Câu chuyện Con Cá Hô Vàng | Hương Thơm Ngày Mới | 19.08.2020
- Chi tiết
- Chuyên mục: Chuyện đạo đời
- Được đăng ngày Thứ năm, 20 Tháng 8 2020 09:29
- Viết bởi Anton Tiếng
- Lượt xem: 625
Câu chuyện Con Cá Hô Vàng | Hương Thơm Ngày Mới | 19.08.2020
Dòng sông như một mảnh ruộng giúp anh và vợ con có được miếng cơm manh áo sống qua ngày.
Một buổi chiều nọ, một con cá hô vàng cả trăm ký sa vào lưới anh. Anh bán được cả trăm triệu, vào thời điểm đó, số tiền ấy đối với vợ chồng anh là lớn lắm.
CÂU CHUYỆN CON CÁ HÔ VÀNG
Hương Thơm Ngày Mới
Vào cuối thập niên 1990, ở một xã ven Sông Tiền, có một người thả lưới trên sông bắt được con cá hô vàng trên 100 kg, bán được trên 100 triệu.
Câu chuyện ngư dân thả lưới trên Sông bắt được cá to trên dưới cả trăm ký không phải là hiếm vào thời điểm đó. Nhưng trường hợp con cá hô vàng sa lưới lần này thì lại có lắm chuyện để nói.
Số là, anh chàng thả lưới này mới vào nghề thả lưới cá sông mới được vài tháng. Anh ta tuổi chừng trên dưới ba mươi, tuổi trẻ anh ăn chơi trác táng, gì cũng có, gần như "tứ đổ tường". Anh phá phách chòm xóm, lắm khi trộm vặt. Sau khi có vợ anh cố gắng trở lại con đường lương thiện.
Không có ruộng vườn, anh được bạn bè giúp đỡ làm nghề thả lưới trên sông lớn. Dòng sông như một mảnh ruộng giúp anh và vợ con có được miếng cơm manh áo sống qua ngày.
Một buổi chiều nọ, một con cá hô vàng cả trăm ký sa vào lưới anh. Anh bán được cả trăm triệu, vào thời điểm đó, số tiền ấy đối với vợ chồng anh là lớn lắm.
Nhiều bạn bè, người thân ai nấy mừng cho anh.
Nhưng có nhiều người lại ganh tỵ, và cả oán ghét nữa.
Một lần, trong một bữa tiệc làng, có người cùng là ngư dân như anh đã phàn nàn:
- Ông Trời ở chẳng công bằng. Tôi năm nay tuổi đời đã trên năm mươi, làm ăn lương thiện. Hàng mấy chục năm nay làm nghề thả lưới trên dòng sông này, nhưng chưa hề bắt được một con cá nào to, dù chỉ vài chục ký. Cái thằng đó là thứ lưu manh. Chòm xóm từng đau khổ vì nó. Vừa vào nghề thả lưới mới có mấy tháng, đã bợ được con cá lớn cỡ đó...
Thế là, không ít người vì ganh tỵ bới móc đời tư anh, cho rằng anh không xứng đáng với “món quà từ trên trời rơi xuống đó”.
Cũng có người bảo đó là chuyện hên xui... Nhưng lắm kẻ nhất định phản đối:
- Đâu chỉ là chuyện hên xui... nếu đời toàn chỉ là chuyện hên xui, thì ở đời có đức để làm gì ?
Có người còn mai mỉa:
- Chắc Ông Trời không có nhìn xuống trần gian đâu? Làm ăn lương thiện hay giựt dọc gian manh thì cũng là cá mè một lứa cả mà!
Nhưng có một vị bô lão trầm tư đã nghiêm nghị nói với họ:
- Tất cả những gì mấy người nói đều vì mấy người thấy Ông Trời đối xử với mấy người không công bằng phải không? Những gì mấy người cho rằng không công bằng vì không theo ý riêng của mấy người phải không? Vậy ý riêng của mấy người hiện giờ ra sao? Có giống nhau không? Mấy người muốn mình là người nước nào, dân tộc nào, vợ con ra sao, sinh sống nghề gì... mấy người có được đúng theo ý riêng mình và bằng nhau không?
Im lặng một lúc, vị bô lão nói tiếp:
- “Mấy người cũng thường nghe câu nói trong dân gian: “Trời kêu ai nấy Dạ”. Mạng sống là cái quý nhất mà còn chưa được như ý mình.”
Thong thả uống một ngụm trà, vị bô lão nói lời kết thúc:
- Những gì con người có được đều do Trời ban cho. Trời ban cho rất công bình theo ý Trời chứ không phải theo ý con người.
Trà Đá Đường
HƯƠNG THƠM NGÀY MỚI 19.08.2020
____________________
NGỌN ĐÈN SOI
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105)
Tiền công cho những người làm vườn nho
(19.8.2020 – Thứ Tư Tuần 20 Thường niên)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. (Mt 20, 1-16a).