You are here:

Suy Ngẫm Ba Ngày Thánh

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Suy Niệm Tam Nhật Vượt Qua Tuần Thánh

Một ngày nào đó, và chắc chắn ngày đó sẽ đến, nỗi bất hạnh tột cùng của kiếp người sẽ đến, như bà lão bán hoa, niềm tin sau “ba ngày” rồi “mọi chuyện sẽ trở lại bình thường”, ta vẫn còn đó sự sống - “sự sống thay đổi mà không mất đi” - vì ta tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.

 

 

 

 

SUY NIỆM TAM NHẬT VƯỢT QUA

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Alexandre Đại đế cưỡi ngựa du lịch phía Tây nước Nga. Một hôm, ông đến quán trọ ở một ngôi làng, vì muốn tìm hiểu dân tình, ông quyết định cải trang thành dân thường rồi đi bộ đạo quanh, quan sát tình hình. Nhưng khi đến ngã ba đường, ông phát hiện mình quên mất lối về quán trọ.

Tình cờ, ông thấy một người lính đứng trước cửa một lữ quán, bèn tiến đến hỏi đường: “Anh bạn, anh có thể chỉ giúp tôi đường về nhà trọ không?”

Người lính miệng ngâm tẩu thuốc lớn, quay đầu, quan sát vị lữ khách ăn mặc bình dân này từ đầu đến chân, rồi cao ngạo đáp: “Rẽ phải!”.

“Cám ơn!”. Alexandre lại hỏi, “Cho hỏi còn cách quán trọ bao xa nữa?”

“Một dặm”. Người lính đó trả lời cộc lốc, đồng thời liếc con người xa lạ một cái.

Đại đế lễ phép chào từ biệt, vừa đi được vài bước, thì dừng lại, quay đầu mỉm cười nói: “Xin lỗi, tôi có thể hỏi anh thêm một câu không? Nếu được phép, cho hỏi quân hàm của anh là gì?”

Người quân nhân hít một ngụm thuốc, nói: “Đoán xem!”

Đại đế dí dỏm: “Trung úy?”

Kẻ nghiện thuốc đó nhếch miệng nhẹ, hàm ý không chỉ là Trung úy.

“Thượng úy?”

Tên nghiện thuốc lại làm ra vẻ rất oách, nói: “Cao hơn chút nữa”.

“Vậy, anh là Thiếu tá?”

“Đúng thế!”, hắn kiêu hãnh trả lời. Thế là Đại đế kính phục, lập tức cuối chào hắn.

Thiếu tá quay sang dùng giọng điệu kẻ cả, hỏi: “Nếu ông không ngại, cho hỏi quân hàm của ông là gì?”

Đại đế hớn hỡ đáp: “Anh đoán xem!”

“Trung úy?”

Đại đế lắc đầu, nói: “Không phải”.

“Thượng úy?”

“Cũng không!”

Thiếu tá tiến đến gần, nhìn kỹ rồi nói: “Vậy ông cũng là Thiếu tá?”.

Đại đế mỉm cười: “Anh đoán tiếp xem!”

Viên Thiếu tá bỏ tẩu thuốc xuống, thái độ ngạo mạn khi nãy bỗng chốc biến mất. Hắn dùng giọng điệu rất tôn kính rồi khẽ nói: “Vậy Ngài là Bộ trưởng hoặc Tướng quân?”.

“Anh sắp đoán được rồi đó”. Đại đế nói.

“Ngài…là Nguyên soái lục quân sao?”, Thiếu tá nói lắp bắp.

Đại đế đáp: “Thiếu tá của ta à, hãy đoán lần nữa đi!”

“Đại đế bệ hạ!”, tẩu thuốc trên tay viên Thiếu tá rơi nay xuống đất, hắn quỳ rạp, hốt hoảng nói: “Xin bệ hạ thứ lỗi! Xin bệ hạ thứ lỗi!”

“Thứ lỗi gì nào, anh bạn”. Đại đế cười nói: “Anh có làm hại gì ta đâu, ta hỏi đường, anh chỉ đường, ta nên cám ơn anh mới phải!”.

(Alexandre hỏi đường. 100 câu chuyện triết lý gợi mở cuộc sống. Lưu Diệp).

Rửa chân

 

Chúa Giê-su đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, vì Ngài không bao giờ sử dụng quyền lực, để đè bẹp người thuộc về mình, mà ngược lại hoàn toàn vì yêu thương họ. Ngài xem họ là “bạn”, và phục vụ cho họ như “người đầy tớ” phục vụ chủ mình.

“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa châncho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15).

Thánh Thể

Tình yêu làm con người tiêu hao đi, cho nhau, vì nhau.

Còn hơn thế nữa, Chúa Giê-su đã chịu tan biến đi, Ngài nên của ăn nuôi dưỡng con người, đem lại cho con người sự sống đời đời.

Thánh Thể là tuyệt đỉnh của Tình Yêu, một tình yêu cao cả, khiêm nhường phục vụ đến tận cùng.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Thành tích học tập của Jack rất tốt, nhưng sau khi tốt nghiệp nhiều lần gặp trắc trở, mãi không tìm được công việc lý tưởng, anh cảm thấy tài năng của mình bị mai một nên rất thất vọng. Mang tâm trạng chán chường, nỗi đau tột độ, Jack tuyệt vọng lần ra biển định kết liễu cuộc đời mình.

Ngay lúc anh sắp bị nước biển nhấn chìm, bà lão Mary đã cứu anh. Bà hỏi anh tại sao lại tìm đến cái chết.

