Chúa Nhật 24 Thường Niên A. SỰ SỐNG CÒN CỦA TÌNH YÊU
Chúa Nhật 24 Thường Niên A. SỰ SỐNG CÒN CỦA TÌNH YÊU
1. Thiên Chúa là Tình Yêu.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người vì Tình Yêu. Và con người mang hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Tình Yêu.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN A
(Mt.18,21-35)
****
SỰ SỐNG CÒN CỦA TÌNH YÊU
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không?" 22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy : "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao !" 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
SUY NIỆM
SỰ SỐNG CÒN CỦA TÌNH YÊU
1. Thiên Chúa là Tình Yêu.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người vì Tình Yêu. Và con người mang hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Tình Yêu.
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27b).
Thiên Chúa tạo dựng xã hội con người khởi sự từ một người A-dam, và từ A-dam Ngài dựng E-va, và Ngài muốn họ là trở nên một.
"Ðây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là đàn bà (Ishâh) vì bởi đàn ông (Ish) mà ra". (Stk 2,23). ...
Xã hội con người đầu tiên là một, cao cả, thiêng liêng, và duy nhất, mà hình ảnh tình yêu hôn nhân là biểu tượng cho Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người và là nguồn cội mọi tình yêu. (Diễm Tình Ca).
Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài muốn con người cũng yêu thương nhau như vậy. Tình yêu - và chỉ có tình yêu - mới nối kết con người nên một, như Thiên Chúa Ba Ngôi Hiệp Nhất nên một.
“Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”. (Ga 17, 20-23)
Tình Yêu là con đường hạnh phúc. Không thể tìm thấy hạnh phúc ngoài Tình Yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu. Không thể tìm thấy hạnh phúc ngoài Thiên Chúa. “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”.
2. Đối nghịch với Tình Yêu là Thù Hận.
Tình Yêu Thiên Chúa luôn cao đẹp, nhưng Tình Yêu của con người luôn gặp thử thách. Ngọn nguồn của thử thách đó là bóng tối của Sa-tan. Sa-tan không thuộc về Thiên Chúa, nên Sa-tan không có tình yêu. Hành động phản bội của Sa-tan là chống lại Tình Yêu Thiên Chúa. Mục tiêu của Sa-tan là ngăn chặn con người thuộc về Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa. Chống lại Thiên Chúa là chống lại Tình Yêu. Đối nghịch với Tình Yêu là Thù Hận.
Chim bồ câu không thể bay trên bầu trời đầy tiếng súng. Không thể vừa có tình yêu lại vừa có thù hận. Không thể vừa có hòa bình lại vừa có chiến tranh.
Khi trái tim con người không còn tình yêu ngự trị, nó đi tới những đổ vỡ khó lường. Giữa cá nhân và cá nhân, đoàn thể với đoàn thể, quốc gia với quốc gia, tôn giáo với tôn giáo…
Chúng ta cứ nhìn vào những cuộc chạy đua vũ trang thế giới. Hay suy nghĩ về nhiều sự kiện trong bản tin thế giới ngày nay.
3. Xóa tan Thù Hận bằng Tha Thứ.
Tha thứ “nhân danh Thiên Chúa”.
Thù Hận len lỏi vào tâm hồn con người bằng muôn nẻo. Nó bắt đầu từ sự xa lìa Tình Yêu Thiên Chúa và lún sâu vào thù hận vì sự ích kỷ của con người.
Khi con người không còn nghĩ gì đến Thiên Chúa, đến anh em đồng loại, chỉ biết có mình, thì đó là lúc con người từ bỏ thế giới Tình Yêu của Thiên Chúa và bước vào thế giới thù hận của Sa-tan.
Nên Tha Thứ, trước tiên, không phải vì ta, mà vì Thiên Chúa. Ta tha thứ “nhân danh Thiên Chúa”.
Trong tác phẩm bất tử Quo Vadis của văn hào Nobel HENRYK SIENKIEVICH đã kể về lão già Khilon phản bội, đã tố gian những người Ki-tô hữu và đưa họ đến pháp trường, trong đó có Glaukok, một thầy thuốc hết lòng mộ đạo.
Từ trên cây cột đang cháy, Glaukok đang bị thiêu sống, ông đang nhìn đăm đăm vào Khilon, kẻ đã gieo tang tóc cho người Ki-tô hữu.
“Quả thực, thầy thuốc Glaukok đang nhìn lão (Khilon) từ trên chiếc cốt rừng rực cháy. Ông cụ hãy còn sống. Mặt cụ đau đớn nghiêng xuống dường như muốn nhìn một lần cuối cùng cái tên đao phủ đã từng phản bội, đã từng khiến cụ mất vợ, mất con, đã từng thuê người giết cụ, rồi khi nhờ danh Chúa Ki-tô, tất cả những điều đó đã được bỏ qua, hắn lại một lần nữa giao nộp cụ vào tay bọn cầm quyền. Chưa bao giờ một con người lại gây cho con người khác những điều xúc phạm kinh khủng và đẫm máu hơn thế.
Thế mà giờ đây, nạn nhân đang bị thiêu sống trên một chiếc cột tẩm dầu, còn tên đao phủ thì lại đứng ngay dưới cột.
Đôi mắt cụ Glaukokkhông rời khỏi mặt lão già (phản bội) Hi Lạp. Chốc chốc khói lại che mờ đôi mắt ấy, nhưng khi hơi gió xua khói đi, lão Khilon lại nhìn rõ đôi đồng tử đang dán chặt vào lão. Lão nhổm bật dậy định chạy trốn, nhưng không thể. Đột nhiên lão cảm thấy như hai chân lão bằng chì và có một bàn tay vô hình nào đó giữ lão lại trước chiếc cột này bằng một sức mạnh siêu nhiên. Lão như hóa đá. Lão chỉ còn cảm thấy rằng trong người lão có gì đó đã đầy tràn, có gì đó gẫy vỡ, lão cảm thấy đã quá đủ cực hình và máu, cảm thấy cái kết cục của cuộc đời đã đến và tất cả chung quanh đều biến mất, vây bọc chỉ còn là một khoảng trống vô đáy, kinh khủng, đen ngòm, trong đó trông rõ đôi mắt kia của con người tử vì đạo, đôi mắt đòi lão ra trước tòa án.
Còn ông cụ Glaukokmỗi lúc cúi thêm thấp đầu xuống và vẫn nhìn hoài nhìn mãi. Những người có mặt đoán ra rằng giữa hai con người này đang diễn ra một cái gì đó, song nụ cười chết lặng trên môi họ, bởi nét mặt lão Khiloncó gì đó thật khủng khiếp: một nỗi hãi hùng cùng một nỗi đau đớn vô chừng khiến cho nó nhăn nhúm lại, dường như những lưỡi lửa kia đang thiêu đốt chính thân xác lão. Đột nhiên lão loạng choạng vươn hai tay lên trời và kêu lên bằng một giọng kinh khủng xé lòng người:
- Ông Glaukok ! Nhân danh Chúa Ki-tô ! Hãy tha thứ !
Chung quanh ắng lặng: cơn rùng mình chạy suốt thân những người có mặt và tất thảy các đôi mắt bất giác đều ngửng lên.
Mái đầu của con người tử vì đạo khẽ động đậy, rồi người ta nghe từ trên đỉnh cột một giọng nói giống như tiếng rên:
- Ta tha thứ!...
“Nhân danh Thiên Chúa” vì chúng ta cũng là kẻ có tội.
Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã dạy: “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Tất cả mọi người không ai là người vô tội trước mặt Thiên Chúa.
“ Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi “ ( Ga 8, 7 ).
Làm sao ta có thể nguyện cầu xin Chúa thứ tha cùng lúc chúng ta lại kết án anh em chúng ta được?
"Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" (Mt.18,32-33).
Vì thế, tha thứ cho anh em cũng là đòi hỏi của Nước Trời, đòi hỏi của Giới Luật Yêu Thương.
4. Tha thứ là tìm về hạnh phúc.
Cuộc sống là một chuyến đi tìm về hạnh phúc. Có phải ôm thù hận trong lòng là hạnh phúc không ? Hằng ngày biết bao điều bất toàn xảy đến quanh ta. Biết bao người không làm theo ý ta. Vô tình hay cố ý, có khi chống lại ta, hãm hại ta. Trong nhiều trường hợp, ta có thể trả thù thành công, ta thấy lòng vui khi nhất thời ta đè bẹp được kẻ thù, làm cho kẻ thù điêu đứng, làm kẻ thù trở nên đau khổ, bất hạnh. Nhưng có vì thế mà ta hạnh phúc thật không ? Có thật, tận diệt được kẻ thù là ý nghĩa lớn nhất của đời ta không ? Ta có được bao nhiêu thời gian để sống, và ta dành bao nhiêu thời gian để nuôi thù hận, để chuẩn bị rửa hận, để hành động vì thù hận ? Không còn có gì để làm, để sống, để vươn lên một cuộc đời cao cả hơn, lớn lao hơn, ý nghĩa hơn sao ?
