You are here:

Kitô Vua: Cai trị từ trái tim

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Kitô Vua: Cai trị từ trái tim

SUY NIỆM

CAI TRỊ TỪ TRÁI TIM

1. Cai trị từ Trái Tim

Chuyện hai người bạn...

Ngày xưa có hai người bạn nghèo sống bên nhau rất thân thiết. Một ngày kia, một trong hai người quyết định đi làm ăn phương xa. Anh nói với bạn mình: -“Ở đây hoài, chúng ta cứ nghèo mãi, không có tương lai. Tôi muốn tạo cho mình một sự nghiệp mới. Anh có muốn cùng đi với tôi không?”. Bạn anh trả lời: -“Ở đây, tôi đang rất hạnh phúc”.

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN C-16
LỄ KI-TÔ VUA
(Lc.23,35-43)
***

CAI TRỊ TỪ TRÁI TIM
 


 

35 Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!" 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: "Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!" 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do-thái."

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" 40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su:  "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" 43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc.23,35-43).
_____________

SUY NIỆM

CAI TRỊ TỪ TRÁI TIM

1. Cai trị từ Trái Tim

Chuyện hai người bạn...

Ngày xưa có hai người bạn nghèo sống bên nhau rất thân thiết. Một ngày kia, một trong hai người quyết định đi làm ăn phương xa. Anh nói với bạn mình: -“Ở đây hoài, chúng ta cứ nghèo mãi, không có tương lai. Tôi muốn tạo cho mình một sự nghiệp mới. Anh có muốn cùng đi với tôi không?”. Bạn anh trả lời: -“Ở đây, tôi đang rất hạnh phúc”.

            Thế là đôi bạn chia tay.

            Hai mươi năm sau, người bạn đi làm ăn phương xa trở nên rất giàu có. Đồng tiền tạo cho anh danh giá, thế lực. Anh bước vào quan trường, tiến thân nhanh chóng, làm quan lớn, rồi một ngày kia, anh làm vua!

            Từ khi lên ngôi vua, tân vương không ngừng củng cố uy quyền và thụ hưởng xa hoa khoái lạc. Nhà vua thực hiện chính sách trị dân thật hà khắc, sưu cao thuế nặng. Hệ thống quan lại bất tài, chỉ biết dùng quyền lực trấn áp dân chúng, lo tham ô, bóp chẹt và thu vén của cải nhân dân! Vua ngự trị ở triều đình vui hưởng sự cung phụng và đút nhét của lũ quan xu nịnh và mách lẻo. Vua hài lòng với một đất nước giàu mạnh, an cư lạc nghiệp theo trí tưởng tượng từ những lời báo cáo láo khoét của bọn quan lại vô tài kém đức! Tiếng dân ta thán khắp nơi, nhưng người dân thấp cổ bé miệng, tiếng kêu than không thể đến tai nhà vua được.

            Người bạn ở quê nhà nghe biết tất cả. Anh quyết định lên kinh thành thăm bạn. Đường lên kinh thành xa xôi vạn dặm, nhưng anh muốn gặp bạn cho bằng được để nói lên một tấm lòng.

            Hai người bạn gặp lại nhau. Nhà vua vẫn rất trọng bạn mình. Người bạn nghèo năm xưa nói với nhà vua: -“Thưa ngài, nếu ngài còn xem tôi là bạn, xin phép cho tôi được nói với ngài một lời khuyên”. - “Anh cứ nói”, nhà vua đáp. Người bạn nghèo nói: -“Thưa ngài, khi trị dân, xin ngài đừng trị từ trên xuống”. Nhà vua ngạc nhiên hỏi: -“Tôi là vua, ngồi trên ngôi cao tột đỉnh, không trị dân từ trên xuống, không lẽ lại trị từ dưới lênà ?”. Người bạn nghèo thong thả nói: -“Vâng, thưa ngài, ngài cũng không nên trị từ dưới lên !”. Nhà vua cả cười và hỏi bông đùa: -“Ông bạn già ơi! Không trị từ trên xuống, không trị từ dưới lên, thế thì trị từ đâu ?”Người bạn nghèo bình thản đáp: -“Thưa Ngài, từtrong ra- từ trong tâm hồn, từ trái tim !”.

            Nói đến vua, là nói đến quyền lực. Nói đến người cai trị, là nói đến những phán quyết “từ trên xuống”. Thế nên, kẻ thống trị dùng quyền lực phán từ trên xuống là chuyện thường tình. Ai cũng hiểu điều đó. Nhà vua chỉ có việc từ trên phán xuống, còn kẻ dưới chỉ có việc cúi đầu tuân theo thánh chỉ, tuân theo mệnh lệnh. Người bạn nghèo nói với vua - là bạn cũ tình thâm – rất thật lòng và tha thiết – một lời khuyên, mà đối với vua, xem ra rất khó hiểu: “Thưa ngài, khi trị dân, xin đừng trị từ trên xuống

