TẾT ĐOAN NGỌ MÙNG 5 THÁNG 5 ÂL
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tâm sự của bạn
- Được đăng ngày Thứ bảy, 20 Tháng 6 2015 22:19
- Lượt xem: 17383
TẾT ĐOAN NGỌ MÙNG 5 THÁNG 5 ÂL
Quê tôi, miền Đồng Tháp, việc ăn Tết Đoan Ngọ rất phổ biến. Riêng, ở khu vực tôi ở, gồm những huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông, huyện Hồng Ngự, tôi thấy gần như nhà nào cũng “ăn Tết Đoan Ngọ”. Nhà tôi ở Cù Lao Tây, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, từ khi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy việc ăn Tết Đoan Ngọ rất là nhộn nhịp.
TẾT ĐOAN NGỌ MÙNG 5 THÁNG 5 ÂL
Quê tôi, miền Đồng Tháp, việc ăn Tết Đoan Ngọ rất phổ biến. Riêng, ở khu vực tôi ở, gồm những huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông, huyện Hồng Ngự, tôi thấy gần như nhà nào cũng “ăn Tết Đoan Ngọ”. Nhà tôi ở Cù Lao Tây, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, từ khi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy việc ăn Tết Đoan Ngọ rất là nhộn nhịp.
Cái tên Tết Đoan Ngọ nhiều người có thể “không biết”, hồi nhỏ tôi không hề nghe nói về Tết Đoan Ngọ, nhưng nói ăn “mùng 5 tháng 5” thì hầu như ai cũng biết, nhất là bọn trẻ con chúng tôi.
Tôi nhớ, khi còn nhỏ, ngày này, thường nhà nào trước đó cũng có nồi bánh tét nấu trước sân. Tuy khung cảnh không ồn ào náo nhiệt như Tết Nguyên Đán đầu năm Âm Lịch, nhưng bầu không khí cũng rất vui. Ai ở xa cũng tìm cách về nhà dùng bữa “tiệc gia đình”, và lũ trẻ con ra đường cũng luôn mặc quần áo mới.
Đặc biệt trong ngày vui này, hầu như nhà nào cũng làm “bánh xèo”. Hay nói một cách khác, có vẻ như, bánh xèo là món ăn không thể thiếu ngày mùng 5 tháng 5 Âl.
Ngày xưa làm bánh xèo không đơn giản như bây giờ. Ngày nay bột đã bán sẵn ở tiệm, màu vàng có “phẩm màu tương đương”, và rau xanh cứ ra chợ mà mua.
Khi tôi còn nhỏ, trước khi làm bánh xèo Mẹ luôn để ý xem bữa ăn đó sẽ có bao nhiêu người (mời khách bao nhiêu), Mẹ ngâm gạo. Sau đó mẹ mua củ nghệ về xắt từng lát mỏng, khi xay gạo, mẹ bỏ vào gạo từ từ, gạo bị nghiền thành bột được pha màu nghệ theo dòng chảy thành từng đường sọc song song trông thật đẹp, mùi nghệ góp phần tạo nên hương vị rất đặc trưng cho cái bánh xèo. Tất nhiên, cái cối đá to Mẹ xay rất cực, nó rất nặng quay, Ba luôn tiếp tay Mẹ việc này. Sau đó, là việc của Ba, có tôi “cộng tác” nữa, đi ra “vườn hoang” hái “lá rừng” về làm rau ăn bánh xèo. Bạn biết không, ăn bánh xèo, ngon hay dỡ, phần “rau rừng” và “nước mắm” là phần “quyết định” chất lượng của cái bánh. Lúc ấy, Ba thường hái về đủ thứ “lá cây non” làm rau, như đọt chòi mòi, lá chùm giuộc, lá xoài, lá vừng, lá bằng lăng, lá cách… pha thêm vào một ít rau chợ, như rau thơm, rau quế, rau nhái, sà lách… Ngày ấy, để có một bữa ăn bánh xèo, cả nhà ai nấy đều có phần việc riêng, nên bữa ăn bánh xèo thật có ý nghĩa gia đình làm sao !
Ngày nay, cuộc sống vội vã, người ta chế biến nhiều loại thức ăn “tranh thủ thời gian” kiểu “mì ăn liền”, nhưng chắc thế nào bạn cũng khó bỏ qua món “bánh xèo”, dù bạn ăn bánh xèo ở chợ, bầu khí gia đình tuy có thiếu, biết làm sao được vì hoàn cảnh cuộc sống, nhưng điều mà bạn có được, vẫn là hương vị quê hương rất đặc trưng, nên dù bạn có ở nơi đâu, cũng khó lòng quên được cái bánh thật gần gũi ấy. Cái bánh tròn tròn màu vàng sang trọng trải rộng ra rồi gói ghém vào đó các loại rau hương đồng cỏ nội như gói ghém tình quê khiến lòng người đi xa luôn luôn nhung nhớ hình bóng quê nhà.
Có lần tôi nghe một người phụ nữ ru con:
Sang đây em đãi bánh xèo
Trăm thương ngàn nhớ dù nghèo dù sang…
(Mời bạn xem một số hình ảnh mừng mùng 5 tháng 5 ÂL. 2015)
MAI NHẬT THI
thegioiriengtu.com