You are here:

CN.03ChayB: Đức Giê-su là Đền Thờ Thiên Chúa

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 


CN.03 ChayB: Đức Giê-su là Đền Thờ Thiên Chúa

“Hang trộm cướp, nơi mua bán”- hay một thứ gì đó đại loại như vậy – trong bối cảnh này, là một nơi đã hoàn toàn nhuốm mùi thế tục. Nơi đây không còn là nơi tĩnh lặng để nâng hồn lên đến Chúa

 

 

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
(Ga.2,13-25)
*****

ĐỨC GIÊ-SU LÀ ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA


(13) Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. (14) Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. (15) Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật ngược bàn ghế của họ. (16) Người nói với những kẻ bán bồ câu: "đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (17) Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

(18) Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" (19) Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." (20) Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?" (21) Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (22) Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói  điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

(23) Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. (24) Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, (25) và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

__________

ĐỨC GIÊ-SU LÀ ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA

+ 1.Việc mua bán.

Chốn chợ búa thường phức tạp. Ồn ào, chen chúc. Nơi ấy ngôn ngữ mua bán không mấy khi chân thật, thường thấy cảnh “mua gian bán lận”, gạt gẫm, lừa bịp, tính toán hơn thua, nhiều hành vi rất thủ đoạn.

Có câu “Thương trường như chiến trường”, việc cạnh tranh hiếm khi lành mạnh. Nó nhắm tới “lợi nhuận” là hàng đầu, không ai nương tay với một đối thủ đang cạnh tranh, dù việc mua bán lớn nhỏ. Cái chết của thương hiệu này là niềm vui của thương hiệu kia. Tiệm này ăn mừng tiệm kia “sập tiệm”. Người ta đối xử với nhau sòng phẳng và lạnh lùng.

Nên, cũng có câu: “đem con bỏ chợ”. Giữa “chợ đời” lạc lõng bơ vơ, mấy khi có tình yêu chân thật giúp đỡ.

Tất nhiên, ta đang nói thực trạng thường thấy của nó, còn việc mua bán - mà chợ búa là hình ảnh thực tế cụ thể nhất -  là một khía cạnh cần thiết trong cuộc sống, lại là chuyện khác. 

Ai trong chúng ta chắc cũng đã từng thấy cảnh mua bán trong những “lễ hội tín ngưỡng dân gian”, đôi khi cũng có trong những ngày lễ tôn giáo, những nơi hành hương… ở đó có đủ thứ trò lừa bịp, “mua thần bán thánh”, cảnh bát nháo làm tục hóa bầu khí thiêng liêng mà cái tâm của mọi người đang muốn hướng thiện.

Có thể suy ngẫm thêm về mặt tiêu cực của cảnh mua bán ở chợ - hay những nơi như ở chợ - trong câu chuyện của người xưa sau đây:

Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người mua bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế, lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về cũng bắt chước học tập lễ phép, cặp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”. (Cổ Học Tinh Hoa).

Chuyện mua bán ở đời thường còn đáng tránh xa như vậy huống chi là chuyện mua bán chốn thờ phượng, nơi thiêng liêng, ở “đền thờ”, ở “Nhà Cha”.

+ 2. Nhà của Ta là nhà cầu nguyện

"Ðức kitô vào đền thờ, Ngài xua đuổi kẻ buôn bán, và những kẻ mua. Ngài lật nhào bàn ghế của người đổi bạc, và của kẻ bán bồ câu. Ngài nói với họ: Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" (Mt 21,12-13).

Đây là Đền Thờ Thiên Chúa. Là Nhà Thiên Chúa, là “Nhà Cha Ta”, cũng chính là “Nhà của Chúa Giêsu”, vì Ngài là Con Thiên Chúa.

Người nói với những kẻ bán bồ câu: "đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (Ga.2,16).

“Hang trộm cướp, nơi mua bán”- hay một thứ gì đó đại loại như vậy – trong bối cảnh này, là một nơi đã hoàn toàn nhuốm mùi thế tục. Nơi đây không còn là nơi tĩnh lặng để nâng hồn lên đến Chúa; không còn vẻ thiêng liêng để ca tụng tri ân Chúa; không còn là nơi trang nghiêm để con người hồi tâm trải lòng ra với Chúa, quay về với Chúa, sau những lúc quay cuồng trong thế giới ồn ào vật chất với muôn vàn thứ bận rộn lo toan.

“Nhà Cầu nguyện – Hang Trộm Cướp”- Ở đây, hai nơi, chỉ là một - là “Nhà của Chúa” -  nhưng, nó biến đổi mục đích, là tại “lòng người”.

Nếu Lời Chúa bồi đắp phù sa cho tâm hồn ta thành mảnh đất hoa màu tươi tốt, thì ngược lại, lời ma quỷ bồi đắp tâm hồn ta những thứ rác rưởi thế gian khiến tâm hồn ta trở nên nông cạn, nhiễm độc, khiến mảnh đất tâm hồn ta trở nên khô cằn, sỏi đá, nó trở thành miền đất chết không có thứ gì hữu ích có thể sinh ra hoa trái.

Nên, chính là từ tâm hồn, chứ không phải từ vật chất, mà con người thăng hoa, vươn lên được.

Vì thế, Đền Thờ đích thực là thứ đền thờ thiêng liêng được xây dựng ở tâm hồn, chứ không phải thứ đền thờ vật chất được xây dựng ở bên ngoài.

Bởi vì cái đền thờ ở bên ngoài ấy nó bị biến dạng, bị thay đổi mục đích do tại lòng người. Nó có thể ở nơi đây hay ở nơi kia; nó có thể linh thiêng, cũng có thể là hang trộm cướp; nó có thể là nơi tĩnh lặng, cũng có thể trở thành cái chợ; nó có thể may mắn tồn tại khá dài lâu theo dòng lịch sử, nhưng cũng có thể chợt một ngày “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”…

Chỉ có đền thờ  nơi tâm hồn là chân thực, là bền vững. Và đó là điều Thiên Chúa mong muốn.

Khi người phụ nữ Samari gặp gỡ Chúa Giê-su ở giếng Gia-cóp, đã nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa."

21 Đức Giê-su phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. 23 Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." 25 Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." 26 Đức Giê-su nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây." (Ga.4,19-26). 

Rõ ràng Chúa Giê-su đã nhấn mạnh: "Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây":

“Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”.  (Ga.4,19-24). 

Mà Chúa Giê-su đã khẳng định : "Thầy là đường, là sự thậtvà là sự sống" (Ga 14,6).Nên thờ phượng Chúa Cha chính nhờ Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su, trong Chúa Giê-su- Ngài là Đền Thờ Thiên Chúa.

+ 3. Đức Ki-tô là Đền thờ Thiên Chúa

Chính Chúa Giêsu là đền thờ đích thực nơi phụng thờ Thiên Chúa.

"Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?". Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga.2,19-21).

Ngài là đền thờ xứng đáng và đẹp lòng Chúa Cha nhất. Và Thiên Chúa muốn cho mọi người chúng ta đều trở nên đền thờ Thiên Chúa theo gương mẫu Chúa Giêsu.

"Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người" (Mc.17,1-9).

Mọi đền thờ vật chất bên ngoài không bao giờ bị biến hóa thánh “hang trộm cướp” hay “chốn chợ búa” nếu chúng ta thờ phượng Thiên Chúa từ sâu thẳm tâm hồn của chúng ta.

Chính vì, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Ki tô, ta được  nên “đồng hình đồng dạng với Ngài”, Đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong cái chết của Người” (Pl. 3, 10) – Nhờ đó, cuộc đời ta hoàn toàn thay đổi rập theo khuôn mẫu Đức Kitô:“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Và chính từ đó, ta trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa.

“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (I Cor 3,16.19).

Vậy, ta hãy ăn năn sám hối và tin vào "Tin Mừng", đó là khởi sự con đường theo Chúa Giêsu và nên giống Chúa Giêsu.

Vì chỉ nhờ Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su, trong Chúa Giê-su, chúng ta mới có thể là những người thờ phượng đích thực, là "thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga.4,23)."

Lạy Chúa,                               

Con muốn ca tụng Chúa
từ sâu thẳm lòng con.

Con muốn yêu mến Chúa,
từ tận đáy lòng con.

Con muốn thờ phượng Chúa,
từ Cung thánh lòng con.

Giữa cuộc đời xáo động,
Cho con phút bình tâm.

Cuộc đời đầy hoa mộng
Chỉ mong Chúa trong lòng. Amen.

 

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Đang có 344 khách và không thành viên đang online

15786258
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
8261
9456
75956
15613867
344676
413215
15786258

Your IP: 3.145.45.223
Server Time: 2024-12-27 07:45:29