BA NGÀY TẾT
BA NGÀY TẾT
Mùa Xuân về, người ta gởi đến nhau rất nhiều câu chúc. Nhưng có một câu không thể thiếu, đó là PHÚC-LỘC-THỌ.
Đối với nhiều người, đặc biệt là người Công Giáo, “Phúc” không phải chỉ là sự giàu có vật chất, nhiều ruộng đất, nhiều tài sản… mà trước hết, “Phúc” là “Sống theo Tin Mừng”, tìm được bình an trong Tình Yêu Thiên Chúa.
SUY NIỆM BA NGÀY TẾT
MỒNG MỘT TẾT
THÁNH LỄ GIAO THỪA
(Mt.5,1-10)
Tin Mừng của Chúa Giêsu Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Một hôm, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp, phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước trời là của họ”.
SUY NIỆM
CHỮ PHÚC
Có một lần tôi xem người ta lấy cốt một ngôi mộ cỗ không có thân nhân nhận lãnh trên phần đất người ta sắp xây dựng một ngôi nhà lớn. Ngôi mộ được xây cất kiên cố và trang trí theo kiểu Tàu. Chắc là của một gia đình giàu có. Người nằm trong mộ, theo bia đá ghi, là một phụ nữ tuổi đời chỉ mới bốn mươi. Người ta tin rằng người giàu có, vì là ngôi mộ cỗ, nên theo tục lệ xưa, người ta thường liệm theo người chết rất nhiều món đồ quý giá để họ có thể dùng ở thế giới bên kia, thế nên, người bốc mộ lục soát rất kỹ trong chiếc quan tài. Ông ấy không tìm thấy gì cả. Ông đưa tay móc vào miệng người chết, có vẻ ông rất hiểu biết, hay đã kinh nghiệm về điều này: người ta có thể bỏ vào miệng người chết những món đồ trang sức bằng vàng hay châu ngọc, đá quý. Và ông moi ra được một gói nhỏ được bọc kỹ trong nhiều lớp bọc nhựa. Ông cẩn thận mở ra. Không có gì cả, ngoài một mãnh giấy chưa mục và nét chữ chưa nhòa, nên rất dễ nhận ra nội dung dòng chữ ghi trên giấy: “nỗi buồn này mang xuống tuyền đài”.
Mùa Xuân về, người ta gởi đến nhau rất nhiều câu chúc. Nhưng có một câu không thể thiếu, đó là PHÚC-LỘC-THỌ.
Đối với nhiều người, đặc biệt là người Công Giáo, “Phúc” không phải chỉ là sự giàu có vật chất, nhiều ruộng đất, nhiều tài sản… mà trước hết, “Phúc” là “Sống theo Tin Mừng”, tìm được bình an trong Tình Yêu Thiên Chúa.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Từ khởi điểm “Tâm hồn nghèo khó”, con người sẽ trở nên hiền lành, không tranh dành cấu xé lẫn nhau. Con người nhận ra sự đau khổ trong giới hạn thân phận làm người của mình và đồng loại nên biết chia sẻ và tương trợ nhau. Họ không ngừng dắt dìu nhau để vươn lên cuộc sống công chính.
Những bước đi như vậy, giúp con người biết quan tâm đến tha nhân, biết xót thương người.
Một con người có tâm hồn hiền lành biết chấp nhận đau khổ, không ngừng tự thanh luyện mình vì khát khao trở nên công chính, biết mở rộng con tim để phân phát tình thương, con người ấy sẽ có tâm hồn trong sạch. Vì tình yêu chân chính luôn đem lại cho con người tâm hồn trong sạch.
Một con người có tâm hồn trong sạch chắc chắn phải khát khao có một thế giới trong sạch, một thế giới tươi sáng ngập tràn điều thiện hảo, bình an và không có nơi dành cho thù hận. Và như thế, họ sẽ đem hết tâm lực ra để xây dựng hòa bình.
“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
Chúa Kitô là mẫu mực của con người có tâm hồn nghèo khó. Từ khi nằm trong chiếc nôi là máng cỏ, rồi trọn một đời xuôi ngược “con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”, đến cái chết trần trụi trên Thập Giá. Tâm hồn nghèo khó ấy là Chúa của Hòa Bình.
