007. BA PHO TƯỢNG
007. BA PHO TƯỢNG
Ngày xưa có ông vua nước lớn muốn thôn tính một nước láng giềng bé nhỏ, nên ông tìm cách dò xét nước này. Nhà vua sai sứ giả gởi đến vị vua của nước láng giềng ba pho tượng hoàn toàn giống nhau về cả chất liệu lẫn mẫu mã, và gởi kèm theo ba pho tượng một bức thư. Bức thư ấy có nội dung đại ý như sau: “Một trong ba pho tượng này là ‘báu vật‘. Sau một tuần trăng từ khi chúng tôi gởi tặng quý quốc, xin quý quốc vui lòng cho biết đó là pho tượng nào”.
BA PHO TƯỢNG
Ngày xưa có ông vua nước lớn muốn thôn tính một nước láng giềng bé nhỏ, nên ông tìm cách dò xét nước này. Nhà vua sai sứ giả gởi đến vị vua của nước láng giềng ba pho tượng hoàn toàn giống nhau về cả chất liệu lẫn mẫu mã, và gởi kèm theo ba pho tượng một bức thư. Bức thư ấy có nội dung đại ý như sau: “Một trong ba pho tượng này là ‘báu vật‘. Sau một tuần trăng từ khi chúng tôi gởi tặng quý quốc, xin quý quốc vui lòng cho biết đó là pho tượng nào”.
Vua nước nhỏ sau khi nhận được món quà đó thì vô cùng lo lắng. Nhà vua hiểu được ý đồ gây hấn của vua nước lớn. Không giải đáp được câu hỏi trên sẽ có cớ cho nước lớn gây chiến và cũng là điều nhục quốc thể. Vua cho triệu tập quần thần văn võ để xem ai tìm ra được lời giải đáp, nhưng không ai giải đáp được. Nhà vua cho rao báo khắp trong dân để tìm người có tài năng giải đáp được câu đố hóc búa này. Gần một tuần trăng lặng lẽ trôi qua, không có ai có thể đem niềm vui đến cho nhà vua !
Thế rồi một sáng nọ, một trung thần già nua đi thờ thẩn với nổi buồn mênh mong khi nghĩ đến sự bất lực của triều đình, ông tình cờ gặp một em bé tuổi độ lên mười đang tung tăng trên đường quê. Chú bé gặp ông cúi đầu chào lễ phép, rồi hỏi: “Ông là ông quan phải không?”. “Phải. Ông đáp”. – “Đã có ai giải đáp câu đố về ba pho tượng chưa ông?” . – “Chưa, cháu ạ”. – “Ông dẫn cháu vào gặp vua đi, cháu giải đáp cho !” - “Trời, con muốn rơi đầu à! Con vào triều ăn nói lung tung là tội khi quân, con biết không? Ông dẫn cháu vào cũng phải liên lụy nữa đấy!”. – “Không đâu, cháu giải được mà! Nhà vua sẽ còn ban thưởng cho cả ông nữa đó!”. Vị quan trung thần đã đến nước cùng, đành đánh liều nghe theo chú bé!
Về đến triều, đứng trước bệ rồng, giữa bá quan văn võ, chú bé lấy trong túi áo ra một cọng rơm, rồi cầm lấy pho tượng thứ nhất giơ lên cao, chú lấy cọng rơm đút vào lỗ tai phía bên này của pho tượng, cọng rơm xuyên qua lỗ tay phía bên kia. Chú bé nói. “Pho tượng này tượng trưng cho người không muốn nghe, nên hể nghe lỗ tay bên nay, thì chạy tót qua lỗ tay bên kia. Chẳng để tâm gì suy nghĩ gì đến điều đã nghe. Nên pho tượng này là pho tượng rất tầm thường, không có giá trị gì! ”
Đứa bé cầm lấy pho tượng thứ hai, nó cũng làm một động tác như vậy. Nhưng lần này, cọng rơm từ lỗ tai bên này lại trổ ra ở cửa miệng. Chú bé nói: - “Pho tượng này tượng trưng cho hạng người hể nghe được gì thì xì ra ngoài miệng hết. Chẳng để tâm suy nghĩ gì, và chẳng biết giữ điều gì kín đáo! ”Nên pho tượng này cũng rất tầm thường, không có gì đáng quý”
Sau cùng, chú bé cầm lấy pho tượng thứ ba, nó cũng bắt đầu bằng một động tác y như hai pho tượng trước. Nhưng lần này, cọng rơm không có lồi ra. Đứa bé cố đẩy mạnh cọng rơm vào, nhưng nó vẫn không thấy nó ra ngỏ nào. Chú bé thong thả nói ”Pho tượng này tượng trưng cho hạng người luôn biết lắng nghe và biết cất giữ trong lòng để suy nghĩ những gì mình nghe được. Pho tượng này chính là ‘Báu Vật‘, muôn tâu bệ hạ! ”
Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của vua nước nhỏ, thì vô cùng kính nể. Ông nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến”
(TRUYỆN XƯA TÍCH CŨ).
_____________________
MỘT CHÚT SUY TƯ
BIẾT LẮNG NGHE
1 / - PHO TƯỢNG THỨ NHẤT:
Người Việt Nam có câu tục ngữ: “Nước đổ đầu vịt. – Nước đổ lá môn”. Người không muốn nghe, thì chẳng còn gì để nói nữa ! “Không phải đất để trồng, thì trồng cây chẳng mọc; không phải người để nói, thì nói họ chẳng nghe !” – “Không ai câm bằng người không muốn nói; không ai mù bằng người không muốn thấy; không ai điếc bằng người không muốn nghe!” (Khổng tử). Trong cuộc sống, không muốn “nghe”, làm sao thăng tiến được? Ngay từ khi còn tấm bé, con người đã phải biết “lắng nghe” để ”nên người”. Ông bà ta có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cải cha mẹ trăm đường con hư”.Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, điều đáng sợ nhất, đó là nhiều bạn trẻ từ chối “nghe” những lời hay ý đẹp của những bậc cao niên đạo đức, của những nhà giáo dục chân chính. Họ chạy theo ý riêng và tự cho họ hoàn toàn đúng. Có biết bao cuộc đời sụp đổ vì gạt bỏ ngoài tai những lời khuyên tâm huyết của những tấm lòng thành. Tôi biết được có một chàng trai học tới cao đẳng, vì gặp hoàn cảnh không như ý mình, nên buồn rầu rồi đâm ra rượu chè be bét. Mẹ anh ta thương khuyên anh ta hết lời, cả đến la rày anh ta nữa, để anh ta trở lại con đướng tốt. Nhưng anh ta phớt lờ tất cả. Có người bảo anh ta: “Sao không lo làm lại cuộc đời đi, để bà mẹ buồn la rầy hoài vậy ”Anh trả lời: “Ối, lời má rầy la, tui xem như một bản tình ca!” Và anh ta trải qua những ngày tồi tệ nhứt của đời mình.
Một người không còn biết lắng nghe người khác, sẽ không còn biết lắng nghe tiếng nói của lòng mình. Và như thế đầu óc người đó sẽ trống rỗng vì chẳng còn gì để suy nghĩ. Đó là một cái máy hoạt động theo phản xạ bản năng. Họ cũng khóc, họ cũng cười, họ cũng nói, họ cũng làm… mà không biết tại sao?! Bởi vì nghe bên nay thì lọt bên kia hết rồi, còn gì đâu để suy nghĩ. Không suy nghĩ thì còn hiểu biết cái gì đúng cái gì sai, cái gì tốt, cái gì xấu nữa. Một người làm việc không suy nghĩ thì chỉ là một cái máy không hơn không kém. “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hể ai nghe lời giao giảng nước trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo vào lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường ” (Mt 13, 18).
2 / - PHO TƯỢNG THỨ HAI:
Ca dao có câu: “Thứ người chưa nói mà cười, chưa đi mà chạy là người vô duyên ”. “Nghe ” được cái gì liền “xì” ra cửa miệng cái đó, thì suy nghĩ được gì? “Cuộc đời, có khi “Thấy vậy mà không phải vậy”; “Nghe vậy mà không phải vậy”. Nên những gì nghe được, thấy được, còn phải biết gạn lọc, đâu là trắng, đâu là đen, đâu là hư đâu là thực. “Đâu phải những gì lấp lánh đều là kim cương đâu ! ”.Đời “ vàng thau lẫn lộn” là thường tình !
Một người “vội nghe vội nói “thì có khác gì cái “loa phóng thanh”, chỉ lãnh “nhiệm vụ” phát ra những gì thu vào, mà không còn lại gì trong đầu óc cả ! “Nghe, nhìn” mà không biết suy nghĩ, lòng sẽ nông cạn. Một nội tâm nông cạn, dễ dàng chao đảo, dễ dàng mất bản lĩnh, dễ dàng bị “cuốn theo chiều gió” muôn mặt cuộc đời. Khi nghị lực mất đi, thì lý tưởng và niềm tin cũng giãy chết ! “Còn kẻ được gieo trên sỏi đá, là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: Khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú qúy bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì” (Mt 13, 20-22).
III / - PHO TƯỢNG THỨ BA:
“Sự im lặng thì sâu thẳm như cõi vô cùng. Lời nói thì nông cạn như thời gian” (CARLYLE).Khi người ta biết lắng nghe và biết gìn giữ trong lòng để suy nghĩ, người ta mới có thể đi vào thế giới nội tâm sâu thẳm được. Vật chất kim tiền ngày nay làm con người dễ sa vào lối sống hưởng thụ, ồn ào, vội vã và nông cạn. Tâm hồn nông cạn thì đạo đức thoái hoá. Đạo đức thoái hóa thì lu mờ chân lý. Người ta không còn nhận ra chân lý nữa ! “Đức Giêsu nói với quan Phi-la-tô: ‘Ai đứng về phía chân lý thì nghe tiếng tôi‘. Phi-la-tô nói với Người: ‘Chân lý là gì?” (Ga 18, 37-38).
Cuộc đời Mẹ Maria là sự thầm lặng với hai tiếng “Xin Vâng”. Thế giới nội tâm trong tâm hồn Mẹ là sự “Thinh Lặng nguyện cầu” để lắng nghe tiếng Chúa. Những gì Mẹ “Nghe”, Mẹ “Thấy” Mẹ đều cất giữ trong lòng để suy niệm về Thánh ý Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời Mẹ. “Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51).
“Ông Thánh mà không suy nghĩ thì thành ra cuồng. Người cuồng mà biết suy nghĩ thì thành ra Thánh” (Duy Thánh vong niệm tác cuồng, duy cuồng khắc niệm tác Thánh – THƯ KINH).Như vậy người biết suy nghĩ không quý trọng lắm sao? Pho tượng thứ ba dành cho người biết lắng nghe không đúng là“ Báu Vật” sao? “Còn kẻ được gieo vào đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gắp trăm, kẻ được sáu mươi, kẻ được ba mươi” (Mt 13, 23)
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG