CN. 30 TN.B. Được thấy ơn Cứu Độ
CN. 30 TN.B. Được thấy ơn Cứu Độ
- Con ạ, Thượng Ðế nói trong linh hồn Thầy rằng, lúc nào Thầy nhìn con, thấy bóng dáng Thượng Ðế trong con, lúc nào Thầy nhìn ai cũng chỉ thấy là bạn hữu, đó là ngày! Lúc nào Thầy nhìn người tức giận, ghét bỏ, tham lam, thù hận đấy là đêm!
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN B-15
(Mc.10,46-52)
ĐƯỢC THẤY ƠN CỨU ĐỘ
46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" 49 Đức Giê-su đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!" 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52 Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
__________________
SUY NIỆM
ĐƯỢC THẤY ƠN CỨU ĐỘ
Ánh sáng và bóng tối
Thật may mắn cho đời ta khi ta có đôi mắt thể lý sáng tỏ, và thật đau khổ cho đời ta khi ta vương mang đôi mắt mù lòa.
Thường tình, nhìn thấy những người mù lòa ai cũng cảm thương. Ta nghĩ đến đời họ chìm trong tăm tối. Ta có thể thấy ngay nỗi bất hạnh của họ, và rất dễ hình dung những thiệt thòi mất mát lớn lao trong cuộc sống của họ.
Thế nhưng, chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng hơn một lần chứng kiến những con người có cuộc sống rất hạnh phúc với tinh thần vui tươi và tâm hồn thanh thản bình yên. Tuy đôi mắt thể lý của họ tăm tối, nhưng đôi mắt tâm hồn của họ thật sáng tỏ. Đôi mắt tâm hồn của họ có khả năng tiếp nhận thứ ánh sáng huyền diệu giúp đời họ tràn đầy vui mừng và hy vọng điều mà lắm khi nhiều người có đôi mắt no đầy ánh sáng mặt trời vẫn không thấy được con đường hạnh phúc đích thực.
Thật vậy, trong đời thường, thật không khó để nhận ra những con người có đôi mắt sáng vẫn đắm chìm trong cuộc sống tối tăm.
Với bản thân sống nô lệ bản năng, xuôi theo dục vọng, tìm hạnh phúc qua những thứ hưởng thụ thấp hèn…
Với tha nhân sống lạnh lùng ích kỷ. Lòng kiêu căng sinh bao thứ hận thù, gian xảo, giả hình…
Từ đó, cuộc hành trình đời họ khó nhận ra Thiên Chúa. Không nhận ra Thiên Chúa, nên cuộc sống của họ không có bến bờ hạnh phúc viên mãn. Không có bến bờ hạnh phúc viên mãn nên họ bằng lòng và cố bám lấy thứ tạm bợ phù phiếm trần gian. Vòng lẫn quẫn cứ thế vây quanh không bao giờ đời họ thoát vòng tăm tối.
Ta suy ngẫm thêm vấn đề này qua câu chuyện sau đây:
ĐÊM VÀ NGÀY
- Lúc nào đêm bắt đầu? Khi nào ngày chấm dứt?
Vị đạo sĩ hỏi người học trò:
- Ðâu là lằn mức giữa đêm và ngày? Lúc nào ngày bắt đầu? Lúc nào đêm chấm dứt?
Người học trò suy nghĩ. Vị đạo sĩ bảo người học trò vẽ lằn mức mặt trời mọc đến đâu là ngày, chia ranh giới lúc nào là hết đêm.
Im lặng, nhíu thêm đôi mày. Thời gian trôi qua. Không ngờ câu trả lời khó vậy. Người thanh niên thầm nhủ: "Ta nhìn bình minh biết bao lần, thức dậy biết bao buổi sáng, mấy mươi năm trong đời chưa một lần phân biệt: Lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?"
Sau thời gian suy nghĩ, người học trò không sao vẽ được lằn mức giữa ngày và đêm. Anh đánh bạo trả lời tôn sư:
- Thưa Thầy, lúc mặt trời cho con đủ ánh sáng phân biệt được con chó khác con mèo, đó là ngày.
Vị đạo sĩ lắc đầu, hỏi người học trò:
- Phân biệt con chó khác con mèo, nhưng đủ ánh sáng để phân biệt cành trúc khác cành tre không?