Có biết bao người sống tốt hơn nhờ ta tha thứ. Có biết bao người đã tìm lại ý nghĩa cuộc đời nhờ những trái tim cao cả bao dung.
Bạn đã đọc đoạn văn kể lại sự tha thứ, nhân danh Chúa Ki-tô, của Glaukok dành cho lão già phản bội Khilon, Trong tác phẩm bất tử Quo Vadis của văn hào Nobel HENRYK SIENKIEVICH.
Sau đó lão già phản bội Khilon đã làm gì ? Ông đã được Rửa Tội, bị bắt, và bị hành hình, nhưng nhất định không từ bỏ đức tin.
Quả thực, lão (Khilon) không lầm. Quay về nhà, lão thấy ngôi nhà đã bị bọn lính cấm vệ vây kín, chúng bắt lão ngay, và dưới sự chỉ huy của Xevinux, chúng đưa lão vào cung điện Palatyn.
Hoàng đế đã đi nghỉ, nhưng Tygelinux vẫn chờ, khi trông thấy lão già bất hạnh, hắn chào lão với vẽ mặt bình tĩnh nhưng dữ tợn…
- Ngươi đã mắc tội phạm thượng – Hắn nói với lão, - ngươi sẽ không thể thoát khỏi sự trừng phạt. Nhưng nếu ngày mai, tại nhà hát, ngươi tuyên bố rằng ngươi đã say và đã điên, còn những thủ phạm của trận hỏa tai chính là bọn tín đồ Thiên Chúa, thì hình phạt của người chỉ là đánh đòn và đi đày mà thôi !
- Tôi không thể, thưa ngài ! – Lão Khilon khẽ trả lời.
Tygelinux tiến lại gần lão với những bước chân chậm rãi và bằng giọng nói khẽ khàng, nhưng đáng sợ, hắn hỏi:
- Sao ngươi không thể, hả đồ chó Hi-lạp kia ? Lẽ nào ngươi không say và không hiểu nổi cái gì đang chờ người sao? Nhìn kia kìa !
Nói đoạn, hắn trỏ tay vào góc gian chính sảnh, nơi đó, bên cạnh một chiếc ghế dài bằng gỗ, có bốn tên nô lệ người Trak đang đứng im lìm trong bóng tối, với dây thừng và kim sắt trong tay.
Lão Khilon vẫn đáp:
- Tôi không thể, thưa ngài !
Tygelinux bắt đầu nổi khùng nhưng vẫn cố nén.
- Ngươi đã thấy bọn Thiên Chúa đã chết như thế nào chưa ? – hắn hỏi, - ngươi cũng muốn chết thế chăng ?
Lão già ngẩng khuôn mặt nhợt nhạt lên, môi lão động đậy hồi lâu, rồi lão đáp:
- Tôi cũng tin vào Đức Chúa Ki-tô.
Tygelinux nhìn lão kinh hoàng:
- Đồ chó, mày điên thật rồi !
Và đột nhiên, cơn tức tối dồn nén trong ngực hắn phá tung đập chắn. Hắn nảy xổ đến bên lão Khilon dùng hai tay túm chặt bộ râu cằm của lão, giật lão ngã lăn ra đất, rồi bắt đầu đạp túi bụi, vừa đạp mồm vừa sùi bọt lặp đi lặp lại:
- Mày sẽ phải cải chính ! Mày sẽ phải cải chính !...
- Tôi không thể ! – Lão Khilon đáp lại từ mặt đất.
Tra tấn nó đi !
Nghe lệnh, bọn người Trak tóm lấy lão già, đặt nằm trên ghế, rồi sau khi dùng dây trói chặt lão vào ghế, chúng bắt đầu dùng kìm nghiền nát những cẳng chân gầy guộc của lão. Nhưng khi chúng trói lão, lão nhẫn nhục hôn tay chúng, rồi sau đó lão nhắm nghiền mắt lại, trong như đã chết.
Tuy thế, lão vẫn còn sống, vì khi Tygelinux cúi xuống lão một lần nữa và hỏi: “Mày sẽ cải chính chứ ?”, đôi môi đã nhợt nhạt của lão khẽ động đậy và từ đó thoát ra một lời thì thào chỉ vừa đủ nghe thấy:
- Tôi không… thể !...
Tygelinux sai dừng nhục hình và đi đi lại lại lồng lộn trong chính sảnh với nét mặt biến đổi hẳn đi vì tức giận và bất lực. Cuối cùng, hẳn là hắn nghĩ ra được một ý mới nào đó, hắn quay lại phía bọn người Trak, ra lệnh:
- Dứt đứt lưỡi nó đi!
(Trích Quo Vadis của Henryk Sienkievich, Nobel văn học 1905. NXB Văn Học 2004).
Chắc hẳn, lòng ông cụ Glaukok – kẻ tha thứ Khalon – muốn thế. Và niềm vui của kẻ tha thứ thật lớn lao biết bao khi thấy người được tha thứ đã tìm thấy lẽ sống đích thật cho đời mình.
Thế nên, tha thứ cũng chính là Cứu Vớt anh em.
5. Tha thứ: Sự sống còn của Tình Yêu.
Thiên Chúa mãi mãi yêu thương con người, vì Ngài luôn luôn tha thứ cho những người ăn năn sám hối. Nếu Thiên Chúa không tha thứ con người thì đâu còn gì là Tình Chúa Bao La nữa !
Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ? *
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa.
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài. (Tv.30).
Nếu Thiên Chúa không tha thứ con người, thì còn mong gì con người tìm thấy hy vọng và niềm hạnh phúc trên cuộc đời này ?
Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.(Tv.30).
Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ? (Tv.8,5)
Thiên Chúa bỏ ngôi trời cao sang, lặn lội tìm kiếm con người ở thế gian, cuối cùng chết vì con người, tất cả không gì khác hơn là tha thứ và gìn giữ Tình Yêu.
Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
Sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.
Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
ắt sẽ bị người đời khinh dễ. (Diễm tình ca.8,7).
Nhưng, người đời thì rất khác, tình đời rất bạc đen. “Nước lũ, sóng cồn” đã “dập tắt” và “vùi lấp” biết bao thứ “tình bạn”, “Tình phu thê”, “Tình cha con”, “Tình mẹ con”, “Tình thầy trò”, “Tình chòm xóm”…
Như Tin Mừng hôm nay, người ta dễ quên mình là ai, và cư xử với anh em đồng loại như mình chưa từng đau khổ.
Ở “đời” đã thế, mà trong “đạo” cũng vậy ! Thật đáng tiếc làm sao ! Nhiều thầy tu thăng tiến trên “con đường đắc đạo” bằng bước chân dẫm đạp lên những đồng môn gục ngã. Họ quên rồi quá khứ đen đúa lầy lội của họ và họ xuất hiện xét xử kết án người khác như một quan án “lòng trong dạ sạch” như một thiên thần ! (x. Quan chánh án).
Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy : "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao !" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.(Mt.18,24-30).
Một nén vàng là mười ngàn đồng bạc. Như thế, một vạn nén vàng vị chi là một trăm triệu đồng. Một trăm triệu đồng mà đem so với một trăm đồng thì quả là một trời một vực.
Có một lần, tôi đem câu chuyện này kể cho một người ngoại đạo, người ấy chặc lưỡi một cái, rồi nói: “Thiệt là một bài học tuyệt vời !”. Trong một lần được trò chuyện với một vị Giáo sĩ cao cả, vị ấy cười một cái, rồi phán: “Cái đó khó lắm !”.
Dù nhìn ở góc cạnh nào, tôn giáo nào, cả đạo lẫn đời, bài học hôm nay là một bài học lớn và thực tế.
Chính sự thứ tha quyết định một tâm hồn cao cả hay nhỏ mọn, sự trung thực hay giả hình, sự chung thủy hay đổi thay.
Sự yếu đuối của con người là khó tránh. Sự nóng giận dỗi hờn cũng nằm trong sự yếu đuối đó. Nhưng, dù thế nào đi nữa, Tình yêu Chúa luôn chan hòa trên con người, và tình yêu của con người cũng phải nồng ấm trong con tim của nhau. Tình yêu là nguồn sống cho nhân loại. Tha thứ là sự sống còn của thế giới.
"Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời". (Tv.30).
Sự thứ tha là sự lắng nghe của Lý Trí, và sự phán quyết của Con Tim.
Thứ Tha là sự sống còn của Tình Yêu.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG