You are here:

Từ Núi Bát Phúc đến Đồi Thập Giá

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

CN.04 TN : Từ Núi Bát Phúc đến Đồi Thập Giá

Núi Bát Phúc là “Lời” dạy tuyệt hảo. Ở đó, nhân loại nhận được LỜI HỨA về “Hạnh Phúc Nước Trời”, khát vọng của mọi người.

 

 

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN A
(Mt.5,1-12a)
****

TỪ NÚI BÁT PHÚC ĐẾN ĐỒI THẬP GIÁ

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.
2 Người mở miệng dạy họ rằng:
3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

________________

SUY NIỆM

Từ NÚI BÁT PHÚC đến ĐỒI THẬP GIÁ

            Cách đây hơn hai mươi năm, ở Việt Nam có một nhân vật chính trị xuất hiện với một bước đột phá tiến bộ đáng kể trong ý thức hệ với lời kêu gọi “đổi mới tư duy”. Tuy không phải là cái gì mới mẻ và sáng tạo lớn lao cho lắm, nhưng ở vào bối cảnh đó, thời điểm đó, có thể ghi nhận ông là một nhà cải cách lớn có tầm nhìn xa và thực tế, đã đem lại cho quê hương một làn gió mùa Xuân tươi mát làm dịu đi phần nào không khí oi nồng mà đôi lúc, người ta có cảm giác nghẹt thở khi cuộc sống lùi về một quá khứ xa xăm. Ông viết nhiều bài báo thẳng thắn và can đảm, ký tên NVL. Tuy người ta biết đó là chữ viết tắt tên ông, nhưng khi hỏi vì sao ông ký tên như vậy, ông bảo đó là bút hiệu của tôi: Nói Và Làm”. Dù thực tế như thế nào, để nghĩ ra được cách chọn một bút hiệu như vậy, cũng đã nói lên rất nhiều điều, và là điều thật đáng trân trọng, nhất là trong hoàn cảnh người ta không thể nói, hay không có cơ hội để nói.

 

Đền thờ trên núi Bát Phúc

            NÚI BÁT PHÚC

            Núi Bát Phúc là “Lời” dạy tuyệt hảo. Ở đó, nhân loại nhận được LỜI HỨA về “Hạnh Phúc Nước Trời”, khát vọng của mọi người.

            Đó là một “Giao Ước Mới” được Thiên Chúa   ký kết với con người bằng chính máu của Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế, Thiên-Chúa-làm-người, trên Đồi Thập Giá. 

            Núi Bát Phút gợi nhớ “Núi Si-Nai”, nơi ấy, Thiên Chúa đã ban cho con người “Mười Điều Răn”, Giao ước được ký bằng “máu chiên bò” thời Cựu Ước, và lời hứa đưa dân Ít-ra-en về Đất Hứa.

            Lời Thiên Chúa trước sau vẫn vậy, nhưng sự hiểu biết của con người nông cạn, cùng với những kẻ “dẫn đường mù quáng”, dùng Lời Chúa để làm những việc trục lợi, Lời Chúa được hiểu cách lệch lạc theo ý riêng hẹp hòi ích kỷ của những thế lực đen tối.

            “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất Lề Luật là công bình, lòng nhânthành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. Quân dẫn đường mù quáng ! Các ngươi lọc con muỗi nhưng lại nuốt con lạc đà”. (Mt.23,23-24).

            Phải đợi đến Chúa Giê-su, con người mới thật sự được giảng dạy Lời Chúa đúng thánh ý Chúa.

            Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.(Mt.5,17).

            “Sự kiện toàn trước tiên là những lời giảng dạy hoàn hảo mà chính Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, trực tiếp dạy bảo con người.

            Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghelời Người” (Lc.9,35).

            Và trên hết, lời giảng dạy ấy là chính cuộc đời Chúa Cứu Thế. Con người có thể đọc được Lời Ngài ở chính cuộc đời của Ngài.

            Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu”(Lc.9,57).

            Phúc thay ai hiền lành, “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”(Mt.11,29).
            Phúc thay ai sầu khổ, “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc.22,44).
            Phúc thay ai khát khao nên người công chính, “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt.3,17).
 
            Phúc thay ai xót thương người,
“Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘bà đừng khóc nữa’”. (Lc.7,11-17)

            Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. “Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga.17,19).

            Phúc thay ai xây dựng hoà bình, “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đã anh em” (Mt.5,45).

             Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, “Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến như thể bắt một tên cướp sao ? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt.” (Lc.22,52).

            Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa”(Lc.23,2).

