TẾT XƯA – TẾT NAY
TẾT XƯA – TẾT NAY
Bài văn về Tết Xưa, Tết Nay của nam sinh 17 tuổi khiến nhiều người suy ngẫm
'Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều giá trị mới, mang đến nhiều niệm vui mới nên ngày Tết đã phai phôi đi nhiều ý nghĩa. Nhưng có lẽ Tết xưa vẫn sẽ còn nguyên giá trị trong tiềm thức của bạn, của tôi về một quá khứ xa xôi...'
TẾT XƯA – TẾT NAY
Bài văn về Tết Xưa, Tết Nay của nam sinh 17 tuổi khiến nhiều người suy ngẫm
'Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều giá trị mới, mang đến nhiều niệm vui mới nên ngày Tết đã phai phôi đi nhiều ý nghĩa. Nhưng có lẽ Tết xưa vẫn sẽ còn nguyên giá trị trong tiềm thức của bạn, của tôi về một quá khứ xa xôi...'
Được nhiều bạn trẻ biết đến với nhiều bài văn nghị luận xã hội sâu sắc và nhiều ý nghĩa, Đào Ngọc Thành (SN 1998, trường THPT Hồng Bàng, Hải Phòng) được cho là một cậu học sinh có đậm chất văn chương và có những suy tư của người đa sầu đa cảm.
Trong không khí nhà nhà người người rạo rực đón năm mới, nam sinh 17 tuổi đã có những suy nghĩ rất trưởng thành về sự biến đổi, khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay . Với những ví dụ cụ thể và tỉ mỉ, bài văn chắc chắn sẽ khiến nhiều bạn trẻ phải suy ngẫm.
Đặc biệt đối với những người thường xuyên ăn Tết xa quê. Cùng theo dõi bài viết 'Ai còn giữ cho tôi' của Đào Ngọc Thành dưới đây:
Ai còn giữ cho tôi?
Tôi đã 17 năm xa quê, có tới 17 năm đón Tết ở thành phố huyên náo đầy nhộn nhịp. Thành thật mà nói, đối với tôi đó là những cái Tết suông, bánh chưng suông, lời chúc suông. Và những cái gật đầu, mỉm cười, bắt tay... hoàn toàn không nêm mắm muối.
Biết sao được! Xa quê hương là một điều chẳng ai muốn, vì nhu cầu công việc, vì hợp lý hóa gia đình và vì hàng ti tỉ lý do chính đáng khác mà đành xa quê...
Đào Ngọc Thành - tác giả bài viết.
Tết của quá khứ
Xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng, cái cũ mất đi cái mới được thay thế. Những điều khiến con người luôn hoài niệm bao giờ cũng trở nên thiêng liêng.
Khi đứng trước tiết trời se lạnh, cảm nhận những hạt mưa xuân li ti lất phất giăng theo làn sương trên cánh đào... tôi lại thấy xốn xang!
Tôi muốn tua lại cuốn phim của quá khứ, muốn tìm lại cho mình những ký ức xa xôi. Đôi lúc tôi chùng xuống và tự hỏi lòng mình: Tết cổ truyền có còn không?
Như một nét cố hữu của lòng người, Tết đến xuân về người ta xóa bỏ đi những cái cũ để mở lòng mình đón nhận những màu sắc tinh khôi, mới mẻ. Và có lẽ với Tết Việt Nam sẽ chẳng bao giờ thiếu đi được những câu đối đỏ treo dưới bàn thờ tổ tiên:
'Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh'.
Một câu đối như linh hồn của ngôi nhà, không chỉ là cái tình của câu chữ mà còn là một nét thanh tao, là cái truyền thống thật quý lắm! Cố nhiên cũng có những người chẳng thể hiểu hết ý tứ của câu đối đỏ, đơn giản họ chỉ làm theo tục lệ xưa mà thôi...
Tôi trở lại, tìm thấy chính mình trong những ngày Tết xưa - những ngày tôi còn thấy những người tôi yêu tất bật ngồi gói bánh chưng bằng lá chuối. Những ngày mẹ tôi đi xin sớ cúng tất niên, đi mua các thứ về để sắm một cái Tết thật đầy đủ và đầm ấm.
Đó là những ngày bố tôi đứng trước bàn thờ thắp nén nhang mà hương thơm cứ bay nghi ngút, lan tỏa trong không gian nhà cửa và cả trong lòng tôi với biết bao cảm xúc.
Tôi nhớ những lúc đi tảo mộ ngày Tết, cảm xúc cứ thấy lòng dạt dào, những lời khấn vái mời ông bà về quây quần bên con cháu ngày Tết khiến tôi thấy bâng khuâng.
Tôi nhớ những đêm 30 Tết trong cái khoảnh khắc giao thời của năm cũ và năm mới, trong không khí náo nức bâng khuâng cùng quây quần bên nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa, lan tỏa những hơi ấm, những khoảnh khắc đoàn viên, hạnh phúc của một gia đình...
Đó cũng là lúc tôi hoài niệm về quá khứ, nhớ lại những người đã mất để trân trọng, biết ơn cội nguồn và tự thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn cho thật xứng đáng!
Hình ảnh gợi nhớ về Tết xưa (Ảnh: Internet)
Tết hiện đại
Giữa dòng chảy của cuộc sống xô bồ, hối hả đôi lúc tôi giật mình sững sờ trước một nét đẹp dân tộc vọng lại từ sâu thẳm trong trái tim. Khi ấy tôi chợt nhận ra nhịp sống ồn ào kia đã làm ta quên đi bao điều đáng quý, thanh cao trong cuộc đời này.
Và cũng nhiều lúc tôi sợ, sợ lắm. Sợ mình rơi vào guồng quay bất định mà phải sống hời hợt, vô ưu, vô lo, sống vội mà đánh mất đi những giá trị thiêng liêng trong đời.
Cuộc sống ngày nay hiện đại hơn nhiều, đầy lo toan, tất bật ngược xuôi. Việc chuẩn bị Tết cũng trở nên vội vàng. Cần mua gì đều có thể vào siêu thị: từ bánh chưng, mứt Tết... Vì thế Tết ngày nay cũng mất đi nhiều hương vị!
Thành thực mà nói, giờ đây tôi cũng chẳng còn nhiều háo hức mong chờ ngày Tết như xưa nữa. Có lẽ vì tôi nhận ra: Mỗi năm Tết về là mỗi năm tôi thấy tuổi xuân của cha mẹ, ông bà, người thân của tôi lại trôi qua.
Và anh em tôi lại phải trưởng thành hơn, rồi phải hòa vào cuộc sống với những lo toan, bộn bề.
Cũng có thể vì Tết cổ truyển đã nhạt dần trong guồng quay của cuộc sống hiện đại mà tôi cũng không còn đợi chờ, mong mỏi như ngày con bé nữa.
Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều giá trị mới, mang đến nhiều niềm vui mới nên ngày Tết đã phai phôi đi nhiều ý nghĩa. Nhưng có lẽ Tết xưa vẫn sẽ còn nguyên giá trị trong tiềm thức của bạn, của tôi về một quá khứ xa xôi...
Đặt bút tới đây, tôi chợt nhớ đến những câu thơ trong bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên. Hơn 80 năm trước, Vũ Đình Liên đã tiếc nuối cho sự tàn lụi của một nền văn hóa - những tinh hoa của dân tộc đã qua nay chỉ còn 'vang bóng'.
Ngày đó, hình ảnh thầy đồ với áo the, khăn xếp viết câu đối đã in sâu vào Tết cổ truyền và trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam.
Cái đẹp của hồn Việt Nam giờ còn đâu? Ông đồ xưa giờ đã lùi vào quá khứ trong sự tiếc nuối chơi vơi của thế hệ trẻ chúng ta.
Bất chợt có chút hy vọng gì đó trong tôi khi trên một báo điện tử tôi bắt gặp hình ảnh ông đồ trẻ khăn xếp, áo dài nhưng có gì đó hơi gượng gạo trong cảnh sống gấp gáp của phố phường Hà Nội đông đúc cuối năm.
Ông đồ già lưu giữ những nét đẹp ngày Tết. (Ảnh: Internet)
Ông đồ trẻ ấy cũng như chúng ta, rồi cũng sẽ có lúc nhận ra và tìm lại cho mình cái hồn dân tộc sâu lắng, tìm lại cho mình một tâm hồn hoài cổ biết rung động trước cái đẹp cổ truyền của dân tộc - cái đẹp của Tết Xưa!
Có lẽ giờ này mọi người đều đã lo xong công việc của mình. Ai nấy đều đổ ra đường sắm sửa cho những ngày cuối nay. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh của những người con xa quê, xa nhà, đón Tết ở những nơi đất khách quê người thật trống trải thế nào.
Có thể là vì hoàn cảnh, vì điều kiện sống mà họ không thể trở về với quê hương, không thể có những bữa cơm đoàn viên đầm ấm bên gia đình.
Tôi nghĩ đến mình, cũng chỉ còn một năm nữa thôi tôi phải đi học xa nhà, sống ở những mảnh đất mới, nơi đất khách quê người và tôi cũng sẽ phải trải qua cảm giác những ngày cuối năm mong mỏi một cái Tết đoàn viên.
Tôi mong rằng, dù ở bất cứ đâu, dù xa quê hương, dù không thể về với gia đình những ngày cuối năm thì trong tim các bạn Tết Việt Nam sẽ mãi in đậm, mãi ấm nồng. Các bạn sẽ là người giữ cho mình một nét đẹp dân tộc - Tết cổ truyền Việt Nam!
Đào Ngọc Thành
Theosoha.vn