TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (9)
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ sáu, 27 Tháng 2 2015 15:10
- Lượt xem: 2183
TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (9)
Hồi ký
[Anh Thành thân mến, đêm nay em đang ở Cả Nổ, nơi cũng đã từng lưu dấu chân anh. Anh biết rồi, ở đây khung cảnh thật vắng lặng… Trong sự vắng lặng của đêm thâu giữa mênh mông đồng ruộng, em như nghe rõ tiếng anh từ quá khứ vọng về, mường tượng anh vẫn như đang lẩn khuất đâu đây trong thế giới huyền hoặc “người chết nối linh thiêng vào đời”, làm no đầy niềm hy vọng và nỗi đau thương mất mát… Em cần sự yên tĩnh để viết lại những dòng cảm xúc trào tràn trong giây phút đón nhận hung tin về chuyến ra đi cuối cùng của anh… trước khi tất cả rồi cũng lắng chìm vào dĩ vãng trong dòng đời nghiệt ngã của kiếp nhân sinh, cho anh đã đi qua, và cho em một ngày nào đó… Cả Nổ, một đêm mưa 09.03.2012]
Thành Võ an nghỉ
13. MÙA XUÂN XUM HỌP CUỐI CÙNG
Đồ đạc tôi dùng hơi bị… “ngổn ngang”, nói rõ hơn là tôi bày ra thì nhiều, mà sắp đặt cho có trật tự ngăn nắp thì ít, đó là một trong những khuyết điểm “dễ thương” mà nhờ đó anh Thành có “công ăn việc làm” ! (anh Thành thường hay nói đùa như vậy). Vì nó ngổn ngang, nên khi cần cái gì, thì hay đi kiếm, nó cứ hay lộn tới lộn lui hoài.
- Anh Thành, anh có thấy cuốn lịch Công Giáo em vừa mới xem ở đâu hông ?
Ảnh đứng lên, lục lục một hồi là có… Có khi đang đọc một cuốn sách, ai đó xin lễ, lại tủ lấy cuốn Sổ Lễ ghi vào, rồi bỏ luôn cuốn sách vừa đọc vào tủ, đến khi muốn đọc tiếp, không biết ở đâu mà kiếm.
- Anh có thấy cuốn sách nho nhỏ em đọc hồi nãy không ? Không biết ở đâu rồi !
Anh đi tới đi lui một lúc, rồi lại mở tủ :
- Phải cuốn này hông ?
- Đúng rồi ! Hay vậy trời !
- Hay gì, lúc nãy thấy Tiếng lại mở tủ, nên mình lại đó kiếm cầu may vậy mà ! Ha ha…
Có khi đi làm lễ về, có giáo dân vào dâng tiền xây dựng nhà thờ, mặc áo dòng ghi ghi chép chép vào sổ sách, xong cởi áo dòng máng vào trong buồng.
Một lúc sau có việc ghi chép, đi lục kiếm hoài ở trên bàn mà không thấy.
- Kiếm gì vậy ?
- Trời ơi, cái kiếng mới tức thì đây mà bỏ đâu, hổng biết !
Anh Thành cũng đi tìm! Bổng nhiên ảnh vào trong buồng (phòng kế bên) một lúc, rồi trở ra trên tay cầm cặp kiếng :
- Ủa, ở đâu trổng vậy anh Thành ?
- Ở trong túi áo dòng !
- Trời ! Chắc anh là “đệ tử” của Thánh An-tôn (Pa-đô-va) quá...ha ha ...
Anh Thành nhiều lần kể tôi nghe, hổng biết ảnh vô tình hay có ý “khuyên” tôi, nhưng chắc là vô tư “có sao nói vậy” thôi, tánh ảnh không có “màu mè” gì đâu:
Mấy đứa nhỏ ưa hỏi mình:
- Ba lên chú Tiếng thường làm gì, ba ?
- Ba chỉ làm mỗi một việc là kiếm đồ dùm cho chú Tiếng của con !
Rồi ảnh cười ha hả !
Nhiều khi ảnh lên, cái chõng để riêng dành cho ảnh, tôi chất đồ tùm lum, trước khi ngủ, hai anh em xúm lại dọn dẹp:
- Để cho mình, Tiếng làm gì làm đi…
- Để em tiếp anh mới được, để một mình anh dẹp, khi anh về, em không biết đâu mà kiếm à !
HAI KỶ VẬT CUỐI CÙNG:
1. Con phượng hoàng bằng gỗ
2. Con ngựa trắng bằng đá
Mùa Xuân đến, đúng hẹn, chúng tôi gặp nhau.
