QUAN NIỆM SAI LẦM CỦA MỘT NHÀ GIÁO

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

QUAN NIỆM SAI LẦM CỦA MỘT NHÀ GIÁO

Người xưa có câu:

Làm thầy thuốc mà lầm thì hại một mạng người
Làm chính trị mà lầm thì hại một thế hệ
làm văn hóa giáo dục mà lầm thì hại muôn đời (Lão Tử). (...)

 

QUAN NIỆM SAI LẦM CỦA MỘT NHÀ GIÁO
 


 

Người xưa có câu:

Làm thầy thuốc mà lầm thì hại một mạng người
Làm chính trị mà lầm thì hại một thế hệ
làm văn hóa giáo dục mà lầm thì hại muôn đời (Lão Tử).

 


 

Trong quyển sách nhỏ có tên “Nghệ Thuật Dạy Học”, tác giả của nó, Sư huynh Mai Tâm - Giáo sư Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm Sài Gòn trước năm 1975 đã dành Chương II đề cập đến chủ đề “Điều kiện căn bản để theo đuổi nghề Thầy giáo”, trong đó có ba phần: 1. Trí Nhớ. – 2. Nghị Lực – 3. Lòng Tốt.

Phàm  con người, để sống đúng nhân phẩm của mình, ai cũng phải có lòng tốt”- Lương tâm. Càng có trách nhiệm cao, bổn phận lớn, ảnh hưởng rộng, càng phải luôn kiểm điểm và nâng cao lòng tốt của mình, điểm nhắm tới là “Tâm hồn cao thượng”.

Mở đầu quyển Nghệ Thuật Dạy Học, Sư huynh Mai Tâm đã trang trọng trích dẫn lời của Daniel Webster:

“Những đá cẩm thạch do người ta điêu khắc, một ngày kia sẽ tan vỡ. Những tên tuổi ghi trên bảng đồng sẽ phai mờ với thời gian. Nếu ta xây cất đền đài, chúng sẽ có ngày đổ nát. Nhưng khi chúng ta làm việc trên những linh hồn bất tử, gieo vào lòng người trẻ những chân lý trường cửu, sự kính sợ Thượng Đế và tình thương kẻ khác, thì công trạng của ta sẽ là ánh đuốc soi sáng nhân loại cho đến muôn đời”  

Portrait of U.S. Statesman and Lawyer, Daniel Webster (1782-1852).

Đọc lại quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa, ta vẫn thấy những bài học còn đó giá trị của “chân lý trường cửu”. Trong đó, có tình yêu thương đồng loại, tình liên đới, sự tôn trọng và lòng biết ơn lẫn nhau.

(Một số hình ảnh trích đoạn từ cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư)


 

Ăn bát cơm, biết ơn bác nông phu chân lắm tay bùn. Mặc chiếc áo, ta biết ơn người dệt vải, cô thợ may. Cầm tập viết, ta biết ơn anh chị nhân công đã tạo ra nó… và cứ thế, để ta có được cuộc sống thuận lợi hơn, tốt hơn, ta mang ơn biết bao người…

Chúng tôi thật bất ngờ đến ngỡ ngàng khi đọc bài báo của người tự xưng là “giảng viên” lại có con tim khô cứng và cái nhìn lệch lạc về “nghề nghiệp” của người khác đến như vậy, cụ thể ở đây là “bán xôi”. Cái “tâm” của Nhà giáo là vậy sao? Bán xôi mà bạn còn “khinh thường” như thế, thì những nghề khác, như những nghề để làm sạch đẹp những nơi công cộng, “con người bậc thầy” này sẽ nhìn những người hành nghề đó dưới ánh mắt nào?

Biết bao người nghèo, trong đó có nhiều sinh viên học sinh được no lòng nhờ nấm xôi đạm bạc ấy… Họ biết ơn người đã tạo ra bữa ăn đơn giản đó, mai này, có khi trong số họ trở thành những kẻ thành đạt, leo lên được địa vị cao trong xã hội, những nấm xôi cơ hàn góp phần trong bước đường tiến thân của họ.  

Biết bao bậc làm cha mẹ, trong đó cũng có nhiều Thầy Cô làm thêm nhiều nghề khiêm tốn khác nhau, quý ngài giữ lòng  trong sạch và thanh cao, để nuôi con ăn học và không ngừng vượt khó vươn lên. Trong cơ hàn, các ngài là tấm gương sáng cho con cháu và cho nhiều người.

Những từ ngữ trong bài của “người tự xưng là giảng viên” này thật thiếu văn hóa, vô lễ đối với những người cuộc đời chưa gặp may mắn, và đầy vẻ kiêu căng tự cao tự đại. Ngay tựa đề đã rất mực khiếm nhã: Đừng chường mặt…

Nhiều điều trong bài này của kẻ tự hào “từ bục giảng trên cao” cần soi rọi lắm, nhưng, để bạn đọc ngẫm nghĩ nhận định thêm.

Nếu đây chỉ là trường hợp cá biệt thì là chuyện đáng mừng, mừng trong nỗi đau chừng mực của nó, còn nếu đây chỉ là mặt nổi của một tảng băng ngầm thì… thật vô cùng đáng sợ!

Tác giả - người tự hào “đường đường là giảng viên” - đã đề nghị : Bạn nào cùng hoàn cảnh với tôi, nếu cảm thấy khó khăn không trụ được mà tính đến chuyện bán xôi hoặc bán gì đó thì tốt nhất các bạn nên xin nghỉ việc hẳn”. Câu đề nghị thật thẳng thắn đáng ghi nhận và cần thực hiện ngay, nhưng người cần thực hiện ngay lời đề nghị đó - “nghỉ việc hẳn” - theo chúng tôi, không phải là người “bán xôi”, mà chính là bạn, thưa bạn! là tác giả bài viết “Đừng chường mặt bán xôi…”.

MAI NHẬT THI

________________

 NGUYÊN VĂN BÀI VIẾT

‘Đừng chường mặt bán xôi kẻo ô danh nghề giáo’

Bản thân đứng trên bục giảng dạy dỗ cho bao người, ai gặp cũng phải cúi đầu chào hỏi mà lại chường mặt đi bán xôi thì thật sự giảng viên ấy làm ô danh nghề giáo.



Ảnh minh họa

Tôi cũng là một giảng viên của một ngành học không có gì đặc sắc nên tôi hiểu khó khăn mà bạn T.N tác giả bài “Lương không đủ sống, giảngviên định bỏ nghề đi bán xôi” đang gặp phải. Thu nhập hiện tại của tôi cũng chỉ trên dưới 5 triệu và đúng là quá khó khăn để nuôi gia đình.

Tôi cũng đầy đủ bằng cấp như bạn, được bố mẹ nuôi học hành bao năm trời và cho tới giờ vẫn là niềm tự hào của ông bà (bố mẹ tôi ở quê). Nhờ có cái mác giảng viên của tôi mà bố mẹ tôi được cả làng nể trọng, người ta luôn nói về tôi như một tấm gương để con em họ noi theo. Bởi thi vào đại học đã được coi là những học sinh khá giỏi, đây lại là thầy cô của những học sinh khá giỏi thì sao không oai cho được.

Thế nhưng có ai biết, đồng lương của nhiều giảng viên lại “chết đói” như thế. Nhiều khi tôi cũng nản, nghĩ mình chưa nhận được những thứ xứng đáng. Nhưng suy cho cùng, không thể giàu sang nhờ tiền lương thì ngược lại nghề cho mình sự danh giá.

Bản thân đứng trên bục giảng dạy dỗ cho bao người, ai gặp cũng phải cúi đầu chào hỏi lễ phép. Thế nên nhiều bạn làm giảng viên khuyên bỏ nghề hoặc kiếm thêm bằng việc buôn bán, tôi không bao giờ đồng ý.

Bạn giảng viên trong bài chia sẻ kia còn có ý định chường mặt đi bán xôi thì tôi cũng đến chịu. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, làm thế chẳng khác nào tự bạn làm ô danh nghề giáo.

Mình là giảng viên thì chỉ nên quanh quẩn bên chữ nghĩa chứ đừng quanh quẩn bên nồi xôi. Mình đứng trên cao để giảng dạy cho sinh viên bên dưới chứ không phải lom khom cúi cúi bưng đồ ăn cho khách. Bạn thử nghĩ xem, ở trên lớp đang được trọng vọng, có giá như thế mà lại làm bà bán xôi đon đả phục vụ người khác có thấy chán không?

Dù là giải pháp để vượt qua hoàn cảnh, nhưng định kiến xã hôi nặng nề lắm bạn ạ. Từ bục giảng trên cao bước xuống lề đường ngồi bán xôi, người ta sẽ nhìn bạn bằng nửa con mắt. Chưa kể bố mẹ bạn cũng sẽ đau lòng vô cùng, nuôi con ăn học bao năm trời vậy mà...

Cách tốt nhất là bạn nên học cách sống gói gọn với số lương của hai vợ chồng. Nên tự hài lòng với những gì mình đang có, như thế mới đỡ suy nghĩ nhiều. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, quan trọng mỗi tháng bạn để ra được bao nhiêu chứ không phải kiếm được bao nhiêu. Nhiều gia đình thu nhập mấy chục triệu mà họ vẫn cứ nghèo đó.

Tôi vẫn tâm sự với sinh viên của mình rằng: “Các em đừng thấy thầy cô đi ô tô, mặc quần áo đẹp đến trường là cao sang giàu có mà ảo tưởng về việc được ở lại trường làm giảng viên cho sướng. Sự thật lại hoàn toàn ngược lại, muốn làm giảng viên phải thực tâm yêu nghề bởi lương giảng viên của tôi không đủ tiền đổ xăng xe ô tô đi từ nhà đến trường đâu”.

Nhưng dù khó khăn đến mấy tôi vẫn sẽ bám trụ với cái nghề được cả xã hội trọng vọng này. Bạn nào cùng hoàn cảnh với tôi, nếu cảm thấy khó khăn không trụ được mà tính đến chuyện bán xôi hoặc bán gì đó thì tốt nhất các bạn nên xin nghỉ việc hẳn. Đường đường là giảng viên mà lại chường mặt ra bán xôi có khác nào tự mình làm ô danh nghề giáo.

LT (TB)

________________

Một số comment của bạn đọc sau bài viết này.