You are here:

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng A: Ngài Từ Đâu Đến?

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng A: Ngài Từ Đâu Đến?

SUY NIỆM

NGÀI TỪ ĐÂU ĐẾN ?

            Bắt đầu bài trích Phúc Âm hôm nay, Thánh Mát-thêu đã giới thiệu: “Sau đây là gốc tíchĐức Giê-su Ki-tô...”. (Đức Giê-su Ki-tô sinh ra thế này - Et voici comment Jésus Christ fut engendré...bản dịch của Cha Thuấn, La Bible de Jérusalem)(Mt.1,18).

 


SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A
(Mt.1,18-24)
****

NGÀI TỪ ĐÂU ĐẾN
 


 

          18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

_________________

SUY NIỆM

NGÀI TỪ ĐÂU ĐẾN ?

            Bắt đầu bài trích Phúc Âm hôm nay, Thánh Mát-thêu đã giới thiệu: “Sau đây là gốc tíchĐức Giê-su Ki-tô...”. (Đức Giê-su Ki-tô sinh ra thế này - Et voici comment Jésus Christ fut engendré...bản dịch của Cha Thuấn, La Bible de Jérusalem)(Mt.1,18).

          Khi thánh sử Mát-Thêu mở đầu Phúc Âm của ngài, ngài đã trang trọng viết : “Đây là gia phảĐức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham”. (Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con Đa-vít, con Abraham. – Généalogie de Jésus Christ, fils de David, fils d’Abraham. Bản dịch của Cha Thuấn, La Bible de Jérusalem).(Mt.1,1-17).

           Người xưa có câu: “vô tri bất mộ”. Không biết không yêu.Trong cuộc sống, cũng không ai đặt niềm tin vào người mà mình không hề biết “gốc tích” người đó. Làm sao ta có thể an lòng đặt niềm Tin Yêu vào một người mà ta không biết gì về “lý lịch” ?

          Nên, không phải vô tình mà thánh Mát-thêu mở đầu sách Tin Mừng, ngài đề cập đến hai lần “gốc tích” của Chúa Giê-su Ki-tô. Bởi vì, để dọn đường cho Đức Tin độc giả, thánh Mát-thêu muốn độc giả hiểu rõ về Chúa Giê-su. - Đức Giê-su, Ngài từ đâu đến ?

           Đức Giê-su: nhân vật lịch sử.

           Không một sử gia nào ngày hôm nay còn nghi ngờ tính chất lịch sử của Chúa Giê-su, khái niệm Ngài không phải là một nhân vật đã sống thực sự trong lịch sử không còn giá trị gì trên phương diện sử học.

            Ngay cả những tranh luận thời xưa, Celse ở thế kỷ thứ hai, Porphyre ở thế kỷ thứ ba đã qui tụ nhiều lập luận chống lại Ki-tô giáo, dựa trên sự nghiên cứu sâu rộng về kinh Thánh, về truyền thống truyền miệng; nhưng các ông không hề nghi ngờ gì về thực tại của những lời chứng do các môn đệ đã biết Chúa Giê-su tuyên xưng, hay những lời của Phao-lô, chứng nhân và văn sĩ Ki-tô hữu đầu tiên. Sự sống lịch sử của Chúa Giê-su cũng không bị đặt nghi vấn bởi truyền thống Do Thái, và ngay cả kinh Coran cũng coi Ngài như một vị tiên tri loan báo đấng Mahomet của Hồi Giáo.

            Trong những văn kiện ngoài Ki-tô giáo, chiến tranh Do Thái (la guerre Juive) và những Cổ truyền Do Thái (les antiquités Judaiques), được soạn thảo  bởi sử gia Do Thái Flavius Josèphe, có nói hai lần đến sự hiện hữu của Chúa Giê-su.

            Trong những cổ truyền Do Thái (XX & 200), Flavius nhắc đến cuộc tử đạo của Jacques năm 62: Vị giáo quyền Anan triệu họp đại hội những thẩm phán để xử án jacques, anh em của Giê-su còn gọi là Ki-tô, và một phạm nhân khác. Họ bị kết tội đã vi phạm Luật Thánh và bị kết án tử hình bằng ném đá. Bản văn này cần hai chú thích sau: thứ nhất là chữ dịch anh em phải được hiểu theo nghĩa của ngôn ngữ nguyên văn (acception sémitique), nó được dùng để chỉ những người cùng gia đình, họ hàng, bạn bè; thứ hai là chữ Ki-tô, dưới ngòi bút của tác giả ngoại giáo và thân Roma này, được dùng theo nghĩa xấu để chỉ những người hay gây rối loạn ở vùng Judée thời đấy.

