You are here:

Chúa Nhật 15 Thường Niên A: HẠT GIỐNG NIỀM TIN

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật 15 Thường Niên A: HẠT GIỐNG NIỀM TIN

Hạt giống quý giá

Chắc bạn đọc đã biết câu chuyện “Lỗ Bình Sơn (Robinson) lạc vào hoang đảo” của Daniel Defoe, câu chuyện sau đó được chuyển thể thành phim và đã mau chóng “vang bóng một thời”.

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN A
(Mt.13,1-23)
****

HẠT GIỐNG NIỀM TIN
 


1 Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
 



 

Người nói: Người gieo giống đi ra gieo giống.  4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe."

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" 11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

18 "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."
________________

SUY NIỆM

HẠT GIỐNG NIỀM TIN

Hạt giống quý giá

Chắc bạn đọc đã biết câu chuyện “Lỗ Bình Sơn (Robinson) lạc vào hoang đảo” của Daniel Defoe, câu chuyện sau đó được chuyển thể thành phim và đã mau chóng “vang bóng một thời”.

Trong câu chuyện có một tình tiết về Lỗ Bình Sơn đã vô tình tìm được những cây lúa lớn lên trong bụi cỏ hoang từ những hạt lúa còn sót lại, và Lỗ Bình Sơn đã “gầy giống” và chắt chiu những hạt lúa ít ỏi và quý hiếm  ấy để có được một “cánh đồng lúa chín vàng” giúp ông được sống còn.

Sau đây là trích đoạn câu chuyện “Lỗ Bình Sơn lạc vào hoang đảo”, khi ông vui mừng tìm thấy những cây lúa đầu tiên trên hoang đảo.


 

Trong khi lục lọi các thứ, tình cờ tôi thấy một cái bao gai đựng thóc cho gà vịt ăn trên tàu. Bao nhiêu lúa mì đều đã bị chuột nhằn hết, chỉ còn độc trấu và bụi. Định dùng bao gai vào việc khác nếu tôi không nhầm, thì là để đựng thuốc súng lúc chia nhỏ thành từng bao đề phòng sét đánh. Tôi bèn đem đổ tất cả trấu với những gì còn lại trong đó vào chỗ chân núi, ngay bên cạnh bức lũy đá. Tôi đổ trấu và thóc lép ấy một thời gian ngắn trước mùa mưa; rồi không để ý đến nữa, chỉ chừng một tháng sau, là tôi quên hẳn. Nhưng vừa lúc đó, tôi lại thấy có lơ thơ vài mầm mạ mọc lên; tôi cho là những loại cỏ dại nào đó nên cũng bỏ qua. Được ít lâu, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy mười hai bông lúa đã vừa ướm chín, một thứ lúa mạch rất ngon không khác giống lúa mạch ở châu âu. Tuyệt hơn nữa là lúa cũng mọc tốt như ở nước Anh vậy. Thoạt tiên tôi kinh ngạc quá đỗi, không hiểu vì đâu lúa mì không cần giống mà cũng mọc lên được thế này?

