XIN | Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 17 Thường Niên C (2013)
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN C
(Lc.11,1-13)
***
XIN
1. Xin cho danh Cha cả sáng
“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc.11,2).
Không ai xin nơi một người mà người ấy không có khả năng cho. Cũng không ai xin nơi một người mà biết rõ người đó hoàn toàn không có lòng thương xót.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN C
(Lc.11,1-13)
***
XIN
(1) Có một lần Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông gioan đã dạy môn đệ của ông". (2) Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Ðại Cha mau đến,
(3) Xin Cha cho chúng con ngày nào có lượng thực ngày ấy;
(4) Xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ".
(5) Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; (7) mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được". (8) Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.
(9) "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? (12) Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? (13) Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?".
________________________
SUY NIỆM
XIN
1. Xin cho danh Cha cả sáng
“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc.11,2).
Không ai xin nơi một người mà người ấy không có khả năng cho. Cũng không ai xin nơi một người mà biết rõ người đó hoàn toàn không có lòng thương xót.
Người Ki-tô hữu tin tưởng Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật. Ngài là Đấng Toàn Năng
.
Người Ki-tô hữu tin tưởng Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và Cứu Chuộc con người. Ngài là Đấng Giàu Lòng Thương Xót.
Người Ki-tô hữu muốn rao truyền một Thiên Chúa Toàn Năng và Giàu Lòng Thương Xót. Đó là lời dạy và là mệnh lệnh của Chúa Ki-tô.
Biết bao ân huệ mà Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót đã trao ban cho con người, nhưng có nhiều người chưa nhận biết Tình Yêu Thiên Chúa.
Ðứng giữa Hội đồng Arêôpagô, ông Phaolô nói: "Thưa quý vị người Athen, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô danh". Vậy Ðấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. (Cv.17,22-23).
Nên Người Ki-tô hữu làm tất cả những gì tốt đẹp nhất như có thể để sáng danh Thiên Chúa. Đó là đạo hiếu của con người đối với Đấng đã sinh ra mình và cho con người ân huệ lớn lao là được gọi Thiên Chúa là Cha: “Cha ơi!”
Nhưng con người yếu đuối, việc làm con người không tự sức mình làm được, con người xin ơn Chúa phù trợ, để mọi ý tưởng, việc làm, đều xin cho danh cha cả sáng.
“Dùăn, dù uống, hay làmbất cứ việcgì, anh em hãy làmtất cả để tôn vinh Thiên Chúa”.(1 Cr 10, 31).
Khi danh Cha cả sáng, thì Triều Đại Cha mau đến. Triều Đại vinh hiển ngay ở đời này và cho đến đời sau.
2. Xin cho lương thực hằng ngày
Mỗi người Ki-tô hữu đều mang sứ mạng truyền giáo, đều làm mọi sự vì sáng danh Chúa. Không ai có thể vừa làm sáng danh Chúa cùng lúc lại có thể từ bỏ Chúa, đánh mất Đức Tin. Điều đó cũng dễ hiểu, vì “không ai có thể cho cái mình không có”.
Những cạm bẫy nguy hiểm cho đức tin luôn vây kín ta. Tiền của, chức quyền, danh vọng… luôn cần cho con người tiến thân, nhưng tham vọng vô bờ bến của con người luôn biến nó trở nên nguy hiễm. Để “thấy” được thế nào là “đủ” để chúng ta sống cho phù hợp với Đức Tin cần phải để Tin Mừng soi sáng. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi ”. (Tv 119, 105).
Người xưa nói: “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc” (Biết đủ, là đủ, đợi đủ, bao giờ mới đủ). Nhưng để gọi là “biết đủ” thật là khó.
Đối với thường tình con người, “túi tham thì không đáy”, “khát vọng thì khôn cùng”, chẳng biết mức độ nào để gọi là “đủ”, nên, bao nhiêu cũng thấy “thiếu”, vì thiếu nên cố gắng làm sao cho “đủ”, làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, nên cần phải “xin”. Xin ở người, xin ở Trời, xin “ơn trên”, xin chia sẻ, xin giúp đỡ, xin được ấm no, xin được thành đạt…
Hơn thế nữa, “Nhân vô thập toàn”, “bảy mươi chưa gọi mình lành”, thiếu vật chất đã là khổ, thiếu tinh thần còn khổ hơn. Ta cũng thường nghe nói “người giàu cũng khóc”. Ai cũng hơn một lần phải khóc. Khóc cho những trái ngang, khóc vì mộng không thành, khóc những hoạn nạn, những chia ly, vì những thiếu sót, những lầm lỗi của mình… Ta trở nên nghèo nàn tinh thần, đói khát tình yêu, đau đớn nát lòng, bơ vơ, cô đơn, lạc lỏng. Thế nên, cũng phải “xin”, xin ở người, xin ở Trời, xin bình an, xin được tha thứ…
Nếu không có Đức Tin, người ta không xin Thần Thánh. Không “xin” thì tìm cách đoạt cho được điều mình mong muốn theo ý riêng mình. Ý riêng không được Lời Chúa soi sáng có thể đẩy đưa con người bừng dậy tham vọng. Tham vọng làm lòng người ra đen tối, hèn hạ, đi đến hạ bệ, cấu xé, đè bẹp, tranh chấp lẫn nhau.
Oán thù nối tiếp oán thù, tình người cạn dần, trái tim ngày càng chai đá…
Nên, trong đời ta, biết bao lần lời xin cũng là lời sám hối, nếu may mắn lương tâm còn được đánh thức, ngọn đèn đức tin còn le lói trong lòng.
Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con. (Lc.11,4).
Suy cho cùng, xin cho lương thực hằng ngày là xin được sống. Miếng ăn là để sống. Khát vọng con người là được vui sống hôm nay và được sống đời đời. Nhưng, " Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra". (Mt.4,4b).
Vậy, Lời Chúa còn dạy biết bao điều để con người được sống, trong đó, Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, là nguồn sống đích thực của người Công Giáo, và cũng là nguồn sống của con người, nếu con người thành tâm tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa trong Niềm Tin Công Giáo.
3. Xin Thánh Thần
Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xinNgười?".(Lc.11,13).
Người đời có câu: “Tưởng giếng sâu tôi nối sợi giây dài, ai ngờ giếng cạn tôi tiếc hoài sợi giây”. Thật khó lòng chia sẻ buồn vui với một người có tâm hồn nông cạn.
Một người có tâm hồn sâu xa – chiều sâu nội tâm – mới biết nhìn lại chính mình, suy ngẫm, có cõi riêng tư, có không gian tĩnh lặng cho riêng mình.
Thế giới nội tâm ấy, với Ki-tô hữu là cầu nguyện. Cầu nguyện, trên hết, là xin Thánh Thần ngự trị trong lòng.
Tôi nhớ khi còn nhỏ, và có thói quen đến bây giờ, trước khi đọc kinh riêng, đều bắt đầu bằng kinh Đức Chúa Thánh Thần:
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dậy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Nguồn ơn Thánh Thần thường tóm gọn trong 7 ơn: 1. Khôn ngoan, 2. Hiểu Biết, 3. Thông minh, 4.Biết lo liệu, 5. Sức mạnh, 6. Đạo đức, 7. Biết kính sợ Chúa. Nhờ đó, con người có nội tâm sâu xa, an bình, vững mạnh, chống trả lại những cạm bẫy cuộc đời.
“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc.11,13).
4. Xin là niềm vui.
Xin là tín thác, vì “được cho hay không” tùy thánh ý Chúa . Ngài thấu suốt tất cả, Ngài rõ biết ta thật sự cần gì.
"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt.6,7-8).
Thiên Chúa sẽ ban cho con người với tình yêu vượt trội hơn mọi loài thụ tạo, và con người, là con cái Thiên Chúa, phải hoàn toàn tin vững vàng vào Tình Yêu Thiên Chúa. Như vậy, “xin” không có lo âu, vì kẻ “xin” và người “cho” đều bắt đầu từ Tình Yêu. Xin và Cho không thể đi ngược lại sự tồn tại của tình yêu đó. Ở đây, “xin” và "cho" là sự “gặp gỡ” thân tình tuyệt vời giữa Cha – con.
Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! (Mt.6,26-30).
Cuối cùng, “xin” cũng chính là Tuyên Xưng Đức Tin. Là khiêm tốn nhận ra mình nhỏ bé, bất toàn. Đối với Thiên Chúa, con người mãi mãi cần nương tựa vào Chúa như bé thơ cần nương tựa vào Cha Mẹ. Người xưa có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Được nương tựa vào ai, dù chỉ là người đời nhiều giới hạn, ta vẫn thấy ấm áp biết bao, huống chi ta được nương tựa vào Thiên Chúa. Được vui mừng kêu lên hai tiếng Cha ơi, và được nép mình trong lòng Ngài – Đấng Toàn Năng và Giàu Lòng Thương Xót - chăm sóc và bảo vệ đến cùng.
“Thánh Thần làm cho ta nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8,15)
Lời “xin” không chỉ là đi tìm điều thiếu thốn, mà hơn thế nữa, là lời tâm sự ngọt ngào tín thác vào Người Cha Yêu Dấu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Và, vì thế, "xin" cũng là niềm vui vì hồng ân từ tình yêu Chúa tuôn tràn, từ đó, ta càng hiểu sâu hơn Chúa là nguồn vui của đời ta.
Lạy Chúa,
Con xin Chúa thật nhiều,
Ngài cho chẳng bao nhiêu
Niềm tin con yếu ớt
Lòng con thấy buồn thiu
Khi yêu Chúa thật nhiều
Lòng con mới thấu hiểu
Con không có gì thiếu
Ngài cho con quá nhiều
Của đời nhiều bao nhiêu
Con cũng cho là thiếu
Khi xin được Chúa yêu
Đời thiếu nhiều cũng đủ
Cuộc đời muôn muôn thứ
Tất cả là Hồng Ân
Xin được hơn một lần
Cất lên lời cảm tạ. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
(Bài suy niệm năm 2013)