            Trong chiến tranh Do thái (Flavius Josèphe XVIII, &63-64), ông có viết: Trong thời đó có Giê-su, một người khôn ngoan, nhưng có nên gọi như thế hay không, bởi vì đó là một người làm nhiều điều phi thường, một bậc thầy đối với nhiều người muốn tìm chân lý. Nhiều người Do Thái và Hy lạp theo ông. Đó là Đức ki-tô. Khi ông bị tố cáo và bị Pilate kết án đóng đinh trên thập giá, những người theo ông vẫn không từ bỏ. Bởi vì ông sống lại trong ngày thứ ba; nhiều vị tiên tri thần linh đã nói về những điều này và muôn vàn những điều kỳ diệu khác về ông. Cho tới bây giờ, nhóm người Ki-tô vẫn còn tồn tại. (Theo Le Figaro Magazine, 01.10.1999, Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ).


            Còn rất nhiều bằng chứng, để có thể tin chắc một người mang tên Giê-su như Tân Ước ghi lại, đã từng có mặt trong lịch sử nhân loại. Đó không phải là một nhân vật huyền thoại, được tưởng tượng ra để phục vụ cho những lý do trần tục của nhân loại.

            Vì Giê-su, Ngài là một nhân vật từng có mặt trong lịch sử nhân loại, nên Ngài phải có “gia phả”, có “gốc tích” rõ ràng, Ngài là con ai, cha mẹ là ai, sinh ra ở đâu, quê hương, cuộc đời và sự nghiệp... và tất cả những gì liên hệ với Ngài đã diễn ra như thế nào. Đó là “nhân tính” của  Đức Giê-su.

           Nhưng, Chúa Giê-su không chỉ là một nhân vật lịch sử bình thường. Ngài không phải chỉ là một vĩ nhân. Ngài còn là :Thiên-Chúa-làm-người.

            Đức Giê-su:“Thiên-Chúa-làm-người”.

            “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt.1,18).

            Lý lịch của Chúa Giê-su rất hợp lệ theo thủ tục của con người, nhưng không tự nhiên theo kiểu con người, vì Ngài là Thiên Chúa. Ngôi Hai xuống thế làm người, Ngài là Thần Linh Sự Sống, là nguồn sống, Ngài là Đấng ban phát sự sống, Ngài đến để tái tạo sự sống cho con người, Ngài không thể được hình thành từ máu huyết phàm nhân.

            Thánh Giuse là “người công chính”, chắc chắn đã được Thiên Chúa mạc khải chương trình huyền nhiệm về Chúa Cứu Thế Giáng Sinh mà ngài có bổn phận nuôi dưỡng, nhưng, trong sự hiểu biết hạn hẹp của một phàm  nhân, hẳn ngài luôn cần Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn thêm, qua việc Thiên Thần đến với ngài trong giấc mơ, để ngài an tâm thực thi sứ mạng cao cả của ngài, là cha nuôi của Đấng Cứu Thế.

         “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."  Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” (Mt.1,23-24).

            Em-ma-nu-en,  Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, đây mới đích thực là “gốc tích” của Giê-su. Giê-su, không phải chỉ là một “vĩ-nhân-ở-cùng-chúng-ta”, nhưng là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Và nhân loại cần phải nhận ra “gốc tích” đích thực này của một con người lịch sử mang tên Giê-su.

          Con người mang tên Giê-su ấy, có “gia phả” từ ngọn nguồn của mọi sự sống. Con người ấy là Thiên Chúa đã lặng lẽ đến với nhân loại để “ở với nhân loại”, “đồng hành với nhân loại”, mà nhân loại đã không nhận ra “gốc tích” thật sự của Ngài. Đó là “Thiên Tính” của Đức Giê-su.

Nhân loại, đã chỉ biết nhân tính của Giêsu.  Một Giê su xuất thân từ địa chỉ trần gian cụ thể, nhưng không biết Thiên tính của Ngài. Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng nhân loại.

25Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói (...)

27Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả."

28Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người.

29Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi." (Ga.10,27-29).

Không biết đúng, không biết đầy đủ, làm sao gọi là biết.

           “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Ga.1,12).

           “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14).


            Đón tiếp Thiên Chúa Giáng Sinh.

            Lễ Giáng Sinh ngày nay tưng bừng đèn hoa ngày hội và gần như cả cộng đồng nhân loại biết đến. Nhưng phần lớn nhân loại mừng Sinh Nhật Chúa Giê-su khi chỉ được biết Chúa Giê-su như một nhân vật lịch sử và dừng lại ở sự kính trọng Ngài như một vĩ nhân. Nhưng, ngày lễ Giáng Sinh chỉ thật sự đúng ý nghĩa khi con người chào đón Ngài là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Niềm Tin ấy chỉ có được khi con người nhận ra “gốc tích Đức Giê-su là Thiên Chúa”.

           Và, như thế, đón mừng Giáng Sinh, là đón mừng Tình Yêu Thiên Chúa dành trọn vẹn cho con người với Mầu Nhiệm Nhập Thể.

         “Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt.1,23); hay “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14), đó là hồng ân lớn lao vô bờ bến mà không một ai trong kiếp nhân sinh đầy khổ ải này lại không mong mỏi đợi chờ.

         Yêu nhau trăm sự chẳng nề. Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Cao vời nào cao vời như Thiên Chúa - Đấng Tối Cao; thấp hèn nào như thấp hèn kiếp bụi tro - thân phận con người, nhưng “một trăm chỗ lệch” ấy đã được “kê bằng” để Thiên Chúa đến với con người, ở giữa con người, sống như con người, chỉ trừ tội lỗi. Chỉ có Đức Giêsu Ki-tô với hai bản tính Thiên Chúa và con người, Ngài mới thật sự là nhịp cầu nối trời và đất. Thiên Chúa cúi xuống với con người để con người được vươn lên tới Thiên Chúa.

           Không có Tình Yêu nào không đòi hỏi sự đồng hành, và sự đồng hành của Thiên Chúa dành cho con người gần gũi và chia sẻ đến mức không thể hơn thế được.

            Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (Pl.2,6-7).

            Quả thực, chỉ có Tình Yêu ngự trị vũ hoàn này, sức sống mới thật sự hồi sinh, và hạnh phúc mới tìm lại được trong mọi con tim nhân thế.

           Vì Chúa đến, không phải đem lại cho con người những cuộc vui chóng tàn hay những lợi lộc chóng qua, nhưng Ngài đến để đem lại cho con người những giá trị vĩnh cửu mà nếu không có Ngài, tất cả chỉ là khát vọng.

             Gía trị vĩnh cửu làm chuẩn mực cho tất cả mọi thứ gía trị là con người "được làm con Thiên Chúa", cội nguồn nhân bản của con người. "Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh \Người, thì Người dành cho họ quyền làm con Thiên Chúa". (Ga.1,12).

            Lòng chúng ta sẽ trống rỗng nếu chúng ta không tiếp đón Ngài là Thiên Chúa Nhập Thể trong chính tâm hồn chúng ta. Ngài đến để đi vào mọi ngõ ngách tâm hồn chúng ta, nơi mà chúng ta chưa bao giờ dám chia sẻ cùng ai, đồng hành cùng ai. Và điều kỳ diệu sẽ đến với chúng ta khi mỗi bước đi của chúng ta là mỗi bước an bình và đầy hoan lạc trong ánh sáng Tình Yêu của Ngài. Vì như thế mới đúng với danh xưng của Ngài: Em-ma-nu-el: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

           Hiểu được Đức Giê-su Ki-tô là ai, Ngài từ đâu đến, con người mới biết cách tiếp đón Ngài và đón tiếp Ngài với trọn vẹn niềm Tin Yêu và hạnh phúc.

            Lạy Chúa,

            Này đây Máng Cỏ lòng con,
            xin Ngài ngự đến.
            Nghèo hèn và bé nhỏ,
            không xứng với Vua Trời Đất,
            nhưng con tin rất vừa
            với Chúa Tình Thương. Amen.

  Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
___________________

Mời bạn xem Video slide suy niệm này    NGÀI TỪ ĐÂU ĐẾN ?

https://youtu.be/Z_37Mczw8YM

Đang có 293 khách và không thành viên đang online

12795247
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
13985
17489
87403
12637346
274951
303367
12795247

Your IP: 18.224.0.25
Server Time: 2024-04-26 15:17:23