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính”.
Chúa Ki-tô là nguồn mạch sự công chính. Ngài đã chết vì sự công chính.
“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga.18,37)
Đó là Tiếng Nói của Tình Thương. Tình thương đến từ những tâm hồn nghèo khó, những tâm hồn không gợn đục những tham vọng tom góp vật chất tiền tài danh vọng cho riêng mình. Dục vọng cuồng điên thế tục không thể ban cho nội tâm con người sự bình an thật sự, và như thế, không thể đạt được cái Phúc trong sâu thẳm tâm hồn mình được.
Nếu lòng không đạt được cái Phúc, thì cái Lộc, cái Thọ cũng chẵng có ý nghĩa gì. Giàu có và sống lâu mà đầy lo lắng và sầu muộn, tâm không tịnh, lòng không an, sao gọi là Phúc được!
“Nỗi buồn này mang xuống tuyền đài”, đó là một thứ địa ngục ở ngay trong ta, ở trong tâm hồn ta. Địa ngục ở ngay trong tâm ta rồi thì làm gì ta có Phúc được!
“Vì Nước Trời là của họ”
Con người không có Tình Thương thì không thể vui được.
Không vui thì làm sao có được mùa xuân? Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Không có mùa xuân thì làm sao có hạnh phúc.
Hoa là biểu tượng của nụ cười. Nụ cười là biểu tượng của niềm vui. Niềm vui là biểu tượng của mùa xuân. Mùa xuân là biểu tượng của hạnh phúc.
Chúa là nguồn vui của đời ta.
Chúa là hạnh phúc của đời ta.
Chúa là mùa xuân của đời ta.
Chữ Phúc chỉ thật sự có ý nghĩa tròn đầy trong Tình Yêu Của Chúa.
Tạ ơn Chúa, vì Chúa cho con niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đó là hạnh phúc được làm con Chúa, và đó là tất cả ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của đời người.
THÁNH LỄ TÂN NIÊN
(Mt.6,25-34)
Tin Mừng của Chúa Giêsu Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Khi ấy, Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?
Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-mon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin!
Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công Chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
SUY NIỆM
LO GÌ ?
Có một người đi biển, gặp cơn bão lớn, chìm tàu, anh may mắn sống còn và trôi dạt vào một hoang đảo. Muốn tồn tại, anh phải tự lo tất cả từ hai bàn tay trắng. Một cái nhà nhỏ trú mưa trú nắng, hàng rào chống thú dữ, tự làm quần áo che thân, tìm kiếm thức ăn. Khó nhất là lửa. Khó khăn lắm anh mới dùng đá đập vào nhau để có được lửa. Anh nuôi lửa cẩn thận, không để lửa tắt.
Một đêm nọ, khi anh đi tìm săn tìm thức ăn về, thì anh thấy ngôi nhà của mình đã cháy rụi! Một cơn gió lốc làm ngọn lửa bùng lên và cháy rụi căn nhà anh. Bao nhiêu công khó gầy dựng cái “gia sản” tối thiểu để được sống còn bây giờ ra tro bụi! Anh ngửa mặt lên trời than trách sao Chúa lại có thể đối xử với anh tệ bạc đến thế!
Mệt mỏi và chán nản, anh ngủ thiếp đi trong đêm thảm họa ấy!
Bừng con mắt dậy, trong ánh nắng bình minh rực rỡ của ngày mới trên hoang đảo, anh chợt thấy một vết chấm to xa xa trên bờ biển. Nhìn kỹ, anh nhận ra đó là một con tàu.
“Chúng tôi đã thấy ngọn lửa làm hiệu của anh. Chúng tôi đến cứu giúp anh đây!”. Những người trên tàu đã tìm gặp anh và nói với anh như thế.
Anh chắp tay ngửa mặt lên trời, nghẹn ngào nói: “Tạ ơn Chúa! Xin tha thứ cho con!”
TẬN NHÂN LỰC…
Người xưa có câu “tận nhân lực tri thiên mệnh” (làm hết sức mình, biết mệnh trời). Chúa không bảo chúng ta “đừng lo lắng gì”, rồi cứ “nằm há miệng chờ sung”, chờ đợi những món quà “từ trên trời rơi xuống”.
Như anh chàng bị nạn ở hoang đảo. Muốn sống còn anh ta phải phấn đấu. Anh ta phải làm tất cả những gì anh ta có thể làm được để tồn tại và để cuộc sống tốt hơn. Anh ta phải chọn lựa, hoặc là làm việc, hoặc là chết!
Lo liệu khác với lo lắng. “Không lo lắng” không có nghĩa là “không cần lo liệu”. Người biết lo liệu là người khôn ngoan. Tùy sự tính toán lo liệu mà người ta có thể thấy mức độ khôn ngoan của một người.
“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cái tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa”. (Lc.14,28).
Biết lo liệu không chỉ để làm tốt công việc thường nhật, mà còn thăng tiến trong Đức Tin, trong đàng Nhân Đức. Đó không chỉ là nỗ lực bình thường của con người mà còn là ơn Chúa Thánh Thần.
“Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Chúa đã tái sinh tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát tôi tớ Chúa khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong người này. Xin ban cho người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu; thần trí lo liệu và sức mạnh; thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con” (Lời nguyện bí tích Thêm Sức)
Khi lo liệu, tất nhiên là phải làm việc. Làm việc không phải chỉ để sinh sống mà còn là bổn phận đối với xã hội, đối với Thiên Chúa. Con người có nhiệm làm việc như một người quản lý của Thiên Chúa. Như một người “làm và giữ vườn” của Thiên Chúa. Con người phải làm việc để khu vườn ấy luôn luôn xinh đẹp và sinh sản nhiều hoa trái.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ: “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất. Thiên Chúa phán: “Đây ta ban cho ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi” (St.1,28-29)
Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-den, để cày cấy và canh giữ đất đai. (St.2,15).
TRI THIÊN MỆNH
Người xưa có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Người tính không bằng Trời tính (Man proposes, God disposes).
Anh chàng bị nạn ở hoang đảo thật bất ngờ, đêm đại họa lại là đêm mở đầu hạnh phúc. Anh nghĩ rằng ngày hôm sau sẽ bắt đầu lại một thời đen tối, anh chẳng thể tin rằng ngày hôm sau ngập đầy ánh mình minh. Anh tìm lại được cuộc sống mới! Anh trách Chúa vì cái nhà anh cháy, rồi anh tạ ơn Chúa vì cái nhà anh cháy!
Ranh giới của sự bình an và lo lắng chính là sự thử thách của Đức Tin.
Con người làm việc, và làm việc trong ý định Thiên Chúa, trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Con người không được và không thể vượt ra ngoài thánh ý Thiên Chúa. Sự kiêu căng cùng với ý riêng của con người đã gây nên những thảm họa cho chính con người ngay từ thuở khởi nguyên và cả thời đương đại.
Con người phải vâng lời Thiên Chúa. Chỉ trong sự vâng lời, con người mới phát triển đầy đủ và đạt được ý nghĩa của định mệnh mình, và do đó mới có thể cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người là để cho con người hạnh phúc. Khi con người tin tưởng tuyệt đối vào Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người thì con người sẽ chẳng có gì phải lo lắng.
Khi con người là những đứa con ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót, thì vòng tay người Cha luôn ôm chặt con mình để chở che và bảo vệ, con người mãi mãi bình an.
Đó chính là mùa xuân trong lòng con người.
Mùa xuân không lo lắng ưu phiền, bình yên bên Thiên Chúa là Cha và anh em một nhà trong đại gia đình nhân loại. Đó mới là Xuân Hạnh Phúc.
MỒNG HAI TẾT
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
(Mt.15,1-6)
Tin Mừng của Chúa Giêsu Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? Quả thế, Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”.
