You are here:

CN 04 CHAY C. Thiên Chúa: Người Cha nhân hậu

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

CN 04 CHAY C. Thiên Chúa : Người Cha Nhân Hậu

Nó ăn năn trở về vì sắp chết đói tới nơi, chứ không phải vì yêu thương cha nó.  Đúng thế! Chắc hẳn người con cả cũng nghĩ như vậy. - Vậy, chúng ta muốn gì? - Bỏ cho nó chết luôn, cho đáng đời nó phải không ?”
Nhưng, sự tha thứ đến khó hiểu đó của Người Cha Nhân Hậu, mới chính là niềm hy vọng cho cả loài người.

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA CHAY NĂM C
(Lc.15,1-3;11-32)

THIÊN CHÚA – NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

      Khi ấy, tất cả các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giê-su mới kể cho họ nghe dụ ngôn này:

       “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

        “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

            “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ông cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. và họ bắt đầu ăn mừng.

            “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp cậu ấy mạnh khỏe”. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh cha, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

            “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

_________________

SUY NIỆM

THIÊN CHÚA, NGƯỜI CHA NHÂN HẬU.

            Dụ ngôn mà Chúa Giê-su kể và được thánh Lu-ca ghi lại hôm nay, là một trong những dụ ngôn đẹp nhất của Tin Mừng Chúa Giê-su. Trước đây dụ ngôn thường được nhắc đến với cái tên dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng, sau này người ta thích gọi là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu phù hợp hơn, vì Chúa Giê-su đang nói về “lòng thương xót của Thiên Chúa”.

            Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ đã sáng tác nhiều thơ, nhạc, kịch, lấy cảm hứng từ câu chuyện dụ ngôn này. Có những bài thơ, bức tranh, tác phẩm, đã trở thành những tuyệt tác bất tử.

            Cuộc đời Chúa Giê-su Ki-tô chính là minh chứng về lòng Chúa thương xót. Đức Giê-su chính là minh chứng và là hình ảnh về Thiên Chúa là Người Cha Nhân hậu. Người dạy con người gọi Thiên Chúa là Cha. “Lạy Chachúng con ở trên trời”.

            Có thể nói, dụ ngôn Người Cha Nhân hậu như một bảng tóm lược Lịch Sử Cứu Độ thật gần gũi và dễ hiểu cho tất cả mọi người. Đó chính là trọng tâm Tin Mừng mà Chúa Giê-su muốn loan báo cho nhân loại: Thiên Chúa là một Người Cha Giàu Lòng Thương Xót. Và đó cũng chính là hạnh phúc của con người.

            Chúng ta có thể nhìn dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu theo suốt chiều dài của Lịch Sử Cứu Độ.

1.  VƯỜN ĐỊA ĐÀNGMÁI ẤM GIA ĐÌNH

            Bức tranh “Vườn Địa Đàng” thật ấm áp, ở đó, con người có tất cả mọi thứ. Những gì Thiên Chúa tạo dựng là để cho con người. Vì rằng, Ngài muốn con người được chung hưởng sự sống và vinh quang của Ngài. (St.1,4-14)

            Con người chỉ cần chăm sóc và làm mọi thứ thêm phong phú theo  ý của Thiên Chúa. Mà ý Thiên Chúa là muốn con người hạnh phúc. Do đó, con người vâng theo Thánh Ý Chúa cũng chính là tạo dựng hạnh phúc cho mình vậy, sự tạo dựng ấy được “chắc chắn” vì có sự bảo vệ của Thiên Chúa. (St.1,15-16).

            Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mở đầu cho chúng ta thấy đó là một mái ấm gia đình hạnh phúc.  Gia đình ấy sống sung túc, có của cải đầy dư, chẳng thiếu gì cả.
“Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa” (Lc.15,17).   

            Hằng ngày, những đứa con làm việc cũng chính là tạo dựng gia sản cho chính mình. Người cha có gìn giữ, tính toán kỹ lưởng chuyện thu chi tiền bạc, hay việc ăn xài, sử dụng của cải, cũng là vì tương lai con mình, vì hạnh phúc cho con mình.
“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc.15,31)

            Nếu những đứa con biết vâng lời cha, làm theo sự hướng dẫn của cha, theo ý cha muốn, mọi sự sẽ tiến triển tốt đẹp. Ý cha là muốn các con hạnh phúc. Đó là con đường hạnh phúc chắc chắc, không cần phải chống lại ý cha để đi tìm hạnh phúc bằng cách phiêu lưu con đường nào khác. Sống trong một mái ấm gia đình được cha yêu thương như vậy thật là hạnh phúc.

