You are here:

Chúa Nhật Truyền Giáo: MỘT MÁI NHÀ THIẾU TÌNH THƯƠNG

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật Truyền Giáo: MỘT MÁI NHÀ THIẾU TÌNH THƯƠNG

Trái đất là mái nhà chung…

Người ta thường nói : “Trái đất là mái nhà chung của nhân loại.

”Một hình ảnh sánh ví thật đẹp, và ta cũng thường nói: “Tứ hải giai huynh đệ”(bốn biển đều là anh em).


SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN A 14
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
(Mt.22.15-21)


MỘT MÁI NHÀ THIẾU TÌNH THƯƠNG
 


 

Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt.28,16-20). (# Lc.24,44-53. Ga.20,19-23. Cv.1,6-8).

________________

SUY NIỆM                               

MỘT MÁI NHÀ THIẾU TÌNH THƯƠNG

  Trái đất là mái nhà chung…

Người ta thường nói : “Trái đất là mái nhà chung của nhân loại.

”Một hình ảnh sánh ví thật đẹp, và ta cũng thường nói: “Tứ hải giai huynh đệ”(bốn biển đều là anh em).

Nói đến “nhà”, ta thường nói đến “mái ấm” - “Mái ấm gia đình”. Hay nói về hạnh phúc đùm bọc lẫn nhau, người ta thường nói đến “mái ấm tình thương”. Khi nói đến trái đất là mái nhà chung, là nói đến “Đại gia đình nhân loại”, là nói đến sự chung sống hòa bình, tình anh em đùm bọc yêu thương nhau, tình người nâng đỡ chở che nhau.


  Nhưng là một mái nhà… thiếu tình thương.
 

(Ảnh minh họa)
 

Nhưng thật xót xa, thực tế, “mái nhà chung của nhân loại” lại rất thiếu tình thương !

Ở quê tôi có một câu chuyện rất ấn tượng về “mái nhà chung”.

Có gia đình nọ gồm ba bốn  anh em đã lập gia đình rồi, nhưng tất cả anh em con cháu đều sống chung trong mái nhà ấy. Đó là một ngôi nhà cổ đã có gần cả trăm năm tuổi. Ngôi nhà dài có mặt tiền theo chiều ngang nhìn ra đường lộ trông tương tự như một dinh thự nhỏ, toàn bộ mặt tiền được xây bằng gạch đá, có hành lang tiền đường dài rộng, còn bên trong là cột tròn và bộ sườn nhà bằng cây, mái lợp ngói vảy cá xưa.

Cứ nhìn bên ngoài, thấy họ sống với nhau thật đầm ấm. Nhiều người nhìn vào đó như một tấm gương “mái ấm gia đình” thật là hoàn hảo!

Dòng thời gian trôi qua, một ngày kia người mẹ trong “đại gia đình” ấy mất. Rồi sau đó một thời gian, đến lượt sự ra đi của người cha.

Rồi một ngày không lâu sau đó, con cháu trong nhà cùng với những người làm thuê đập phá tiền đường ngôi nhà và hạ xuống toàn bộ ngôi nhà ấy trước sự ngỡ ngàng của người dân trong xóm và những người quen biết. Họ “phanh thây” và chia nhau ngôi nhà cổ nhiều kỷ niệm ấy. Phần nhà xây bị đập phá thành xà bần mỗi người lấy một mớ để dành sau này rải sân nhà riêng. Phần cây cối, chia đều nhau, nhà khi còn nguyên thấy vậy, nhưng khi hạ xuống rồi cây đã hư mục nhiều, chia ra những cây xài được còn lại không có bao nhiêu. Ngói vảy cá quá xưa nên để đống đó chứ làm gì, may ra có nhà cổ nào, chùa chiền nào cần trùng tu thì… bán rẻ cho họ hay tặng hiến làm công quả.

Một thời gian sau, ai đi ngang, đều thấy ngôi nhà cổ xưa uy nghi đậm nét linh thiêng của người xưa nay đã mất, thay vào đó, trên khoảng đất trống này, lưa thưa ba bốn cái nhà trông như những cái trại nhỏ, cái thì lợp tôn, cái thì lợp lá, rời rạc và trơ trọi bên cạnh những đống xà bần và ngói rong rêu vẫn còn đó. Cảnh vật trông xơ xác và hoang tàn như sau… cuộc chiến tranh ! Mà, một cách nào đó, đúng là sau cuộc chiến thật, cuộc chiến của ý riêng và lòng ích kỷ giữa những anh em với nhau. Ai từng biết cảnh cũ người xưa nơi đây, khi đi ngang thấy cảnh đổi thay cũng cảm thấy ngậm ngùi.

Nếu ngôi nhà cổ ấy được anh em giữ lại để làm nơi tôn kính ông bà cha mẹ cho con cháu về sau nhớ đến cội nguồn thì “đầm ấm” và “hạnh phúc” biết bao.


Tôi tự hỏi, vì sao thế? Có phải “đại gia đình” ấy không còn có người cha để là điểm chung gìn giữ tình anh em?

Nghĩ xa hơn, tôi tự hỏi, có phải thế giới ngày nay như một ngôi nhà tan nát thành nhiều mảnh vụn vì từ chối Thiên Chúa, người Cha giàu lòng thương xót, nên tình người, tình huynh đệ cũng lạnh lùng, và còn hơn thế nữa, tan nát trong chia rẽ, hận thù, giành giật, chiến tranh…

  Thắp lên ngọn lửa tình thương cho Đại Gia Đình Thế Giới

Chúng ta, những người có niềm tin vào Thiên Chúa, đã thực thi Giới Luật Yêu Thương ra sao với mọi người anh em chúng ta trong đại gia đình nhân loại, để trong “mái nhà chung” này, mọi người đều được yêu thương, đùm bọc, nâng đỡ, chở che ? 