Jack nói: “Tôi không được mọi người và xã hội nhìn nhận, chẳng ai yêu thích tôi, nên tôi cảm thấy cuộc đời này chẳng còn ý nghĩa gì nữa”

Bà Mary nhặt một hạt cát trên bãi biển, đưa Jack xem, rồi vứt xuống đất. Sau đó nói với anh: “Cậu hãy nhặt lại hạt cát mà tôi vừa vứt xuống”.

“Đấy là chuyện không thể!”. Jack cúi đầu nhìn rồi nói.

Bà Mary chẳng nói gì, lấy từ trong túi ra một hạt ngọc óng ánh, rồi ném xuống bái cát. Sau đó bảo Jack: “Cậu có thể nhặt hạt ngọc đó lên không?”

“Dĩ nhiên là được!”

“Vậy chắc cậu đã hiểu được cảnh ngộ của mình rồi chứ? Cậu phải nhận thức rằng bây giờ cậu không phải là một hạt ngọc nên cậu không thể đòi hỏi người khác thừa nhận ngay được. Nếu muốn được thừa nhận, cậu phải nghĩ cách biến mình thành một hạt ngọc mới được.

Jack cúi đầu trầm tư, chẳng nói lời nào.

(Ngọc trai và hạt cát. 100 câu chuyện triết lý gợi mở cuộc sống. Lưu Diệp).

Đời sẽ loại trừ ta, coi thường ta, nếu ta không làm được trò trống gì trong cuộc sống, thậm chí họ coi ta như rác rưởi trong xã hội ! Thế nhưng, Thiên Chúa luôn yêu thương ta, dù ta qua đổi tầm thường, ngập chìm trong đời tối tăm tội lỗi.

 

Hãy hướng nhìn về Thập Giá, tin vào Đức Ki-tô, Đấng xóa tội trần gian, Đấng biến đổi đời ta thành viên ngọc trong sáng và quý giá, Đấng làm cho ta trở nên con cái Thiên Chúa. Đó là đỉnh cao của phẩm giá con người. Con người cao quý vì con người thuộc về Thiên Chúa chứ không phải thuộc về Satan, nắm trong tay những thứ thuộc về thế gian phù phiếm.

Thập Giá nâng cao đời ta lên, và ta yêu quý cuộc sống vì nhận ra mình quý giá vì được Thiên Chúa yêu thương. Cuộc sống không chỉ hôm nay mà còn là niềm hy vọng ngày mai và mãi mãi. Thập Giá là niềm hy vọng cuộc đời.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Một nhà văn nữ gặp một bà lão bán hoa trên đường phố New York. Bà lão ăn mặc rách rưới, trông rất yếu, nhưng nét mặt hiền từ và vui tươi.

Nhà văn nữ chọn một đóa hoa, nói: “Trông bà rất vui”.

“Tại sao lại không? Mọi chuyện đều tốt đẹp thế kia mà!”

“Bà quả thật là một người rất lạc quan”. Nhà văn nữ buộc miệng nói.

Câu trả lời của bà lão đã làm nhà văn nữ sững sờ: “Khi Chúa Giê su bị đóng đinh trên Thập Giá vào ngày thứ sáu, đó là ngày tăm tối nhất của thế giới, nhưng ba ngày sau chính là ngày lễ Phục Sinh. Thế nên khi gặp phải bất hạnh tôi sẽ chờ ba ngày, mọi chuyện rồi cũng trở lại bình thường mà thôi”.

(Chờ Ba Ngày. 100 câu chuyện triết lý gợi mở cuộc sống. Lưu Diệp).

Có câu: “Nhân linh ư vạn vật” - Con người cao quý hơn mọi loài. Sao con người “linh ư vạn vật” ? Theo Aristote, vì con người có lý trí: “Con người là một con vật có lý trí”.

Nhưng, nếu lý trí không có ánh sáng chiếu soi để con người nhận ra đâu là ý nghĩa đích thực của đời mình, thì có lý trí chỉ làm cho con người thêm đau khổ.

Con vật sống, lo ăn uống, lớn lên, rồi chết. Cứ theo bản năng mà tồn tại, không biết băn khoăn, thắc mắc, tự hỏi điều gì. Còn con người luôn tìm tòi khám phá về thân phận của mình. Mình ở đâu ra? Sống làm gì? Chết về đâu?

Tiếng thở dài não nuột như bất tận: “Ôi nhân sinh là thế ấy: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao !” (NCT). Rồi từ đó đẻ ra bao nhiêu là triết lý sống, nhưng có chiều hướng chung là lo hưởng thụ cho no thỏa kiếp đời ngắn ngủi, thực dụng, hiện sinh, và cứ thế, nhiều kẻ đã lao vào cõi chết mà cứ tưởng là cõi phúc !

Niềm tin của “bà lão bán hoa” thật đơn sơ, giản dị. ba ngàylà biểu tượng của niềm hy vọng. Khi gặp “bất hạnh”, bà chờ “ba ngày” để vượt qua nỗi đau khổ và niềm vui lại trở về.

Một ngày nào đó, và chắc chắn ngày đó sẽ đến, nỗi bất hạnh tột cùng của kiếp người sẽ đến, như bà lão bán hoa, niềm tin sau “ba ngày” rồi “mọi chuyện sẽ trở lại bình thường”, ta vẫn còn đó sự sống - “sự sống thay đổi mà không mất đi” - vì ta tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Đang có 345 khách và không thành viên đang online

15786320
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
8323
9456
76018
15613867
344738
413215
15786320

Your IP: 13.58.84.207
Server Time: 2024-12-27 07:48:14