CN. 15, TN C: Thực thi lòng thương xót
CN. 15, TN C: Thực thi lòng thương xót
1. “Căn bệnh lạnh lùng” của thời đại hôm nay.
Từ “lạnh lùng” cho ta một cảm giác dễ sợ. Nó mang đến cho ta một sự bơ vơ lạc lỏng cùng tận, đi đến mất niềm tin với mọi người, tiếp đến là cuộc sống buông xuôi, vô cảm, thu mình kép kín, ích kỷ và cuối cùng mất niềm tin yêu vào cuộc sống.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN C
(Lc.10,25-37)
***
THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT
25Một hôm có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia gia nghiệp?” 26Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" 27Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
29Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? " 30Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." 36Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" 37Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
__________________
SUY NIỆM
THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT
1. “Căn bệnh lạnh lùng” của thời đại hôm nay.
Từ “lạnh lùng” cho ta một cảm giác dễ sợ. Nó mang đến cho ta một sự bơ vơ lạc lỏng cùng tận, đi đến mất niềm tin với mọi người, tiếp đến là cuộc sống buông xuôi, vô cảm, thu mình kép kín, ích kỷ và cuối cùng mất niềm tin yêu vào cuộc sống.
Ta đọc thử một trích đoạn từ một câu chuyện sau đây:
Anh ấy đã từ bỏ kiếp sống giang hồ cũ, khi tìm được tình yêu chân thật nơi một cô gái ấy xinh đẹp ngoan hiền. Anh chạy xe lôi máy chở khách, và dù tiền kiếm được chỉ vừa đủ sống, anh thấy mình rất hạnh phúc với cuộc đời chân thiện bên vợ hiền con thơ trong khoảng đời còn lại.
Một hôm, một vị khách đi xe anh, đến đoạn đường vắng, bảo anh dừng xe lại. Người khách rút khẩu súng ngắn, nhắm vào đầu anh, kể tội của anh trong thời quá khứ giang hồ, hắn nói nợ giang hồ là phải trả. Anh quỳ xuống, lạy tên lạ mặt, xin tha cho anh để anh sống nuôi vợ con, từ lâu anh đã bỏ quá khứ lầm lỗi, chỉ muốn sống đời bình yên đơn sơ với vợ con mình. Tên lạ mặt cười lớn tiếng, rồi lạnh lùng bóp cò súng.
Đọc những tin tức hằng ngày, nghe chuyện từ quê đến tỉnh, ta ngỡ ngàng trước những thái độ lạnh lùng của con người đối xử với nhau. Bình thản trước những bất hạnh của người khác. Có người đứng chứng kiến cảnh đau thương xảy ra không can thiệp gì dù mình có thể, thong thả quay phim và đem phát tán trên mạng không chút do dự.
Căn bệnh lạnh lùng thời đại này không chỉ là vài ba trường hợp bất thường mà nó phổ biến tràn lan, đáng buồn nhất là nó ở cả lứa tuổi thanh thiếu niên, lứa tuổi nhiều kỳ vọng nhất cho nhân loại.
“Dầu bôi trơn” và bệnh vô cảm
Cũng như vậy, “bệnh vô cảm” thể hiện qua cách ứng xử của đa số y bác sĩ VN gây nhức nhối nhiều nhất, bởi đây là nơi liên quan trực tiếp và gần nhất với tính mạng con người. Vậy mà cũng ngày 6/12 một số báo dẫn kết quả một cuộc thăm dò do hãng Gallup có trụ sở tại Mỹ thực hiện, cho thấy VN xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất.
Hay nói cách khác, sự vô cảm ở nhiều người VN ta “gần như trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm rất cao, người mắc cũng đủ dạng. Đó là vấn đề đạo đức rất đáng báo động) (theo một bài viết của Tiến sĩ Tô Văn Trường đăng trên báo Người Lao động). Cũng theo TS Trường, “bệnh vô cảm nặng hơn khi người ta quên đi trách nhiệm cứu người, giúp người bị nạn…” (Internet).
2. Nguyên nhân căn bệnh
Căn bệnh lạnh lùng chắc chắn là từ một con người không còn lòng trắc ẩn, không còn lòng thương xót. Không có con tim biết yêu thương thật sự.
"Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tếcũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kiamà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-viđi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kiamà đi.(Lc.10,30-32).
Có thể rút ra ngay ở đoạn Tin Mừng này bài học về nguyên nhân sâu xa nhất, và là cội nguồn của căn bệnh lạnh lùng, từ thái độ của hai ông thầy tư tế và Lê-vi. Đó là sự ích kỷ thâm căn cố đế của lòng người. Hai thầy sợ ô uế cho mình khi đụng vào người chết và sợ liên lụy phiền hà khi “thực thi lòng thương xót” ra tay giúp đỡ, cho dù người này còn sống hay đã chết, nên lạnh lùng bỏ đi.
Bài học cách đây hơn 2000 năm, vẫn mới tinh và mang tính thời sự nóng bỏng tưởng chừng như vừa xảy ra mới hôm qua.
Vì lợi ích bản thân, địa vị, quyền lực, sự an toàn cho uy tín, cho cao vọng dài lâu, nhiều người đã lạnh lùng ngoảnh mặt bỏ đi trước cái chết thể xác cũng như cái chết tinh thần của người anh em, của thuộc hạ, của những người thân cận… Thật xót xa, ngày nay, nhiều thầy tu ngồi trên chiếc ghế quan trọng đã có thái độ lạnh lùng giống đến mức kỳ lạ hai ông thầy tư tế và lê-vi trong câu chuyện ngày xưa.
3. Hậu quả
Có thể thấy một số hậu quả tiêu biểu của “căn bệnh lạnh lùng” như sau:
Giết người cách gián tiếp
Thế giới hôm nay có những người sống cực kỳ giàu sang, xa hoa và phung phí, lại lạnh lùng trước hàng tỷ người nghèo đói kéo lê cuộc đời nửa sống nửa chết chẳng khác nào người bị nạn trên đường đến Giê-ri-khô.
Một hôm, Ðức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: 19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (Lc.16,19-31).
Không thể tha thứ tha nhân
Một trái tim chai đá lạnh lùng, thì làm sao có thể “động lòng thương” cảm thông tha thứ cho người khác? Một ông thầy tu tự cho mình là đạo đức, thì không thể cảm thông nâng đỡ đồng môn, vì không phải ông ta không thấy tội lỗi của người khác, mà vì ông ta không thấy tội lỗi của chính mình.
Những kẻ may mắn không nhận ra hồng ân đã được nhận từ Thiên Chúa một cách nhưng không, thì cũng phải biết cho đi một cách nhưng không.
Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả'. Người chủ động lòng thương,trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổmà nói rằng: 'Hãy trả nợ cho ta! Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh’. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.(Mt 18, 21-35).
Bỏ rơi đồng loại
Làm sao có thể cứu vớt nâng đỡ đồng loại khi cánh cửa lòng nhân ái đã khép kín ?
"Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?" Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy".
Thế là họ sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời". (Mt 25, 31-46)
3. Điều trị “căn bệnh lạnh lùng”
“Căn bệnh lạnh lùng” bùng phát từ con tim đã chai đá, một con tim không còn khả năng “động lòng thương”, căn bệnh này hết thuốc chữa, chỉ còn cách phẫu thuật “thay tim”. Vị thầy thuốc duy nhất thực hiện ca phẫu thuật này chính là Thiên Chúa.
“Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đávà ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta” (Ed.11,20).
Trái tim bằng thịt không phải chỉ để sống, mà là biết sống yêu thương. Để biết “đi theo các thánh chỉ của Chúa”, tuân giữ cùng thi hành các phán quyết của Ngài. Phán quyết về Tình Yêu đối với Thiên Chúa và Tha Nhân, phán quyết về “Giới Luật Yêu Thương”.
“Trái tim bằng thịt” là một trái tim mới “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mớivào lòng chúng” (Ed.11,19), một trái tim biết yêu thương.
Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."(Lc.10,37).
“Hãy làm như vậy”, chính là hãy “thực thi lòng thương xót” vậy !
Và,Hãy thực thi lòng thương xót như Giê-su !
Lạy Chúa,
Lòng Chúa Thương Xót vẫn rực sáng đó đây,
Qua nhiều tâm hồn tín thác nơi Chúa,
Lòng Chúa Thương Xót vẫn được thể hiện hằng ngày,
Trong những con tim bé nhỏ mà tình yêu chan chứa.
Ôi, bước chân đi…giữa đời quá lạnh lùng
Mênh mông mênh mông, nghìn trùng nghìn trùng…
Nhưng ngọn lửa tình yêu Chúa vẫn ấm áp thế gian…
Đem lại bình an cho những con tim tan vỡ
Và Thế Giới Tình Yêu Thiên Chúa sẽ muôn đời rực rỡ
Tim giá băng nồng ấm lửa yêu thương.
Thế Giới chưa tìm lại được thuở Địa Đường…
Nhưng bến bờ hy vọng vẫn ửng hồng Đường Thập Giá. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG