You are here:

Chúa Nhật 3 Mùa Chay: Đền Thờ Tâm Hồn như Giêsu

Bạn đánh giá:  / 0
DỡHay 

Chúa Nhật  3 Mùa Chay: Đền Thờ Tâm Hồn như Giêsu

1. Buôn Thần bán Thánh.

Cảnh mua bán ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem không xa lạ gì trong cuộc sống hiện nay.

Trong rất nhiều nơi lễ hội “Tín ngưỡng dân gian”, và cả nhiều nơi “Trung tâm hành hương” Tôn Giáo, cảnh mua bán thật là nhộn nhịp, và nhiều dịch vụ “kinh doanh ăn theo” thật là lạ lùng và có khi thật mê tín và xúc phạm đến Thần Thánh.

________________________________

 

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
(Ga.2,13-25)
*****

ĐỀN THỜ TÂM HỒN NHƯ GIÊ-SU
 


(13) Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. (14) Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. (15) Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật ngược bàn ghế của họ. (16) Người nói với những kẻ bán bồ câu: "đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (17) Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

(18) Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" (19) Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." (20) Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?" (21) Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (22) Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói  điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

(23) Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. (24) Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, (25) và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

_____________


SUY NIỆM

ĐỀN THỜ TÂM HỒN NHƯ GIÊ-SU

1. Buôn Thần bán Thánh.

Cảnh mua bán ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem không xa lạ gì trong cuộc sống hiện nay.

Trong rất nhiều nơi lễ hội “Tín ngưỡng dân gian”, và cả nhiều nơi “Trung tâm hành hương” Tôn Giáo, cảnh mua bán thật là nhộn nhịp, và nhiều dịch vụ “kinh doanh ăn theo” thật là lạ lùng và có khi thật mê tín và xúc phạm đến Thần Thánh.

Thí dụ thực tế cảnh tượng tương tự như thế này được diễn tả qua một trích đoạn của bài viết sau đây trên báo Lao Động.

Không đánh đồng tất cả, nhưng có thể nói, đa số người đi lễ hội có chủ đích mặc cả với thần thánh. Họ cúng vái, cầu xin tài lộc, thăng quan tiến chức một cách mê muội. Người ta thuê viết sớ xin xe hơi, nhà lầu, trúng số, lên chức một cách tham lam và mù quáng. Người này bắt chước người khác, có cảm giác như tranh nhau để giành ân lộc từ thánh thần. Tại nhiều nơi lễ hội, có thể thấy người ta đạp lên nhau để khấn vái cầu xin như một cơn lên đồng tập thể, mê tín hơn là niềm tin tôn giáo hay sự thành kính thần linh xuất phát từ lòng thành.

Một điều rất đáng suy nghĩ là có rất nhiều trí thức, quan chức  mê đắm tham gia vào trò cúng vái cầu xin đậm màu sắc mê tín này. Họ thừa tiền, lắm của nên lễ lộc cho thần thánh rất hậu. Có người bỏ tiền sắm lễ, đốt vàng mã từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Họ đầu tư với người đời như thế nào thì họ sẵn sàng “đầu tư” với thần linh như vậy. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, dâng lễ vật hậu thì thần linh ban phát lại nhiều. (…)

Người  mê muội nhiều là điều kiện cho người kinh doanh phát tài. Các dịch vụ ăn theo mạnh tay “chặt chém”, những kẻ “buôn thần bán thánh” có cơ hội móc túi kẻ khác. Hòm công đức mọc lên như nấm, ai biết được số tiền đó đi đâu về đâu, dành để phục vụ cho việc làm công đức hay làm của riêng cho những cá nhân, nhóm người. Từ mê tín đến kinh doanh mê tín, hai hành vi này đều là báng bổ thần linh và xây dựng một loại hủ tục mới trong cộng đồng và cho xã hội. (Lê Thanh Phong. Lao Động).
 

Pha-ri-sêu

Nguyên nhân sâu xa có một sự liên đới rất rõ ràng với chính những người có trách nhiệm và bổn phận mà đáng lẽ ra phải giữ sự thanh sạch của Đền Thờ, thì họ đã làm Đền Thờ trở thành nơi mua bán tạp nhạp vì những thứ luật lệ  “trần tục hóa” đánh mất những giá trị thiêng liêng cao cả.  

Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng ! Các người bảo : “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không, còn ai chỉ vàngtrong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. Đồ ngu si mù quáng ! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn ?

Các ngươi còn nói : “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không, nhưng ai chỉ lễ vậttrên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. Đồ mù quáng ! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trong hơn ? (Mt.23,16-19).

2. Sống để thờ phượng Chúa.

Con người sống trên đời, là quy hướng về nguồn Chân Thiện Mỹ. Sự quy hướng ấy chỉ có ý nghĩa trọn vẹn, không lệch hướng, nếu những gì mà con người cho là Chân Thiện Mỹ, đích thực là những điều thuộc về Thiên Chúa.

Nhiều quan niệm Chân Thiện Mỹ hiện đại của thế giới hôm nay, đang mất dần những giá trị căn bản của nhân phẩm, đưa đẩy con người vào thói thụ hưởng vị kỷ, chỉ biết nhắm tới bảo vệ lợi ích cá nhân. Chẻ dọc chẻ xuôi thế giới thành những mảnh vụn, chỉ nhìn thấy lợi ích riêng tư từng dân tộc, từng quốc gia, từng khu vực, gây tranh chấp, chiến tranh, cấu xé, cá lớn nuốt cá bé. Thiếu tình nhân loại đại đồng.

Ở lãnh vực cá nhân, con người chạy theo hưởng thụ nhất thời. Đắm chìm trong những cuộc vui hạ đẳng coi thường nhân phẩm. Người với người đối xử với nhau lạnh lùng. Trong giao tế, lấy tiêu chuẩn lợi lộc cá nhân làm hàng đầu. Tình thương đồng loại trở thành thứ yếu. Bán thân nuôi miệng, trao đổi tất cả miễn được việc theo ý riêng mình. Bán miệng nuôi thân, sống lừa đảo gian xảo để tiến thân. 

Cuộc sống mất dần ánh sáng Chân Lý, ở bên ngoài, và ở ngay chính lòng mình.

Như thế, mục đích đời người đi vào ngỏ cụt. Sống để làm gì và sống cho ai ? Có ý nghĩa gì đâu một thân xác nặng nề thú tính và một tinh thần tăm tối lệch lạc ? Con người không còn nhận ra vị trí của mình trên bậc thang giá trị của loài thụ tạo.

Không có một nội tâm sâu xa, con người không thể vươn lên cao, không thể vươn lên cao, làm sao con người có thể hướng lòng lên Thiên Chúa. Không thể hướng lòng lên Thiên Chúa, con người không thể nhận ra sự cao quý của bản thân mình. Con người là con cái Thiên Chúa. Là Đền Thờ Thiên Chúa. 

“Anh em không biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng đang ngự trong anh em, là Ðấng anh em nhận được từ Thiên Chúa sao?  Như thế, anh em không còn thuộc về mình nữa, vì anh em đã được mua bằng một giá đắt; cho nên anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cor 6:19-20).

3. Chúa Giê-su, Đền Thờ tinh tuyền của Đức Chúa Cha.
 


Đức Giê-su thẳng tay loại bỏ những gì từ bên ngoài,và ngay trong tâm hồn, có thể làm nguy hại đến sự tôn thờ Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay được Thánh Gio-an ghi lại thái độ tức giận hiếm hoi của Chúa Giê-su, đối với sự mua bán ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mà tệ hại đã lên đến đỉnh cao không còn có thể chấp nhận.

Đền thờ Thiên Chúa phải được tinh tuyền, sự tinh tuyền như chính Đức Giê-su Ki-tô.

Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người(Ga.2,21)
.
Một thân xác và tâm hồn dành trọn Thiên Chúa.

Điều ấy, được chứng minh ngay từ buổi đầu sứ mệnh rao giảng của Đức Giê-su khi Ngài chiến đấu với cơn cám dỗ của Sa-tan.

Tất cả đều quy về một điều duy nhất, là thờ phượng Thiên Chúa.

Đức Giê-su liền nói : “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình ngườimà thôi”. (Mt.4,10).

4. Đền thờ Tâm Hồn của mỗi người theo gương Chúa Giê-su.

Đền thờ theo gương Chúa Giê-su là một đền thờ hoàn hảo, vững bền, không thể phá đổ, vì thuộc về Thiên Chúa.

Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga.2,19).

Đền Thờ Tâm Hồn theo gương Giê-su sẽ dâng cả cuộc đời lên Chúa Cha trọn vẹn. Về với Thiên Chúa.

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. (Lc.23,46).

Đền Thờ Tâm Hồn theo gương Giê-su cho con người niềm hạnh phúc đích thực, vì hạnh phúc đích thực của kiếp người là để được sống đời đời.

“Đức Kitô, “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”(Cl 1,18),là nguyên lý sự sống lại của chúng ta: ngay trong hiện tại, Người công chính hóa linh hồn chúng ta (x.Rm 6,4),và sau này cho thân xác chúng ta được sống lại (x.Rm 8,11)

Chung hưởng vinh quang và tôn thờ với Thiên Chúa .

“Tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”(Mt 26,64) 

Lạy Chúa,
Xin cho lòng con sạch trong như một thiên thần,
Nhờ dòng Máu Cứu Chuộc của Ngài.
Xin tẩy xóa mọi vết nhơ tội lỗi trong tâm hồn con.
Xin bảo vệ con khỏi những quyến rũ và đam mê bất chính.

Xin Thánh Hóa Tâm Hồn con,
Để con được hưởng vinh dự và niềm hạnh phúc.
Là Đền Thờ Thiên Chúa…
Bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

 

Đang có 110 khách và không thành viên đang online

15947050
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
9345
15721
25066
15814224
98988
406480
15947050

Your IP: 3.137.216.77
Server Time: 2025-01-06 18:23:57