“Gia đình là không có ai bị bỏ lại phía sau hoặc bị lãng quên(David Ogden Stiers).

Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể:

Ở Úc Châu có một người thổ dân (Aborigine) sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông ta đã cao niên rồi. Từ bao năm tháng ông chỉ một thân một mình cô đơn trong túp lều tối tăm xiêu vẹo. Lần đầu tới thăm ông, tôi đề nghị:

- Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường chiếu lại cho ông.

Ông ta hờ hững nói:

- Tôi đã quen sống như vậy rồi.

Nhưng tôi bảo ông:

- Tuy vậy, ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.

Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp lại nhà cửa cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ, đẹp nhưng phủ đầy bụi bẩn.

Tôi hỏi ông:

- Có bao giờ ông thắp đèn này không?

Ông ta trả lời với giọng chán ngán:

- Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã lâu rồi mà chẳng hề trông thấy một ai cả.

Tôi hỏi ông:

- Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có bằng lòng thắp đèn lên không?

Ông vui vẻ đáp:

- Dĩ nhiên rồi.

Từ hôm đó, các nữ tu của chúng tôi quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Cũng từ đó, ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp căn lều cho sạch sẽ hơn.

Ông còn sống thêm hai năm nữa, Trước khi chết ông nhờ các nữ tu nhắn tin cho tôi, ông nói:

- Xin nhắn với mẹ Têrêsa bạn tôi rằng, ngọn đèn mà mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã chiếu lên và vẫn còn tiếp tục sáng mãi.

Ngọn lửa tình thương ấy chính là ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa, ngọn lửa tình yêu của Giê-su. Hãy thắp sáng ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa Tình Yêu Thiên Chúa khắp mọi nơi, trong mọi tâm hồn con người, đó là mệnh lệnh của Đức Ki-tô, Và đó cũng chính là hạnh phúc đời ta, vì ta gặp được Thiên Chúa trong anh em ta.

Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.(Mt.25,31-46).

Đó là sứ mạng truyền giáo, sứ mạng loan báo Tin Mừng của mọi Kitô hữu. Chẳng ai có lòng tốt thật sự lại giữ Tin Vui cho riêng mình, nhưng là loan báo Tin Vui ấy cho mọi người, cho “toàn dân”, cho khắp địa cầu.

Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:  Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. (Lc.2, 10-11).

Chỉ có Tình Yêu Thiên Chúa, Tình Yêu Giê-su mới làm cho trái đất này thành “mái nhà chung đầm ấm” cho nhân loại, vì Tình Yêu ấy, “như Thầy yêu thương”, mới có thể kết hợp con người nên một.

“Con không chỉ cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho những kẻ nhờ lời chúng mà sẽ tin vào Con, để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng Ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con” (Ga 17,20-21).

Và, chúng ta phải thắp sáng tình yêu ấy trên toàn thế giới bằng chính cuộc đời ta, bằng chính Tình Yêu Giê-su trong con tim ta.

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.  Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.
Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời." (Mt.5,14-16).

Trong mái nhà chung này, con người có Thiên Chúa là Cha và mọi người đều là anh em. Đó là hình ảnh đúng ý nghĩa nhất cho “mái nhà chung của nhân loại” và là khát vọng đích thực của con người.

Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. (Mt.28,16-20).

Một thế giới yêu thương – một mái nhà chung đầm ấm hạnh phúc của đại gia đình nhân loại – là hình ảnh tiên báo cho Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng mà con người không ngừng hướng về trong cuộc lữ hành tìm về Nguồn Sống Đích Thực của mình.


LỜI NGUYỆN CỦA MẸ TÊ-RÊ-XA CALCUTTA

[Chúa Giêsu]: Con từ chối không chịu làm việc này cho Cha sao?...Vì tình yêu Cha con đã trở thành Hiền thê của Cha – con đã đến Ấn độ vì Cha. Cơn khát các linh hồn của con đã đem con (đến đây) từ trước tới giờ – Con sợ không dám bước thêm một bước nữa vì Người Bạn Trăm Năm của con sao? – vì Cha – vì các linh hồn? Lòng quảng đại của con lạnh giá đi sao? Đối với con Cha chỉ là người thứ yếu ư?
 

 [Têrêxa]: Giêsu, Giêsu của riêng con – Con chỉ thuộc về mình Chúa – Con ngu đần biết mấy – Con không biết nói gì nhưng xin làm nơi con bất cứ việc gì Chúa muốn – như Chúa muốn – bao lâu Chúa muốn. (Nhưng) tại sao con không thể làm một nữ tu toàn hảo dòng Loreto – tại đây – tại sao con không thể giống bất cứ ai khác.
 
 [Chúa Giêsu]: Cha muốn có các Nữ tu Ấn độ, dòng Bác ái Truyền giáo, để làm ngọn lửa yêu thương giữa đám người nghèo khổ, người đau yếu, kẻ hấp hối và các trẻ nhỏ…Cha biết con là người bất lực nhất – yếu đuối và tội lỗi nhưng chính bởi vì con là người như thế - nên Cha muốn dùng Con để vinh danh Cha. Con từ chối được sao?

 
 (Đối thoại trong lúc cầu nguyện, do Tổng Giám mục Ferdinand Perier thuật lại, tháng giêng 1947.)

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Đang có 202 khách và không thành viên đang online

15916009
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
18095
18835
98640
15707157
67947
406480
15916009

Your IP: 18.191.116.61
Server Time: 2025-01-04 17:25:36