            “Vườn Địa Đàng” đúng là “Mái ấm gia đình”, và “Mái ấm gia đình” cũng chính là “Vườn Địa Đàng” vậy !

2 . TRÁI CẤMCHUYẾN ĐI HOANG

Nhưng con người lại muốn sống theo ý riêng mình. Ý riêng ấy là chống lại thánh ý Thiên Chúa để thỏa mãn bản năng và dục vọng của mình. Bản năng và dục vọng con người chỉ đem lại cho con người hạnh phúc khi chúng được định hướng theo thánh ý Thiên Chúa. Từ chối tuân theo thánh ý Thiên Chúa, con người đã sa vào bẫy rập của Sa-tan. Con người, vì khát khao được sống theo ý riêng mình, đã ngây thơ tin theo lời hứa hẹn hấp dẫn của ma quỷ, ăn trái cấm. Hạnh phúc đâu không thấy, chỉ thấy mở đầu trang sử u tối cho kiếp con người. Con người bước vào cuộc đời đầy đau khổ, tang thương.
            “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, người đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St.3,17-1

           Con người trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” cũng chỉ sống theo ý riêng tư của mình. Đứa con thứ, hay đứa con cả cũng vậy, có khác nhau, là đứa con thứ thì nói lên ý tưởng của mình, và liều lĩnh ra đi, còn đứa con cả thì ôm trong lòng khát vọng riêng tư và chỉ chờ cơ hội trào ra.

Đứa con thứ ôm phần gia tài ra đi, nhìn vào chân trời mới lạ xa xăm thêu dệt đầy mộng đẹp trong lòng, khi ra đi, người con thứ như chàng công tử sang trọng và hào phóng, nhưng “đời không như là mơ”, dòng đời không phẳng lặng như anh nghĩ, lòng người đổi thay, tình đời đen trắng, nên chàng công tử ngày nào, nay trở thành gã ăn mày tơi tả. 
“Anh ta ao ước lấy thứ cơm thừa canh cặn cho heo ăn mà nhét vào bụng cho đỡ đói, nhưng chẳng ai cho” (Lc.15,16)

            Còn người anh cả, tuy không quyết định rời bỏ gia đình, có thể có nhiều lý do riêng của anh, thí dụ anh không có máu giang hồ, không thích liều lĩnh, cũng có thể vì thương cha già, muốn ở lại nhà chăm sóc cha. Nhưng tình yêu trong anh không đủ lớn mạnh, ý riêng tư vẫn tiềm ẩn trong anh, nên tuy anh ở trong nhà mà lòng như rất xa, những thứ buồn chán dồn nén trong lòng anh. Anh không hạnh phúc. Anh không thể chia sẻ niềm vui với cha mình. Ý riêng anh và ý cha anh có khoảng cách rất lớn xét theo ngôn ngữ anh sử dụng khi trào ra sự bực tức bất mãn trong lòng anh từ bấy lâu nay.
“Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !” (Lc.15,29-30)

            Điều gì sẽ xảy ra nếu suy nghĩ của anh không thay đổi. Liệu anh có thể quên quá khứ của đứa em hoang đàng không? Anh có thể thoát ra được ý nghĩ về sự đối xử không công bằng của cha anh đối với anh không? Anh có thể chấp nhận được lòng nhân hậu của cha anh đến mức như vậy không? Nếu không, thì sự trở về của đứa em của anh, càng làm anh sống xa lạ trong gia đình hơn nữa. Đó cũng là một chuyến đi hoang chưa có đoạn kết của người con cả.

3. THIÊN ĐÀNGNGÀY TRỞ VỀ.

         Trong khi con người đã quay mặt lại Thiên Chúa để đi tìm thứ hạnh phúc “không cần có Thiên Chúa”, thì Thiên Chúa vẫn chờ đợi ngày về của con người. Ngày về ấy phải đến từ một quyết định tự nguyện, cũng như hái trái cấm là một sự chọn lựa tự nguyện. Con người có thể nói “không” vì vâng lời Thiên Chúa, và cũng có thể nói “” vì nghe theo ma quỷ.

            Thiên Chúa có thể “rào rấp” cây “biết lành biết dữ” để bảo vệ con người khỏi sa ngã, nhưng nếu con người đã không tin tưởng vào Tình Yêu Thiên Chúa thì sự bảo vệ ấy càng làm cho con người thêm hụt hẫng và bất hạnh trong lòng. Thiên Chúa luôn để con người tự do chọn lựa, nếu rời xa tình yêu Thiên Chúa, cái giá của sự tự do bao giờ cũng là nước mắt.

             Thiên Chúa là Người Cha Nhân Hậu. Không có sự gần gũi nào hơn, và không thể có con đường sống nào khác ngoài việc con người trở về với Cha mình.

            Người Cha Nhân Hậu ấy yêu thương con người, hơn cả con người chờ đợi.

            “Vườn Địa Đàng” ngày nào, do tội lỗi, con người làm mất đi, là hình ảnh “Thiên Đàng” được ban lại do bởi ân huệ của Thiên Chúa.

            Mất “Vườn Địa Đàng”, mất đi “cây trường sinh”, con người là thân cát bụi phải trở về cát bụi, tự bản chất, con người sẽ chết, nhưng luôn khao khát được “trường sinh bất tử”.
“Đức Chúa là Thiên Chúa nói: “Này con người đã trở thành một kẻ như chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi”. Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh” (St.3,22-24).

            Không ở đâu, không bến bờ nào con người tìm được sự sống ngoài Thiên Chúa.

            Lênh đênh trên dòng đời, con người chỉ gặp những bất hạnh. Mang trong lòng những khát vọng vô tận, con người mới thắm thía đâu là hạnh phúc đích thực. Kiếp đời nổi trôi trong bể khổ, con người mới hiểu thấu thế nào là kiếp nô lệ tội lỗi, như dân Ít-ra-en sống kiếp nô lệ lưu đày, mong ngày trở về quê hương.  

            Đứa con đi hoang giờ đói khát. Mới nhận ra cuộc đời không cho mình sự sống và hạnh phúc. Cuộc đời không phải là chốn Thiên Đường như mộng tưởng ban đầu.

            Cơn đói của anh không phải chỉ là cơn đói của riêng anh - ăn để sống - cơn đói của anh là điển hình của khát vọng sống của nhân loại. Anh không được ăn, là vì mọi người đều tìm cách sống cho riêng mình, người ta không thể chia sẻ cho anh sự sống, nếu điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

            Anh đứng trước ngỏ cụt cuộc đời. Muốn sống, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự trở về mái nhà xưa.

            Có người cho rằng, việc đứa con hoang đàng trở về cha nó, không phải là một mẫu mực của sự sám hối. Đó chỉ là một thằng con ích kỷ, chỉ nghỉ đến tiền bạc và khoái lạc. Sau khi bỏ cha nó ra đi, phung phá hết tiền bạc đã được chia cho, nó lâm vào thiếu thốn. Nó ăn năn trở về vì sắp chết đói tới nơi, chứ không phải vì yêu thương cha nó

            Đúng thế! Chắc hẳn người con cả cũng nghĩ như vậy.

            Vậy, chúng ta muốn gì? - Bỏ cho nó chết luôn, cho đáng đời nó phải không ?”.

            Nhưng, sự tha thứ đến khó hiểu đó của Người Cha Nhân Hậu, mới chính là niềm hy vọng cho cả loài người.

            “Chỉ duy có một mình Chúa Ki-tô, Đấng biết rõ tình yêu sâu thẳm của Chúa Cha, mới có thể mạc khải cho chúng ta thấy sự bao la và sâu sa của lòng từ bi Thiên Chúa một cách rất đơn sơ và tốt đẹp như thế” (GLCG.1439).

            Làm sao chúng ta dám nói rằng chúng ta đã “sám hối đúng mẫu mực” để xứng đáng được Chúa thứ tha ? Dù động lực của sự ăn năn sám hối có thế nào đi nữa, chúng ta vẫn không đáng được Chúa nhận là “con” của Chúa, nhưng chỉ một điều duy nhất, là chúng ta thành tâm xin Chúa tha thứ, chỉ có tấm lòng trời biển của Ngài, mới thật sự là  niềm hy vọng của chúng ta. Đó là ân huệ tình yêu không gì có thể sánh ví.
            “Trọn cuộc đời Ki-tô hữu là một cuộc hành trình lớn đi về nhà Cha, trong đó, mỗi ngày, người ta tìm thấy tình thương yêu vô điều kiệnđối với tất cả đồng loại, và nhất là đối với đứa con bị lạc mất” (ĐGH Gioan Phaolô II. Tertio Millennio Adveniente , 49)

            Lạy Chúa,

            “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc.18,13)   

                                                                                                         Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG


 

 

Đang có 399 khách và không thành viên đang online

15785785
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
7788
9456
75483
15613867
344203
413215
15785785

Your IP: 18.225.72.181
Server Time: 2024-12-27 07:24:39