Lễ Các Thánh Tử Đạo VN (2010): Dòng Máu Anh Hùng
Lễ Các Thánh Tử Đạo VN (2010): Dòng Máu Anh Hùng
SUY NIỆM
DÒNG MÁU ANH HÙNG
Trong lịch sử nhân loại, khi nhắc đến những cuộc giết người đẫm máu, người ta thường nói đến chiến tranh. Ai cũng lên án chiến tranh, vì chiến tranh bao giờ cũng là tội ác. Nói đến chiến tranh, người ta nghĩ ngay đến hai bên lâm chiến. Có thể có sự chênh lệch về sức mạnh quân sự, nhưng nói chung, bên nào cũng có vũ khí. Ngay cả một bên yếu thế, bên mạnh cũng lo sợ và thận trọng đề phòng. Sự thắng thua có khi chỉ là một ván cờ trong khoảnh khắc. Sự sống cả hai bên đều rất mong manh. Người ta tận dụng mọi phương cách, mọi cơ hội để giết nhau. Người ta xem nhau như kẻ thù không đội trời chung, và khi đối diện nhau là một mất một còn. Một trong hai phải chết. Người ta không thể không anh hùng.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN C
LỄ THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(Lc.9,23-26)
*****
DÒNG MÁU ANH HÙNG
23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
____________
SUY NIỆM
DÒNG MÁU ANH HÙNG
Trong lịch sử nhân loại, khi nhắc đến những cuộc giết người đẫm máu, người ta thường nói đến chiến tranh. Ai cũng lên án chiến tranh, vì chiến tranh bao giờ cũng là tội ác. Nói đến chiến tranh, người ta nghĩ ngay đến hai bên lâm chiến. Có thể có sự chênh lệch về sức mạnh quân sự, nhưng nói chung, bên nào cũng có vũ khí. Ngay cả một bên yếu thế, bên mạnh cũng lo sợ và thận trọng đề phòng. Sự thắng thua có khi chỉ là một ván cờ trong khoảnh khắc. Sự sống cả hai bên đều rất mong manh. Người ta tận dụng mọi phương cách, mọi cơ hội để giết nhau. Người ta xem nhau như kẻ thù không đội trời chung, và khi đối diện nhau là một mất một còn. Một trong hai phải chết. Người ta không thể không anh hùng.
Nhưng, trong lịch sử nhân loại, có những cuộc giết người đẫm máu mà không phải là chiến tranh. Những con người mà người ta tìm giết thật sự không phải là kẻ thù vì họ không hề gieo thù hận. Những con người ấy không hề có vũ khí chiến đấu. Khi đối diện với họ không hề gặp nguy hiểm. Khi tấn công họ chắc chắn là chiến thắng vì họ không chống trả. Đó là những người Công Giáo bị bách hại.
Mà thật kỳ lạ, người ta có thể lên án “tội ác chiến tranh”, “tội ác diệt chủng”, “Tội ác chống lại nhân loại”, nhưng người ta lại thờ ơ phớt lờ “tội ác bắt đạo”. Thậm chí, có nơi, như ở Việt Nam, còn có những người tìm cách bảo vệ tội ác ấy, với những luận điệu cho rằng vì Đạo Công Giáo là “Đạo Tây”, “Đạo ngoại bang”, “Đạo thực dân”, và nhiều Giáo Dân đã bị giết là tại vì liên quan chính trị.
Trên một trăm ngàn người Công Giáo đã đổ máu ra chỉ vì một lý do duy nhất, đó là tin vào Đức Giêsu Ki-tô. Và Đức Giêsu Kitô chỉ dạy một Giới Luật duy nhất, đó là Giới Luật Yêu Thương. Tất cả họ không thuộc đạo binh nào, không giáo mác cung tên, không căn cứ đồn lũy, thế mà người ta phải dùng đến trên 50 sắc chỉ cấm đạo trải qua bao nhiêu triều đại Vua Chúa, huy động quân binh hùng hậu, chỉ để diệt trừ những con người tay không, mang con tim biết yêu thương theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Con số 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con số nhỏ của hàng hàng lớp lớp người Công Giáo đã đổ máu để bảo vệ Đức Tin. Trong 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam này, từ Giám Mục đến giáo dân, từ già đến trẻ, từ quan đến dân, từ nam đến nữ… tuyệt nhiên không có một vị nào bị kết án tử hình vì tội chính trị hay một tội danh nào khác ngoài một tội duy nhất là Tin vào Chúa Giêsu – là Đạo Trưởng hoặc ngoan cố không chịu bỏ đạo, từ chối bước qua Thánh Giá.
