You are here:

CÂU CHUYỆN TRÁI BÌNH BÁT

Bạn đánh giá:  / 2
DỡHay 

CÂU CHUYỆN TRÁI BÌNH BÁT

Bình bát là một loại cây hoang thường mọc theo bờ kênh rạch, đầm lầy. Quê nội của tôi có rất nhiều cây ấy, vì nước đầy kênh rạch quanh năm. Ngược lại, quê ngoại thì rất hiếm, bởi mực nước giữa “mùa khô” và “mùa nước nổi” cách nhau đến ba bốn mét. Cây bình bát không thể sống mùa nắng hạn khô cằn ruộng đất. (...)

 

 

CÂU CHUYỆN TRÁI BÌNH BÁT


Ảnh minh họa của tác giả
 

Bình bát là một loại cây hoang thường mọc theo bờ kênh rạch, đầm lầy. Quê nội của tôi có rất nhiều cây ấy, vì nước đầy kênh rạch quanh năm. Ngược lại, quê ngoại thì rất hiếm, bởi mực nước giữa “mùa khô” và “mùa nước nổi” cách nhau đến ba bốn mét. Cây bình bát không thể sống mùa nắng hạn khô cằn ruộng đất.

Tuy nhiên, ở khu vực quanh quê ngoại của tôi, vẫn có nhiều cây bình bát, do còn nhiều nơi có hầm hố, đầm lầy, và kênh rạch quanh co lòn lách trong vùng đất thấp.
 

Ảnh minh họa của tác giả


Ảnh minh họa của tác giả
 

Câu chuyện xảy ra ở một nơi vùng sâu vùng xa còn rất hoang dã. Nơi đó, có một con kênh nhỏ người ta đào lấy đất làm đường quê. Nước sông chảy vào chảy ra theo con nước lớn ròng, lâu ngày, con kênh nhỏ này bị phù sa làm cạn dần, nhưng xung quanh nó là đất ruộng, người ta chạy nước vào ruộng, nước chảy vào con kênh này, dần dần con kênh hình thành một thứ đầm lầy giữa ruộng, nó nuôi sống nhiều loại cây hoang, ban tặng cho người dân nhiều thứ hoa đồng cỏ nội, cũng như những thứ rau đồng rất ngon miệng, như bông súng, rau dừa, rau muống, rau mát, lục bình, điên điển… trong đó, có nhiều cây bình bát.

Cùng chung sống trong “miền đất hứa”bình yên này có nhiều loài cá, tôm, ếch, nhái, ốc, cua… Mấy hôm trời mưa thì khỏi nói, âm thanh ếch, nhái, ễnh ương… inh ỏi cả một vùng rất… “nguyên sinh” và rất đỗi bình yên…
 

Ãnh minh họa của tác giả
 

Nhưng, một ngày nọ, “thuở trời đấy nổi cơn gió bụi” đến, người ta tiến hành làm một con đê lớn ngăn mùa nước nổi để làm lúa ba vụ, con đê như một con đường cao rộng  băng ngang “vùng đất nguyên sinh” này. Thật tội nghiệp cho cư dân hoang dã ở đó. Tất cả rung chuyển như trận động đất dữ dội khi chiếc xángmúc đất đến vùng này phá tan tành tất cả để hoàn thành đê bao ruộng lúa trong khu vực đó.

Chuyện xảy ra là có một cây bình bát may mắn còn sống sót, nó nằm ở phía trong đất ruộng được đê bao và ở ngay dưới chân con đê cao lớn, mực nước bơm vào ruộng không thể tới nó được, còn mùa nước nổi thì nước ngập ở bên ngoài. Nó thiếu nước và trở nên tàn úa.

Con đê  bây giờ cũng là con đường nối liền với những xóm nhà lưa thưa ở xa xa dọc theo những bờ kênh quanh co xuyên qua những ruộng đồng.

Con đê thành con đường nối những xóm làng hẻo lánh với nhau và với phố thị nhộn nhịp ở dọc theo những con đường nhựa lớn.

Ngày qua ngày, trên đoạn đường đê này, có một người đàn ông lớn tuổi, bị thương tật một chân, với một cây gậy chống đỡ, ôngđi từ một xóm làng hẻo lánh ra phố thị để ănxin. Người đàn ông ăn xin đi qua con đê mới này và thường dừng chân nghỉ mệt dưới bóng chòm cây hoang trên đoạn đường này. Người ăn xin phát hiện một cây bình bát đang có những cành cây sai quằn trái, nhưng lá đã héo vì khô nước, ông đi xuống bờ nước dưới chân đê múc nước tưới cho cây bình bát. Và ngày nào cũng thế, nếu ông có đi ngang quađó, ông đều dừng chân nghỉ, vàkhi chiều đến, trên đường về, ông dừng chân ở dưới chòm cây gần đó và ăn vội bữa cơm chiều mà ông mua ngoài phố thị, ông không quên múc nước tưới cho cây bình bát. Không bao lâu, cây bình bát xanh tươi,lá bóng ngời, trái no đầy mơn mỡn.

Cũng trên đoạn đường này, ngày qua ngày, có một bác nông phu đứng tuổi rất nghèo đi vào ruộng mình làm việc đồng áng. Nơi đây, trước kia là đầm lầy, mỗi lần trong ruộng về, ông thường dừng chân lại nơi đây bắt ốc, hái rau, để phụ thêm bữa cơm đạm bạc gia đình. Có khi ông cắm câu ở đó, và có lúc may mắn bắt được vài chú cá lóc to, ông hái thêm rau muống, bông súng… và bữa cơm chiều thêm tô canh chua thật ngon miệng. Với ông, đầm lầy nơi đây nhiều kỷ niệm, nay nó không còn nữa, mỗi lần bác nông phu đi ngang, một nỗi buồn thoáng qua lòng ông. Đường về xóm làng hơi xa, ông cũng dừng lại nơi đây, dưới chòm cây hoang để nghỉ ngơi đôi chút. Ông chợt thấy cây bình bát, vào thời điểm ông thấy, nó đang sai trái nặng quằn nhánh, nhưng nhiều lá đã héo khô, ông đi xuống bờ rộng dưới chân đê, múc nước tưới cho cây bình bát. Cũng chính là cây bình bát mà người đàn ông ăn xin đã chăm sóc nó.

Cây bình bát này đúng là có “số đỏ”, nó nhanh chóng tốt tươi từ hai người chăm sóc mà không hề biết nhau. Trái của nó căng tròn và trong rất đẹp mắt.
 

Ảnh minh họa của tác giả
 

Một hôm, người ăn xin trên đường về, ông thăm cây bình bát, có hai trái chín trông thật ngon, ông dừng chân lại, hái hai trái, rồi điđến bóng mát chòm cây mà ông thường nghỉ chân, ông dùng qua loa bữa cơm chiều. Trời hôm ấynắng gay gắt, ông đi xin cũng không được nhiều tiền. Bữa ăn chỉ là ổ bánh mì thịt nhỏ và chai nước lã ông mang theo. Người ăn xin lấy hai trái bình bát ra. Nhìn một lúc, ông lấy trái nhỏ và ngồi ăn. Xong, ông uống một ít nước rồi nằm nghỉ dưới bóng chòm cây. Gió đồng hiu hiu thổi, mệt mỏi một ngày đi xa và không may mắn, ông ngủ thiếp đi…
 

Ảnh minh họa của tác giả
 

Cùng ngày ấy, buổi sáng bác nông dân đi ra ruộng, ông dừng lại thăm cây bình bát, ông thấy có hai trái chín, ông dự tính lúc về sẽ hái hai trái bình bát ấyvề cho mấy đứa con nhỏ của mình. Nhưng lúc về, khi đến thăm cây bình bát, ông thấy hai trái bình bát chín đã mất. “Con đường hoang vắng thế này mà có ai đi ngang, lại rảnh rỗi nhìn thấy trái bình bát chín thế ?”, bác nông dân tự hỏi.“nơi xa xôi thế này, làm gì có lũ trẻ nào qua đây ? Ai còn nghèo hơn mình nên mới cần đến thứ trái cây này ?”, bác nông dân không ngừng nghĩ ngợi. Bác nông dân đếm đếm trái trên nhành cây, rồi cười thầm: “Còn nhiều trái lắm, một vài bữa nữa là nó sẽ chín rộ rồi”. Và bác nông dân lại chòm cây hoang dã để nghĩ chân như mọi khi.

Bác nông dân bất ngờ  nhìn thấy một người đàn ông trông rất nghèo nàn nằm ngủ dưới bóng chòm cây. Bác nông dân đi nhẹ qua nơi khác để tìm chỗ ngồi nghỉ, nhưng người đàn ông kia đã thức. Đó là buổi gặp nhau đầu tiên giữa người đàn ông ăn xin và bác nông dân.

Hai người đàn ông xa lạ trò chuyện với nhau. Hai số phận có khác nhau nhưng tâm hồn rất giống nhau. Họ cùng thật thà, đơn sơ, chất phác. Chỉ năm mười phút thôi, họ đã kể nhau nghe về chuyện cây bình bát từ khi héo úa cho đến khi tươi tốt, và mới nhất, là hai trái chín của nó.

Hôm nay, tôi thấy đói, tôi ăn một trái, và chừa lại một trái cho cháu tôi”. Người đàn ông ăn xin thong thả nói, “tôi nghĩ ít hôm sau, cây bình bát lại cho trái chín, và tôi sẽ có quà cho cháu tôi nữa. Thôi, còn một trái đây, anh lấy cho cháu nó đi, tôi lần sau cũng được”.  

Bác nông dân xua tay, cười nói: “Không, anh đem về cho cháu nó đi, con tôi để sau cho cũng được, ở nhà tôi cũng có vài cây ăn trái ở nhà mà. Mai này cây bình bát có trái chín, anh cứ hái cho cháu nó nhé. Tôi chỉ cần một vài trái bình bát trông là lạ cho tụi nó vui vậy thôi mà”.

Từ đó, hai người đàn ông xa lạ trở thành đôi bạn. Khi gặp nhau, người đàn ông ăn xin thường chia sẻ vài cái bánh mua được khi đi xin ở phố chợ cho bác nông dân, bác nông dân thường chia sẻ gạo, rau quả, cho người ăn xin. Có lúc họ hẹn nhau ở nơi gặp gỡ này để cùng vui với nhau ly rượu, chén trà.

Cây bình bát ngày một tươi tốt, và tình bạn của họ ngày một gắn bó.

_____________

CHIA SẺ CHÚT SUY TƯ

Chút kỷ niệm tuổi thơ...

Câu chuyện  mang nhiều ý nghĩa, rút ra được bài học nào là phần của bạn đọc, ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ một chút kỷ niệm tuổi thơ thôi, và trong chút riêng tư này, tôi rất nhớ Ba tôi.
 

Ảnh Internet
 

Đọc câu chuyện trên, đến đoạn cả người đàn ông ăn xin lẫn bác nông dân đều có ý tưởng trùng hợp cùng muốn hái trái bình bát về cho con cháu, làm tôi nhớ lại một trong những  kỷ niệm tuổi thơ về Ba tôi. Ngày xưa, mỗi lần Ba tôi đi đồng về, thường mang về cho tôi cả bọc trái thù lù. Nếu cái bọc trái ấy đổ ra, nói cho các bạn dễ hình dung, nó gần đầy nón lá. Nó nhiều lắm, vì Ba không bao giờ bóc vỏ của nó, Ba nói để cho nó đừng bị bầm dập và sạch sẽ. Ba thường nói: “Thú vị của việc ăn trái cây là tự mình... bóc vỏ !”. Mẹ thì ngược lại, khi còn nhỏ, tôi ăn trái cây nào có vỏ, mẹ đều bóc vỏ rồi mới cho tôi ăn, Mẹ tôi bảo: “Có khi con ăn vội vã không để ý bên trong trái cây thường có sâu”. Thí dụ tôi thích ăn trái măng cục, Mẹ tôi bao giờ cũng cắt tròn theo chiều ngang, rồi “lột vỏ” nó, như mở cái nắp, thấy không sâu, mẹ mới đưa cho tôi. Rõ ràng cách dạy của Ba nhắm đến việc tự  “khám phá”, còn cách dạy của Mẹ thì nghiêng về “chăm sóc”.


Ảnh Internet

Trái thù lù thật đẹp, cái vỏ của nó cũng rất...  “nghệ thuật”, như cái “lồng đèn” khi nó còn nguyên vẹn. Với riêng tôi, nó rất ngon, và bạn bè tuổi thơ lúc ấy đứa nào cũng thích.
 


Chùm chòi mòi (Ảnh Internet)

Đi đồng về, Ba cũng thường mang về nhiều chùm chòi mòi chín, chòi mòi có hương vị chua chua ngọt ngọt. Mấy đứa con gái thích lắm, nhưng bọn con trai không ưa lắm, tôi cũng vậy. Bởi thế, khi nào Ba mang về nhiều, tôi thường rủ mấy bạn lại chơi, và ăn chung, tôi chia cho con gái chòi mòi, và bọn trai chúng tôi thì ăn thù lù.

Ngày nay, trẻ thơ ở những nơi đã có chút bầu khí phố chợ dường như không còn thích ăn những thứ đó nữa. Trái bình bát chín rụng nhưng không em bé nào nhìn tới.

Cuộc sống thay đổi nhiều, cách sống cũng khác đi, nhưng những hình ảnh ngày xưa, vẫn nghe  đượm thắm hương vị ngọt ngào của tình quê hương, dù rất bình thường, thậm chí tầm thường, cũng thật khó quên trong con tim của những ai đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ êm ả ở miền quê.

MAI NHẬT THI

Đang có 218 khách và không thành viên đang online

15710145
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
20397
13461
93133
15532275
268563
413215
15710145

Your IP: 3.146.34.229
Server Time: 2024-12-21 23:47:55