Đã có lúc tôi nghĩ có lẽ trời thương tôi nên bỗng dưng sinh ra lúa mì để nuôi sống tôi trên đảo hoang. Nhưng sau nhớ lại là mình đã rũ một cái bao gai ở đấy và cái bao ấy vẫn đựng thóc cho gà ăn thì tôi thấy ngay chẳng có phép lạ gì trong câu chuyện này cả. Tuy nhiên cũng thật là bất ngờ mà có những bông lúa ấy. Đúng là một sự may mắn hiếm có! Tình cờ sao lại còn sót mười hai hột lúa chắc trong cả một bao lúa đã bị chuột nhằn hết nhẵn; tình cờ sao tôi lại đem rũ bao gai vào chỗ bóng râm dưới núi nên lúa mới có thể nảy mầm. Ví thử tôi rũ cái bao gai vào một chỗ khác thì mấy mầm lúa kia có thể bị nắng thiêu héo khô, hoặc bị nước cuốn đi chứ còn đâu nữa! âu cũng là một điều may mắn mà tôi không thể bỏ qua! Thôi thì còn gì hơn nữa! Chắc các bạn cũng tưởng tượng được vào quãng cuối tháng sáu, mùa lúa chín, tôi đã "gặt" rất cẩn thậnnhững bông lúa đầu tiên ấy! Tôi cất kỹ từng hạt lúavà định sẽ gieo tất cả số lúa đó, hy vọng rồi đây sẽ gặt được nhiều, đủ để làm bánh nuôi thân. Phải trải qua bốn năm trời ròng rã, tôi mới được dịp vuốt ve cái bánh mì đầu tiên. Tới lúc đó, tôi sẽ nói chuyện nhiều với các bạn hơn. Sở dĩ kéo dài thời gian như thế là vì thiếu kinh nghiệm nên lúc đầu gieo giống bị hỏng gần hết. Ngoài số lúa mạch, tôi còn có chừng ba chục bông lúa tẻ nữa. Tôi cũng rất cẩn thận số thóc này để gieo như lúa mạch và cũng định dùng nó làm lương ăn.

Có thể nói, ông quả thật quá may mắn để có được những hạt giống gieo một cách thật hào phóng vào mảnh đất hoang trong hoàn cảnh mà ông không hề dám mơ đến.

Tuy nhiên cũng thật là bất ngờmà có những bông lúa ấy. Đúng là một sự may mắn hiếm có! Tình cờsao lại còn sót mười hai hột lúa chắc trong cả một bao lúa đã bị chuột nhằn hết nhẵn; tình cờ sao tôi lại đem rũ bao gai vào chỗ bóng râm dưới núi nên lúa mới có thể nảy mầm. Ví thử tôi rũ cái bao gai vào một chỗ khác thì mấy mầm lúa kia có thể bị nắng thiêu héo khô, hoặc bị nước cuốn đi chứ còn đâu nữa!

Trong cái gọi là “tình cờ”, hay trong khoảnh khắc gọi là “may mắn” ấy, người có “niềm tin” luôn suy niệm về thánh ý Thiên Chúa và nhận ra “hồng ân” Thiên Chúa ban tặng qua từng đường tơ kẻ tóc của số phận.

Như người kia phát hiện viên ngọc quý ở ngoài ruộng, bằng mọi cách, ông phải mua cho được thửa ruộng đó để sở hữu viên ngọc quý ấy. (Mt.13,44-45).

Ở đây, trong trường hợp Lỗ Bình Sơn, những cây lúa tình cờ phát hiện được quý giá biết bao, như người đi trong sa mạc đang khát khao tìm được mạch nước. Nó quý giá hơn cả châu ngọc, vì nó rất cần cho sự sống.

Thiên Chúa ban phát Lời Ngài như những hạt giống được người gieo giống tung gieo một cách hào phóng. Không tính toán, không phân biệt, ngay cả những người không muốn nghe. Vì Thiên Chúa muốn cho mọi người được sống

Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5, 45).

Hạt giống tình thương.

Hạt giống Lời Chúa, vì thế, chính là hạt giống Tình Thương. Nhận được hạt giống Lời Chúa, là nhận được Hồng Ân bao la của Thiên Chúa.

Hạt giống quý giá ấy cần phải được nâng niu, bảo vệ, chăm sóc, và vun trồng trong mảnh đất tâm hồn mà mỗi người may mắn đón nhận.

Hạt giống nẩy mầm

Không có gì trên cuộc đời này bổng dưng “sinh hoa kết quả”. Nó cũng không dễ dàng có được nhờ tài năng, tiền của, hay quyền cao chức trọng của con người.

Có câu chuyện “Hạt giống” như sau:

Khi ánh mặt trời còn đang lấp ló bên kia đồi, chàng trai đã đứng chờ trước cửa hàng tạp hóa nơi vùng ngoại ô hẻo lánh từ lâu rồi. Khi không còn kiên nhẫn chờ đợi thêm được nữa, anh ta dự định quay về thì có tiếng mở cửa.

- Anh cần gì ? Một Thiên Thần xuất hiện và nhỏ nhẹ nói.

Chàng trai lễ phép hỏi:
- Ở đây Ngài có bán Hòa Bình không ?
- Tôi bán tất cả.

Anh ta vui mừng nói tiếp:
- Con muốn mua hòa bình cho thế giới để đem vào nơi chiến tranh,
  Mua An Hòa đem vào nơi tranh chấp,
  Mua Chân Lý để đem vào chốn lỗi lầm.
  Còn gì nữa nào ? Thiên Thần ngắt lời.
  Con muốn mua ánh sáng để chiếu vào nơi tối tăm,
  Mua niềm vui để đem vào chốn u sầu.
  Thế giới không còn chiến tranh thì khủng bố chỉ là chuyện dĩ vãng.
  Mọi người được hít thở bầu không khí yêu thương.
  Con muốn mua liều thuốc chữa mọi bệnh tật.
  Người được khỏe mạnh, không còn ai đói khát, nghèo khổ.

Thiên Thần từ tốn đáp:
- Này anh, ở đây không bán quả. Thiên Chúa chỉ giao cho tôi bán hạt giốngthôi !

Hạt giống chỉ nẩy mầm nhờ nghị lực và nội tâm chân thiện của mỗi người. Cuộc hành trình của thiện chí là nỗ lực vươn lên không ngừng, sự đóng góp công sức của con người, và Thiên Chúa sẽ ban ơn trợ giúp cho những ai thành tâm thiện chí trong cuộc hành trình tìm về với Ngài.

Để hạt giống niềm tin nẩy mầm trên mảnh đất tâm hồn, nó đòi hỏi nhiều hy sinh, sự hủy diệt cái tôi nhỏ mọn, nó phải kinh qua thử luyện, có khi phải chấp nhận nhiều đau đớn. Nó là một cuộc chiến đấu bản thân, một cuộc chiến đấu với chính mình. Đó chính là bước theo Giê-su con đường Thập Giá.

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. (Ga 12,24)

Như hạt giống đã được rơi vào đất tốt, tất nhiên, đất ấy trống trải, được dọn sạch cỏ, đủ nước, đủ phân, mảnh đất ấy không ngừng được chăm sóc đầy vất vả gian nan như vậy cho đến khi khi lúa đơm bông và sinh sôi nặng trĩu hạt.

Ngưởi nông dân chân lấm tay bùn, hơn ai hết, hiểu rõ điều đó. “Tay bưng lấy bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Nhưng, khi được nhìn cánh đồng ngập đầy bông lúa vàng, đó là niềm vui khôn tả của những người gieo giống. Thế nên, bằng mọi giá, họ nâng niu, chăm sóc hạt giống, cho đến khi hình ảnh cây lúa nặng quằn bông trở thành hiện thực.

Niềm tin trong cuộc sống.

Có những hạt giống Niềm Tin đã không thể tồn tại trên nhiều mảnh ruộng tâm hồn của con người. Có khi nó chết non ngay từ khi mầm non mới nhú, có khi nó chết khi đang ngậm đồng đồng chưa kịp sinh bông trổ hạt. Có khi nó đã trổ hạt rồi nhưng chỉ là những hạt lép không no sữa đầy hạt vì không đủ chất bổ dưỡng.

Có nhiều nỗi khổ đau làm người ta không còn vững tin vào Tình Yêu Thiên Chúa. Có nhiều con đường hạnh phúc nhất thời rộng thênh thang trước mắt làm cho người ta ngại ngùng đi vào những lối hy sinh chật hẹp. Có nhiều vinh quang trần tục thực tế hấp dẫn nên người ta từ bỏ sự tìm kiếm vinh quang xa xăm. Có nhiều giá trị mang lại lợi lộc cụ thể hôm nay nên người ta quay mặt với những giá trị cao cả thiêng liêng vượt thời gian.

Và, như thế, hạt giống Lời Chúa không thể đơm bông kết hạt. Niềm tin chết đi ngay trên mảnh ruộng tâm hồn.

Trong “Những giai thoại lý thú” có ghi lại câu chuyện này:

Sau cuộc nội chiến nước Mỹ một thời gian ngắn, một người phụ nữ miền Bắc Mỹ đi xuống miền Nam để thăm viếng bạn bè.

Bà dừng chân tại một nhà trọ nhỏ bên đường. Tại đó, bà được một phụ nữ da đen đã từng làm nô lệ phục vụ. Người da đen này phục vụ một cách cẩu thả, thiếu nhiệt tình và thiếu sự quan tâm.

Khi công việc phục vụ kết thúc, người phụ nữ miền Bắc tức giận và cuối cùng bà la lên :

Này chị, đây là cách chị đối xử với dân tộc đã giải phóng chị đó hả ?

Người phụ nữ da đen không trả lời, nhưng bỏ đi ra khỏi phòng. Ngay sau đó, chị ta trở lại, và cách cư xử của chị khác hẳn.

Chị ngẩng cao khuôn mặt, đôi mắt rực sáng và bằng giọng nói hòa nước mắt, chị kêu lên đầy xúc động:

Ồ, thưa quý bà, liệu có đúng là chúng tôi đã được tự do không ?

Bản Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ đã thực sự đem lại tự do cho người da đen, nhưng người phụ nữ da đen đó lại cảm thấy mình vẫn còn trong tình trạng nô lệ, như thể Bản Tuyên Ngôn này chưa bao giờ được ban hành, vì chị ta không tin vào điều đó. Chính sự mất lòng tin của chị làm cho chị mất tự do.

Rất nhiều người Ki-tô hữu cũng đang ở trong tình trạng khốn khổ này.

Thế Giới không thể sống như chưa từng có Lời Chúa.

Thật đáng tiếc biết bao nhiều người vẫn còn chưa hiểu được con người đã thoát ách tội lỗi và đã được hưởng tự do trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Niềm vui thật sự chưa đến trong trái tim của nhiều người và Thế Giới vẫn còn rất xa Tin Mừng của Thiên-Chúa-làm-người-và-ở-cùng-chúng-ta.

Lạy Chúa,

Xin cho tâm hồn con trở nên mảnh đất phì nhiêu,
để hạt giống Tin Mừng
trổ sinh hoa trái.
Cho lòng con được sống,
trong niềm tin yêu hy vọng ,
hôm nay, và mãi mãi trọn đời. A-men.

 

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
2011

______________

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN A 14
(Mt.13,1-23)
****

ĐƯỢC VÀ MẤT

1 Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Người nói: Người gieo giống đi ra gieo giống.  4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe."

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" 11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

18 "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."
_____________

SUY NIỆM

ĐƯỢC VÀ MẤT

Cách gieo giống mà Chúa Giê-su diễn tả vào thời của Ngài cách đây hơn 2000 năm, bây giờ đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, bài học vẫn sống động và còn đó nguyên giá trị của nó, nếu không muốn nói càng mang tính nóng bỏng thời sự trong thế giới hôm nay.
 
Chuyện dụ ngôn (và cả chuyện ngụ ngôn, như ngụ ngôn Ê-dốp) cho đến nay, vẫn được nhiều người yêu thích, không phải vì những tình tiết xác thực và ly kỳ của câu chuyện mà vì ý nghĩa thâm sâu của nó.
Trong câu chuyện dụ ngôn Người Gieo Giống, ta có thể thấy rõ 2 phần: “Được”“Mất”.

Được…

Khi bác nông phu bước vào ruộng của mình để gieo giống, niềm tin của ông là sẽ có một ngày nhìn thấy mảnh ruộng của mình chen chúc những cây lúa nặng trĩu những bông lúa vàng.

Và, “phần thưởng cuối cùng sẽ dành cho những ai thiện chí”, bác nông phu sẽ nhận phần “được” xứng với công khó ngày tháng vun trồng chăm sóc mảnh ruộng của mình để đất trở nên màu mỡ, lúa đơm bông kết hạt quằn bông. “Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. (Mt.13,8).

Niềm tin ấy cho ông sức mạnh tháng ngày giải nắng dầm mưa, cần cù làm việc trên nương đồng, quanh năm suốt tháng gắn chặt đời mình trên đồng ruộng thân yêu. 

Chính niềm tin ấy giúp người nông dân vui sống với cuộc đời bình dị có khi nhiều thiếu thốn nhưng thanh thản an bình tâm hồn.

Mất…

Ngày nay, nhờ khoa học tiến bộ, người nông dân gieo trồng hạt giống ít mất mát hơn, ít hao tốn hơn như ngày xưa.

Ở Việt Nam từ thập niên 70 trở về trước, nhiều nơi còn trồng “lúa mùa”, đặc biệt ở Miền Tây, giống lúa ấy một năm chỉ có một vụ mùa, gieo trồng từ đầu mùa mưa (khoảng tháng 4) trải qua một mùa nước nổi, rồi sau đó đến khoảng tháng 12 mới thu hoạch.

Thời còn trồng “lúa mùa” rất hao hạt giống. Sau những con mưa đầu mùa, người dân vội vã gieo giống, nếu may mắn có mưa đều, thì lúa tốt, nếu không may, mưa ít, hay trời hạn lại, thì hạt giống bị hao mất rất nhiều. Những hạt nằm chỗ đất mềm nẩy mầm thiếu nước rồi chết, những hạt nằm trên đất khô chim trời ăn hết, mưa ít, lúa không lên nhanh, những hạt lúa vừa nẩy là mồi ngon cho lũ chuột đồng. Ruộng lúa mùa thường có nhiều cỏ, mưa ít, lúa không lên nhanh được sẽ bị cỏ lớn lên chèn ép cây lúa…

Ngày nay, trồng lúa ngắn ngày, một năm hai ba vụ mùa, không bị “lấy giống” như “lúa mùa”, nhưng nhiều khi gieo giống cũng bị hao hớt rất nhiều. Thí dụ ở Miền Tây hay bị nạn ốc bươu vàng ăn hết hạt giống lúa nẩy mầm trong ruộng. Rồi cây lúa non lớn lên bị bọ rầy, các mầm bệnh làm vàng lá, cây lúa yếu ớt, héo tàn… Người nông dân không ngừng theo dõi để pha thuốc diệt ốc bươu vàng, phun xịt thuốc trị bệnh cho cây lúa kịp thời. Thuốc sâu, thuốc dưỡng cây dưỡng lá… đủ thứ !

Nói chung, mảnh ruộng nào cũng phải chăm sóc, thời nào cũng có những khó khăn riêng của nó, đâu phải dễ dàng kiểu “ngồi không hái trái” !

Ta thấy đấy, rất nhiều trường hợp đưa đến việc mất giống, làm hao hụt hạt giống ta đã gieo trồng. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.  Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.” (Mt.13,4-7).

Được và mất

Thế giớicánh đồng mênh mông mà mỗi người Ki-tô hữu đều phải là người gieo giống.

"Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất "(Cvtđ 1, 8 ).

Nhìn vào thế giới hôm nay, ta thấy thật là đáng lo âu. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đau đớn kêu lên: “Thời đại của nền văn minh sự chết”. Đủ cách hưởng thụ, sống thác loạn… thù hận, chia rẽ, chiến tranh, bom đạn…

Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô khi từ nhiệm cũng đã nói: “Thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị dao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin” (Bê-nê-đic-tô 16).

Thế nên, việc tung gieo Lời Chúa “cho đến tận cùng trái đất” làm sao khỏi gặp nhiều khó khăn.

Hạt giống Lời Chúa có thể sẽ bị lâm vào cảnh “chim chóc đến ăn mất”, “bị chết khô”, “chết nghẹt”… ở một “mảnh ruộng nào đó” trên thế giới này; ở một tâm hồn nào đó trong cuộc đời này…

Nhưng, người nông dân vẫn ra đi gieo giống. Người Ki-tô hữu vẫn lên đường loan báo Tin Mừng…

Có câu chuyện về “Tin tốt lành” như sau:
 


Robert De Vincenzolà một vận động viên đánh gôn xuất sắc người Ahentina. Một lần nọ, anh đăng quang trong một giải đấu lớn, nhận ngân phiếu tiền thưởng và chụp hình lưu niệm với báo chí xong, anh trở lại câu lạc bộ cất đồ rồi ra về.

Lát sau, anh một mình đi ra bãi đậu xe thì có một phụ nữ tiến đến. Cô ta chúc mừng chiến thắng của anh, rồi kể cho anh nghe về đứa con đang bệnh nặng và khó qua khỏi của mình. Hiện thời, cô không biết phải làm sao để thanh toán tiền viện phí cho đứa bé đó. Cô ta mong anh giúp đỡ cho mình.

De Vincenzo xúc động trước câu chuyện của người phụ nữ, liền lấy bút ký vào tấm ngân phiếu tiền thưởng và đưa cho người phụ nữ.

- Xin cô nhận tấm ngân phiếu này về lo cho cháu bé. Anh vừa nói vừa đưa tấm ngân phiếu cho người phụ nữ đó.

Tuần sau, trong bữa ăn ở câu lạc bộ, một người quản lý trong Hiệp hội đánh gôn chuyện nghiệp đến bàn của anh ta và nói.

- Mấy đứa trẻ ở bãi xe đã cho tôi biết, vào tuần trước anh có gặp một phụ nữ ở đấy.

De Vincenzo gật đầu. Ông ta tiếp:

- À, tôi có tin này cho anh hay. Cô ta là một tay lừa đảo chuyên nghiệp đấy. Cô ta chẳng có đứa con nào bị bệnh cả. À, còn chưa lập gia đình nữa. Cậu đã bị gạt rồi, anh bạn ạ !

De Vincenzo hỏi lại:

- Ý của ông là chẳng có đứa bé nào sắp chết phải không ?

- Đúng vậy! - Ông ta đáp.

- Đó là tin vui nhất trong tuần này mà tôi nghe được đấy !– De Vincenzo nói.


Ta cứ nghĩ xem, De Vincenzo “được” gì và “mất” gì nhỉ ? Đâu phải vì sự mất mát nào  đó mà De Vincenzo mất niềm tin vào con người và khướt từ những việc làm bác ái không ?

Trong thế giới hôm nay, “mảnh ruộng tâm hồn” của con người có thể làm ta  ngại ngùng khi gieo giống.

Lòng ta không vui, thì làm sao ta có thể gieo Tin Mừng cho mọi người được.

Ta không còn có thể đặt niềm tin vào ai thì ta rao giảng Tin Mừng cho ai ?

Ta không còn niềm tin vào kết quả ngày mai thì làm sao ta làm việc hăng say ?


Chuyện “được” hay “mất” khi ra đi gieo giống xin hãy trọn vẹn vào  Chúa, như Thánh  Phaolô nói: “Tôi trồng, anh A--lô tưới, nhưng Thiên Chúamới làm cholớn lên” (1 Cr 3:6). 003

 

Lạy Chúa,

Con là đầy tớ vô dụng…
Xin tiếp sức cho con
Một đời phụng sự Chúa. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
2014

 

 

 

Đang có 98 khách và không thành viên đang online

15868158
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
256
19840
50789
15707157
20096
406480
15868158

Your IP: 18.117.254.202
Server Time: 2025-01-02 00:38:57