Hình phạt dành cho những con người không phải là kẻ thù đó lại vô cùng độc ác khiến cho người ta có cảm tưởng đang lạc vào thế giới thời man di mọi rợ. Song song với hình phạt ấy là những biện pháp vô cùng thâm độc như sắc lệnh “phân sáp” năm 1860 thời Tự Đức (1847-1883). Chúng ta thử xem lại 5 khoản trong khổ hình “phân sáp”:
Khoản 1: Hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, bất cứ nam nữ, giàu nghèo, già trẻ đều bị phân tán vào các làng bên lương.
Khoản 2: Tất cả các làng bên lương có trách nhiệm canh gác những tín hữu Công Giáo: cứ năm người lương canh gác một người Công Giáo.
Khoản 3: Tất cả các làng Công Giáo sẽ bị phá bình địa và tiêu hủy. Ruộng đất, vườn cây, nhà cửa sẻ bị chia cho các làng bên lương lân cận, và các làng bên lương này có nhiệm vụ phải nộp thuế hằng năm cho chính phủ.
Khoản 4: Phân tán nam giới đi một tỉnh, nữ giới đi một tỉnh khác, để không còn cơ hội gặp nhau, con cái thì chia cho những gia đình bên lương nào muốn nhận nuôi
Khoản 5: Trước khi phân tán, tất cả giáo dân nam nữ và trẻ con đều bị khắc trên má trái hai chữ “Tả Đạo” và trên má bên phải tên tổng, huyện, nơi bị giam giữ, như thế không còn cách nào trốn thoát.
Người ta ước tính, thời chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30.000 giáo dân bị giết, thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức chừng 40.000 người. thời Văn Thân chừng 60.000 người. Mức độ dã man rùng rợn là không bút mực nào tả nổi.
Lịch sử đã sang trang, nhưng máu các Thánh Tử Đạo Việt Nam vẫn đỏ thắm trên Đất Nước ngàn năm văn hiến đầy đau thương tang tóc này. Cái để Đất Nước này tự hào, không phải là những thành đạt kinh tế như nhiều người vẫn đang cao rao, tự hào, vì thật ra, sự sung túc và phồn vinh chỉ là một phần nhỏ sánh với đại đa số người dân còn quá nghèo nàn thiếu thốn. Cái tự hào là nền đạo đức của cha ông ta qua bao đời để lại, những giá trị “thuần Việt” mà cả thế giới ngưỡng mộ nhưng lại đang trên đà tuột dốc “trên mức báo động”! Trong nền đạo đức văn hóa dân tộc này, có sự đóng góp của người Công Giáo, chẳng những phong phú, mà còn vượt trội, tỉ như sự chung thủy “một vợ một chồng” trong Hôn Nhân, đặc biệt là sự ra đời và ngày càng trở nên phong phú của chữ Quốc Ngữ, mà không hiểu sao, một số người mang danh là người viết sử, hay có trách nhiệm bảo tồn văn hóa lại ngại ngùng và hà tiện lời ca ngợi khi viết về nguồn gốc của nó.
Nếu đạo Công Giáo là “tả đạo”, người Công Giáo không có những giá trị cao cả, nếu niềm tin Công Giáo vu vơ, nếu nội tâm người Công Giáo trống rỗng, họ không chịu đựng được những cơn lốc bắt đạo kinh hoàng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt đối với giáo hội Công Giáo Việt Nam, và những gì đi ngược lại chân lý, đều không thể tồn tại.
Khi Phêrô và các Tông đồ bị Thượng Hội Đồng lên án và muốn giết các ngài, đã có ý kiến: “Bấy giờ có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng lên giữa Thượng Hội Đồng; ông là kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát. Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng: “Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.” Họ tán thành ý kiến của ông. (Cv.5,34-39).
Các Thánh Tử Đạo Việt nam đã về Cõi Phúc. Các ngài đã lớn lên trong Thánh Thần qua những đoạn đường tận cùng đau thương. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”. (Mt.10-12).
Con đường theo Chúa mãi mãi vẫn là “Con Đường Thập Giá”. Đau thương có thể là thịt nát xương tan, đau thương cũng có thể là tan nát con tim, tan vỡ cõi lòng. Bắt đạo có thể là bạo lực, đè bẹp, bắt đạo cũng có thể là lời đường mật, sự mơn trớn vuốt ve. Yêu tinh có thể là ác quỷ hiện nguyên hình ghê sợ, yêu tinh cũng có thể là những kiều nữ cực kỳ quyến rũ...
Giáo Hội ngày nay có thật bình yên ? Sự bắt đạo có thật đã lùi vào dĩ vãng ?
Lạy Chúa,
Xin cho con thêm khôn ngoan để tiến bước theo Ngài,
Xin Các Thánh Tử Đạo cầu bàu cho chúng con.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
(Bài suy niệm năm 2010 đã đăng trên Canhdongtruyengiao.net)