Chúa Nhật 6 TN B: XIN TỪ ĐỨC TIN
XIN TỪ ĐỨC TIN
Xin như một kẻ ăn mày
Khi người ta lên tiếng xin một điều gì, thì hiểu rằng đó là điều chính người đó muốn.
Người xin muốn được ngay điều mình mong muốn. Khác hơn như thế, là người xin không hài lòng.
_______________
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B
(Mc.1,40-45)
****
XIN TỪ ĐỨC TIN
40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. (Mt.1,40).
41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi !"
42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,
44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được làm sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."
45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
_______________
SUY NIỆM
XIN TỪ ĐỨC TIN
Xin như một kẻ ăn mày
Khi người ta lên tiếng xin một điều gì, thì hiểu rằng đó là điều chính người đó muốn.
Người xin muốn được ngay điều mình mong muốn. Khác hơn như thế, là người xin không hài lòng.
Một người xin bình thường, như kẻ bàng quang, hay như kẻ ăn mày, luôn muốn có được điều mình xin bằng mọi cách. Lời lẽ lải nhải, có khi cố rên rỉ ỉ ôi, kèm theo những hành động có khi giả tạo, lừa dối, để đánh động lòng thương xót của người khác.
Xin như kẻ ăn mày là loại xin “cầu may”. Không tin tưởng bao nhiêu vào người xin. Người xin chỉ mong được người cho ban cho chút tình thương hại, hôm nào được nhiều người rộng tay “bố thí” thì đó là ngày may mắn. “Được thua” coi như chỉ là trò đời, chẳng để lại lòng người xin một tình cảm hay một sự quan tâm lớn lao nào ngoài những gì mình thu góp được - chủ yếu là được cái mình muốn.
Xin như một đứa con.
Xin như một đứa conlà đặt hết niềm tin vào người mình xin – như đặt vào cha mẹ.
Nên xin như một đứa conlà xin tình thương của người mình xin. Xin một chỗ ở trong con tim của người mình xin. Xin được thương yêu.
Thật ra, trong thâm tâm của mọi con người, đều muốn được yêu thương. Sự thiếu thốn một điều gì, tự bản chất, nguyên nhân sâu xa, là sự thiếu thốn tình thương. Thí dụ nhiều nơi có những người thiếu ăn, sống cảnh đời đói lạnh, là vì con người thiếu tình thương, thiếu sự chia sẻ.
Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Từ (Lc.15,1-32), đứa con trai hoang đàng trở về đã xin cha anh ta điều gì ? Qua lời lẽ, anh ta chỉ xin cha mình được làm người đầy tớ, để có cái mà ăn, nhưng trong sâu xa lòng anh, anh khát khao được cha yêu thương như ngày nào thuở còn dưới mái nhà ấm áp khi anh chưa lầm đường lạc lối. Không có một lời nào anh từ chối khi cha anh cho người mặc áo mới, giầy mới và trao nhẫn cho anh. Anh ngập tràn hạnh phúc vì được cha anh cho anh sự tha thứ, và điều đó cũng có nghĩa là cho tình yêu.
Điều mà người cha cho anh con trai hoang đàng lớn hơn sự chờ đợi của anh nhiều. Nếu ta xin với tâm tình như một đứa con, nghĩa là chờ đợi sự đáp lời bằng tình yêu, ta không bị nô lệ vào những thứ ta xin, có khi những thứ ấy hạ thấp tình yêu người cho từ sự đánh giá thấp tấm lòng của người thi ân cho ta, và cũng có nghĩa là ta hạ thấp chính mình vậy.
Cách xin lệ thuộc vào ước muốn riêng ta có thể làm cho người cho đáp lại cho xong việc, chứ không cần suy nghĩ, băn khoăn gì đến cuộc sống đích thực của ta.
"Nếu các ngươi là những người tội lỗi mà còn biết cho con cái các ngươi những của tốt, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban của tốt cho những ai kêu xin Ngài chăng?" (Mt 7,11; Lc 11,13).
Xin như một đứa con, là thực hiện một tình yêu phó thác. Sự phó thác không nhắm tới cái ta xin, mà nhắm tới một tình yêu cao cả, bao dung, đùm bọc, chở che và đem lại cho ta hạnh phúc như tình yêu của cha mẹ.
Người cho, với tấm lòng như cha mẹ, hiểu được người xin - như hiểu được con cái - cần gì, để làm gì.
Xin từ Đức Tin
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt.6,7-8)
Trong Tin Mừng hôm nay, ta thấy lời cầu của người bị phong hủi hàm chứa một Đức Tin mạnh mẽ.
"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. (Mt.1,40).
Ai muốn hết bệnh phong hủi ? Chúa muốn hay người bị phong hủi muốn ?
Đúng ra, anh phải nói thế này: “Tôi muốn được hết bệnh phong hủi, xin Ngài giúp !” .
Trong quan niệm người Do Thái thời bấy giờ, mang bệnh như thế này chính là do anh có tội. Khi anh thốt lên “Nếu Ngài muốn”, ngầm hiểu anh xin ơn tha thứ tội lỗi của anh. Anh ý thức rằng anh không thể hết bệnh được, nếu anh không được Thiên Chúa tha thứ. Và, như thế, cũng có nghĩa là anh tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Ki-tô - Đấng duy nhất có quyền tha thứ, vì Ngài là Thiên Chúa.
Điều quan trọng ở đây chính là anh tin rằng Chúa muốn anh lành bệnh. “Chúa muốn” cho tất cả mọi người lành bệnh, vì từ ngàn đời Chúa đã dành sẵn ơn cứu độ cho muôn dân. Tình yêu đến trước tiên từ Thiên Chúa.
Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân.(Mt.2,29-30).
Lạy Chúa,
Con nhỏ bé và yếu hèn,
Nếu Chúa muốn,
Xin luôn hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
___________
Bạn có thể xem bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/duoc-sach-nvt.html