Người học trò im lặng chưa biết nói gì. Tôn sư anh ta lắc đầu nói tiếp:
- Ðấy không phải tiêu chuẩn phân biệt ngày và đêm con ạ. Ðủ ánh sáng phân biệt con chó với con mèo, nhưng bao nhiêu ánh sáng mới đủ phân biệt cây trúc với cây tre? Vả lại gần bao nhiêu thì rõ để gọi là chó, xa bao nhiêu là tối để có thể lẫn là mèo.
Sau cùng, người học trò tự thú:
-Thưa Thầy, từ lúc Thầy đặt câu hỏi con mới để ý khi mặt trời mọc. Con không vẽ ranh giới được lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm kết thúc. Con thức giấc mỗi sáng mà không biết lúc nào gọi là ngày, lúc nào hết đêm.
- Con ạ, cuộc đời nhân gian đêm nhiều hơn ánh sáng. Người ta không tỉnh thức nên sống trong đêm tối mà cứ ngỡ ban ngày. Người ta thức dậy mỗi ngày mà không biết ngày bắt đầu lúc nào, làm sao gọi là thức dậy?
Người học trò im lặng trong ý nghĩ riêng tư, hỏi nhà đạo sĩ:
- Thưa Thầy, người ta không quả quyết được lúc nào đêm chấm dứt. Có phải ý Thầy muốn nói, như thế, thức dậy cũng chưa chắc là hết bóng đêm không?
- Ðúng thế, con ạ. Thầy muốn dạy con hai điều. Ðiều thứ nhất, con đã phí phạm biết bao bình minh, mấy mươi năm trong đời nhìn mặt trời mà không biết đâu là ngày, đâu là đêm. Ðiều thứ hai, ngày tháng còn lại của con, con phải trả lời câu hỏi của Thầy: Lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?
Bao nhiêu năm thiền niệm trên ngọn núi này, ngày ngày Thầy nhìn mặt trời mọc trên biển tìm câu trả lời. Thầy thức giấc nửa đêm trăn trở vì câu hỏi ấy. Thầy ra ghềnh đá chờ ánh mặt trời, Thầy lấy hết tâm trí nhìn bóng tối lui dần mà không vẽ nổi lằn ranh biên giới lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt. Cho đến một ngày kia...
Nói đến đó nhà đạo sĩ im lặng. Mắt ông ngời sáng, nhìn xa xôi về phía chân trời. Người học trò lắng nghe.
Ðợi người học trò thật yên tĩnh, nhà đạo sĩ nói với môn sinh ông ta:
- Con ạ, thật sự không thể vẽ lằn mức được lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt!
Người học trò như ngạc nhiên, chăm chú lắng nghe. Tôn sư ôn tồn xác định lần nữa câu nói của ông bằng cách cắt nghĩa cho người học trò:
- Không thể phân biệt được biên giới giữa đêm và ngày cũng như không phân biệt được bao nhiêu của cải là hạnh phúc, thiếu bao nhiêu là chưa đủ!
Ngập ngừng đôi giây, vị đạo sĩ nói như lời tâm sự thân tình với học trò mình:
- Thách đố bởi câu hỏi khi nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt. Thầy mải mê đi tìm trong văn chương triết học, trong thần bí niệm tu, cho đến một ngày biết mình không còn sống bao lâu mà vẫn không tìm được câu trả lời. Lúc đó Thầy buồn khôn tả, biết mình nhỏ bé trước biển cả và mặt trời. Thầy cúi đầu xin Thượng Ðế cho Thầy được chết bình an. Thầy xin Thượng Ðế cất đi câu hỏi đã dằn vặt Thầy. Thầy không còn cách nào trả lời câu hỏi ấy. Trong văn chương triết học, Thầy đã thất vọng, trong thần bí niệm tu, Thầy đã ráng sức cả đời. Càng suy nghĩ càng thấy mình nhỏ bé, sau cùng, Thầy chỉ còn biết xin Thượng Ðế thương xót, đừng hỏi nữa cho tâm hồn Thầy thảnh thơi.
Khi nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?
Không trả lời được con ạ. Ðâu ngờ, chính lúc Thầy xin Thượng Ðế cất câu hỏi ấy đi, Ngài lại trả lời cho Thầy. Một ánh sáng êm dịu vô ngần nhẹ nhàng đậu xuống linh hồn Thầy, cho Thầy một trí hiểu đơn sơ, một niềm vui kín đáo, một năng lực sống trọn vẹn vì một khám phá: Ðời quá đẹp.
Nói tới đó, nhà đạo sĩ như phiêu du vào một vùng trời rất đỗi bình an. Người học trò chăm chú kỹ hơn, lắng nghe.
- Con ạ, Thượng Ðế nói trong linh hồn Thầy rằng, lúc nào Thầy nhìn con, thấy bóng dáng Thượng Ðế trong con, lúc nào Thầy nhìn ai cũng chỉ thấy là bạn hữu, đó là ngày! Lúc nào Thầy nhìn người tức giận, ghét bỏ, tham lam, thù hận đấy là đêm!
Ánh sáng phân biệt đêm và ngày là lòng từ ái nhân hậu.
Ði giữa ban ngày trong trái tim trĩu nặng, vẫn là đêm, con ạ. Ngày và đêm không thể phân biệt bằng ánh sáng vật lý, chỉ có lòng từ ái bao dung.
Ông nhìn người học trò rất đỗi nhân ái mến yêu. Từ từ nhắm mắt. Im lặng, linh thiêng và bình an, ông lặng lẽ xuôi hồn về thế giới bên kia.
Ông đã chết.
Ông về với ánh sáng, nơi chỉ có ngày, không còn đêm nữa. Ông ra đi, để lại cho người học trò câu trả lời lúc nào là đêm, lúc nào ngày bắt đầu.
Được thấy ơn cứu độ
Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" (Mc.10,47-48).
Lời kêu xin của anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường hôm nay hoàn toàn không giống như thường lệ. Ngày thường, anh ăn xin bằng lời van xin để có chút tiền lẻ, cơm bánh hay một thứ gì đó để anh sống qua ngày. Nhưng, lời kêu xin của anh hôm bắt đầu từ lời tuyên xưng một niềm tin mạnh mẽ vào người mà chắc chắc người đó có khả năng thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít”.
Điều ấy, làm ta nhớ lại lời Sứ Thần nói với Mẹ Maria ngày Truyền Tin:
Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". (Lc.1,26-38).
Và niềm tin ấy tràn lan trong dân Do Thái, chứa chan hy vọng và hoài ước hạnh phúc, dù sự hiểu biết Tin Mừng của họ lúc ấy chưa được trọn đầy nhờ sự sáng soi của Thánh Thần.
“Đám đông, người đi trước, kẻ theo saureo hò vang dậy: ‘Hoan hô Con vua Đa-vít”(Mt 21,9)
Người mù trong Tin Mừng hôm nay no thỏa hạnh phúc, vì chẳng những đôi mắt thể lý của anh được sáng, mà đôi mắt tâm linh của anh cũng được no đầy ánh sáng Đức Ki-tô - Anh được tận mắt nhìn thấy Đức Ki-tô. “Chính mắt anh được thấy ơn cứu độ”.
Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. (Mc.10,52).
Đời ta chỉ cần có thế, thật hạnh phúc khi ta được biết ta được Chúa luôn yêu thương ta. Chính là lúc ta được thấy ơn cứu độ. Được “thấy” Đấng Cứu Thế. Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời là không thấy được Chúa. Đôi mắt thể lý sáng, mà đôi mắt tâm lình mù tối. Đời được thấy Chúa, thế giới được thấy Chúa, mới tìm thấy được yêu thương hòa bình và hạnh phúc.
Anh mù Ba-ti-mê hôm nay tha thiết xin “được thấy”. Nó đến từ “khát vọng” thiết tha, cũng giống như những người thành tâm thiện chí khát khao được thấy một thế giới tin yêu Thiên Chúa là Cha và mọi người đón nhận nhau là anh em. Thấy cuộc đời thật đẹp ngập tràn yêu thương, thấy lòng người cao thượng thiện hảo vì được đón nhận ơn cứu độ.
Nỗi tha thiết chờ mong được “thấy” có lẽ không lời nào đẹp, chân thành và cảm động như lời ông Simêon khi được “thấy” và ẵm bồng Hài Nhi Giê-su trên tay.
Bài ca "An Bình Ra Ði" (Nunc dimittis)
Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đườngcho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài. (Lc.2,25-32)
Lạy Chúa,
Xin cho con được thấy
Biết bao hồng ân Chúa đã trao ban cho con
Để con không ngừng cố gắng vươn lên
Sống đẹp lòng Chúa
Mỗi ngày…suốt đời con. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_____________
Bạn có thể xem bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://canhdongtruyengiao.net/suy-niem/xin-duoc-thay-nvt.html