngồi dậy không muốn nổi luôn !
- Rồi mình cố gắng đứng lên, tập từng bước đi …
- Rồi sao ?
- Rồi từ từ đi được, lúc đầu mình có lựng khựng, nhưng không lâu sau đó đi được bình thường !
Trời ơi, không hiểu sao tôi không nghĩ gì đến việc có thể đó là dấu hiệu của ảnh đã bị tai biến từ lúc ấy (bây giờ người ta thường gọi là “tiền tai biến”) hay đột quỵ, tôi vẫn cứ tĩnh bơ coi như đó là chuyện đau yếu bình thường:
- Em cũng vậy, có lúc từ nhà tắm bước ra, em choáng váng muốn sụp xuống ! Em nhớ lại có một Cha trượt té chết luôn trong nhà tắm, em thấy điều đó cũng có thể dễ dàng xẩy ra với mình, vì không có ai hay !
- Giây phút ấy, mình thấy mình hết sức lực, giơ tay chụp lấy bức tường để đứng lên cũng không nổi !
- Em cũng vậy, có lần em mệt, cố gắng vói lấy chai dầu cũng không được ! Tụi mình “già” hết rồi! Bởi vậy, anh nhớ em nói hoài hông? Bây giờ tụi mình lúc này còn có sức khỏe, đến với nhau được lúc nào hay lúc đó, sẽ có ngày mình muốn đi đến với nhau cũng không được!
- Thiệt chớ ! Tự nhiên mình thấy mất hết sức lực một cách dễ dàng quá !
Đây là lần đầu tiên, tôi nghe anh Thành than về sức khỏe, nhưng tôi lại không quan tâm nghĩ xa hơn về khả năng anh bị bệnh nặng. Tôi tự trách mình cứ chỉ nhìn anh khỏe mạnh bề ngoài… nhưng rồi, việc anh lái xe lên An Long, rồi đi đây đó làm việc này việc nọ, vẫn thấy sức khỏe của anh bình thường không có gì sa sút đáng kể, nên tôi đã không để ý đến những gì khác lạ nơi anh !
Nếu sau khi nghe anh kể như vậy, liền bắt anh đi “khám bệnh tổng quát”, có thể sự việc sẽ khác hơn chăng? Trong đau khổ, người ta vẫn thường hay tiếc nuối: phải chi… nếu mà…
Không có ảnh Thành Võ Noel 2011. Đây là ảnh Noel 2010 tại An Long.
Anh đến An Long dịp Noel lần nầy, anh nói nhiều đến vấn đề sức khỏe, nhưng đáng tiếc làm sao, tôi vẫn thấy anh khỏe mạnh !
Vẫn như những lần khác, sáng tôi thức dậy lúc 3g30. Tôi luôn nói với anh: Anh cứ ngủ nhé, em cần làm việc riêng. Và sau đó 4g30 là chuông nhất, 5g là chuông nhì, tôi đi làm lễ.
Nhưng anh bao giờ cũng thức khi tôi thức. Anh bảo ở nhà anh cũng thức sớm, trễ hơn một chút thôi, chừng 4g 30.
Khi tôi đọc kinh riêng một chút, là anh nấu nước pha cà-phê. Khi tôi đi làm lễ, anh cũng đi dự lễ. Nếu lần nào có làm báo cáo cho khuyến học Mekong thì anh sẽ về trễ một chút, chừng 2g chiều, nếu không, thì ăn cơm trưa xong anh về. Ở nhà vắng quá, chỉ có hai đứa con gái, đứa đi làm, đứa đi học, tôi cũng không muốn giữ anh lâu.
Bao giờ, trước khi chia tay, chúng tôi cũng uống cà phê một lần nữa, rồi anh mới về.
- Tết lên nhen anh.
- Ừa.
- Chừng nào lễ Giỗ của chỉ ?
- Qua Tết một tháng .
- Ối, còn lâu mà ! Năm ngoái mình họp mặt dịp Tết sớm lắm đó ! Ngày mấy anh nhớ không ?
- Hổng nhớ đâu !
- Anh chỉ nhớ ba cái chuyện võ nghệ không hà ! Là ngày 21 Tết đấy !
- Ủa, sớm vậy hả ?
- Ừa, nên mình mới đi xem không khí Tết bên Hòa Hảo, người ta làm Bánh Phồng đấy !
- Ừa, nhớ rồi !
- Năm nay chừng nào anh lên ?
- Hổng biết, tùy Tâm Lê, mình sao cũng được !
- Vậy, có gì cho em hay nhé ! Hẹn gặp nhau dịp Tết nha !
- Ok. Tết gặp nhau !
(Còn tiếp).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
______________________
CHÚ THÍCH
Lời phụ họa của Tâm Lê:
Lưới trời lồng lộng... Không chỉ nắng, gió... mà còn bụi bặm mờ mịt...
- 1974, bị "chuyển hướng" rời ĐCV, hụt hẫng qua Cần Thơ, tôi ghi tên học lớp Hội Họa tại Hội Việt Mỹ Cần Thơ. Lúc ấy, Tòng (XB72, anh của Thái) giới thiệu tôi ở trọ trong 1 căn gác rộng hơn cái quan tài loại rẻ một tí, ở gần nhà anh ấy gần cầu Tham Tướng. Quần áo tôi mặc lúc đó đều mang qua nhà anh Tòng giặt ủi, vì gia đình anh lúc đó là tiệm giặt ủi. Chính trong thời gian này, tôi đã mời được 1 ông giáo sư người Mỹ tên Beiler (?) - ông này có một bộ râu quai nón cắt tỉa rất đặc biệt - qua dạy tiếng Anh cho ĐCV Vĩnh Long. Ông giáo sư này nguyên là mục sư, dạy tiếng Anh ở Đại Học Cần Thơ... Hoàn toàn không cho gia đình hay biết khi rời ĐCV, nên chỉ sau mấy tháng ngắn ngủi, không có tiền trả tiền học, tiền nhà trọ, tiền giặt ủi... không có cách nào cầm cự nữa, tôi âm thầm bỏ Cần Thơ lầm lủi trốn về Saigon...
- Đi Saigon lần này, ở nhờ nhà ông chú ruột, chỉ vỏn vẹn 1 bộ đồ duy nhất (vì trốn nợ nên đâu dám xách theo món gì), trong tay duy nhất chỉ cầm 1 bức thư viết tay của Cha Nguyễn Huy Cẩm (Cha giáo TCV Vĩnh Long và là Giám Đốc Ban Truyền Thông Xã Hội GP Vĩnh Long). Bức thư giới thiệu với Cha Thanh phụ trách TTXH Saigon lúc bấy giờ để tôi có thể vào học Khoa Truyền Thông Xã Hội tại Đại Học Minh Đức. Tôi cũng chẳng nhớ tên họ đầy đủ của Cha này, chỉ nhớ lúc đó có 2 Cha tên Thanh, Cha Thanh kia chuyên biểu tình chống tham nhũng. Tình hình chính trị, xã hội lúc đó rối ren, lộn xộn, nên dù nhẫn nại nhiều lần tôi vẫn không gặp được Cha Thanh. Ngày thi tuyển tới gần, tôi quyết định ghi danh thi vào khoa Truyền Thông Xã Hội ĐH Minh Đức. Phân khoa này gồm 2 ngành Báo Chí và Điện Ảnh. Tôi đã đậu vào ngành Đạo Diễn Điện Ảnh. Từ đó, tôi đã quên căn gác trọ cầu Tham Tướng, quên mấy bộ đồ bỏ giặt ủi ở nhà thằng bạn cùng lớp.
- Mấy tháng sau đó, ghé ĐH Văn Khoa thăm thằng bạn - Tùng Hòa Hưng - cùng lớp thời TCV, hắn đang trong ban Chấp Hành ĐH Văn Khoa. Trưa về, đang đứng đón xe bus trước trường ĐH... tôi nghe tiếng kêu "anh Tâm" và một bàn tay vổ nhẹ trên vai. Quay lại nhìn. Trời đất quỉ thần ơi! Thằng Thái. "Anh đi đâu mất biệt vậy?" hắn hỏi tôi với nụ cười phát ghét (hihihi... lúc đó cho dù hắn có nụ cười thế nào đi nữa cũng thấy ghét). Tôi lí nhí phân bua, kể lể sự tình... "Trời ơi có gì đâu anh, anh em không mà! Khi nào có dịp về anh ghé nhà lấy quần áo, còn để nguyên cho anh đó." Chiếc xe bus vừa đến, tạ ơn trời phật, tôi gật đầu cám ơn Thái và dọt lên xe thật lẹ. Và lần này tôi quên hẳn cái căn gác chật hẹp, quên hẳn mấy bộ đồ giặt ủi và cả những người bạn ở Cần Thơ ngày nào.
- 40 năm sau. Trên xe từ Tắc Sậy về Cần Thơ, Cha Tiếng điện thoại bốp chát với 1 người bạn nào đó hẹn sẽ gặp nhau tối nay khi xe về tới bến Ninh Kiều. Cha Tiếng kể tôi và Thành Võ nghe về người bạn này, học cùng lớp từ thời TCV, đã lâu lắm rồi không gặp. Bây giờ sẳn dịp này, bạn bè gặp nhau chắc vui lắm... Nhưng khi về tới Cần Thơ, trời mưa không dứt, nên anh em đành hẹn lại dịp khác... Tối hôm ấy, trời mưa rỉ rả, 3 anh em ngồi uống cafe, Cha Tiếng lại nhắc thằng quỉ bạn cố tri kia, Cha nói nhà nó ở gần cầu Tham Tướng, xưa là tiệm giặt ủi, anh nó tên Tòng có lên ĐCV Vĩnh Long... Tạ ơn Chúa vì cơn mưa tối nay. Tôi sửng sờ lẩm bẩm: Tạ ơn Chúa, tạ ơn Cha Diệp, lại thằng Thái.