Trước Tết, tôi không hiểu sao lòng không vui lắm. Mỗi năm, thường có người lo về hoa kiểng tặng cho tôi một chậu hoa nhỏ chưng ở bàn, nhưng năm nay tôi đặt chậu hoa nhỏ trên bàn đá (bộ bàn ghế loại “ghế đá công viên”) đặt ngoài sân. Tôi dọn dẹp bàn làm việc trống trải, lau chùi sạch sẽ để đón Tết. Tôi tìm một cái gì đó để chưng trên bàn cho có vẻ “khác ngày thường” một chút.
Trên cái TV, tôi thường để mấy món quà nho nhỏ của ai đó tặng.
Tôi lấy xuống con đại bàng bằng gỗ mà anh Thành mới tặng cho tôi dịp 10 năm linh mục. Anh thích câu chuyện “cái trứng nở ra con đại bàng” trong bài “Không ngừng vươn lên” ở chuyên mục Nghệ Thuật Sống. Anh thường bảo tôi nếu có điều kiện, nên tuyển chọn lại một số bài “Nghệ Thuật Sống” in thành sách để dành tặng cho Giới Trẻ thì hay lắm. Tôi cũng đồng ý với anh, nhưng vì nhiều lý do, chưa thực hiện ý muốn của anh được !
Tôi lau chùi “con đại bàng gỗ”, nhưng sau đó trả nó về chỗ cũ, và lấy xuống con ngựa bằng đá trắng. Màu trắng trong sáng có vẻ phù hợp không khí “Tết” hơn. Con ngựa này anh Thành mua tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ Tp. Cao Lãnh tặng tôi. Hôm ấy hai anh em ghé tiệm sách, trong tiệm sách này có một góc bán đồ mỹ nghệ. Tôi thấy trên kệ có con ngựa đẹp, tôi bảo anh:
- Em tuổi con ngựa đấy. Sinh năm Giáp Ngọ.
Thật tình tôi không có ý mua, tôi chỉ nói thế. Tôi không thích chưng cái gì trên bàn, vì bình thường, trên bàn làm việc của tôi đã tùm lum đồ rồi !
Anh đứng ngắm nghía một hồi, coi bảng giá, rồi kêu người bán hàng gói hai con ngựa.
- Anh mua chi hai con vậy !
- Thì… “song mã’ mà ! Cờ tướng đi “song mã” đấy… ha ha… con đực, con cái… Mua tặng Tiếng để trên bàn cho vui. Tuổi “Ngọ” mà ! Hà hà…
- Thôi, thôi, nếu anh muốn vậy thì mua một con thôi…
Thấy trên kệ người ta chưng một cặp, nên tôi hỏi người bán hàng :
- Bán một con không vậy cô ?
- Dạ, bán chớ !
Anh nhìn tôi :
- Sao vậy? cũng rẻ mà !
- Không. Trời ơi, sống như em là “đơn thân độc mã”, mua hai con đâu có ý nghĩa gì !
Rồi cả hai cùng cười.
Và tôi chưng con “bạch mã” mà anh tặng vào cái Tết “Nhâm Thìn” này.
Rồi 3 ngày xuân cũng đi qua…
Chiều ngày Mùng Ba Tết, tôi bước ra hòn non bộ phía sau nhà, chợt thấy một cây mai nhỏ trong chậu đang đầy hoa nở và có nhiều hoa búp, loại hoa mai này có nhiều cánh hơn mai bình thường, tôi thích thú, đem cây mai ra đặt dưới gốc cây phượng già. Tôi nghĩ bụng:
- Ngày mai anh Thành, và Tâm Lê lên, sẽ thấy không khí Xuân ngay khi vừa ngừng xe trước cửa phòng mình..
Thứ Năm, Mùng Bốn Tết Nhâm Thìn.
Không như Tết năm ngoái, năm nay chúng tôi quanh quẩn ở trong nhà, “trà dư tửu hậu” với vài người thân và tán gẫu với nhau đến nửa đêm.
Ở An Long có một bà lớn tuổi hơn mẹ tôi, bị tai biến nhẹ, bà ấy quen thân với mẹ tôi, tôi cho mẹ tôi hay, mẹ tôi muốn qua thăm “bạn già” với nhau, sẵn cũng lâu rồi, không qua tôi chơi. Mẹ tôi nghỉ qua đêm, và sáng hôm sau, tôi nói mẹ tôi trưa trưa hả về, anh Thành sẽ lên, sẵn cho anh Thành thăm má luôn. Không ngờ, đó là lần sau cùng mẹ tôi gặp anh Thành.
Tết nhứt nên không có “học hành” gì, tôi chỉ nhờ anh Tâm Lê lưu lại toàn bộ chương trình canhdongtruyengiao.net vào một laptop khác, để phòng khi có sự cố công việc phục hồi có thể nhanh chóng.
Hôm ấy Cha Ngọc cũng xách Laptop qua, xem cái gì đó với anh Thành.
Nhìn trên bàn, Laptop ba bốn cái, tôi nói đùa với anh Tâm Lê.
- Anh Tâm Lê chụp hình cảnh làm việc của tụi mình đi, rồi đưa lên web bảo rằng: “Ê-kíp canhdongtruyengiao.net đang khẩn trương làm việc… trước khi “dẹp tiệm” !
Anh Tâm Lê bảo:
- Đúng rồi ! Không bao lâu nữa thì 3 năm rồi !
- Trời ! Thấy vậy mà mau quá nhỉ ! Anh post hình ghi lại cảnh này, đọc giả cứ nghĩ mình làm việc dữ dằn, ai dè… toàn xúm lại “nói dóc” không !
Thứ Sáu, Mùng Năm Tết Nhâm Thìn.
Ngày hôm sau, khi ăn cơm trưa, có cả chú Lái (trẻ nhất trong anh em chúng tôi) một ông biện rất thương anh Thành, qua chơi. Chúng tôi uống vài ly rượu Xuân. Chú Lái rủ anh Thành ở lại, mai về, nhưng anh Thành không chịu. Anh bảo anh về còn đưa mấy đứa nhỏ đi chơi Tết.
Vào khoảng gần 2g chiều, chúng tôi uống cà-phê.
Một chút sau, tôi thấy anh Tâm Lê dọp dẹp máy móc, rồi về phòng. 2g15 là tôi thấy anh Tâm Lê ngồi tại chõng của anh Thành trong “tư thế”… sẵn sàng về !
Lúc ấy tôi lấy làm lạ, thường những lần trước rất thong thả, khoảng 3g chiều mới về, có khi tôi còn đốc thúc về, vì anh Thành chạy xe ban đêm không được. Anh nói bị đèn xe ngược chiều chóa mắt anh khó chạy lắm ! Anh chạy xe chậm, trung bình chừng 45 km/g. Từ An Long về Sa-Đéc khoảng gần 80 Km, phải qua Bắc Cao Lãnh.
Sau khi anh Thành mất, tôi hỏi anh Tâm Lê bữa đó sao có vẻ “nôn” về vậy, thì anh Tâm Lê nói rằng anh Thành dặn trước rồi, là 2g về, ghé Thanh Bình uống Cà Phê.
Ở nhà xứ, sau những cuộc lễ, khi tất cả ra về, rất vắng lặng !
Cũng thế, mỗi lần anh em chúng tôi “họp mặt”, cười giỡn ồn ào, có mấy người mà ầm ầm như cái chợ, khi anh em về rồi, vắng lặng như tờ !
Khi anh em ra về, không gian căn phòng như rộng ra, tôi trở về với một thực tại mà nhiều khi… nhờ vị đắng cà phê mà lòng đỡ xót xa…
Cú điện thoại cuối cùng…
Khoảng 8 giờ tối…
Thường anh Thành có thói quen gọi tôi vào khoảng 8g tối. Khi tôi hỏi anh đang làm gì, anh thường bảo rằng đang xem TV với bé Thủy (Phương Thủy, con gái út của anh). Phương Thảo đi làm, có khi có “ca” đêm, về rất khuya.
Ngược lại, tôi hay gọi anh vào khoảng 6g sáng. Vì giờ đó, là giờ tôi làm lễ xong, về phòng, tự nấu nước nóng và pha cà phê đen gói (vừa mau, vừa khỏi mất công rửa phin cà phê). Chắc chắn là giờ đó anh Thành cũng đang uống cà phê. Tôi ở đây uống cà phê một mình, anh ở đó cũng đang uống cà phê một mình !
Điện thoại reo…
Nhìn thấy số lạ, tôi không muốn bắt máy… Nhưng nhìn kỹ số điện thoại, sao tôi thấy quen quen…
- Alô.
- Ha ha … khỏe hông ?
- Ủa, anh hả anh Thành ?
- Ừa, khỏe hả ?
- Anh xài điện thoại ai vậy ? Điện thoại anh đâu ?
- Ha ha… Điện thoại này của con Thủy.
- Trời ơi, may thôi em không bắt máy rồi đó ! Điện thoại anh đâu, anh không điện ?
- Hết hạn rồi !
- Hết hạn gì ? Hết tiền thì có ! cái tật của anh nạp tiền vào điện thoại cứ nhín nhín là vậy !
Tôi nói như vậy, là vì nhiều lần, tôi đưa tiền cho ảnh nạp tiền điện thoại, lần nào ít nhất cũng một trăm ngàn, thường là hai trăm, ba trăm ngàn. Tôi luôn căn dặn ảnh : có gì ở nhà anh phải thường xuyên gọi cho em nhen. Nhưng lần nào, ảnh cũng nạp năm chục ngàn đồng, rồi đưa tiền lại, tôi không lấy, bảo ảnh để hút thuốc đi. Gần như lần nào cũng lập lại y chang như vậy !
Đâu phải ! Ha ha … tiền còn, mà tại hết hạn sử dụng rồi…
Anh nói gì mà em chả hiểu !
Thật tình, tôi không biết cái vụ tiền nạp vào điện thoại, sau một thời gian quy định phải gọi cho hết số tiền đó, nếu không, dù số tiền đó còn trong tài khoản cũng không gọi được !
Anh Thành lo cắt nghĩa, tôi sợ tốn tiền điện thoại của ảnh, nên nói “vậy hả ?” cho qua.
- Anh về nhà lúc mấy giờ, khỏe không ? Sao gọi em trễ vậy ?
- Sáu giờ mấy hà, khỏe re. Lúc đó tính gọi Tiếng, nhưng nhớ giờ đó chắc Tiếng đang làm lễ, nên thôi.
- Lúc nào tiện anh sắp xếp lên dẫn Tùng xuống anh chơi đó nhen… Nó chờ anh đó !
- Ok. Nhớ rồi.
- Anh đang làm gì ?
- Đang xem truyền hình với con Thủy. Nó đang ngồi kế bên nè !
- Ừa, thôi nhen ! Nói hoài hết tiền điện thoại của nó, nó cự anh đó !
- Ha ha… Rồi, ngủ ngon nhen …
- Ok. Đi đường xa về, anh nghỉ sớm cho khỏe nhen…
- Ha ha…Rồi !
Thứ Bảy, Mùng Sáu Tết Nhâm Thìn.
TIẾNG SÉT BÊN TAI
Lúc ấy vào khoảng 7g30, sáng Mùng Sáu Tết, tôi đang ngồi post bài Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên lên trang web canhdongtruyengiao.net.
Có tiếng điện thoại reo… số điện thoại của Phương Thảo, con gái lớn của anh Thành. Tôi nhận ra ngay số điện thoại này, vì Phương Thảo thường gọi điện thoại cho tôi hơn Phương Thủy. Vì lúc ấy tôi và anh Thành thường xuyên liên hệ nhau, nên tôi không lưu số điện thoại của mấy đứa con ảnh.
- Alo, Phương Thảo hả ?
- Bố ơi… ba con chết rồi …(khóc)
Trời ơi, tôi không thể tưởng tượng nổi !
Cái gì vậy Trời ? Tôi không tin vào lổ tai mình !
Suốt cuộc đời tôi, chắc không bao giờ tôi quên được giây phút sững sốt này. Có câu: “nghe như sét đánh bên tai”, bây giờ tôi mới thật sự thấm thía ý nghĩa của nó. Tôi nói như hét vào điện thoại:
- Cái gì ? Con nói cái gì ?
- Ba con chết rồi, bố ơi … (khóc…)
- Cái gì ? Sao vậy ?
Tôi chẳng biết mình có ý hỏi gì, đó chỉ là một phản xạ nhất thời như “loạn trí !”.
- (Khóc…) cúp máy.
Trong một phản ứng nhanh nhẹn chưa từng có, tôi bấm qua số máy của anh Thành. Tên Thành vần T, nên tôi ghép chữ A ở đầu tên anh trong danh bạ điện thoại của tôi để tìm cho mau. “ATHANHsadec”.
Tên anh Thành thứ 12 trong danh bạ điện thoại di động của tôi (Tâm Lê số 1: AaTÂMWEB), lúc ấy tôi quên mất chữ A mình đã cài ở đầu tên anh, dù đã bấm không biết ngàn lần nào, mà khi đó cứ bấm vần T hoài. Bấm chạy lên, bấm chạy xuống, bàn tay tôi run lên không kềm lại được, cái phím điện thoại lúc ấy lại quá nhỏ, tôi bấm hoài mà không vào được số anh Thành. Cho đến khi sực nhớ lại chữ A, chữ “ATHANHsadec” hiện ra “thân thiện” và “dễ sợ” hơn bao giờ hết, tôi bấm vào, mong đợi tiếng nói của anh Thành sẽ đập tan cơn ác mộng vừa mở đầu.