            ĐỒI THẬP GIÁ

Đồi Thập Giá (Đồi Sọ)

            Hiến Tế trên Đồi Thập Giá là bằng chứng cụ thể nhất của Chúa Giê-su, Đấng đã “rao giảng” Lời Chúa, và thực hành điều Ngài đã giảng dạy. Đức Giê-su đã “nói”“làm”, và làm không sai dù một chấm, một phết Lời Thiên Chúa.

            Ngài đã đến thế gian vì yêu nhân loại, và đã chết vì tình yêu đó.

            Không có Hiến Tế trên Đồi Thập Giá, thì Bài Giảng trên Núi Bát Phúc chẳng có ý nghĩa gì, có chăng, đó cũng chỉ là một bài học hay, được xếp vào kho tàng văn học vĩ nhân, vì nó không mang lại sự sống. “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga.6,63).

            Cõi Phúc chỉ có khi Đức Giê-su tiêu diệt thần chết bằng cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Đức Giê-su phải thật sự là Đấng Cứu Thế. “Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này : Đức Giê-su mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.” (Cv.2,36).

            Chính Hiến Tế trên đồi Thập Giá là linh hồn của Bài Giảng Trên Núi. Từ Đồi Bát Phúc, Thông Điệp về Cõi Phúc được loan truyền bằng lời, còn từ Đồi Thập Giá, Thông Điệp về Cõi Phúc được loan truyền bằng máu của Chúa Giê-su – cái chết của Con Thiên Chúa.

            Có thể tìm thấy sự nghèo khó nào hơn Thập Giá không ?Thiên Chúa giàu có đã trở nên trần trụi trên Thập Giá. “Đóng đinh Đức Giê-su vào Thập Giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần ; họ lấy cả chiếc áo dài nữa” (Ga.19,23).

            Có thể tìm thấy sự hiền lành nào hơn Thập Giá không ? “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ chẳng biết việc họ làm” (Lc.23,34).

             Có thể tìm thấy sự sầu khổ này hơn Thập Giá không ? – “Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa của con ! Sao Ngài bỏ rơi con ! (Mt.27,46).

          Có thể tìm thấy sự khát khao nào hơn Thập Giá không ? – “Ta khát” (Ga19,28).

             Có thể tìm thấy sự xót thương nào hơn Thập Giá không ? – “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc.23,43).

             Có thể tìm thấy sự trong sạch nào hơn Thập Giá không ? – “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha” (Lc.23,46).

              Có thể tìm thấy hòa bình nào hơn Thập Giá không ? – Vì rằng Thập Giá là Tình Yêu. Và Tình Yêu là sự bình an mà Thiên Chúa muốn trao ban cho nhân loại. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga.15,13)

              Có thể tìm thấy sự bách hại vì sống công chính nào hơn Thập Giá không ? – “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào Thập Giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga.19,6).

             ĐƯỜNG VỀ CÕI PHÚC

            Nghe lời Chúa Giê-su giảng dạy, và tìm hiểu đời sống của Ngài, bài học về chữ PHÚC không phải ai cũng dễ dàng đón nhận được.

            Đó rõ ràng là “lội ngược dòng”, là đi theo “con đường hẹp” !

            Nhưng, con người muốn đến được Cõi Phúc, đó là con đường phải chọn lựa. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được Chúa Cha mà không qua Thầy”. (Ga.14,6).

             Thế giới cần những con người chọn lựa sống theo con đường “Tám Mối Phúc Thật” này.

          Nếu con người đi ngược lại “Tám Mối Phúc Thật”: ai cũng lo tom góp tiền của, sống hung hăng, tìm vui sướng cho riêng mình, bất chấp lương tâm, tranh giành cấu xé, không cần gì công chính, mạnh được yếu thua, không còn cảm nhận được thiện ác… thì thế giới đi về đâu ?

            Điều đó rõ ràng sẽ dẫn đến đại họa cho thế giới. Có thể tìm thấy minh chứng ngay lúc này đây của Thế Giới.

            Hạnh phúc thay cho nhân loại, vẫn còn đó những con người “chân tu” tìm thấy giá trị vĩnh cửu của bài giảng trên Núi Bát Phúc, vẫn còn đó những con người thành tâm thiện chí, có khi chưa nhận được Đức Tin, nhưng đã âm thầm sống tinh thần “Tám Mối Phúc Thật” hằng ngày, làm cho cuộc đời giàu có tình thương hơn và gần gũi chia sẻ với nhau nhiều hơn.

            Hạnh phúc thật sự luôn bắt đầu từ nội tâm con người. Một nội tâm an bình thanh thản không thể có được ngoài nguồn mạch Chân Thiện, ngoài Thiên Chúa.

            Cõi Phúc được diễn tả trong những cách nói chứa đầy khao khát cõi vô biên mà thế giới trần tục này không thể đáp ứng được.
“Đất Hứa làm gia nghiệp”, “Thiên Chúa ủi an”, “Thiên Chúa cho thỏa lòng”, “Thiên Chúa xót thương”, “Nhìn thấy Thiên Chúa”, “Con Thiên Chúa”, “Nước Trời là của họ”, “Phần thưởng ở trên trời thật lớn lao”.

            Nếu thế giới này chỉ cần có một ngày yên bình không tiếng súng, không người đói khổ, mọi người chia sẻ nâng đỡ  nhau, các nước đùm bọc nhau… là con người bắt đầu vào Cõi Phúc. Cõi Phúc không phải chỉ là ước mơ dành cho kẻ chết, mà đó là sự thật dành cho người sống – những người sống với Tám Mối Phúc Thật của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa Hằng Sống.

            GANDHI (1869-1948), tên đầy đủ là MOHANDAS KARAMCHAND GANDHI, tên thường gọi là MAHATMA GANDHI, (Mahatma theo ngôn ngữ Ấn Giáo là “tâm hồn cao cả”, như chữ “thánh thiện” của Công Giáo) là một nhà yêu nước Ấn Độ và là tín đồ Ấn Giáo, nhưng ông rất kính yêu Chúa Giê-su. Đường lối đấu tranh bất bạo động để dành độc lập cho Ấn Độ, được ông học hỏi theo tinh thần Bài Giảng Tám Mối Phúc Thật của Đức Giê-su.

            GANDHI có một thời là sinh viên du học ở Luân Đôn, Anh Quốc. Ông tìm hiểu nhiều về Ki-tô giáo, đặc biệt là thích đọc Tân Ước. Dù ông không chính thức là tín đồ Ki-tô giáo, nhưng một cách nào đó, với tâm tình yêu mến, ông đã thuộc về Đức Ki-tô. Những lời cầu nguyện sau đây, thật đáng cho chúng ta suy ngẫm:

            LỜI NGUYỆN MAHATMA GANDHI

            Lạy Chúa,

            Xin cho con dám nói lên sự thật trước kẻ mạnh
            và đừng nói dối để được kẻ yếu tán thưởng.

            Nếu Chúa cho con tiền bạc,
            xin đừng lấy đi hạnh phúc của con.

            Nếu Chúa cho con sức mạnh,
            xin đừng lấy đi khả năng lý luận của con.

            Nếu Chúa cho con thành công,
            xin đừng lấy đi đức khiêm tốn của con.

            Nếu Chúa cho con đức khiêm nhu,
            xin đừng lấy đi lòng tự trọng của con.

            Xin giúp con nhận biết được khía cạnh khác nhau của sự việc
            và đừng để con kết tội những kẻ đối nghịch với con là phản bội,
            vì họ không chia sẻ quan điểm của con.

            Xin dạy cho con biết yêu thương kẻ khác như yêu thương chính bản thân mình.
            Và dạy con phán đoán chính bản thân mình như phán đoán kẻ khác.

            Xin đừng để con say men chiến thắng khi đạt được thành công,
            Và đừng để con thất vọng khi con thất bại,
            Nhưng hãy dạy con nhớ rằng
            Thất bại là thử thách đưa đến thành công.

            Xin dạy cho con biết rằng lòng khoan dung là mức độ cao nhất của sức mạnh.
            Và ý muốn trả thù là biểu hiện đầu tiên của sự yếu đuối.

            Nếu Chúa không ban cho con của cải,
            Xin hãy dạy con lòng trông cậy.

            Nếu Chúa không cho con thành công,
            Xin hãy cho con ý chí mạnh mẽ để tiếp nhận thất bại.

            Nếu Chúa không cho con sức khoẻ,
            Xin hãy cho con ân sủng đức tin.

            Nếu con có làm ai tổn thương,
            Xin ban cho con sức mạnh để xin lỗi họ.

            Nếu có ai làm cho con tổn thương,
            Xin cho con lòng độ lượng và sức mạnh để tha lỗi cho họ.

            Lạy Chúa,
            Nếu con có quên Chúa,
            thì lạy Ngài,
            xin Ngài đừng quên con !

            Amen.

 

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

15775969
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
7428
10628
65667
15613867
334387
413215
15775969

Your IP: 3.15.17.137
Server Time: 2024-12-26 18:32:01