Cn. 18 TN. B : TẤM BÁNH TÌNH YÊU
Cn. 18 TN. B : TẤM BÁNH TÌNH YÊU
Có câu chuyện “Một đêm ở Nam Cực” như sau:
Một đoàn thám hiểm nọ buộc phải ở lại Nam Cực, chỉ còn cách chờ cứu viện tới.
(Mời bạn xem 2 bài suy niệm)
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN B
(Ga.6,24-35)
****
TẤM BÁNH TÌNH YÊU
24 Khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?" 26 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." 28 Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" 29 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." 30 Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."
32 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." 34 Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." 35 Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !
______________
SUY NIỆM
TẤM BÁNH TÌNH YÊU
Có câu chuyện “Một đêm ở Nam Cực” như sau:
Một đoàn thám hiểm nọ buộc phải ở lại Nam Cực, chỉ còn cách chờ cứu viện tới.
Không may cho họ, đêm đã xuống. Điều này nghĩa là họ phải chịu đựng một đêm ở đây kéo dài một tháng không có ban ngày. Tuy có đủ thức ăn và những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt, nhưng băng tuyết lạnh lẽo và cuộc sống tối tăm cách xa thế giới bình thường mà họ từng sống, làm người ta cô đơn, bồn chồn và bất an trong chờ đợi khiến người ta rất căng thẳng. Các đội viên bắt đầu cảm thấy phát điên lên.
Cuối cùng, việc bi thảm đã xảy ra: đúng là có một người đã bị điên, anh ta lại là bác sĩ của đội thám hiểm. Anh ta không ăn không ngủ, lúc nào cũng u uẩn như băng. Mọi người rất lo lắng, suy nghĩ mãi không có cách nào cứu giúp anh ta được.
Nhưng dần dần, mọi người phát hiện, chỉ cần có người nói chuyện với anh ta, chứng điên của anh ta lại giảm đi một chút, nếu ai có thể kể một câu chuyện hay, vẻ mặt của anh ta trở nên sinh động và thư giản lại.
Thế là, trưởng đoàn nghĩ ra một cách: mỗi người luân phiên kể chuyện cho người điên nghe, người chưa đến lượt thì tự soạn ra câu chuyện để chuẩn bị trước.
Để giúp bạn đường giảm bệnh, người nào cũng ra sức điều động trí tưởng tưởng và sáng tạo của mình, không chỉ thêu dệt ra rất nhiều chuyện, còn kể chuyện rất hay.
Nhờ “liệu pháp” đầy tình người đó, cuối cùng đã có một kết thúc tốt đẹp, chứng điên của người bệnh ngày càng giảm đi rõ rệt, anh ta dần dần hồi phục và đã có thể vượt qua đêm dài cùng các thành viên khác, chờ ngày đội cứu viện đến.
Cứ thế, sự việc bất ngờ xảy ra: thực ra, vị bác sĩ kia không điên. Khi ấy ông biết rõ, nếu không nghĩ ra cách gì để nối kết mọi người lại với nhau thì tinh thần của cả đoàn sớm muộn gì cũng sẽ sa sút. Cho nên ông đã nảy ra ý tưởng giả “điên”.
Chúa Giê-su là Tấm bánh Tình Yêu
Ngài nuôi sống con người bằng máu thịt của Ngài.
Không ai có thể sống được nếu người ấy không có con tim biết yêu thương. Biết đón nhận và biết cho đi.
Đón nhận trong yêu thương và cho đi trong yêu thương.
Con tim ích kỷ chỉ đón nhận những gì có lợi cho mình, và chỉ cho đi những gì không thiệt thòi cho mình. Điều đó không đem lại cho con người sự no đầy, mà ngược lại, nó làm con người thêm đói khát. Càng tom góp con người càng thấy thiếu. Chỉ biết thu vén, không bao nhiêu là đủ.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa Giê-su là Tình Yêu Nhập Thể. Con người thấy được, nhận ra được Tình Yêu nhờ Chúa Giê-su, với Giê-su, trong Giê-su.
Nên, con người chỉ biết yêu, nếu yêu như Giê-su. Một tình yêu không theo mẫu mực Tình Yêu Giê-su, đó không phải là Tình Yêu Đích Thực.
Con người sống nhờ Tình Yêu, thì con người cũng được bồi dưỡng nhờ Tình Yêu.
Đời là một cuộc hành trình. Là một chuyến đi về với Chúa, về Nhà Cha.
Tấm bánh cho một cuộc hành trình.
Tình Yêu Giê-su là mẫu mực tình yêu, và Tình Yêu Giê-su trở nên tấm bánh bồi dưỡng sức sống cho con người trong cuộc hành trình nhân thế.
Một cuộc hành trình xa thăm thẳm và nhiều lúc đuối sức, như Ê-lia 40 ngày đêm đi về Kho-rép, nhờ có Bánh Thiên Thần thêm sức cho ông.
"Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa" (1 V 19:7).
“Bánh Thiên Thần” là thần lương để ông đi đến bến bờ Thiên Chúa muốn.
Cũng như “Man-na” bánh bởi trời ban cho dân Do Thái băng qua sa mạc 40 năm để về Đất Hứa.
Rồi khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Ít-ra-en thấy thế, họ liền hỏi nhau: "Man hu?" Nghĩa là: "Cái gì đây?" Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Mô-sê bảo họ: "Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn! (Xh 16,2-4.12-15).
Của ăn ấy là để đủ sức trải qua một cuộc hành trình nhiều thử luyện để về bến bờ Hạnh Phúc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn.
Của ăn ấy không phải là thứ thỏa mãn cơn đói khát của bản năng mà con người đi trên chuyến tàu dục vọng muốn hưởng thụ. Của ăn ấy không phải là thứ hấp dẫn quyến rũ nhất thời để lôi cuốn con người đắm chìm trong kiếp đời nô lệ tội lỗi.
Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. (Xh 16,2)
Tấm Bánh Tinh Khiết
Phần lớn thức ăn ngày nay chẳng những không bổ dưỡng mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì lợi nhuận, lòng tham, ích kỷ, người ta sử dụng những thứ bẩn thỉu, độc hại để chế biến thức ăn.
Rất nhiều, và rất nhiều, những cái gọi là “thức ăn tinh thần” còn ngàn lần độc hại hơn nữa, nó tạo nên những tư tưởng lệch lạc, tinh thần bệnh hoạn, thứ não trạng “dị dạng” không còn mang dáng vẻ Chân Thiện của con người.
Những thứ thực phẩm ấy, “nhìn thì bắt mắt, nghe quảng cáo thì bùi tai”, nó chiếm lĩnh thị trường, tồn tại công khai, không mấy ai muốn “lội ngược dòng” để dẹp bỏ nó, vì sự hấp dẫn của nó, vì đường giây lợi nhuận của nó dính líu tới nhiều người, nó có sức mạnh ngấm ngầm bảo vệ, nó là thế lực của bóng tối.
Nhiều người phải chết vì nó !
Tấm bánh Giê-su là Tấm bánh tinh khiết, bồi dưỡng con người được sống, và sống dồi dào.
Tấm bánh của Lời Hằng Sống, của Tình Yêu cao vời mà Thiên Chúa dành trọn cho con người, Ngài không được lợi lộc gì khi trao ban cho cho con người chính Mình và Máu của Ngài, vì Ngài là Tình Yêu, và được nhìn thấy con người hạnh phúc là Niềm Vui của Ngài.
Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10)
Tấm bánh liên kết mọi người trong một tình yêu
Thường tình trong cuộc đời, người ta nói nhiều về “đoàn kết”, nhất là khi gian nan, khốn khó.
Với hôn nhân: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
Với xã hội: “Bầu ơi thương lấy Bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Với Thế Giới: “Tứ Hải giai huynh đệ”…We are The World…
Nhưng, những gì xảy ra trong Thế Giới hôm nay, cho thấy một sự phân ly tan nát.
Nhiều thế lực, ý thức hệ, đã mong quy tụ mọi người về một mối, xây dựng một Thiên Đàng tại thế cùng chung hưởng hạnh phúc như nhau. Thật đáng tiếc, những ước mơ ấy, không có hồi kết như những trang quảng cáo hấp dẫn mở đầu. nó như một mối tình đẹp chết non tức tưởi, mang theo nhiều thống khổ cho nhân loại.
Con người không thể vươn đến một Thế Giới An Bình Yêu thương mà không có Ánh Sáng Tin Mừng. Một Thế Giới không Tin Mừng là một Thế Giới Chết. Vì đó là một Thế Giới không Tình Yêu !
Tuyệt đỉnh của Tin Mừng là Thánh Thể.
Chỉ có “Tấm Bánh Giê-su” - Tấm bánh Tình Yêu - mới “liên kết mọi người nên một trong Tình Yêu Thiên Chúa”.
“Bởi vì có một Tấm Bánh, và chúng ta chia sẻ cùng một Tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cr 10,17)
Con đường Tình Yêu - Tình Yêu Thánh Thể - là con đường đi tới Hiệp Nhất.
Nhân loại đang “đói” Tình Yêu. Tình Yêu: sự sống còn của nhân loại.
Tình Yêu, điều mà con người cần nhất, lại là điều mà con người thiếu nhất trong Thế Giới Hôm nay.
“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau.” (Ga 13, 34)
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Ngài là lương thực cho hồn con sức sống,
Nhưng bao lần con đã chối từ Ngài.
Của ăn đời lắm khi hấp dẫn
Thú vui đời nhiều lúc ngọt ngào.
Có lắm lúc con chao đảo.
Giọt lệ buồn, con tự hỏi vì sao ?
Bỏ Ngài con biết theo ai ?
Ngài là Bánh Hằng Sống
Trong cơn đói lả
Xin cho con được no đầy ! Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN B
(Ga.6,24-35)
****
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
24 Khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?" 26 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." 28 Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" 29 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." 30 Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."
32 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." 34 Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." 35 Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !
_______________
SUY NIỆM
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
LƯƠNG THỰC…
Ăn để sống…
Người xưa có câu:“Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.
Nhưng “ăn gì để sống ?”. Rõ ràng không phải mọi thức ăn đều “để sống”, nói dễ hiểu hơn, không phải mọi thức ăn đều tốt cho sức khỏe, đem lại tuổi thọ cho người dùng. Ngày nay qua những thông tin, ta biết được vì lợi nhuận, hoặc vì thiếu hiểu biết, người làm ra lương thực, cũng như người tiêu dùng đã rước lấy nhiều hậu quả tai hại, ngộ độc, bệnh tật, có khi cả tử vong.
Hơn nữa, ai cũng ngầm hiểu rằng “ăn để sống” là sống trong “giới hạn” kiếp người. Lương thực trần gian không đem lại cho con người sự sống đời đời. “Ăn kỹ, uống kỹ” có thể giúp sức khỏe con người tốt hơn, tuổi thọ cao hơn, nhưng không phải là trường sinh.
“Sống để ăn”
Đó là trường hợp khát vọng cao cả trong sâu thẳm lòng người đã bế tắt. Khi người ta không có niềm tin để vươn lên cao thì người ta tìm đến niềm vui là đà dưới thấp.
Có một bà mẹ đi chợ về mua cho hai đứa con mỗi đứa 2 cái bánh. Đứa lớn vắng nhà, nên mẹ nó chừa lại phần bánh cho nó, còn đứa em thì ăn hết phần bánh của nó ngay lúc đó. Khi đứa anh về, nó ăn cơm xong, mẹ nó mới nhớ phần bánh của nó và đem ra cho nó. Lúc ấy, nó vừa ăn cơm xong, đã no, nhưng thấy 2 cái bánh quá hấp dẫn, nó thèm, và nó bắt đầu ăn bánh. Em của nó ngồi đó nhìn nó, thèm thuồng, nhưng không dám xin vì nó đã có phần rồi. Thằng anh đã no lắm nhưng nó vẫn bắt đầu ăn cái thứ hai. Nhìn thấy em nó nhìn nó, nó ăn vội vã cho hết cái bánh sợ em nó xin. Rồi thấy mẹ nó ra, nó sợ mẹ nó bảo “con ăn cơm rồi, thôi chia cho em con một cái đi” thì uổng lắm, nên nó càng nhai ngấu nghiến cho mau hết cái bánh. Nó ăn lẹ đến đổi mắc nghẹn trợn trừng con mắt mà nhất định không buông cái bánh ra.
Ôi, đó chỉ là chuyện háu ăn của con nít mà. Nhưng, người lớn cũng có “cách ăn nết ở” nói theo kinh kệ xưa là tội số 5 trong 7 mối tội đầu, đó là tội “mê ăn uống”. Ở ngoài đời thì thiếu gì, cũng có cả trong Kinh Thánh.
"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (Lc.16,19-31).
Nếu “sống để ăn”, mục đích là thỏa mãn cái thèm khát dục vọng bản năng con người, thì ta có thể suy ra rất nhiều thứ ăn… nhưng, có thể tóm tắt, ăn kiểu nào, ăn cái gì, thì cũng đưa đến cách sống ích kỷ, chỉ biết có mình.
TRƯỜNG SINH
Dù cho có ngây thơ thế mấy, ai cũng biết, với lương thực trần gian:“ăn gì cũng chết”. Vì lương thực trần gian là thứ “hay hư nát” thì làm sao có thể đem lại sức sống đời đời.
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt.1-11).
Lời Chúa đem lại cho con người một tâm hồn an vui, thanh thản. Vui sống trong một thế giới ngập đầy yêu thương có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em – Có Người Cha giàu lòng thương xót và mọi người khắp nơi là huynh đệ với nhau cùng chia sẻ buồn vui cuộc sống.
Có thể nào tìm thấy một ảnh đẹp hơn hình ảnh đó cho thế giới này không ? - Chắc chắn là không. Vì, nhân loại đã từng biến thế giới này thành địa ngục trong những cuộc chiếc đầy tang tóc. Bài học đó vẫn không đủ mạnh để nhân loại đoạn tuyệt với hận thù và bom đạn.
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” là khi người làm ra cơm bánh, giành nhau cơm bánh, chỉ để ăn một mình. Chỉ một mình thì không thể có tình yêu. Không có tình yêu thì không thể vươn lên Chân Thiện được. Không vươn lên được Chân Thiện làm sao thấy Thiên Chúa. Không có tình yêu Thiên Chúa làm nguồn cội thì khó thực thi tình anh em đối với tha nhân.
Thế giới nói luôn lo âu nhiều về lương thực. Suy cho cùng mọi cuộc tranh chấp đều từ “miếng ăn” mà ra. Nó là nguồn cung cấp cho sức khỏe, cho sự sống. Nhưng “Sức Khỏe” không phải chỉ là một thân xác cường tráng không bệnh tật, mà nó còn tình trạng tinh thần lành mạnh.
Năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - World Health Organization) đã định nghĩa về Sức Khỏe như sau: “Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội”. Ở đây ta thấy có phần xác (thể chất), tinh thần (tâm hồn, tâm linh) và tình liên đới (xã hội). Chỉ với “lương thực hay hư nát” thôi làm sao con người có thể đem lại cái gọi là Sức Khỏe theo định nghĩa trên.
Người xưa có câu “Cổ chi chân nhân, kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác bất ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức thâm thâm”. (Trang Tử, Đại Tông Sư)- Bậc chân nhân ngày xưa lúc ngủ không mộng mị, lúc thức không ưu tư, lúc ăn không cầu món ngon, lúc thở thì thở sâu.Như vậy, để có được “Sức Khỏe” lương thực không phải là tất cả, nó còn đòi hỏi “thân tâm an lạc”, thể xác an lành tâm hồn thanh thản trong môi trường có tình người liên đới yêu thương.
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
Con người ngày nay vẫn không ngừng tìm kiếm con đường sống thọ và nuôi mộng tìm được chìa khóa trường sinh, nhưng lại tìm trên những thứ hay hư nát.
Thật đúng như người xưa đã nói: “Sinh dân chi bất đắc hưu tức, vi tứ sự cố: nhất vi thọ, nhị vi danh, tam vi vị, tứ vi hóa”. (Liệt Tử, Dương Chu). Người đời không thể yên tâm nghỉ ngơi; có bốn nguyên do: một là muốn sống lâu, hai là muốn danh tiếng, ba là muốn có địa vị, bốn là muốn có nhiều tài sản của cải.
Không có niềm khát vọng tìm về những giá trị vĩnh hằng, làm sao đạt được trường sinh. Thật là mâu thuẫn khi con người kiếm tìm bí quyết “sống lâu sống mãi” lại cũng đi tìm phương cách hủy diệt sự sống bằng những siêu vũ khí giết người hàng loạt. Đó là kết quả tất yếu của một thế giới thiếu tình yêu.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.Hãy mang lấy ách của Ta ...Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của ta thì nhẹ nhàng". (Mt.11.28-30).
Tìm về Thiên Chúa, ta thấy lòng bình an. Sự bình an no đầy vì ta được Chúa là nguồn sống đời ta.
"Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !” (Ga.6,35).
Cơn đói khát từ tham vọng của con người sẽ mãi mãi còn đó, không có một thứ “lương thực” nào lấp đầy cơn khát vọng ấy, chỉ có Tình Yêu Thiên Chúa mới đem lại cho con người thứ lương thực mà con người đang thiếu, đó là Tình Thương.
Chúa Giêsu là Lương Thực Trường Sinh mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Lương Thực thỏa mãn mọi cơn đói khát và đem lại sự sống hạnh phúc đời đời cho những ai đến với Ngài.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời “ ( Ga. 3, 16 ).
Lạy Chúa,
Khi thế giới được no đầy
Tình yêu Thiên Chúa
Là thế giới được no say
Hồng ân Chúa từng ngày
Con dâng lên Chúa đây
Lời kinh bên Thánh Thể
Là tình yêu trời bể
Là mạch sống đời đời.
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG