You are here:

CN 21 tn A: Tảng Đá Giáo Hội

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 


CN 21 tn A: Tảng Đá Giáo Hội

Và, Giáo Hội mãi mãi vững bền trên “Tảng Đá Tình Yêu” ấy.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt.16,18).

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN A
(Mt.16,13-20)
****

TẢNG ĐÁ GIÁO HỘI


13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" 14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ." 15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."

17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."

20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.


SUY NIỆM
                                                       
TẢNG ĐÁ GIÁO HỘI…

I. Giáo Hội được xây trên tảng đá Phê-rô

1. Nền tảng Giáo Hội là Thiên Chúa.

Giáo Hội do chính Chúa Giê-su thành lập, thì Chúa Giê-su phải là Thiên Chúa thật và là người thật. “Emmanuel – Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta”. Nếu Giáo Hội chỉ là sản phẩm của người phàm sáng tạo ra, thì chẳng thể nào tồn tại với thời gian được. Vì chẳng có gì lừa dối mà bền vững dài lâu được.

Đức Ki-tô là trọng tâm niềm tin của Giáo Hội. Ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, Đức Tin được tóm gọn trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Các Tông Đồ đã từng giảng dạy, và chân lý này thì bất di bất dịch với thời gian: “Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi, nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho người chỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội”.(Cv.5, 30-31). Ơn sám hối và ơn tha tội ấy khởi đi từ It-ra-en và lan tỏa đến tận cùng thế giới.

Nếu người mang tên Giê-su không phải là Thiên Chúa, đó chỉ là một con người bình thường, thì cái gọi là Giáo Hội chỉ là một tổ chức từ một con người đặt ra, cho dù đó là một con người thông minh đến mấy, cái gọi là Giáo Hội đó không thể đứng vững với thời gian.

“Thưa quý vị là người Ít-ra en, xin quý vị coi chừng điều quí vị sắp làm cho những người này. Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng 400 người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình, cả ông cũng bị tiêu diệt, và tất cả những người theo ông đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quí vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy, còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quí vị không thể nào phá hủy được, không khéo quí vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv.5,34-39).

 2. Sức mạnh Giáo Hội đến từ Thiên Chúa.

Giáo Hội của Chúa Giê-su không phải có sức mạnh bành trướng bằng quân sự hay bằng sự khôn ngoan tài cao học rộng của những con người làm chính trị.

Các môn đệ là những con người bình thường không có gì xuất chúng, thậm chí tầm thường nữa. Họ đã qui tụ những con người tìm về Thiên Chúa khi trong tay không hề có vũ khí hay một thế lực che chở nào.

“Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: ‘Thế nghĩa là gì ?”(Cv.2,12).

Sức mạnh Giáo Hội đến từ Thiên Chúa, đến từ Chúa Thánh Thần. Nên sức mạnh ấy con người không thể hiểu được, vì Thiên Chúa luôn thực hiện những điều lạ lùng và kỳ diệu.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv.2,1-4).

2. Nhưng Giáo Hội  vẫn là những con người…

+ Yếu đuối.

Giáo Hội là những con người đang sống trên cuộc đời với bản tính yếu đuối muôn thuở. Sự thánh thiện của một con người là khi con người ấy có thiện chí không ngừng cố gắng vươn lên, chứ không phải là con người ấy đã trở thành một thiên thần. Để trở nên một vị thánh, con người luôn cần ơn Chúa tha thứ tẩy xóa những thiếu sót khi còn ở trần gian. Không “vị thánh sống” nào khi còn ở trần gian hoàn toàn tinh tuyền trước nhan Chúa.

Từ đó, Giáo Hội có thể có những sai lầm, bị chê bai, chỉ trích… Nhưng Giáo Hội vẫn đang từng ngày tiến đến gần sự hoàn hảo hơn, vì Giáo Hội luôn nhìn lại chính mình và đi trong ánh sáng Tin Mừng.

Việc tốt tôi muốn, tôi không làm, trong khi điều xấu tôi chẳng hề muốn, thì tôi lại làm (Rm.7,15-19).

+ Luôn đương đầu sóng gió (Lc.8,22-25).

Các môn đệ sống bên Chúa Giê-su, và đã xác tín Chúa Giê-su là Thiên Chúa. “Ông Si-môn Phê-rô thưa: ‘Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống’”. Nhưng niềm tin ấy vẫn rất mong manh khi đương đầu với những sóng gió, những thử thách trong cuộc đời.

“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất !”. Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin !” Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. (Mt.8,26).

Trong dòng đời nghiệt ngã, lắm gian truân, bon chen, nhiều quyến rũ, cạm bẩy… biết bao người đã lìa xa Chúa. “Tôi biết tôi đã tin vào ai...”, nhưng có lúc sức hấp dẫn của cuộc đời quá mạnh mẽ, ta nhìn thấy ảo ảnh cuộc đời mà tưởng như sự thật đem lại hạnh phúc cho đời ta ! Xung quanh ta có khi là vùng yêu ma tinh quái mà ta cứ tưởng là thiên đàng tại thế Trời cho ta tận hưởng !

Tôi biết tôi tin vào ai và xác tín rằng: Ðức Kitô là Vị Thẩm Phán chí công có đủ quyền năng bảo toàn Giáo lý đã được giao phó cho tôi. Mãi cho tới ngày Người ngự đến"( 2Tm 1.12; 4, 8 ).

II. TẢNG ĐÁ TÌNH YÊU.

1. Giáo Hội Vững Bền vì Tình Yêu.

Nền tảng Giáo Hội là Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas est). Tình yêu chỉ trọn vẹn khi nó đến từ hai phía, Thiên Chúa yêu thương con người và con người yêu thương Thiên Chúa. Chính trong tình yêu hoàn hảo đó, con người mới biết yêu tha nhân. Tất cả nên một trong tình yêu.

(Ảnh: Phêrô trong phim Quo Vadis).

Giáo Hội đã trải qua những cơn bách hại khốc liệt, nhưng Giáo Hội vẫn còn đó.

Điều gì đã làm cho Giáo Hội tồn tại ? Đó chính là Tình Yêu.

Tình yêu của những con người “dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.

Có lẽ bạn đã đọc tác phẩm Quo Vadis của nhà văn Ba Lan: Henryk Sienkievich, giải Nobel văn học 1905. Đó là những trang sử thi đẫm máu đã dệt nên bản trường ca bất tử của những con người dành trọn tình yêu cho Giê-su, cho Giáo Hội.

(Ảnh: Nê-rô trong phim Quo Vadis)

“Trong một chớp mắt, hai con người ấy nhìn nhau (Nê-rô và Phê-rô) (…) đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia – chính cụ già khoác manh áo thô kệch nọ (Phê-rô) – sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn thành đô này” (trích Quo Vadis, chương V).

2. Tảng Đá Giáo Hội: Tảng Đá Tình Yêu.


Tình Yêu Thiên Chúa đến thiên thu vạn đại không bao giờ thay đổi. Dù thế nào đi nữa, thế giới không bao giờ có thể xóa đi bóng Thánh Giá trong con tim nhân loại.

Và, Chúa cũng muốn con người biết yêu mến Ngài, vì đó là sự sống còn của nhân loại, sự sống còn của Giáo Hội.  Thiên Chúa là Tảng Đá cho con người nương tựa, là Tảng Đá nền tảng của Giáo Hội lớn mạnh
vững bền.Không có sự loại trừ khi còn đó những giọt lệ sám hối tìm quay về với Thiên Chúa.

"Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi" (Tv 71,3).


Nên “tảng đá Phê-rô”, phải là “Tảng Đá Tình Yêu”. Chúa không đòi hỏi một thứ gì khác ngoài Tình Yêu. Tình yêu của Phêrô có sự yếu đuối, lỗi lầm, có sự ăn năn, có lòng can đảm. Tình yêu của Phêrô “rất người”, rất thật, rất đáng yêu.

“Này anh Simon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ? Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. (Ga.21,16).

Và, Giáo Hội mãi mãi vững bền trên “Tảng Đá Tình Yêu” ấy.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt.16,18).

Thế nên Tảng Đá Giáo Hội là Tảng Đá Tình Yêu.

Lạy Chúa,

Xin cho con luôn biết mến yêu Giáo Hội, vui buồn với những thăng trầm của Giáo Hội. Góp công sức tài trí hết lòng xây dựng Giáo Hội. Nhận ra hạnh phúc và ân huệ Chúa ban trong Đại Gia Đình Giáo Hội.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Đang có 225 khách và không thành viên đang online

15813800
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
12167
23636
103498
15613867
372218
413215
15813800

Your IP: 3.15.198.240
Server Time: 2024-12-28 15:42:04