Tiếng máy reo… Chờ đợi… Trái tim tôi muốn văng ra khỏi lồng ngực…
Tôi cơ hồ bước vào ảo ảnh, nghe như tiếng anh Thành đang vọng bên tai : "A lô... Ha ha... Khỏe hả ?"
Nhưng không... Không có tiếng anh Thành...
Tiếng Phương Thủy nghẹn ngào y như chị nó :
- Bố ơi… Ba con chết rồi (khóc…) Ba con chết rồi…Bố ơi… (khóc…)
- Tụi con bình tĩnh… bình tĩnh… chờ Bố xuống nhé…
- Dạ… (khóc…cúp máy…)
Tôi điện ngay cho Tâm Lê, nhưng vì lúc đó còn quá sớm, Tâm Lê thường chỉ mở máy sau 8 giờ sáng, nên tôi nhờ một người trung gian tìm cách liên hệ dùm để Tâm Lê đưa tin cho bè bạn khắp nơi...
Tôi chạy qua cho Cha Trung hay. Sau đó điện cho vài người thân cận để chuẩn bị cùng đi với tôi xuống Sa-Đéc.
Lúc đầu tôi định mướn xe con (ô-tô), nhưng sau chú Lái lấy xe nhà đi, nên tôi đi xe đó.
Ngày Ba tôi mất, buồn kinh khủng. Ba tôi chết kể là “trẻ”, mới 57 tuổi. Nỗi đau buồn làm tê liệt một đoạn đường đời vốn đang đầy thảm cảnh ! Nhưng Ba tôi mất không có yếu tố bất ngờ. Tôi nuôi bệnh Ba tôi một tháng ở Bệnh Viện, và đau đớn chuẩn bị đón nhận ngày tang tóc đến.
Còn anh Thành ra đi bất ngờ quá … Tiếng cười nói của anh Thành trong mấy ngày Tết ở An Long vẫn còn văng vẳng bên tai, tiếng nói anh Thành khi điện thoại vẫn còn tươi xanh trong lòng tôi chỉ cách mấy tiếng đồng hồ trước khi anh ra đi.
Ngồi trên xe… tôi ngớ ngẩn chờ đợi một cú điện thoại thay đổi thực tế.
Tôi cố bám víu vào óc tưởng tượng vu vơ, có thể nào mấy cô bé ngây thơ vì quá sợ hải đã lầm tưởng là Ba đã chết nhưng thực tế Ba chúng nó chỉ ngất lịm không ? Có thể nào anh Thành đang được đưa đi cấp cứu không ?
Tiếng điện thoại reo…
Một luồng cảm giác hy vọng bừng lên trong lòng tôi ! Tôi chụp vội điện thoại hồ hởi nghe như tên tử tội chờ đợi nghe lời xóa án.
- A lô… sao rồi con, Thảo ?
- Bố ơi, tụi con đi đặt quan tài hay sao bố ?
Tôi đau khổ... hạ thấp giọng xuống … buồn bã trả lời :
- Chờ Bố xuống…
- Bố đi đến đâu rồi Bố ?
- Bố đi hơn nửa đường rồi…
Giây phút gặp lại anh.
Tôi bước vào…
Anh Thành đang nằm nghỉ… Nghỉ an trong Chúa !
Anh Thành đang ngủ… Giấc ngủ nghìn thu !
Với những người thân yêu, người ta mong gặp lại, để được nhìn ánh mắt, lời nói lần cuối, dù lúc ấy, chỉ là ánh mắt nhạt nhòa, lời nói thều thào...
Dù lúc ấy, những cái nhìn, những lời nói làm đau lòng ta như cắt, thế nhưng ta vẫn mong muốn nghe, khát khao có những giây phút vĩnh biệt, hạnh phúc trong lệ nhạt nhòa, ấm cúng trong cõi lòng tan nát...
Tôi nhớ lại, một buổi trưa sắp vào hè ở bệnh viện, lúc ấy xem ra Ba tôi rất bình an, tôi và mẹ tôi ngồi bên Ba, Có một khoảng lặng rất lâu giữa ba người, bất ngờ Ba tôi nhìn qua mẹ tôi, rồi nói:
Bà ở lại ráng nuôi mấy đứa nhỏ nhé !
Mẹ tôi nhìn sang Ba tôi, tôi nhìn mẹ tôi, nước mắt mẹ tôi trào ra, ngay sau câu nói của Ba, mẹ trả lời gọn lỏn chỉ có “một chữ”, nghe như không có ý nghĩa gì :
Thôi....
“Thôi” là gì ? Có phải mẹ tôi không đồng ý “nuôi” chúng tôi ? Hay mẹ tôi muốn nói rằng : “Ông đừng bỏ tôi một mình...”. Tôi hiểu mẹ, tôi đọc được trong cõi thâm sâu nhất của lòng mẹ tôi, mẹ tôi muốn nói với Ba tôi : “Ông phải sống !”.
Nhiều lần, khi đưa thuốc cho Ba, tôi khóc, Ba tôi nói :
Con đừng khóc. Con trai gì khóc hoài...
Con tim gỗ đá nào cũng có lúc mềm yếu...
Nếu bấy giờ có một vài giây phút cuối bên anh, tôi quỳ xuống bên giường anh, nắm lấy tay anh, tôi sẽ gọi :
- Anh Thành !
Anh sẽ nhìn tôi. Trong lời thều thào trăn trối của anh, thế nào cũng có câu :
- Tiếng lo cho con mình nhé !
Anh rất thương con. Quá chiều chuộng con. Nên có nhiều điều, ở cái tuổi con anh, cách sống của các cháu như vậy là còn thiếu chững chạc về nhiều mặt. Có người bảo tại vì “cha già con muộn” mà ! Nhưng thật ra, anh cũng chưa phải “già lắm” sánh với tuổi con anh. Ở tuổi 63, mà đứa con út tuổi 17, 18 là sự thường, rất nhiều người như vậy.
Đứng bên anh… khó tả được tâm trạng tôi lúc đó…
Anh nằm lặng im, bình thản…
Khi tôi bình tâm lại, lúc đó tôi chợt nhớ bản nhạc “Donna donna”, mà hầu như bạn nào yêu thích nhạc cũng biết, nhất là giới học sinh - sinh viên trước 75.
Ánh đèn vàng hiu hắt…
Khói trầm cay đôi mắt…
Em nằm đó, sao môi cười thôi nói…
Dáng buồn còn vương nét,
Mắt huyền giờ đã khép…
Hai đứa nhỏ đứng bên tôi… Có rất nhiều điều tế nhị khi anh Thành nằm xuống… Hai đứa nhỏ bé bỏng quá. Tôi không khóc lúc đó. Tôi đã khóc trước rồi, bây giờ phải bình tĩnh giải quyết nhiều việc trước mắt. Tâm Lê kẹt công chuyện, nên hẹn ngày hôm sau mới đến. Tôi điện cho Tâm Lê biết những dự tính của tôi trong tang lễ anh Thành, và cho anh biết những điều rất tế nhị trước cũng như sau tang lễ của anh Thành. Anh Tâm Lê cũng đồng ý theo cách giải quyết của tôi, và nói sẽ thông báo cho bạn bè biết, đặc biệt là về tương lai hai đứa con của anh Thành sau này. Hy vọng, sau khi ba mất, các cháu sẽ biết tự lo và trưởng thành hơn.
Phương Thảo kể lại, theo như thường lệ như những ngày trước đó, anh Thành thức sớm, và gọi Phương Thảo thức dậy để chuẩn bị đi làm, nhưng sáng đó, anh không thức. Phương Thảo thức trước, nhìn vào mùng Ba, thấy cái mền vẫn động đậy, (Phương Thảo bảo, con cũng không hiểu sao, con thấy cái mền vẫn động đậy, vì thế con nghĩ rằng ba vẫn đang thở), nên cho là ba vì đi xa về mệt, nên còn ngủ. Phương Thảo để yên cho Ba ngủ, và đi làm.
Phương Thảo đã đến sở làm, rồi điện về, bảo Phương Thủy lên thăm Ba, rồi mua đồ ăn sáng cha Ba. Lúc ấy, Phương Thủy lên, mới phát hiện Ba đã chết.
Chiều đó, anh Thành cũng có đau bụng, nhưng uống thuốc rồi hết.
Góc nhà trên gác, nơi anh Thành ngủ và ra đi đêm ấy.
Chiếc thang lên căn gác.
Anh chết khi anh đang ngủ trên gác (lầu gỗ). Anh nằm trên chiếc chiếu tre, có cái quạt gần đó. Để đem anh Thành xuống gian nhà chánh (tầng trệt), người ta đã đặt anh vào cái võng và thả thòng xuống chứ không khiêng anh theo cầu thang, vì cầu thang bằng sắt rất yếu.
Cha sở Sa Đéc đến đêm trước ngày an táng, viếng xác anh Thành. Ngài nhường Thánh Lễ an táng anh Thành cho tôi:
- Anh là bạn thân, anh hãy dâng lễ tiển đưa bạn mình một lần cuối. Hôm qua nay tôi đã làm lễ cho anh ấy rồi, và sẽ còn tiếp tục làm lễ thêm cho anh.
Tâm Lê ghi hình.
Cha Giuse Trung và một số giáo dân Giáo xứ An Long.
Chia sẻ trong Thánh Lễ An táng anh Thành
Trong Thánh Lễ, tôi vượt qua nhiều lần xúc động, và Thánh Lễ không bị gián đoạn.
Cha Giuse Trung Làm phép huyệt.
Về lòng đất...
Sau Thánh Lễ, khi đưa anh Thành về khu mộ dòng họ Trịnh, Cha Giuse Lê Quang Trung cử hành nghi thức làm phép huyệt.
Sau khi chôn cất anh Thành xong, những người thân lần lượt ra về, tôi ở lại cùng với anh Hai của anh Thành, và thầy Tuấn. Đêm ấy, thầy Tuấn và anh Hai ngủ ở dưới tầng trệt, còn tôi ngủ trên gác.
Nằm ngủ trên gác, bên cạnh chiếc chiếu anh Thành nằm, tôi trải qua đủ thứ cảm giác, vừa sợ, vừa buồn, vừa nhớ, vừa lo… Nhưng, vì quá mệt, tôi mau chóng ngủ say, ngủ rất say…
Tôi giao việc xây mộ phần của Anh Thành cho anh Đức, anh vợ của anh Thành.
Rồi, tôi cũng phải trở về với cuộc sống đời thường thôi, với bổn phận và trách nhiệm của mình…
- Bố về nhen, tụi con.
- Bố ráng giữ sức khỏe nhen Bố…
- Khi nào tiện Bố thăm tụi con nha Bố…
Tôi khuyên chúng nó vắn tắt ít câu… và ra về…
Nhìn lại căn nhà thân yêu của anh Thành… Ôi, một mái ấm gia đình … đã trở nên lạnh lẽo lạ lùng…
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm …
Ngày 10.02.2012. Trở về thăm mộ anh Thành.
Một cú điện thoại reo:
- Anh Tiếng ơi, báo cáo cho anh hay, mộ chú Thành đã xong ! Về phần mỹ thuật, coi như đạt 90 phần trăm, tiền còn dư 90 ngàn, mình nhậu chơi với anh em xây mộ !
Đó là lời của anh Đức, anh vợ của anh Thành. Theo yêu cầu của Phương Thảo, con gái lớn của anh Thành, cô bé muốn ngôi mộ của cha mình hoàn toàn giống ngôi mộ mẹ. Về kiểu dáng và màu sắc có thể hoàn toàn giống, nhưng loại gạch có hoa văn y như gạch bên mộ chị Tràng thì khó tìm, qua đợt rồi, không thấy nữa, nên anh Đức mới bảo giống 90 phần trăm là vậy…
- Vậy là quá tốt rồi, cám ơn anh nhiều. Mai anh có ở nhà không, em xuống viếng mộ nhé !
- Được, anh xuống, tôi chờ anh.
Cha Tiếng bên mộ anh Thành
Bên mộ chị Thành
Chú Lái bên mộ Thành Võ.
Nguyễn Trịnh Phương Thủy bên phần mộ Ba
Khi vườn "Trịnh Chi Mộ", nơi đây, Thành Võ an nghỉ...
Khu “Trịnh chi mộ”, bên cạnh Chùa, phía sau, rất vắng lặng. Việc chôn cất anh Thành ở đây là theo ý muốn của Phương Thảo, cô bé muốn Ba nằm gần bên mẹ. Mộ anh Thành không nằm cạnh mộ vợ mình, mà nằm cách hai phần mộ khác.
Tôi đứng bên mộ anh… Buồn mênh mông…
Tôi tự an ủi lòng mình… Niềm đau này không chỉ riêng ai… Đó là kiếp nhân sinh…
Rồi, một lúc nào đó, không biết lúc đó mình có biết không nhỉ…
- “Ai đứng bên mộ mình ?”
(Còn tiếp)
_____________________________
Lại lời Tâm Lê phụ họa:
An Long - Khoảng 2 giờ trưa Mùng 5 Tết
Sau cơm trưa, anh Thành nói nhỏ với tôi: Ê, chiều nay về sớm nghen (tôi cũng không hỏi tại sao dù trước đây tới 3 giờ chờ cho trời nắng dịu một chút mới về). Lúc đó, Cha Tiếng đang ngã lưng nghĩ trưa trong phòng, anh Thành hỏi: Chiều nay mầy về Cù Lao Giêng rồi mai đi đâu? - Ngày mai em đi Long Xuyên vào Núi Tượng thăm Anh, Chị trong ấy và sau đó về Vĩnh Long thăm nhà. - Vậy chừng nào từ Long Xuyên về Vĩnh Long, có dịp ngang qua Sa Đec mày ghé nhà tao chơi - Không ghé được đâu anh, vì em phải trở lại Cù Lao Giêng lấy đồ đạc rồi về Vĩnh Long bằng ngã Cao Lãnh, An Thái Trung. (Thật sự từ mấy chục năm qua, tôi chỉ mới tới nhà anh Thành vào khoảng cuối tháng 12 năm 2007, đi cùng vài anh em CCS tại Saigon)... Sau đó, tôi thu dọn đồ đạc, khoảng 2 giờ 30, chào Cha Tiếng, 2 anh em rời An Long.
H. Thanh Bình - Khoảng 3 giờ hơn, trưa Mùng 5 Tết
Như mọi khi, 2 anh em ghé vào quán cafe (chẳng nhớ tên quán là gì, dù mỗi tháng ghé ít nhất 2 lần). Trước khi rời An Long, 2 anh em đã uống cafe trong nhà xứ, trời nắng nóng như thiêu, tôi không uống cafe mà lại kêu 1 cốc kem dâu, anh Thành lại không uống cafe đen mà lại kêu 1 ly kem dừa (chuyện này cũng lạ, vì anh Thành thì chuyên uống cafe đen). Nghĩ chân ở đây, 2 anh em lại trò chuyện. - Như vậy là ngày mai, anh dẫn mấy đứa nhỏ đi chơi Tết phải không? - Hà hà... có thể đi mà cũng có thể không. - Anh bỗng dưng nói như thế, dù sáng nay, chính miệng anh ấy nói ngày mai sẽ dẫn mấy đứa nhỏ đi chơi vì hồi Tết tới giờ chưa dẫn tụi nó đi đâu cả... Cũng bao nhiêu chuyện như mọi khi, anh em nói, cười đủ chuyện trên trời dưới đất. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, anh Thành giành trả tiền kem. Trước khi ra lấy xe, anh móc trong túi ra gói thuốc Bastos: Mầy bỏ túi đem về nhà hút - Anh cất đi, em còn thuốc đây mà... Lúc đó khoảng 4 giờ 30 hơn...
Bến đò Bình Thành - Khoảng gần 5 giờ chiềuMùng 5 Tết
Những lần trước đây, khi xe gần tới bến đò Bình Thành, anh Thành chạy lướt qua mặt tôi rồi quay qua nói: Hàhà... về vui nghen! Nhưng tôi còn nhớ rất rõ lần này, anh cũng cười nhưng nói: "Về bình an nghen". Tôi cười gật đầu chào: Hẹn tháng sau. Anh chạy xe về Cao Lãnh, còn tôi qua bến đò Bình Thành sang Cù lao Giêng.
Khoảng gần 8 giờ sáng Mùng 6 Tết
Cha Tiếng báo tin anh Thành chết... Như trong giấc mơ, tôi không nghĩ đó là sự thật, nhưng dọt miệng nói với Cha Tiếng: Anh đi Sa Đéc trước đi nhé, mình phải đi thăm Anh, Chị trong Núi Tượng, sáng mai mới chạy qua đó được... Miệng nói thế, tôi như người mất hồn, tay chân bủn rủn, không còn hứng thú đi đâu nữa. .. Cha Tiếng lại phone kiếm tấm ảnh của anh Thành, vì bên nhà hiện chẳng có tấm ảnh nào cả. Tôi quyết định không đi Long Xuyên, ngồi tại Cù Lao Giêng để tìm hình trong cái laptop làm di ảnh cho anh Thành. Mọi việc tốt đẹp, tôi gởi file ảnh qua Net cho Cha Tiếng để kịp làm khung ảnh cho anh Thành...
Tôi chợt nhớ lời anh Thành trưa hôm qua tại nhà xứ An Long: "Vậy chừng nào từ Long Xuyên về Vĩnh Long, có dịp ngang qua Sa Đec mày ghé nhà tao chơi."