            Trong lịch sử, cũng có nhiều vua nhu nhược. Biết bao kẻ làm lớn mà không có “thực quyền”. Họ là những kẻ tài năng kém cỏi, đạo đức tồi tệ, họ bảo vệ “quyền lực” của họ, “ngôi vua” của họ, “chiếc ghế” của họ bằng chính sách mị dân.  Mê hoặc dân bằng những cuộc vui giả tạo, ru ngủ dân bằng những lời hoa mỹ dối trá. Chiếm lòng dân bằng những sự dễ dãi bừa bãi để cầu an cho “chiếc ngai vàng - cái ghế” của họ. Khuyến khích những cuộc vui trong dân để làm lu mờ những hình ảnh đen tối trong xã hội. Những vị vua như vậy - những kẻ có quyền cao chức trọng kiểu như vậy - họ không có đủ bản lĩnh ngồi ở vị trí của họ, nên họ nương tựa vào thứ chính sách mị dân xem ra “rất nhẹ nhàng và được lòng dân”, kỳ thực họ đẩy đưa dân – những người dưới tay họ - đi dần vào một cuộc sống suy sụp và đầy bất hạnh. Đó là cách trị dân từ dưới lên. Một con người thao thức đến hạnh phúc chân chính, không ai chấp nhận cách trị dân như vậy. Người bạn nghèo đã thực lòng nói với nhà vua: “Vâng, thưa ngài, ngài cũng không nên trị từ dưới lên !”

            Một vị vua thương dân, thật lòng biết lo cho dân có một đời sống tốt đẹp thật sự, cuộc sống được sung túc, nơi nơi thái hòa, người người sống hiểu biết và thực thi những điều chân thiện. Luật vua phép nước hẳn hòi, có thưởng phạt công minh. Đâu là điều sai trái phải tránh, đâu là điều chân chánh phải giữ. Đâu là trách nhiệm và bổn phận phải chu toàn, đâu là quyền con người được hưởng và được bảo vệ. Nhu cương hòa quyện nhau. Nghiêm khắc và bao dung đúng lúc. Lợi ích cá nhân và tập thể, chuyện công chuyện tư minh bạch, rõ ràng, việc nào trọng việc nào nhẹ, hợp lý hợp tình. Tất cả đều xuất phát từ trái tim biết yêu thương và  phục vụ. Đó mới là một vị vua biết trị dân “từ trong ra”.  

2. Trái Tim Giêsu

Có một giai thoại mang tên “Con Tim Rộng Mở” rất phổ biến như sau:

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công giáo đầu bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài !

Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vất vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

Từ đó, Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn lên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:

- Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?
- Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.

- Để ông bạn coi: Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài…Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ, đem hết trái tim ra giúp người.

- Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linhmục…

Không có sức mạnh nào lớn hơn và bền vững hơn sức mạnh tình yêu.

Vua Giêsu Kitô là Vua Tình Yêu. Tình Yêu Phục Vụ, Tình Yêu Cứu Độ. Chúa Giê su đã giảng dạy rất rõ ràng cho các môn đệ về sự khác biệt trong việc "cai trị của trần gian" và "việc cai trị của những môn đệ" của Ngài.

 "Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân.26 Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.27 Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. (Lc. 22,25-27).

            Cha LACORDAIRE, nhà thuyết giảng nổi tiếng của Pháp, đã nói: “Có ba hành vi trong việc cai trị: một là soi sáng, hai là bênh vực, ba là đánh đuổi. – Soi sáng người mù, bênh vực kẻ yếu, đánh đuổi quân thù”.

            Có thể tìm thấy những điều đó ngay trong sứ mạng của Chúa Kitô: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18). 

            Đó chính là hình ảnh Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.

3. Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

            Một vì vua cai trị từ trong ra, từ tâm hồn, từ con tim. Thánh Tâm Giêsu là mẫu mực của tình yêu. Hãy nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu để nhận ra Ngài là vị Vua đích thật và duy nhất của vũ hoàn.

            Chúa Ki-tô không trực tiếp nhìn nhận Ngài là vua, vì con người chỉ hiểu ngôi "vua" theo kiểu trần gian. Nhưng Chúa Giêsu nhìn nhận Ngài có một Vương Quốc Vĩnh Hằng. "Vương Quốc của Giêsu" không thuộc về thế gian này.

"Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái. Nhưng thật ra  Nước tôi không thuộc chốn này".

37 Ông Philatô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Ðức Giêsu đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,33b-37).

Và, vì không thuộc về thế gian này, nên Ngài không có những gì mà một vị vua trần gian thường có, hay phải có. Chính vì thế, chính vì "không thuộc về thế gian này", nên Vương Quốc của Giêsu Kitô không phải là vương quốc tạm bợ, nay còn mai mất, đổi đổi thay thay theo thời gian, theo dòng lịch sử nhân loại, mà Vương Quốc ấy trường cửu, bất biến, tràn ngập yêu thương và hạnh phúc trong sự sống đời đời.

Chúng ta só thể suy ngẫm rõ thêm qua một số đặc điểm chính yếu sau đây:

MỘT VÌ VUA KHÔNG CÓ NGAI VÀNG, KHÔNG CÓ LÃNH THỔ.

