CN 02 PS B : Nếu
CN 02 PS B : Nếu
Đôi mắt các ông còn bị che phủ bởi quá nhiều ý tưởng trần thế nên ánh sáng Đức Tin chưa thể soi sáng được lòng trí các ông để các ông nhận ra thầy chí thánh Giêsu của mình đã từ cõi chết sống lại.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH B-15
(Ga 20,19-31)
****
NẾU…
(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."
(26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." (27) Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (28) Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (29) Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
(30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
___________
SUY NIỆM
NẾU
1. Chữ “nếu” trong cuộc sống…
Có những niềm tin, hy vọng, hạnh phúc, chỉ đến với điều kiện nào đó, ta thường hay bắt đầu với chữ “nếu”. Thí dụ:
Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà để che đầu, có một nơi nghỉ qua đêm...là bạn đã giàu hơn 75% dân số trên thế giới này.
Nếu bạn có tiền tiêu trong ví, có tiền bố thícho người nghèo, có tiền gửi trong ngân hàng, bạn thuộc 8% những người giàu nhất thế giới.
Nếu sáng nay thức dậy bạn thấy khỏe hơn ngày hôm qua một chút thì bạn đã may mắn hơn mộttriệu người không thể sống hếttuần này.
Nếu bạn chưa bao giờ trải qua những nguy hiểm của chiến tranh, cô đơn của tù tội, đau đớn của tra tấn,hay vật vã của đói khát...bạn đã hạnh phúc hơn 500 triệu người trên thế giới này.
Nếu chamẹ bạn còn chung sống và còn hạnh phúc bên nhau thì so với thế giới trường hợp của bạn không nhiều đâu.
Nếu bạn còn có thể tự do đến các tu viện, chùa chiền hay các đền thờ theo niềm tin tôn giáo của bạn mà không sợ quấy nhiễu, bắt bớ, tra tấn, hay mất mạng sống… bạn đang được may mắn hơn vô số người trên trái đất này.
Và cuối cùng, nếu bạn đọc được thông điệp này thì bạn đã sung sướng hơn haitỷ người trên thế giới này chẳng bao giờ được đọc bất cứ thứ gì cả.
Vậy thì, hãy nâng niu những gì trong vòng tay bạn, bởi vì còn rất nhiều người trên thế giới này đang ước mơ được như bạn đấy!
Trên đây là những trường hợp “nếu” nho nhỏ trong đời thường gợi ý cho ta nhận ra mình vẫn đang có một thứ gì đó quý giá, có khi đó lại là sự may mắn hay hạnh phúc hơn người, mà ta chưa suy nghĩ đến. Chữ “nếu” ở đây là “điều kiện” có thể nói là cần phải có - mà bạn thật sự đang có - để chứng minh rằng bạn đang “hạnh phúc”, ít nhất là thứ “hạnh phúc” được xem như may mắn hơn người khác. Vì, thật ra, trên đời này có ai hạnh phúc hoàn toàn. Nên, chữ “nếu” ở đây cốt để khẳng định rằng bạn đang có đủ “điều kiện” để nhận ra cuộc sống mình vẫn còn rất đẹp, dù có thể nó chưa hoàn toàn như ý bạn. Chữ “nếu” nơi đây dẫn tới lời khuyên như một kết luận đưa bạn đến - hay tìm lại được - niềm tin yêu vào cuộc sống.
Niềm tin yêu vào cuộc sống từ những gì bạn đang có , đang nắm trong tay - mà có khi ta chưa nhận ra, chưa thấy được, chưa hiểu được sự quý giá của nó cho đầy đủ. “hãy nâng niu những gì trong vòng tay bạn, bởi vì còn rất nhiều người trên thế giới này đang ước mơđược như bạn đấy!”
2. Chữ “nếu” của Tôma
Chúng ta xem lại đoạn Tin mừng này:
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (Ga.20,24-15).
Có vẻ như, không riêng gì Tôma, các môn đệ của Chúa Giêsu nói chung, không ai quan tâm gì nhiều đến việc Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn thập giá rồi mới Phục Sinh. Một điều chúng ta thấy rõ mà không cần bàn cãi gì, đó là các môn đệ không ai muốn Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn.
“Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (Mt.16,21-22).
Hình ảnh Vua Giêsu với vương quyền tái lập một Israel cường thịnh, cùng với bề tôi môn đệ áo mão cân đai quyền cao chức trọng làm lu mờ tất cả. Khi mọi đầu óc đều đang nghĩ về ngai vàng thì làm sao có thể chấp nhận được thập giá ! Nói một cách khác, thập giá làm sao có thể thai thế ngai vàng trong tâm tư của các môn đệ của Chúa Giê su
Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.(Mc.9,30-27).
Khi thập giá đã thật sự thay thế ngai vàng trong tim óc các môn đệ, thì mộng vàng tan theo mây khói ! Đâu riêng gì Tôma, hai môn đệ trên đường Emmau nhìn thấy Chúa Giêsu trước mặt sờ sờ đó thôi, nhưng các ông chỉ thấy một con người lữ khách đang đồng hành với các ông bằng xương bằng thịt mà không thể thấy một Giêsu Kitô phục sinh. Đôi mắt các ông còn bị che phủ bởi quá nhiều ý tưởng trần thế nên ánh sáng Đức Tin chưa thể soi sáng được lòng trí các ông để các ông nhận ra thầy chí thánh Giêsu của mình đã từ cõi chết sống lại.
“Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có 2 môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem khoảng 60 dặm. Dọc đường các ông nói với nhau về những việc vừa xẩy ra. Đang khi họ nói chuyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Ngài.”(Lc 24,13-35)
Cuối cùng thì Tôma được toại nguyện. Chúa Giê su đáp ứng đòi hỏi “nếu” của Tôma.
Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (Ga.20.27).
Thật ra, hai môn đệ đi làng Emmau cũng có điều kiện “nếu” đấy thôi để có thể tin chắc rằng thầy mình đã sống lại. Nếu các ông không tận mắt thấy người lữ khách “cầm bánh, đọc lời chúc tụng…” thì các ông có tin Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh không ?
“Đang khi cùng các ông đồng bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho 2 ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người”. (Lc.24,13-35).
3. Chữ “nếu” trong cuộc đời ta…
Có một câu thơ được phổ nhạc trong một bản nhạc đời:
Nếu đời là số phận
Nếu tình là giây oan
Ta không mang Thánh Giá
Làm sao đến Thiên Đàng… (Vì Sao Ba Ngôi – Xuân Kỳ).
Nếu ta không nhận ra được bao hồng ân mà Chúa trao ban trong cuộc đời ta, thì ta không thể nhận ra tình yêu Thiên Chúa.
Nếu ta không nhận ra được bao nhiêu nỗi thống khổ của anh em quanh ta, thì ta không thể gặp được Thiên Chúa.
Nếu lòng ta không được thắp sáng bằng Lời Chúa, thì ta không thể thấu hiểu Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa.
Nếu ta không tin vào Đức Kitô Phục Sinh thì ta không thể Sống Lời Chúa.
Nếu ta đặt điều kiện để tin vào Chúa Kitô Phục Sinh bằng những chứng cứ “tai nghe mắt thấy” theo giác quan “người trần mắt thịt” của mình, thì đời sống con người chúng ta dần dần sẽ chẳng còn những thứ giá trị cao quý mà những thứ giá trị đích thực ấy chỉ có thể cất giữ trong cỏi thẳm sâu tầm hồn và tồn tại trong thế giới tâm linh của con người. - Đặc biệt điều này ta có thể thấy rõ cuộc sống con người trong thế giới ngày nay.
Nếu chúng ta không có những giờ phút dừng lại để suy ngẫm về đời sống của ta - điều mà những Kitô hữu thường thực hiện trong giờ cầu nguyện - thì đời sống con người sẽ như dòng sông cạn kiệt hoặc chứa đầy nước ao tù vì nó đã mất đi mạch nước suối nguồn ban cho nó sự tồn tại trong lành.
Cuối cùng, nếu thật sự ta không tin Chúa Kitô Phục Sinh, ta cũng không còn gì để tin vào chính mình, vì, như mọi thứ trong cuộc đời này, ta cũng không còn thấy chính ta, vì đời ta rồi cũng qua đi, chỉ là cát bụi. Ta không thể ngẩng mặt lên để thấy đời thật đẹp và thật đáng yêu, nếu bên ta không có Đấng Cứu Thế, Đấng khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.(Ga.14,6). Bài hát cuối cùng của cuộc đời ta sẽ là một bản bi ca, là niềm đau bất hạnh, là hư vô bất tận.
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì ! (CONK).
Lạy Chúa,
Con yếu đuối không thua gì Tôma,
nhưng xin cho con cũng được may mắn như Tôma,
được Chúa thương thứ tha,
và lòng con luôn vang lời tuyên xưng chúc tụng:
“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!".
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG