NƠI ẤU THƠ TÌM VỀ

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 2
DỡHay 

NƠI ẤU THƠ TÌM VỀ

1. Những năm học phổ thông, tôi vẫn thường nghe Little Jimmy Dickens hát ca khúc  đồng quê có tên là “Ngủ dưới chân giường”. Lời bài hát kể về những kỳ nghỉ đông. Khi các anh em của ông cùng trải nệm, chăn bông ngủ dưới chân giường để nô giỡn và cũng để cho ấm áp hơn. Vào những buổi tối đầy thú vị đó, họ cùng “ăn những củ khoai tây luộc nóng hổi vừa mới vớt từ nồi ra, trong lúc chờ đợi món thịt gà hầm”.

 


NƠI ẤU THƠ TÌM VỀ

 


 

1. Những năm học phổ thông, tôi vẫn thường nghe Little Jimmy Dickens hát ca khúc  đồng quê có tên là “Ngủ dưới chân giường”. Lời bài hát kể về những kỳ nghỉ đông. Khi các anh em của ông cùng trải nệm, chăn bông ngủ dưới chân giường để nô giỡn và cũng để cho ấm áp hơn. Vào những buổi tối đầy thú vị đó, họ cùng “ăn những củ khoai tây luộc nóng hổi vừa mới vớt từ nồi ra, trong lúc chờ đợi món thịt gà hầm”.

Có thật là Little Jimmy Dickens từng trải nghiệm những chuyện thú vị như vậy? Tôi không biết. Còn với tôi, một đứa trẻ lớn lên ở thị trấn Ralp Hollow, bang Tennessee (Hoa Kỳ), thì thật sự là có.

Thời thơ ấu, tôi sống trong một căn nhà nhỏ ấm cúng với bố, mẹ, 5 anh chị em và người bà đã già yếu. Đó là còn chưa kể đến những người khách qua đường vẫn thường gõ cửa xin nghỉ lại ban đêm. Hồi ấy, bố mẹ tôi luôn mở rộng cửa đón những người khách lạ lỡ đường vào trú chân qua đêm, mang ra cho họ một bát súp nóng kèm một vài lát bánh mì, dù rằng trong nhà chẳng còn bao nhiêu thực phẩm.

Tuy nhà tôi đông người nhưng chưa một ai tỏ ra đòi hỏi thứ này thứ kia bao giờ. Bố mẹ đã dạy cho anh chị em chúng tôi sống hòa thuận, biết thương yêu, nhường nhịn nhau, không đòi hỏi gì riêng mình. Chúng tôi chấp nhận rằng nhà mình nghèo khó, rằng anh em chúng tôi chỉ mặc những bộ quần áo may sẵn rẻ tiền, nhưng chúng tôi vẫn luôn ngẩng cao đầu tự hào vì hết thảy 5 người con của bố mẹ tôi đều được ăn học tử tế - điều mà gia đình một số hàng xóm của chúng tôi không làm được.

 

 

2. Bố tôi là một thợ mộc làm việc ở xưởng mộc cuối thị trấn, còn mẹ tôi là một công dân, một đầu bếp, một quản gia, một người thầy nghiêm khắc, đầy nguyên tắc và là một bà mẹ tuyệt vời. Bố mẹ tôi là những người tốt bụng nhất mà tôi từng biết. Chuyện vẫn thường xảy ra là vào một buổi tối nào đó, bố lại mời một người già yếu, hoặc đói rét, hoặc nhỡ đường vào nhà để dùng bữa tối cùng chúng tôi. Nếu người đó ở lại qua đêm thì tôi và em tôi phải nhường chiếc giường của 2 đứa, để rồi lặng lẽ vào phòng của 2 người chị, trải chăn bông dưới chân giường để ngủ.

Một bữa nọ tôi hỏi mẹ: “Tại sao chúng ta lại phải tiếp đón những người qua đường lạ mặt chứ? Con thấy những người hàng xóm của mình có cho ai ở lại qua đêm bao giờ đâu?”. Mẹ trả lời, thản nhiên và nhẹ nhàng như đó là một chuyện tất yếu: “Họ cần có một bữa ăn và một chỗ ngủ, con à !”.

Tôi vẫn còn nhớ một buổi tối nọ, bố dắt vào nhà một người phụ nữ ốm yếu – bà Bush – cùng một đứa bé khoảng 5, 6 tuổi là con trai bà. Bà cần phải đến dự lễ tang của người em trai bà vào ngày hôm sau tại Gainesboro, cách thị trấn chúng tôi chừng 60 dặm.