            Đức Kitô là một vị vua không có lãnh thổ ở trần gian này. Ngài đã khẳng định điều ấy với Phi-la-tô : “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Vì ngay từ tấm bé, vua Giêsu đã được thờ lạy không phải nơi điện ngọc cung son, mà ở nơi nghèo nàn hèn hạ “ Đến nơi, mấy người chăn chiên gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ ”(Lc.2,16); “Các nhà chiêm tin vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sắp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt.2,11).

Rồi một cuộc đời rày đây mai đó không có triều đình cung điện. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc. 9,58). Đến lúc được tôn vinh làm vua, không phải ngồi trên bệ rồng uy nghi chìm ngập trong những lời tung hô vạn tuế,  mà là bị treo lơ lửng trên Thập Giá với muôn vạn lời sỉ nhục mỉa mai. “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi !”. Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái” (Lc.23,37-38).

MỘT VÌ VUA KHÔNG CÓ QUÂN ĐỘI

            Không quân đội, vì Ngài không dùng vũ lực để buộc ai phải theo mình. Nghe hay không nghe theo Ngài, đều là tự nguyện, là giác ngộ chân lý Ngài rao giảng. “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga.18,37). Ngài cũng không dùng quân đội để tự bảo vệ Ngài, vì Ngài là Chúa Hòa Bình : “Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái”(Ga.18,35). “Ai vả anh má bên này, thì hãy đưa má bên kia nữa” (Lc.6,29); “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm, sẽ chết vì gươm” (Mt.26,52).

MỘT VÌ VUA CHỈ CÓ MỘT GIỚI LUẬT

            Vương quốc Nước Trời của Ngài chỉ có một giới luật, đó là Giới Luật Yêu Thương. “Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu thương đồng loại như chính mình”. (Lc.10,25).

MỘT VÌ VUA “NÊN MỘT” VỚI DÂN

            Người đời thường nghe có những vì vua hòa mình trong dân, vi hành trong dân để hiểu đời sống dân tình như Khang Hi; yêu thương lo lắng cho dân như vua Nghiêu, vua Thuấn… Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài yêu thương dân đến nỗi “nên một” với họ. Nỗi đau thương, bất hạnh của họ là của chính Ngài. Họ là hiện thân của Ngài. Ngài thật sự “đồng hành” với họ trong sâu thẳm tâm hồn họ. Liên kết với máu xương của họ.“Vì xưa Ta đói các ngươi cho ăn, ta khát các ngươi cho uống… mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt.25,31-46).

MỘT VÌ VUA LÀM ĐẦY TỚ CHO DÂN

            Đối với vua chúa trần gian, mọi người đều là “đầy tớ” của họ. Vua nắm quyền sinh tử trên họ. Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài là “đầy tớ” của dân thật sự. Một đầy tớ phục vụ mọi người. “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy qưyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt.20,25).“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga.13,13-14).

MỘT VÌ VUA CHẾT SỐNG VÌ DÂN

            “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên” (Ga.10,11). Và vì tình yêu bao la đó, Ngài đã tự nguyện hiến dâng mạng sống mình nên Hiến Lễ dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc con người. “Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh” (Dt.10,19).

MỘT VÌ VUA ĐƯA DÂN ĐẾN BẾN BỜ HẠNH PHÚC VĨNH CỬU

            Hạnh phúc mà vua chúa trần gian có thể đem lại cho con người, cùng lắm  là được “cơm no, áo ấm”, “ăn ngon mặc đẹp”; “an cư lạc nghiệp”... Nhưng rồi tất cả cũng qua đi trong cõi phù vân tạm bợ chóng qua này. Phúc Lộc Thọ mãi mãi là cơn khát triền miên của thân phận con người. Chỉ có Vua Giêsu Kitô mới dẫn con người đến bến bờ hạnh phúc đích thực. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống (Ga.14,6). Chỉ có tình yêu Giêsu mới nuôi sống con người và đưa con người đến bờ bến vĩnh hằng bằng chính máu thịt của Ngài. “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga.6,54). Khát vọng được sống vĩnh hằng và no đầy hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy trong Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa ở cuối con đường Thập Giá. “Như Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ga.3,14-15).

 Lạy Chúa,

Như tên gian phi có lòng sám hối đã thưa với Chúa:
"Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!"
 Và được Chúa xót thương đáp lại:
"Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc.23,35-43).

Xin xót thương con,
Xin nhớ đến con, lạy Chúa!
Cho con được vào Vương Quốc của Chúa,
Niềm trông cậy hôm nay và hạnh phúc đời đời ngày mai. Amen.


Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_____________________

Suy niệm năm 2009, có sửa đổi bổ sung.

Xem Video slide, mời bạn Click vào đây    KITÔ VUA

https://www.youtube.com/watch?v=8lOD1fOnJB8

 

Đang có 200 khách và không thành viên đang online

16165892
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
15755
14919
72128
16009132
317830
406480
16165892

Your IP: 3.145.161.199
Server Time: 2025-01-23 16:54:35