CÙNG MẸ CON DÂNG
CÙNG MẸ CON DÂNG
Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Suốt cuộc đời trần thế của Người là vâng phục và hoàn thành Thánh Ý Chúa Cha (...)
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN C
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
(Lc.1,26-38)
*****
CÙNG MẸ CON DÂNG
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" 35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
____________________
SUY NIỆM
CÙNG MẸ CON DÂNG
Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Suốt cuộc đời trần thế của Người là vâng phục và hoàn thành Thánh Ý Chúa Cha.
Từ Hang Đá Bê Lem đến Đồi Thập Tự, cuộc đời Đấng Cứu Thế là bài ca tuyệt đẹp và hoàn hảo về chuyện tình bất tử của Thiên Chúa đối với con người. Chuyện tình Giêsu và Hội Thánh được dệt nên bằng những trang sử cảm động mà cao điểm là cái chết của Đấng Cứu Thế vào một buổi chiều tím trên đỉnh Can-vê.
Khởi đi từ lúc Ngôi Hai nhập thể, xuống thế làm người, trong cung lòng trinh nữ Maria cho đến lời trăn trối của Người trên Thập Giá, xuyên suốt cuộc hành trình trần thế, Mẹ Maria luôn đồng hành với con mình qua những buồn vui trọn vẹn cùng chung một kiếp người.
Tất cả được bắt đầu một cách trang trọng bằng Mầu nhiệm Nhập Thể mà Mẹ Maria đã đại diện nhân loại đón nhận “Thiên Chúa làm người và ở cùng loài người”.
Với Kinh Kính Mừng, ta trải qua những phút suy niệm sâu xa về cuộc đời Chúa Cứu Thế và hình ảnh Mẹ Maria bên con yêu dấu của mình trong toàn bộ Tin Mừng Cứu Độ.
“Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”. (Kinh Kính Mừng). “ Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà’”.(Lc.1,28).
“Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su con lòng bà gồm phước lạ” (Kinh Kính Mừng). “Sứ thần liền nói: ‘Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.’” (Lc.1,30-33) - “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (Lc.1,42)
“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”(Kinh Kính Mừng) “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôiđến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc.1,43-45).
“Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” (Kinh Kính Mừng). “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc.2,51) - “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: ‘Họ hết rượu rồi’” (Ga.2,1-12).
Rõ ràng, với Kinh Kính Mừng, chuỗi Mân Côi là cách cầu nguyện sâu xa giúp tâm hồn chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa qua việc noi gương và đồng hành với mẹ trong cuộc hành trình trần thế.
“Các kinh ‘Kính Mừng’ tuần tự tiếp nhau, nhắc đi nhắc lại một mầu nhiệm căn bảncủa Phúc Âm: Ngôi Lời nhập thể trong chính phút giây định đoạt: Khi Thiên Thần báo tin cho Đức Mẹ. Do đó, chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Phúc Âm. Đó là câu định nghĩa mà các chủ chăn và các độc giả ngày nay ưu thích, có lẽ còn hơn cả ngày xưa” (ĐGH. Phaolô VI. Marialis Cultus, 44)
Mẹ Maria đã dâng trọn vẹn đời mình cho Thiên Chúa "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc. 1,38).
Mẹ đã bước theo tới cùng con đường của Đức Giêsu - Đấng Cứu Thế - con của Mẹ. Con đường ấy, không phải là con đường ngập đầy hạnh phúc theo kiểu phàm nhân mong muốn. Con đường ấy là “con đường Thập Giá”, và hạnh phúc mà Mẹ chiếm hữu được phải đổi bằng cái giá vô cùng đau thương.
Nỗi đau thương xuyên suốt cuộc đời mẹ, đòi hỏi mẹ không ngừng suy niệm về Giêsu, con của Mẹ, về Tình Yêu Thiên Chúa, về chương trình Cứu Độ. Sự suy niệm ấy chắc chắn phải có sự chiến đấu nội tâm mạnh mẽ. Một niềm Tin Yêu lớn lao, sự phó thác trọn vẹn, nếu không, nỗi đau thương sẽ làm chùn bước cuộc hành trình Thập Giá. “Còn bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc.2,35). – “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc.2,51). “Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với các môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. (Lc.19,26).
Làm sao “cân, đong, đo, đếm” được nỗi sầu muộn trong lòng người? - “Cùng quay lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh biếc một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?” (Chinh Phụ Ngâm). Ai sầu hơn ai? - Chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi đó !
Hình ảnh người Mẹ nhìn con mình đang hấp hối trên Thập Giá. Hình ảnh Người Con từ trên Thập Giá đang cúi xuống nói những lời trăn trối với Mẹ. - Ai đau đớn hơn ai ?
Chỉ có Chúa, Đấng thấu suốt lòng người, mới có thể trả lời câu hỏi đó !
Và, Đấng thấu suốt lòng người, hiểu thấu suốt được lòng Mẹ, đã ban thưởng cho Mẹ xứng đáng với Những gì Mẹ đã làm, những gì Mẹ đã trải qua: Mẹ được hồn xác lên trời. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Mẹ đã hoàn thành vai trò của Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ là nhân chứng Tin Mừng sống động và hoàn hảo nhất.
Thế nên, nói về Mẹ Maria, ca tụng Mẹ Maria, là nói về chính Đấng Cứu Thế.
Và, vì thế, Kinh Mân Côi rất hữu ích và có một vị trí rất lớn trong đời sống người Công Giáo chúng ta.
“Kinh Mân Côi gắn liền với Đức Maria, là lời kinh lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị, lời kinh có chiều sâu của toàn bộ Tin Mừng cứu độ.
Kinh Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng cứu rỗi.
Kinh Mân Côi vọng lại lời kinh Ngợi Khen (magnificat) của Đức Mẹ, về việc Ngôi Lời Nhập Thể cứu chuộc đã khởi sự trong lòng trinh khiết của ngài.
Kinh Mân Côi đưa người Công Giáo đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Chúa Kitô và cảm nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người.
Nhờ Kinh Mân Côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế” (ĐGH.Gioan Phaolô II. ROSARIUM VIRGINIS MARIAE, 1).
Đọc Kinh Mân Côi, chúng ta được soi sáng noi gương mẹ, dâng cuộc đời mình cho Chúa.
Từng biến cố cuộc đời của chúng ta hòa vào từng biến cố cuộc đời của Mẹ. Cũng như, từng biến cố cuộc đời của Mẹ hòa vào từng biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu, con của Mẹ.
Vinh, nhục, buồn, vui, những bước thăng trầm cuộc đời... Xin được cùng Mẹ, dâng lên Thiên Chúa trọn tấm lòng với niềm Tin Yêu, phó thác.
Lạy Mẹ Maria,
Xin cho con luôn biết cất cao lời kinh,
Kính Mừng Maria,
Là bài Tình Ca,
Muôn hoa hồng thắm.
Là Tràng Hạt Mân Côi.
Thơm ngát một đời. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
___________________
Bạn có thể xem bài suy niệm khác năm 2013 tại Địa Chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/tu-hoi-nvt.html