Mùa Nước Nổi

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 11
DỡHay 

Mùa Nước Nổi

DIỆU HIỀN

Khi cái nắng hanh hao, gây gắt của mùa hạ không còn thiêu đốt nữa thì cũng là lúc Miền Tây quê tôi bước vào mùa nước nổi. Mùa nước thường xuất hiện vào khoảng đầu tháng 8 hằng năm, lúc những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện là nước lại đổ về, dâng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nước nổi khắp nơi mênh mông là nước và cũng là thời điểm của những thú vui dân dã như: chài lưới, bắt cá linh, hái bông súng, bông điên điển, tắm sông…

 

Tâm tình bạn trẻ

DIỆU HIỀN

Chia sẻ cùng các bạn

Mùa Nước Nổi
 

Khi cái nắng hanh hao, gây gắt của mùa hạ không còn thiêu đốt nữa thì cũng là lúc Miền Tây quê tôi bước vào mùa nước nổi. Mùa nước thường xuất hiện vào khoảng đầu tháng 8 hằng năm, lúc những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện là nước lại đổ về, dâng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nước nổi khắp nơi mênh mông là nước và cũng là thời điểm của những thú vui dân dã như: chài lưới, bắt cá linh, hái bông súng, bông điên điển, tắm sông…

Tôi sinh ra và lớn lên tại miền quê sông nước Nam Bộ nên tôi am hiểu rất rõ về mùa nước nổi. Sở dĩ người ta gọi như thế là vì nước dâng lên theo từng ngày, từng ngày một, mỗi ngày dâng lên thêm một ít. Có lúc, sáng nước mới mấp mé bờ sông, đến trưa đã bò lên thềm nhà. Khi nước dâng lên tới một điểm nhất định thì con nước ấy dần dần rút xuống.  Ba và anh trai tôi tranh thủ sửa lại chiếc ghe và sắm thêm mấy tay lưới để sẵn sàng đón bầy cá từ thượng nguồn đổ về. Mùa nước nổi mang đến cho người dân quê tôi nhiều đặt sản vô cùng phong phú: nào là cá linh, rắn, chuột đồng, rồi bông súng, bông điên điển. Hồi nhỏ khi đến mùa nước nổi, tôi thích nhất là được cùng mấy đứa bạn trong xóm bơi xuồng đi câu cá, hái điên điển. Còn ba mẹ và anh trai thì suốt ngày ở trong đồng chài lưới. Nhiều khi tay chân bị nước ăn lở loét hết nhưng ba mẹ tôi vẫn cảm thấy vui khi chài được nhiều cá. Tháng nước mà, ai giăng câu thì giăng, ai đặt lộp thì đặt, mỗi người một chuyện. Ai cũng cần phải tìm cho mình một nghề mưu sinh trong những ngày đồng quê đầy nước. Nửa đêm là ba mẹ và anh trai tôi phải lục đục xuống ghe vô đồng chài lưới. Khi ghe về mọi người đều buôn bán trên ghe, không khí đông vui, nhộn nhịp. Nhiều khi cá nhiều mẹ tôi bắt lại một ít làm khô cho mùa sau cũng rất ngon. Đầu tiên là phải kể đến các món từ cá linh. Đây là loài cá với số lượng rất đông lên tới cả triệu con xuất hiện khắp nơi theo con nước. Người dân quê tôi thường bắt cá linh đem bán hoặc giữ lại làm mắm. Mẹ tôi thường chế biến cá linh thành các món như: canh chua, kho mắm cho bữa cơm gia đình. Khi các loài rau trên cạn ngập nước bị khan hiếm thì hoa đặc trưng mùa nước nổi là bông súng cọng nhỏ, thon dài, bông màu xanh trắng. Thế mà chỉ cần vài cọng tước vỏ rồi nấu canh chua với cá linh rồi nêm và cho thêm vài đọt quế, vài trái ớt cay xé lưỡi đã có một tô canh ngon mê li. Có một loài hoa luôn gắng bó với mùa nước nổi đó là bông điên điển. Những bông hoa nhỏ với những màu vàng quyến rũ lấp ló khoe sắc khắp cả mé sông. Tôi thường hái về cho mẹ dung làm gỏi, món xào, nấu canh chua thì rất tuyệt. Bông điên điển là loại hoa đặc trưng nhất trong mùa nước nổi của vùng đồng bằng sông Cửu Long quê tôi. Miền sông nước quê tôi thanh bình, yên ả, không khí trong lành mát mẻ với những rặng tre già đung đưa trước gió. Lúc buồn có thể ngồi tâm sự cùng dòng sông nhỏ với những ngọn gió chiều. Tôi nhớ cái cảm giác nghịch ngợm, vui đùa cùng dòng nước mênh mong. Nhớ những buổi chiều xuống sông tắm mát cùng lũ bạn, chúng tôi hay đùa nghịch làm khuấy động cả một khúc sông chiều. Chỉ khi nào bị ba mẹ la mắng thì mới chịu lên nhà. Con nước lên nó biến khoảng sân nhà tôi thành hồ bơi mà lũ trẻ chúng tôi thích bơi lội, vui đùa mỗi chiều.

  Rồi chuyện đi học vào mùa nước nổi cũng rất bất tiện và khó khăn đối với chúng tôi. Khi nước sông dâng cao tràn trên mặt đường thì chúng tôi đi học bằng chiếc xuồng nhỏ. Ngày ngày, chị tôi đưa đón, chiếc xuồng đó không chỉ bơi trên mặt sông mà còn bơi trên con đường ngập đầy nước. Còn khi nước chưa dâng khắp mặt đường, thì chúng tôi đi trên chiếc cầu tre được dựng tạm để thuận tiện đi lại. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy vui lắm cái cảm giác được nghịch đùa trên chiếc xuồng nhỏ, trên chiếc cầu lắc lẻo. Đôi lúc vô ý, chúng tôi đã đẩy nhau té xuống sông, cặp sách văng tứ tung, quần áo ướt sủng, thế là ngày hôm đó chúng tôi phải bỏ học. Là người miền Tây, chúng tôi đã quen với cảnh nước ngập lênh láng khắp nơi, kéo dài suốt mấy tháng trời. Năm nào cũng vậy, riết rồi nó trở thành người bạn vô cùng thân quen, gắn bó với chúng tôi. Cuộc sống của người dân đang thay đổi lên từng ngày, với những tiếng chèo ghe lạch cạch, những mẽ lưới xào xạc trên cánh đồng bao la. Hằng năm, người dân quê tôi vẫn khắc khoải đợi chờ mùa nước nổi, nó đã in sâu vào tâm trí của vạn người con đất chín rồng, là ký ức tuổi thơ không thể xóa nhòa. (Ảnh: Diệu Hiền)

Mỗi năm khi đến mùa nước nổi, chúng tôi cứ thế ngày ngày vui đùa, lớn lên cùng con nước lúc vơi lúc đầy. Con nước lên có thể mang đến nhiều bất tiện trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên đó không là vấn đề đối với người dân miền sông nước chúng tôi. Vì đó như một cuộc hẹn hằng năm, nó chứa đầy những kỷ niệm của mỗi người con khi sinh ra và lớn lên luôn gắn bó, gần gũi với từng con nước nổi.

DIỆU HIỀN