- Họ biết lấy đâu ra tiền đi xe lửa đây ? – Tôi nghe mẹ thì thầm với bố - Tiền vé đắt quá, mà mình chỉ có thể giúp một phần nào đó thôi.

Bố không nói gì. Tôi biết chính ông cũng không có cách nào để giúp họ cả.

Tôi chợt nảy ra một ý tưởng. Ngay sau bữa tối hôm đó, tôi gọi các anh chị em của mình lại và đề nghị một kế hoạch mà chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện. Ngày ấy, con đường Long Hollow Pike rất hẹp và không được lát đá. Nó nằm giữa hai ngọn đồi, từ Goodlettsville chạy dài tới Shackle Island. Chúng tôi cùng đi dọc con đường ấy, lòng hào hứng với ý nghĩ sẽ tìm được một khoản tiền kha khá để giúp đỡ mẹ con người phụ nữ tội nghiệp kia.

Chúng tôi dừng chân trước cổng ngôi nhà đầu tiên. “Xem nào, chúng ta cùng thử nhé !”. Nói rồi, anh Frank bước vào trong, nói với bác chủ nhà rằng chúng tôi đang đi quyên tiền để giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn. Khi trở ra, trên tay anh ấy là một đồng 50 xu mới cáu. Đồng 50 xu ấy là bước khởi đầu tốt đẹp cho món tiền mà chúng tôi quyên góp được tiếp theo sau đó. Ngôi nhà kế bên là đến lượt em trai David của tôi, và rồi nó cũng trở ra với 50 xu nữa. Đến nhà kế tiếp, tôi bị mấy anh chị em chỉ định nên đành phải bước vào. Đó là nhà ông Green, chủ một nhà máy sản xuất lúa mạch - một người mà tôi vẫn ngưỡng mộ vì tài kinh doanh. Ông ấy cũng rất quý tôi, thường cho tôi kẹo mỗi lần thấy tôi đi ngang qua. May mắn làm sao, sau đó tôi trở ra xe với đồng 1 đô la !

Sau khi dừng lại thêm vài nơi, số tiền chúng tôi gom góp được đã lên tới 14 đô la 75 xu, đủ để cho hai mẹ con bà Bush là một cuộc hành trình bằng xe lửa đến Gainesboro. Sáng hôm sau, sau khi cùng dùng bữa điểm tâm ngon lành, chúng tôi tự hào trao tặng bà toàn bộ số tiền mình kiếm được. Bố tôi còn chu đáo tiễn mẹ con con bà ra tới trạm xe buýt trước khi tới xưởng mộc làm việc.

 

 

3. Ngoài công việc ở xưởng mộc, bố tôi còn hay trồng cây và rau quả trên ngọn đồi sau nhà. Hầu như ngày hè nào, mấy anh chị em chúng tôi cùng theo bố leo lên đỉnh đồi. Ở đó chúng tôi được học cách chăm sóc cây, tỉa những lá sâu, học được ý nghĩa của việc đổ mồ hôi để thu lại những hoa trái thơm ngon. Mẹ tôi thì kiếm thêm thu nhập để chi tiêu cho gia đình bằng việc nuôi gà, cừu, bò và lợn. Được dưỡng nuôi trong môi trường như vậy nên tất cả 5 anh chị em chúng tôi đều học được từ cha mẹ mình tính cần mẫn trong công việc cũng như biết trân trọng giá trị của sức lao động.

Hôm nay, tôi trở lại thăm người chị hiện vẫn đang sống trong ngôi nhà của chúng tôi ngày trước – nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm. Cảnh vật như vẫn còn nguyên vẹn mặc cho thời gian đã phủ lên bao nắng mưa, gió tuyết. Cái trại nuôi bò vẫn không hề thay đổi, cả dãy chuồng gà cũng vậy, chỉ khác rằng giờ đây nó đã trống không. Lòng tôi chợt dâng lên nỗi nhớ quay quắt về những ngày tháng trước kia. Những năm tháng ấy đã dạy cho tôi lòng độ lượng, sự cảm thông và giúp tôi hiểu được giá trị cuộc sống. Đối với tôi, những ký ức  về mái nhà xưa nơi thị trấn Ralp Hollow vẫn luôn là điều quý giá và tuyệt vời nhất.
 

FIRST NEWS (Thế Giới Phụ Nữ 13/2015).