SUY NIỆM
NHỚ NGUỒN
Có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết câu thơ đã trở thành câu ca dao và bài hát bất tử về đạo làm con: “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiểu. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Hay: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”…
Và chắc không ai trong chúng ta lại không biết nhạc phẩm Lòng mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình…”
Với người Ki-tô hữu, ai cũng nằm lòng Mười Điều Răn, trong đó, ba điều răn đầu tiên dành cho Chúa, ngay sau đó, điều răn thứ tư dành cho cha mẹ. “Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ”.
Người Công Giáo có tháng 11, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, cũng là dịp đặc biệt nhớ về ông bà cha mẹ đã an nghỉ.
Hằng ngày, người Công Giáo tham dự Thánh Lễ luôn kính nhớ nguyện cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt là các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ…” (Kinh Nguyện Thánh Thể).
Ba ngày Tết, sau ngày Mồng Một dành Tạ Ơn Chúa xin ơn bình an năm mới, Mồng Hai dành để Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ.
Trong dân gian, có đạo ông bà, dù thế nào đi nữa, di ảnh ông bà cha mẹ vẫn được đặt những nơi trang trọng để nhan đèn, cúng quải.
Thật đáng tiếc, cùng với những giá trị đạo đức xuống cấp trong thời đại kim tiền hôm nay, đạo hiếu cũng dần dần phai mờ, và đi đến những câu chuyện đau lòng.
Có những đứa trẻ đánh ông bà, có đứa chém cha, chửi mẹ. Không còn là chuyện cá biệt họa hiếm, mà chuyện xảy ra như cơm bữa, có thể đọc thấy tin tức nhan nhãn trên báo chí, Internet, và cả chứng kiến ngay ở ngoài đường phố! Còn đâu nữa thời “cơm cha, áo mẹ, công thầy”, nhiều học sinh mướn cả “xã hội đen” để trừng trị thầy mình vì thầy không làm theo ý mình! Thứ tự do nào đã đưa đẩy một đại bộ phận con em chúng ta hư hỏng đến thế? Nền giáo dục nào đã để lại những lỗ hổng đáng sợ đến thế?
Xã hội hưởng thụ vật chất suy giảm đời sống tinh thần đã đưa đẩy nhiều người cách xa cha mẹ khi tuổi già yếu. Người ta tung tiền ra đủ để nuôi sống các cụ, trong khi các cụ rất cần những giờ phút xum họp ấm áp tình thương.
Đây là câu chuyện “Trông Chờ” có thật từ sổ tay truyền giáo:
Bà tư có ba đứa con, hai cô gái lớn và con trai út. Ông tư mất khi thằng út còn trung học. Hai cô gái lớn lần lượt lập gia đình, bà tư sống với thằng út và quyết tâm cho con ăn học tới nơi tới chốn. Thằng út vượt qua tú tài, vào đại học. Không có ông tư, bà tư xoay sở rất vất vả. Bà bán đồ đạc, ruộng vườn, bà làm tất cả những gì có thể làm được. Bà nhất định cho con thành đạt như lòng con trai cưng của bà mơ ước.
Rồi đứa con trai út của bà tốt nghiệp đại học. Anh lập gia đình với một cô gái con một đại gia giàu có bậc nhất nhì thành phố. Đám cưới tổ chức ở thành phố, vì người ta nói ở quê bất tiện. Mọi sự bên đàn gái lo hết. Sau đám cưới, vợ chồng anh về quê ở chơi với mẹ được ít hôm. Bà tư vui lắm.
Thời gian như thoi đưa. Hạ đi, Thu đến, Đông sang, rồi Xuân về… không có Xuân đoàn tụ. Và nhiều mùa Xuân như thế trôi qua. Bà chỉ nghe tiếng con bà qua điện thoại. Đứa con trai bà nói rất nhớ bà, nhưng công việc làm ăn quá bận rộn, anh hứa khi việc ổn định, sẽ về thăm mẹ ngay khi có thể! “Nó phải lo tương lai sự nghiệp mà, có vợ, rồi còn con cái nữa”, bà nghĩ thế. Bà nhớ con lắm, nhưng rất cảm thông với con. Lòng mẹ mà!
Anh gởi tiền về nhờ người xây cho mẹ ngôi nhà rộng lớn hơn, đầy đủ tiện nghi, tủ lạnh, quạt máy, ti vi… Bà nói với anh qua điện thoại: “Làm chi cho tốn kém, lúc nào rảnh về thăm mẹ được rồi”. Anh trả lời với mẹ: “Con sẽ về!”.
Rồi nhiều năm nữa trôi qua, bà tư bây giờ già yếu. Anh gởi tiền về mướn hẳn một người ở với mẹ để chăm sóc cho mẹ. Nhưng anh quá bận rộn chuyện làm ăn, anh nói thế, - anh vẫn không về!
Một ngày nọ, bà đau nặng. Đứa con trai út của bà lúc ấy đang có chuyến làm ăn lớn ở nước ngoài.
Càng lúc bà tư càng yếu. Trong hơi thở thều thào, bà hỏi mấy đứa con gái đang kề cận bên giường bà: “Thằng út về chưa”. Họ đành phải nói dối: “Đang trên đường về, mẹ ạ!”. Họ quay ra ngoài để dấu những giọt nước mắt.
Một đêm kia, bà chợt mê chợt tỉnh. Khi nghe tiếng động, bà giơ đôi tay yếu ớt ra như muốn ôm lấy ai, bà thều thào: “Thằng út về đó hả con?”.
Đôi lần như thế, rồi bà mất.
Ba ngày sau, thằng con trai út của bà mới về. Quan tài đã đóng kín! (SỔ TAY TÍM)
Ai đi xa, cũng nhớ quê hương. Nhớ về quê hương là nhớ về quê cha đất tổ.
Mái nhà này, con đường này, dòng sông này, khu phố này…
Lũy tre kia, hàng dừa kia, cây cầu kia, bến đò kia…
Tuy người xưa không còn, nhưng bóng dáng họ như vẫn còn lẫn khuất đâu đây, “người chết nối linh thiêng vào đời”(TCS). Họ hiện diện trong từng kỷ niệm thiêng liêng của thời chung sống.
“Đứa con chỉ hiểu được thế nào là tấm lòng cha mẹ, khi chúng làm cha mẹ, nhưng lúc ấy cha mẹ không còn nữa” (Jean Guiton).
Thời gian cha mẹ già còn ở bên ta không còn bao lâu, hãy dành cho các ngài những giờ phút ấm áp mái gia đình, điều mà các ngài đã tạo ra cho chúng ta. Khi các ngài còn bên ta mùa xuân, xuân hạnh phúc chính là xuân được quây quần bên con cháu, xuân đoàn tụ
Người Ki-tô hữu được Chúa Giêsu dạy Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con trên trời…”. Kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ, chúng ta trở về nguồn cội đích thực của đời ta là chính Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giêsu Ki-tô, chúng ta được phép gọi Chúa là Cha, người Cha giàu lòng thương xót, đã cho ta sự sống, và sống dồi dào hạnh phúc. Đó chính là Đạo Hiếu đích thật của người Công Giáo.
Quả vậy, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mạc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. (Lời tiền tụng Mồng Ba Tết)
Hạnh phúc thay chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em nhau. Xin Tạ Ơn Tình Chúa Bao La muôn đời.
MỒNG BA TẾT
THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN
(Mt.25,14-30)
Tin Mừng của Chúa Giêsu Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Bấy giờ, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng của mỗi người. Rồi ông ra đi.
Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn dấu số bạc của chủ.
Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách.
Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây’. Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’
Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây’. Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’
Rồi người được lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!’ Ông chủ đáp: ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý ông phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười nén. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó vào chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.
SUY NIỆM
LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
“Xin cha cho chúng con lương thực hằng ngày…”
Trong Kinh Lạy Cha, sau phần đầu xin cho Danh Cha cả sáng, là phần xin cho sự sống con người: “lương thực hằng ngày”. Nói đến lương thực, trước tiên người ta nghĩ ngay đến “cái ăn” trước đã. “Có thực mới vực được đạo”.
Khi có ai đó cuộc sống kinh tế khá hơn, dân gian thường bảo người đó, hay gia đình đó, lúc này “có ăn”. “Có ăn” được hiểu như đời sống vật chất đã được cải thiện và nhờ đó người ta dễ dàng hướng tới đời sống tâm linh.
Có ý kiến cho rằng khi người ta trở nên giàu có, thì người ta không còn cần đến đời sống tâm linh nữa. Cách suy nghĩ như vậy rất gần – nếu không muốn nói chính là – chủ nghĩa duy vật.
Thực tế cho thấy sự giàu có đưa con người đến chủ nghĩa hưởng thụ. Chủ nghĩa hưởng thụ rất hấp dẫn, nó tạo sức sống và sức mạnh cho đồng tiền. Nhưng hưởng thụ không phải là con đường hạnh phúc. “Người giàu cũng khóc”. Nó cũng giống như ăn thật nhiều món ăn ngon nhưng không có bổ dưỡng; có nhiều của cải nhưng không có báu vật; Bạn bè thật đông nhưng không có tri kỷ. Khi những cuộc vui chóng qua, những nụ cười đã tắt, những của cải vật chất bỏ lại sau lưng, bờ mi người đã khép, bàn tay người đã trắng, thì những gì tom góp để hưởng thụ có “no thỏa” được lòng người không? Hay lòng bất an, hụt hẫng vì không có gì thiêng liêng để lấp đầy khoảng trống vô tận của tâm hồn.
Tần Thủy Hoàng trước khi chết đã gào thét lên: “Ta không thể chết! Ta không thể chết!”. Nhưng tất cả đã hết trong nuối tiếc khôn cùng!
Thế nên, khi người ta đã “có thực” – có ăn – người ta sẽ nhắm đến đích điểm cuối cùng, đó là “vực dậy” cái “đạo”. Ăn để sống và sống để hành đạo. Nếu con người “ăn để sống, và sống để ăn”, con người sẽ đi vào ngõ cụt.
Với người Ki-tô hữu, có lương thực hằng ngày để sống đạo cho tốt, để ca ngợi tôn vinh Chúa và chia sẻ yêu thương đồng loại.
“Lương thực hằng ngày” là tất cả những gì giúp con người sống sao cho ra người. Sống đúng nhân vị mà Chúa đã tạo dựng.
Do đó, trong “lương thực hằng ngày”, có chuyện “miếng cơm manh áo”, có “phương tiện sinh sống”, và trên hết, có “Lời Chúa” nuôi dưỡng.
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt.4,4)
Lương thực hằng ngày chỉ có ý nghĩa khi nó giúp con người sống đúng ý nghĩa đời người, mục đích đời người.
Thánh hóa công ăn việc làm để con người biết xử dụng phương tiện mình sinh sống, nghề nghiệp mình làm, bổn phận và trách nhiệm mình gánh vác một cách thiện hảo.
Và như thế, đồng tiền ta làm ra là đồng tiền lương thiện, miếng ăn ta kiếm được là miếng ăn ngay lành, của cải ta tạo ra là của cải từ chính công sức lao động nghiêm túc của chúng ta.
Tay bưng lấy bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Thánh hóa công ăn việc làm để chúng ta luôn ý thức và nhận ra bản thân mình: chúng ta đang làm gì, để được gì và nhắm mục đích gì.
Nếu chúng ta làm những điều bất chính, tạo ra những của cải bất chính, chúng ta thuộc về thế giới đen tối. Chúng ta mất đi hoàn toàn giá trị nhân phẩm của mình, cuộc đời chẳng còn gì ý nghĩa.
Nếu con người đi theo con đường đó, con người làm cho thế giới ngày một tồi tệ hơn, con người hủy diệt chính mình.
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” (Kinh Lạy Cha).
Cuộc đời không thể có mùa xuân khi con người vì những lợi lộc thấp hèn sa lầy vào những việc làm đen tối.
Những gì con người làm sinh lợi, phải là sinh lợi trong Chân Thiện Mỹ.
“Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St.1,31)
Lạy Chúa,
Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên.
Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Ki-tô giáo,
Để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tinh thần tương thân tương ái,
Và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa.
(Lời nguyện nhập lễ).
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG