TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (10)
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ sáu, 27 Tháng 2 2015 16:58
- Lượt xem: 2182
TÔI MẤT MỘT NGƯỜI BẠN (10)
Hồi ký
[14. CUỘC HỌP ĐẦU TIÊN VẮNG ANH.
Nhắc nhớ người thiên cổ…
Anh Thành đã đột ngột ra đi ngày Mùng 6 Tết, nhằm ngày 28.01.2012. Vào một ngày nọ, tôi nhìn vào tờ lịch, thế là gần một tháng trôi qua...]
Thành Võ đứng như một "pho tượng", nhìn về chân trời xa thẳm.
(Ảnh chụp tại Thạch Động, Hà Tiên).
14. CUỘC HỌP ĐẦU TIÊN VẮNG ANH.
Nhắc nhớ người thiên cổ…
Anh Thành đã đột ngột ra đi ngày Mùng 6 Tết, nhằm ngày 28.01.2012. Vào một ngày nọ, tôi nhìn vào tờ lịch, thế là gần một tháng trôi qua. Tôi buồn bã gọi Tâm Lê.
- A lô… Tháng này họp chứ, anh Tâm ?
Tôi nghĩ là anh sẽ trả lời: “Họp gì nổi nữa mà họp”, vì ảnh gởi e-mail tôi, thường kèm theo “mặc định” câu Thánh vịnh:
“Đời tiêu hao trong nỗi u buồn
và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than.
Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng, gân cốt con rời rã.” (Tv 31,11).
Nhưng không, anh vẫn mạnh dạn:
- Họp chứ, anh !
- Anh xem ngày nào tiện cho anh, thì cho mình hay nhé !
- Ok, sếp ! (Anh Tâm Lê ưa dùng tiếng ‘sếp’ với nhiều người khi gọi điện thoại. Không phải tôi nghe lén đâu, tại ảnh nói lớn tiếng nên tôi nghe vậy thôi! Có lần anh Thành ở An Long ngồi bên cạnh tôi, gọi điện thoại chọc ghẹo ảnh chơi, tôi cũng nghe ảnh gọi anh Thành bằng ‘sếp’).
Có người trong bọn tôi bảo: “Kỳ họp này chắc là buồn lắm! Vắng tiếng cười và cả tiếng hát của ảnh nữa…”
Tiếng cười thì có, chứ tiếng hát thì làm gì có ! Anh Thành mà hát cái gì đâu ? Những lúc ảnh vui, như vừa tắm xong mát mẻ, hay khi đi pha cà phê, thường ảnh hay hát: “tí ti tì… tí ti… tí tì.” Chỉ nghe có bao nhiêu đó, chưa có lần nào hơn ! Anh đặc biệt thích bài “Ly cà phê cuối cùng”. Lần nào uống rượu mà chỉ có mấy anh em quen thân thôi, anh cũng kêu cả bọn hát bài đó.
Anh cũng thích xem nhạc, nhất là mấy DVD nhạc hải ngoại. Tôi có người thân thường hay gởi cho tôi DVD Paris by night. Khi có đĩa nhạc mới, tôi thường chờ ảnh lên An Long coi chung. Khi xem, thấy ảnh cũng khen, cũng nhận xét, cũng “bình luận” về nghệ thuật dữ lắm, nhưng hỏi lại ảnh, thì ảnh chẳng nhớ gì đâu ! Đã nói rồi, ảnh chỉ quan tâm chuyện võ thuật !
Gặp nhau lần đầu tiên, ngày 27.02.2012, sau khi anh Thành ra đi, trước tiên chúng tôi “tổng kết” số tiền bạn bè anh Thành từ khắp nơi gởi về giúp hai con của anh. Cùng bàn nhau lo liệu thế nào cho hai đứa con của anh.
Thành Võ và đứa con gái lớn Phương Thảo, đang đi làm.
Thành Võ và đứa con gái út Phương Thủy, đang học lớp 12.
Hai đứa con anh Thành, hai cá tính khác biệt ngay từ nhỏ. Hai đứa đều là con gái, nên thật sự chúng tôi rất lo lắng. Cả hai đứa đều chỉ mới Rửa Tội, chưa Xưng Tội, Rước Lễ Vỡ Lòng. Khi chị Tràng chưa vào đạo, có dịp tôi cũng nhắc anh Thành nhiều lần về việc lo cho mấy đứa nhỏ nhận lãnh bí tích khai tâm, nhưng, một phần do anh Thành cũng hời hợt về vấn đề này, và một phần cũng nhiều lý do tế nhị. Gia đình anh Thành thuộc Họ đạo Sa Đéc, Giáo phận Vĩnh Long.
Tôi có nói anh Tâm Lê, anh quen với bạn bè anh Thành, nhớ nói cho mấy anh em biết những khó khăn của tụi mình nhé, để lỡ mai sau, nếu có gì không ổn, bạn bè anh Thành sẽ không trách tụi mình !
Tâm Lê và Cha Tiếng họp mặt lần đầu ngày 27.02.2012, sau khi anh Thành mất.
(Cái giường, chiếc dép dưới nền gạch... bàn để nước, ly, bình trà, café... vẫn gợi nhớ hình ảnh anh Thành những lúc gặp nhau ở An Long. Chỗ Tâm Lê đang ngồi trong ảnh cũng là chỗ ngồi mọi khi của Thành Võ - Lời Tâm Lê)
Sau đó, câu chuyện xoay quanh những kỷ niệm về Thành Võ. Những bức hình quá khứ của anh chưa được biết đến.
Anh Tâm Lê “mới tìm ra được” (tôi chưa từng thấy mấy bức hình này! không biết anh Tâm Lê cất dấu làm cái gì nhỉ?), bức hình chụp lần đầu anh em chúng tôi gặp nhau ở An Long ngày 30.08.2008. Lúc ấy chủ yếu đang lo việc design mẫu Nhà thờ An Long, và in thư kêu gọi giúp đỡ Giáo xứ An Long.
Còn việc hẹn gặp nhau thường xuyên là sau khi website canhdongtruyengiao.net hoạt động.
Cuộc họp mặt đầu tiên tại An Long, ngày 30.8.2008
Ngày 30.8.2008
Tôi ngậm ngùi nhìn bức hình… “ba người”, và chợt nhớ bản nhạc “Ly cà phê cuối cùng” mà anh Thành yêu thích ! Đây là hai bức hình hiếm hoi (dường như chỉ có hai bức hình này?) mà ba anh em chụp chung và chụp kiểu “cận ảnh” như thế.
Cuộc họp cuối cùng, Mùng 4 Tết Nhâm Thìn 2012, trước khi anh Thành mất không có bức hình nào lưu lại. (tôi nhớ là anh Tâm Lê hôm ấy không có lấy máy đi “săn ảnh” như những lần đến An Long trước đây, và tôi cũng không có chụp bức hình nào).
Bức hình mới nhất của anh Thành có lẽ là bức hình ảnh chụp vào dịp Tết Tây năm 2012 của HP gởi cho tôi. Nói một cách khác, đó có thể là bức hình cuối cùng anh Thành chụp khi còn sống.
Hình Thành Võ chụp vào dịp Tết Tây 2012.
Anh Thành đã liên lạc được với anh Tâm Lê bằng cách nào? Anh Thành không nhớ rõ. Tôi cũng không nghe anh Thành nói về việc Tâm Lê có ghé thăm anh ! Trong những lần họp mặt ở An Long, sao không nghe hai người nói gì về chuyện này ! Và cũng chưa từng thấy anh Tâm Lê “công bố” mấy bức hình mà ảnh ghi được ngày đầu tiên đến nhà Thành Võ!
Ngày 23.04.2008, tôi và anh Thành gặp Tâm Lê tại một quán cà phê ở Sài Gòn, do anh Thành “mai mối”, nhưng vẫn không biết làm sao ảnh “bắt được” Tâm Lê.
Sau cái chết của anh Thành, anh Tâm Lê “mới tìm ra được” (lại ‘mới tìm ra được’ !) bức hình ảnh chụp Thành Võ đang ở tại nhà, khi anh Tâm Lê và một số bạn bè ghé thăm vào mùa Noel 2007 ! Chính xác là ngày 23.12.2007 !
Nhóm anh em CCSVL tại Saigon tìm thăm Thành Võ tại nhà riêng ngày 23.12.2007
Ngày 23.12.2007, lần đầu tiên Anh em CCS tại SG đến nhà Thành Võ kể từ sau 1975
Và, anh Tâm Lê cũng “mới tìm ra được” hình ảnh anh Thành “bê rổ” ("bưng" cái rổ cho người ta bỏ bao thơ tiền vào) trong dịp tôi làm lễ ở Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn 07.02.2009. (kỳ đó là xin tiền cho giáo điểm Hồng Ngự chứ không phải cho Cả Nổ như tôi đã viết trong bài hồi ký trước, trên rổ thấy rõ chữ Hồng Ngự. Sau này Cha Trung đã đến đây để xin cho Cả Nổ).
Thành Võ đang "bê rổ" ở Nhà Thờ Đức Bà, Sài Gòn.
Thành Võ và Quảng Trọng Hiển tại Nhà Thờ Đức Bà, Sài Gòn
Quảng Trọng Hiển và Cha Tiếng tại Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn
Giữ kín chuyện anh Thành
Cho tới khi tôi đang viết những dòng chữ này, mẹ tôi chưa biết anh Thành đã chết ! Mẹ tôi bị bệnh huyết áp cao (tension), nên trong nhà bàn nhau dấu mẹ.
Mấy lần anh Thành ghé nhà chơi, nhậu nhiều, mẹ thường cản: “Để thầy Thành còn về nhà, có hai đứa con gái, bỏ nhà lâu không nên !”
Em trai kế tôi nó bị bệnh, thường thích xuống anh Thành chơi. Anh Thành hứa với nó qua Tết lên nhà thăm mẹ tôi, và chở nó về Sa - Đéc chơi. Nó soạn đồ chờ anh Thành lên chơi đưa nó về Sa-Đéc. Hôm rồi, có lần nó hỏi sao anh Thành lâu quá không lên, em gái tôi trả lời tại vì ảnh có công việc đi xa, nên chưa về. Không cho đứa em này biết, vì sợ “tánh khí” của nó bất thường, có thể nó sẽ nói cho mẹ biết !
Thành Võ đã đi rồi…
Không một lời từ biệt …
Có những “mảng tối” không rõ lắm về cuộc đời anh, anh có năng lực, nhưng nói chung, cuộc đời anh không có duyên với chữ “thời”. Nói một cách giản dị hơn: “Anh không gặp thời!”. Có câu: “Bôn ba chẳng qua thời vận”. Rõ ràng “thời vận” của anh chưa đến, và … đã không đến!
Trong cái ‘không có duyên với chữ thời ấy’, có lúc, rõ ràng, anh đối diện với tình đời bội bạc. Có người, tôi biết, trong thời điểm căng thẳng nhất, anh đã sẳn sàng sống chết với họ, nhưng sau này, dù họ thừa mứa khả năng giúp đỡ anh, nhưng, thật đắng cay thay, họ lại không mặn mà gì với anh. Tôi đã nghe anh tâm sự điều ấy nhiều lần, sự giúp đỡ chỉ là “lời hứa”! Kẻ hứa “suông” thường là hứa “suốt”! Kẻ hứa “suốt” thường là hứa “suông”!
Anh kể lại với tôi, một người mà anh xem như là thần tượng, đã hỏi anh:
- Nhà mầy dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu?
Anh kể ra con số, người ấy nói:
- Chật chội lắm !
Rồi người ấy phán một câu cứng sảng:
- Để tao lo cho… tao sống sao, mầy sống vậy!
Anh vừa nói dứt, tôi liền cười to ! Câu nói ấy lớn lao quá, bao la quá, nên cuối cùng… chẳng có gì !
Lời hứa to nhất thường là lời trống rỗng! Nhiều lần anh cũng kể cho vợ anh những lời hứa hẹn tương tự như vậy với đầy hy vọng, chị ấy kể lại cho tôi nghe, rồi chị lắc đầu:
- Anh Thành tin người ta lắm!
Đúng vậy ! Tội nghiệp anh ! Anh tin người ta đến khi anh nhắm mắt!
Nhưng biết vậy thôi… Anh chẳng buồn trách gì đâu, nhiều khi vợ anh trách anh:
- Anh quá “thật thà”, tin người ta quá!
Anh cười hề hà… rồi “cho qua”! Tánh anh là vậy!
Kể ra đây việc này, không có ý gì, ý gì nữa bây giờ, anh Thành đã ra đi rồi, tất cả đã hết ! Kể chút “kỷ niệm” này để hiểu thêm tấm lòng của Thành Võ thôi!
Lòng anh thanh thản…
15. LỜI KẾT
Dành cho bạn đọc…
Trước tiên, xin cám ơn bạn đọc, đặc biệt là bạn bè của anh Thành, những anh em đã theo dõi hồi ký này.
Tất cả từ hai người xa lạ, dòng đời đẩy đưa quen thân nhau, kết thành “một chuyện tình” trong veo - Tình Bạn - đã được trải lòng trên những trang Hồi Ký chân thật, không có lồng ghép vào đây bất cứ một ý đồ gì, ngoài việc xin được trưng bày nơi đây một bức tranh tình bạn, được vẽ nên từ muôn sắc màu cuộc sống, với đầy đủ những cay đắng ngọt bùi…
Nước mắt và nụ cười, nỗi đau và niềm ngọt ngào xuyên suốt cuộc hành trình của hai cuộc đời hai số phận, được kết tinh thành viên ngọc “Tình Bạn” quý báu, âm thầm và nhỏ bé nhưng bất tử với thời gian.
Thế là hết ! Buồn làm sao !
Như bất cứ chuyện tình nào đi vào dĩ vãng, cũng có nỗi nhớ, niềm luyến thương của nó…
Tình “bạn trăm năm”, hay “tình bạn bè”. Tình yêu “lứa đôi”, hay tình yêu “bằng hữu”. “Lòng mẹ” hay “Tình Cha”… vẫn như nhau, để gìn giữ vẻ đẹp cao quý cho tình yêu, luôn có những lần giọt lệ tràn mi và con tim rỉ máu…
Tất cả đã đi vào dĩ vãng…
DĨ VÃNG
Ta muốn khóc to lên, nhưng lòng còn sợ
Hồn sẽ đau nếu mơ gặp lại người.
Cõi thần tiên muôn đời ôi nấm mộ
Yêu dấu và như quên lãng từ lâu
Nơi an nghỉ một thiên sầu kỷ niệm!
Sao ngươi sợ niềm cô đơn trước mặt,
Bạn lòng ơi sao mãi nắm tay ta?
Con đường đó đã nằm trong tâm thức
Ta đi về như bám dấu chân quen.
Kìa đồi cao, kìa thạch thảo đơm bông
Và những bước ngọc ngà trên cát lặng.
Cõi tình ái âm vang đầy khắp chốn
Đôi tay người quyện lấy cả hồn ta
Kìa thông xanh, xanh một màu ảm đạm
Lưng đèo sâu mệt mỏi uốn quanh co.
Những bè bạn của một thời hoang dại,
Tiếng thì thầm ru ngủ những ngày xanh.
Kìa những lùm cây, nơi cả tuổi thơ
Như chim hót reo vang cùng tiếng bước,
Chờ đợi ta không
Những chốn thiên thần,
Sa mạc đẹp nơi người tình ta đến?
Hãy cứ chảy hỡi những dòng nước mắt,
Giọt lệ thân yêu như dòng máu con tim!
Đừng lau khô, cứ để lại trên mi
Chiếc khăn trắng của những ngày dĩ vãng!
Ta không đến để buông lời nuối tiếc
Giữa âm vang của rừng núi nơi nầy
Từng chứng kiến thiên đường ta đã mất.
Cánh rừng đó trong kiêu sa trầm lặng
Người kiêu sa cũng như trái tim ta.
Người khách lạ đang than dài thở vắn
Quỳ nguyện cầu bên ngôi mộ người thân.
Nơi chốn đó cảnh cùng người đều thở,
Hoa nghĩa trang không hé nụ bao giờ.
Kìa trăng lên xuyên qua từng khóm lá;
Ngươi vẫn còn run, hoàng hậu của màn đêm,
Từ chân trời đen ngươi đã hiện ra
Đẹp diêm dúa như hoa vừa hé nụ.
Dưới ánh nguyệt, sau cơn mưa chiều mới dứt
Mùi hương lừng từ đất ẩm xông lên;
Và tự hồn ta diệu vợi cũng trở về
Tình yêu cũ tinh khôi và bình thản.
MUSSET
________________
LỜI KẾT
Dành cho anh…
Anh Thành mến !
Những gì ghi lại đây, nếu có gì xúc phạm anh, anh tha thứ nhé ! Mà anh chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện giận hờn nhỏ mọn lặt vặt đâu, tánh anh em quá biết!
Buổi trưa hôm nay, khoảng 1g30, trong cái nóng dữ dội của miền Đồng Tháp và trong căn nhà xứ toàn bằng tôle này, em ngủ trưa và chiêm bao thấy anh!
Từ ngày anh ra đi, tới bữa nay mới thấy anh! Chiều nay, khi ăn cơm, em có kể cho người trong nhà nghe, có người bảo em “đánh số”!
Em chiêm bao dài lắm, nhưng quên hết, bối cảnh dường như là đang sửa nhà cho má bên quê em. Em chỉ nhớ rõ là anh lại bàn chặt một miếng thịt sườn (không biết thịt gì) và anh nói: “để nướng nhậu chơi !”. Tiếc quá, không thấy cảnh hai anh em mình ngồi nhậu!
Em chiêm bao gặp lại anh trùng hợp vào ngày em viết những dòng hồi ký cuối cùng về tình bạn anh em mình, 13.03.2012.
Em rất nhớ anh… và vẫn còn rất buồn trong lòng… Nhiều khi đi đâu, ngồi trên xe Honda chạy một mình… nhớ anh làm sao đâu! (Mấy lần đi Sài Gòn bằng Honda tôi luôn dành chạy đường trường, vì ảnh chạy chậm, vào nội thành Sài Gòn thì ảnh chạy, vì ảnh rành đường hơn tôi).
Buồn miên man… buồn mênh mông…
Em vẫn nhìn thẳng vào lòng mình, và lắng nghe nỗi nhức nhối trong tim… Em tôn trọng niềm đau chân thật, và như hạt cát ăn sâu vào máu thịt để biến thành hạt trai trong sáng trong tháng ngày đau đớn của Con Trai ở biển, em biến nỗi đau hôm nay thành một báu vật cất giữ trong con tim xót xa thầm lặng của mình.
Khi còn sống, anh yêu thích những câu chuyện về Nghệ Thuật Sống. Em mượn câu chuyện Nghệ Thuật Sống này kể anh nghe để khép lại tập Hồi Ký của em về tình bạn của chúng ta. Để bên kia cuộc đời anh là vì sao sáng, và bên này cuộc đời, em tiến bước thăng hoa hơn, trong tháng ngày còn lại của đời em !
Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may mắc một căn bịnh hiểm nghèo và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ, tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.
Một hôm, người cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh toả sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gái bé bỏng của mình.
Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: “Tại sao nến của con lại không cháy?" Bé gái đáp rằng: "Con đã cố lắm nhưng không được cha à! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những giọt nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con".
Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hy vọng của con ông.
Cha Tiếng bên mộ anh Thành
Anh Thành !
Tiếng gọi thân thương một đời không quên được !
Thế là hết…
Anh hãy an nghỉ nhé !
Còn lại nơi đây hình ảnh của anh như một pho tượng…
Là biểu tượng của một Tình Bạn trong sáng…
Trong lòng bạn bè…Trong lòng em…
Ở thế giới vĩnh hằng, anh hãy phù hộ cho người thân, cho bạn bè… cho em…
Tất cả chỉ còn là kỷ niệm…
Trong tình yêu Thiên Chúa, hẹn gặp nhau !
Vĩnh biệt anh trong cuộc đời này !
Muôn vàn thương tiếc !
An Long, mùa Xuân buồn 2012.
HẾT